LTS: 60 năm trước, mùa xuân Giáp Ngọ 1954 thực dân Pháp huy động 22 tiểu đoàn (trong đó có 4 binh đoàn cơ động GM10, GM100, GM41, GM42 và 2 tiểu đoàn dù) mở chiến dịch At-lăng, chia làm 3 cánh đánh chiếm vùng tự do Phú Yên và bước tiếp theo là vùng tự do Liên khu 5.
Quân dân Phú Yên đã ngoan cường chặn địch, giáng cho địch những đòn sấm sét chia lửa cùng chiến trường chính Điện Biên Phủ. 60 năm trôi qua, bản hùng ca đánh bại chiến dịch At - lăng của quân dân Phú Yên vang vọng mãi cùng năm tháng.
Báo Phú Yên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số bài viết của nhiều tác giả đề cập đến diễn biến ý nghĩa thắng lợi của chiến công đánh bại chiến dịch At-lăng.
Đến năm 1953, cuộc trường chinh kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta bước sang năm thứ 8. Tình hình chiến trường ngày càng phát triển theo hướng có lợi cho ta, không có lợi cho địch. Ta càng đánh càng mạnh, từng bước giành thế chủ động tiến công. Địch càng kéo dài chiến tranh thì càng gặp nhiều khó khăn, càng lún sâu vào thế bị động đối phó.
Tháng 5/1953, với sự thỏa thuận của Mỹ, Chính phủ Pháp cử tướng Navarre làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Sau một thời gian nghiên cứu tình hình chiến trường, kế hoạch Navarre được vạch ra, gồm 2 bước: Bước 1: Trong thu đông 1953 và xuân 1954, giữ thế phòng ngự chiến lược, tránh quyết chiến ở miền Bắc, thực hiện tiến công chiến lược ở miền Nam nhằm chiếm đóng tất cả các vùng tự do còn lại ở miền Nam; nhất là vùng tự do Liên khu 5 và vùng Hậu Giang Nam Bộ. Bước 2: Vào đông xuân 1954-1955, sau khi bình định xong miền Nam và khối lượng chủ lực đã được xây dựng xong, tập trung toàn bộ lực lượng quyết chiến với chủ lực Việt Minh trên chiến trường miền Bắc, giành thắng lợi quyết định.
Triển khai thực hiện kế hoạch Navarre, Pháp tăng viện ngay sang Đông Dương 12 tiểu đoàn quân viễn chinh rút từ Pháp, Bắc Phi và Triều Tiên. Ngụy quân được mở rộng. Viện trợ của Mỹ cho Pháp năm 1953 là 650 triệu đô la, năm 1954 là 1.264 triệu đô la (chiếm 73% chi phí chiến tranh Đông Dương) (1).
Tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta họp bàn về chủ trương tác chiến đông xuân 1953-1954. Theo phương châm chiến lược “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do” (2), Bộ Chính trị nhận định tình hình và quyết định: Trong khi quân địch tập trung lực lượng lớn ở đồng bằng Bắc Bộ, uy hiếp vùng tự do của ta thì ta mở nhiều hướng tiến công về phía tây để phân tán chủ lực cơ động địch, tiêu diệt nhiều sinh lực của chúng, đồng thời đẩy mạnh phong trào đấu tranh ở vùng sau lưng địch. Ban Chấp hành Trung ương Đảng vạch rõ: “Ta phải đẩy mạnh kháng chiến, tiêu diệt cho thật nhiều sinh lực địch hơn nữa thì địch mới chịu nhân nhượng để giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam, tôn trọng quyền tự do, độc lập của dân tộc ta” (3).
Giữa tháng 11/1953, bộ đội chủ lực ta bắt đầu tiến quân theo hướng chiến lược đã lựa chọn: hướng tây. Bị uy hiếp ở chỗ sơ hở nhất, yếu nhất, địch vội vàng đối phó. Ngày 20/11/1953, 6 tiểu đoàn quân Pháp nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ. Tiếp đó, chúng tăng lực lượng ở Trung Lào và Thượng Lào. Điện Biên Phủ là một thung lũng có vị trí chiến lược quan trọng ở tây bắc. Navarre chủ trương xây dựng Điện Biên Phủ thành “pháo đài” mạnh để “chặn đường” tiến quân của Việt Minh sang Thượng Lào, biến nơi đây thành “cái nhọt tụ độc” thu hút và “nghiền nát” chủ lực ta nhằm “đỡ đòn” cho đồng bằng Bắc Bộ mà Navarre đoán là nơi Việt Minh sẽ đánh lớn. Như vậy, ta mới tiến quân, chưa đánh, mà kế hoạch Navarre đã bị đảo lộn. Việc chúng cho xây dựng Điện Biên Phủ thành căn cứ không quân - lục quân mạnh và chấp nhận quyết chiến với ta tại đây là ngoài ý định ban đầu của chúng.
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng họp nghe Tổng quân ủy báo cáo quyết tâm. Sau khi đánh giá phân tích tình hình, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng quân ủy. Chấp hành nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho bộ đội trên các mặt trận nhanh chóng bước vào tiến công địch, đồng thời tăng cường lực lượng lên hướng Điện Biên Phủ. Phương châm chung của ta là: Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt. Nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo tác chiến là: Tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán.
Nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực và phân tán lực lượng cơ động chiến lược của ta, Đại đoàn 316 được lệnh tiến công giải phóng Lai Châu. Ngày 10/12/1953, quân ta tiến công Lai Châu - cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 bắt đầu. Kết quả: ta tiêu diệt và bức hàng 24 đại đội địch, giải phóng toàn bộ khu vực Lai Châu, phá kế hoạch lấy quân từ Lai Châu tăng cường cho Điện Biên Phủ của địch, uy hiếp Điện Biên Phủ từ phía bắc. Ngày 21/12/1953, ta và bạn mở chiến dịch Trung Lào. Tiếp đó là chiến dịch Hạ Lào và đông bắc Campuchia.
Trên chiến trường Liên khu V (4), thực hiện bước 1 của kế hoạch Navarre, địch vạch ra kế hoạch Atlante gồm 3 bước: Bước 1: đánh chiếm Tuy Hòa và toàn tỉnh Phú Yên theo 3 hướng: từ biển vào, Khánh Hòa ra và Đắk Lắk xuống. Bước 2: Sau khi đánh chiếm xong Phú Yên, sẽ tăng lực lượng đánh chiếm Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định theo 3 hướng: Phú Yên ra, An Khê xuống và từ biển vào. Bước 3: Đây là bước quyết định; tập trung toàn bộ lực lượng đánh chiếm tỉnh Quảng Ngãi theo 4 hướng: Quảng Nam vào, Bình Định ra, Kon Tum xuống và từ biển lên, lấy thị xã Quảng Ngãi làm hợp điểm; hoàn thành kế hoạch đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5. De Beaufort - Tư lệnh Quân khu Tây Nguyên - chỉ huy thực hiện bước 1 và bước 2 của cuộc hành quân này.
Tháng 12/1953, Pháp lần lược đưa các binh đoàn cơ động số 10 từ chính quốc sang, Binh đoàn cơ động số 100 từ Nam Triều Tiên sang, Binh đoàn cơ động số 11, Binh đoàn cơ động số 21 từ Bình Trị Thiên vào và Nam Bộ ra. Lực lượng này hợp với Binh đoàn cơ động số 41, Binh đoàn cơ động số 42 và các tiểu đoàn độc lập tại chỗ hình thành nên một lực lượng tập trung gồm 40 tiểu đoàn trên chiến trường Liên khu V.
Từ tháng 9/1953, Liên khu ủy có chủ trương hoạt động trong Đông Xuân 1953-1954: “Nhiệm vụ củng cố, xây dựng căn cứ địa bảo vệ vùng tự do là quan trọng và chính hơn hết” (5). Đến cuối năm 1953, trước những diễn biến mới của tình hình chiến trường, Tổng quân ủy xác định hướng chiến lược của Liên khu 5 và đã được Bộ Chính trị thông qua: “Tích cực và mạnh bạo phát triển vào Tây Nguyên, trước hết là ở phía bắc” (6).
Tây Nguyên - mái nhà của Đông Dương - là địa bàn chiến lược quan trọng không những đối với Liên khu V mà còn đối với Nam Đông Dương. Thực dân Pháp từng tuyên bố: Ai làm chủ được Tây Nguyên sẽ làm chủ Đông Dương. Do địa bàn Tây Nguyên bị địch khống chế nên căn cứ kháng chiến ở miền Tây các tỉnh đồng bằng ven biển của ta không có thế tựa lưng, luôn bị uy hiếp cả 4 mặt. Lực lượng địch ở Tây Nguyên được bố trí thành từng cụm rải theo các trục đường giao thông, khả năng cơ động ứng cứu chậm do địa hình rừng núi hiểm trở, do đó chúng dễ bị ta bao vây, chia cắt. Phương châm của địch là dùng lực lượng chủ lực cơ động lớn quyết chiến với ta ở đồng bằng. Với ta, nhiệm vụ quan trọng bậc nhất lúc này là tiến lên Tây Nguyên phá vỡ thế trận của địch, mở rộng vùng giải phóng; củng cố vùng tự do là nhiệm vụ quan trọng thứ hai.
(Còn nữa)
_________________
(1) Số liệu: Viện LSQS Việt Nam, Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975), NXB QĐND, Hà Nội, 2005, trang 301
(2) Được xác định tại Hội nghị lần thứ IV của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 1/1953
(3) Thông tri số 92/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 27/12/1953. Dẫn theo: Viện LSQS Việt Nam, sđd, trang 306
(4) Liên khu 5 thành lập năm 1948 trên cơ sở hợp nhất Khu 5, Khu 6 và Khu 15, gồm 12 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Viên và Đồng Nai Thượng.
(5) Chỉ thị số 33M/VP/LKU của Đảng bộ Liên khu V về hoạt động đông xuân (1953-1954). Lưu trữ tại: Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông Liên khu V, Hồ sơ số 53.
(6) Báo cáo của Tổng quân ủy trình Bộ Chính trị ngày 27/11/1953 đã được Bộ Chính trị thông qua về tình hình địch ta ở Liên khu V chủ trương chiến lược và kế hoạch công tác quân sự của ta sắp tới. Lưu trữ tại: Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông Liên khu 5, Hồ sơ số 53.
Đại tá NGUYỄN CÔNG TRẠNG
Trưởng phòng KHCN-MT Quân khu 5