Chủ Nhật, 19/05/2024 09:36 SA
Quân dân Phú Yên đánh bại chiến dịch Át-Lăng, chia lửa cùng chiến trường chính Điện Biên Phủ:
Bài 3: Cục diện chiến trường Phú Yên năm 1954 (Tiếp theo và hết)
Thứ Năm, 10/04/2014 09:39 SA

Đợt 3:

 

* Ngày 7/3, Tiểu đoàn 375 tiêu diệt 1 đại đội Âu Phi và 26 xe quân sự tại Bàu Vườn, thôn Phú Hòa, Xuân Sơn, Đồng Xuân.

 

* Ngày 8/3, Tiểu đoàn 375 cùng du kích An Nghiệp đánh địch ở vùng 10, 11 An Nghiệp.

 

* Ngày 10/3, Tiểu đoàn 375 tiêu diệt Tiểu đoàn Ngự Lâm Quân số 1 tại Đồng Tròn, An Lĩnh.

 

Cũng trong ngày 10/3, quân địch ở Sông Cầu tiến lên đèo Cù Mông, địch ở La Hai cũng theo đường số 6 ra Vân Canh, Bình Định.

 

Đại đội 371 Đồng Xuân và du kích Xuân Thọ, Xuân Lộc, Xuân Cảnh, Xuân Thịnh phục kích trên đèo Cù Mông, trong các rừng dừa thuộc Xuân Cảnh diệt hơn 100 tên.

 

* 21/3, Tiểu đoàn 365 phục kích tại Suối Cối (Hòn Ông), Xuân Phước tiêu diệt Tiểu đoàn Ngự Lâm Quân số 2.

 

* 10/4, Tiểu đoàn 375 tập kích địch ở đèo Quán Cau.

 

* 20/4, Tiểu đoàn 365 + Tiểu đoàn 375 tiến công 1 tiểu đoàn địch tại Bàn Nham, Hòa Xuân tiêu diệt hơn 100 tên địch.

 

* 30/4 xóa sổ Tiểu đoàn Ngự Lâm Quân số 6 tại ga Gò Mầm (Hòa Bình), tiêu diệt trên 100 tên, bắt sống hơn 200 tên.

 

* 10/5, tiểu đoàn 365 + 375 đánh đồn Núi Sầm.

 

* 24/5, Tiểu đoàn 375 đánh lui 2 tiểu đoàn địch đi càn ở Hòa Quang, ta bắt sống 15 tên, tiêu diệt 50 tên, thu nhiều vũ khí đạn dược.

 

* 28/5, trận chống càn Quan Quang - Minh Đức, Tiểu đoàn 375 đánh tan trung đoàn ngụy quân tại cầu Minh Đức.

 

* Tháng 6/1954, Trung đoàn 803 tiêu diệt cụm cứ điểm Tuy Bình, Củng Sơn, Hai Riêng. Sau chiến thắng lớn này toàn bộ huyện tây nam Phú Yên và phía đông Mađrắc (Đắk Lắk) được giải phóng. Trung đoàn 803 khẩn trương chuẩn bị phát triển tiến công xuống Tuy Hòa. Trước nguy cơ bị tiêu diệt và để ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn của ngụy quân, tướng Êly mới sang thay Nava làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương chủ trương “thu hẹp phạm vi chiếm đóng có trọng điểm để bảo toàn và tập trung lực lượng”.

 

* Ngày 16/6 địch rút chạy khỏi Sông Cầu.

 

* Ngày 19/6 địch rút chạy khỏi Chí Thạnh.

 

Thừa lúc quân địch từ các nơi vừa chạy về TX Tuy Hòa chưa kịp củng cố công sự, ta chủ trương tập trung toàn bộ lực lượng tiến công đồng loạt vào TX Tuy Hòa.

 

Đêm 21/6 trận tiến công lớn nhất, quyết liệt nhất của quân ta vào các cứ điểm đồn bốt địch ở TX Tuy Hòa và vùng ven. Tiểu đoàn 365, Tiểu đoàn 39 (Trung đoàn 803) đội đặc công tỉnh, đội đặc công Trung đoàn 803, các đại đội trợ chiến trung đoàn cùng Tiểu đoàn 375, Đại đội 377 địa phương đồng loạt tiến công địch.

 

- Tại khu vực Màng Màng, khu vực núi Hùng, Tiểu đoàn 375 đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn địch, phá hủy 100 xe quân sự.

 

- Tại trung tâm thị xã, đội đặc công tỉnh và đặc công khu tiêu diệt gần hết Tiểu đoàn khinh quân 717, đánh vào các kho xăng trong thị xã.

 

- 25/6, Trung đoàn 803 chặn đánh 1 đoàn xe chở vũ khí của địch trên đèo Cả, bắn cháy hơn 79 xe.

 

Phối hợp với chiến trường đồng bằng ngày 24/6 Trung đoàn 96 của Liên khu 5 (mới thành lập) đã xóa sổ Binh đoàn 100 khét tiếng của thực dân Pháp trên đường 19, giết và làm bị thương 700 lính Âu Phi, bắt sống 1.200 tên, trong đó có tên đại tá Baru cùng toàn bộ Bộ Tham mưu, thu 229 xe cơ giới.

 

Thừa thắng, quân ta siết chặt vòng vây quân địch trong TX Tuy Hòa và khẩn trương chuẩn bị cho trận tiến công, tiêu diệt toàn bộ quân địch trong thị xã, giải phóng hoàn toàn Phú Yên. Đang lúc mọi công tác chuẩn bị sắp hoàn thành thì ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Lệnh ngừng bắn được các đơn vị chấp hành nghiêm chỉnh.

 

Kết luận: Trong Đông Xuân 1953-1954, quân dân Phú Yên nói riêng, quân dân Liên khu 5 nói chung đã góp phần đập tan kế hoạch Nava, đập tan sự cố gắng chiến tranh cao nhất và là cố gắng cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhằm giành thế mạnh về quân sự và xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Đông Dương.

 

Trong 2 tháng đầu, mặc dù không có bộ đội chủ lực trong tỉnh nhưng quân dân Phú Yên với truyền thống tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, ta đã tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch không cho chúng mở rộng phạm vi kiểm soát. Các đại đội địa phương, dân quân du kích có nhiều sáng tạo mưu trí linh hoạt trong đánh địch.

 

Nét nổi bật trong chiến tranh nhân dân ở Phú Yên là phong trào toàn dân tham gia bố phòng, toàn dân đánh giặc. Chính hầm chông cạm bẫy, vũ khí thô sơ, mìn, lựu đạn do nhân dân tham gia chế tạo cùng du kích bố trí đã góp phần tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, đã giam chân 1/4 các binh đoàn cơ động của địch (Binh đoàn 10), không cho chúng tự do lùng sục đánh phá. Nhờ giữ vững được vùng tự do nên khi các tiểu đoàn, trung đoàn chủ lực vào có thể triển khai lực lượng chiến đấu thuận lợi, giáng những đòn bất ngờ, diệt gọn từng tiểu đoàn địch, làm chúng choáng váng, sa sút tinh thần chiến đấu nhanh. Những chiến thắng to lớn của quân và dân Phú Yên góp phần làm suy yếu, phân tán lực lượng của địch trên chiến trường Liên khu 5, cùng cả nước kìm giữ địch, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ thuận lợi cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, buộc địch phải ký kết Hiệp định Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

 

Để kỷ niệm ngày chiến thắng Át-lăng, chúng tôi xin đề xuất 2 phương án.

 

1. Lấy ngày 1/4/1954: Trên phạm vi toàn cục, kế hoạch chiến lược Át-lăng của Bộ Chỉ huy Pháp về cơ bản đã bị thất bại sau khi Nava cố gắng thực hiện bước 2 của chiến dịch: đánh chiếm Quy Nhơn, Bồng Sơn ngày 12/3/1954. Chưa kịp thưởng thức mùi vị của “chiến tích mới” thì ngày 13/3/1954 ta tấn công Điện Biên Phủ, Nava buộc phải ra lệnh: đình chỉ hẳn cuộc hành binh ở duyên hải miền Trung, “thu quân đợi lệnh”. Tiếng súng tiến công sáng 13/3/1954 vào cứ điểm Him Lam là nhát búa cuối cùng đập tan ảo vọng của Nava đối với mảnh đất Nam-Ngãi-Bình-Phú. Báo Thế Giới (Le Monde) – tờ báo của giới tư bản Pháp số ra ngày 2/4/1954 chua xót thú nhận: “Át-lăng đã bị phá sản hoàn toàn” (*).

 

Do đó, kể từ tháng 4 khi địch đã thừa nhận thất bại, ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định chiến thắng của ta. Mặt khác, ngày 1/4 cũng là ngày lễ lớn, giải phóng Phú Yên nên rất thuận tiện cho việc tổ chức lễ kỷ niệm (tuyên bố luôn 2 ý nghĩa lớn).

 

2. Lấy ngày 16/6, ngày tướng Êly cho quân rút bỏ các cứ điểm đóng ở Phú Yên, co cụm phòng ngự để bảo toàn lực lượng. Thực tế sau khi địch rút khỏi Sông Cầu, ta truy kích, địch rút chạy khỏi Chí Thạnh và khi ta chuẩn bị tổng công kích giải phóng toàn tỉnh thì có Hiệp định Giơnevơ nên phải đình chiến.

 

Do đó, ngày 16/6 địch chủ trương co cụm phòng ngự cũng là ngày mà cục diện chiến trường hoàn toàn nghiêng hẳn về phía ta. Tất nhiên nếu không có hiệp định đình chiến, lực lượng ta đã áp đảo sẽ dễ dàng tiêu diệt địch đang hoang mang dao động cực độ. Nếu lấy ngày hiệp định đình chiến ký kết (20/7/1954) làm ngày kỷ niệm chiến thắng sẽ không phản ảnh đầy đủ cục diện chiến trường Phú Yên trong chiến dịch Át-lăng.

 

Cũng có ý kiến đề nghị lấy ngày 18/2/1954 làm ngày kỷ niệm chiến thắng, theo chúng tôi cũng chưa thỏa đáng. Bởi ngày này, Nava chủ trương tạm đình chỉ chiến dịch Át-lăng ở đồng bằng để điều một phần quân cho Tây Nguyên đang bị đe dọa nghiêm trọng chứ không phải là do thất bại ở chiến trường Phú Yên. Lực lượng của địch vẫn còn rất mạnh, đến ngày 21/2 thì quân Pháp đã tạm chiếm xong toàn tỉnh Phú Yên. Nên không thể cho rằng địch đã thất bại rồi sau đó đánh chiếm được toàn tỉnh.

 

(*) Dẫn theo “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, Ký sự, Nhà XB QĐND, Hà Nội 1975, trang 433

 

Đại tá ĐẶNG PHI THƯỞNG

Nguyên ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,

Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek