1- DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH AN NINH TRẬT TỰ TRƯỚC KHI CHIẾN DỊCH ÁT-LĂNG NỔ RA Ở PHÚ YÊN. SỰ THAM MƯU CHO ĐẢNG, CHÍNH QUYỀN VỀ SỰ ĐỐI PHÓ CỦA CÔNG AN PHÚ YÊN
Để phục vụ cho âm mưu phá hoại sâu vào hậu phương của ta về chính trị, quân sự, kinh tế, an ninh, tạo tiền đề đánh phá tiếp theo của địch, tháng 5/1953, thực dân Pháp thành lập “đội biệt kích hỗn hợp” nhảy dù (GCMA) trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân đội Pháp ở Đông Dương, có các cơ quan đại diện địa phương ở Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, Lào, Campuchia. Ở Trung Bộ, chúng xây dựng căn cứ Lao Ré, Sơn Trà (Đà Nẵng), căn cứ Kon Tum để đánh vào vùng tự do Liên khu 5 và Tây Nguyên.
- Giữa năm 1953, địch liên tiếp thả các toán gián điệp biệt kích (GCMA) vào vùng tự do Phú Yên để thu thập thông tin tin tức tình báo, bắt cóc, thủ tiêu cán bộ, phá hoại sản xuất, tìm kiếm, phát hiện cơ quan, công binh xưởng, kho tàng, hành lang vận tải đi các chiến trường, nơi đóng quân của bộ đội chủ lực để chỉ điểm cho máy bay oanh tạc, chuẩn bị dọn đường cho bộ binh địch đánh vào vùng tự do Liên khu 5.
- Một số phần tử phản động trong các tôn giáo, đảng phái phản động tung tin đồn nhảm, thả tờ rơi, sấm trạng, hò vè hù dọa, tuyên truyền chiến tranh tâm lý, hòng lung lạc tinh thần, tư tưởng của nhân dân vùng tự do, lôi kéo họ vào vùng địch, gây mất ổn định việc làm ăn của nhân dân ta.
- Bọn lưu manh, côn đồ, trộm cắp lợi dụng chủ trương tiêu thổ kháng chiến, di dời, giấu cất kho tàng, tài sản của Nhà nước, của nhân dân tản cư, lánh về nơi không có địch, “đục nước béo cò” chúng cướp giật, trộm cắp, gây hoang mang cho nhân dân, không dám lánh cư tránh địch.
- Trước tình hình đó, Công an Phú Yên đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh ra nhiều chủ trương, chỉ thị cho các ngành, các cấp phối hợp cùng với công an mở hội nghị ngay tận cơ sở để giáo dục cho nhân dân, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ thấy hết âm mưu, thủ đoạn thâm độc của địch, huy động sức mạnh toàn dân, toàn quân chống địch thả biệt kích nhảy dù ban đêm vào vùng tự do bằng cách dùng cọc tre vót nhọn cắm các bãi đất bằng ven núi hẻo lánh như Phước Lãnh, Phước Tân, Kỳ Lộ, Sơn Hội, Nhiễu Giang, Sơn Thành, Hòa Thịnh, Hòa Mỹ, Hòa Tân, Hòa Xuân để chống biệt kích nhảy dù ban đêm. Công an đã phối hợp với bộ đội, ngành giao thông liên lạc, mậu dịch, tổ chức bảo vệ an toàn hành lang vận chuyển quân, vận chuyển lương thực, vũ khí đạn dược từ Phú Yên đi Tây Nguyên. Đồng thời, bố trí lực lượng trinh sát bám ở những vùng trọng điểm, vùng xung yếu, điều tra nắm tình hình, kịp thời phát hiện các hoạt động xâm nhập của địch.
- Phát hiện máy bay địch thả dù biệt kích hoặc khi thấy có biệt kích xâm nhập bằng đường biển, đường bộ, đường núi, lực lượng công an đã kịp thời báo tin, báo động cho nhân dân, bộ đội, dân quân bao vây truy lùng, tiêu diệt hay bắt sống. Cuối năm 1953, lực lượng công an, bộ đội, nhân dân đã phát hiện, bao vây, bắt gọn một toán biệt kích do tên Ngọc chỉ huy nhảy dù ban đêm xuống đồng Chay xã Xuân Phước (Đồng Xuân); đánh bại 11 cuộc đổ bộ của địch ban đêm xuống vùng biển Tuy An, Sông Cầu, tiêu diệt 156 tên, bị thương 175 tên khác, bảo vệ an toàn vùng tự do ven biển Phú Yên.
- Tháng 12/1953, Hội nghị Liên khu ủy và Đảng ủy Quân khu đã quyết định phương án đánh địch ở Tây Nguyên cho bộ đội chủ lực và giao nhiệm vụ đánh địch, kìm chân địch ở vùng tự do đồng bằng, cho các địa phương Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Lắk và tham gia phục vụ chiến trường Tây Nguyên.
- Ngày 11/1/1954, tỉnh Phú Yên họp hội nghị dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Vụ, Bí thư Tỉnh ủy để quán triệt Nghị quyết Liên khu ủy và Đảng ủy Quân khu 5 thông qua kế hoạch, phương châm, phương thức tác chiến của lực lượng địa phương và nhiệm vụ của từng ngành, từng địa phương.
Từ ngay Hội nghị Tỉnh ủy ngày 11/1/1954, lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp rà soát, bổ sung kế hoạch, đặc biệt là chú ý công tác tư tưởng trong cán bộ, nhân dân, tất cả đều nỗ lực chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới, bố trí lại công tác cho một số cán bộ nhằm tăng cường cán bộ cho cấp huyện và các xã trọng điểm, địch có thể đánh chiếm trước. Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh giao nhiệm vụ cho ngành Công an như sau:
- Tham gia việc khảo sát, huy động nhân lực và bảo vệ cho các địa điểm dân công, cán bộ, bộ đội, phá hoại đường giao thông, cầu cống, trục quốc lộ 1 và Liên tỉnh lộ 5, Tỉnh lộ 6, Tỉnh lộ 7 một cách tích cực.
- Bảo đảm an toàn, trật tự tuyệt đối khu vực tiêu thổ kháng chiến ở thị xã và hướng dẫn nhân dân thị xã tản cư, lánh cư về nông thôn an toàn, sớm ổn định chỗ ăn, chỗ ở cho dân, bảo vệ tài sản không thất thoát.
- Khảo sát địa điểm và cùng với chính quyền hướng dẫn nhân dân, đơn vị di dời tài sản, trâu bò, chuẩn bị thực hiện “vườn không nhà trống” khi địch đến, chuẩn bị kế hoạch phục vụ cho chiến trường Tây Nguyên về hành lang nơi tập kết dân công của mỗi trạm.
- Chọn địa điểm hướng dẫn, bảo vệ hành lang, di dời 2.500 tấn lúa và 200 tấn gạo, hàng triệu hàng hóa các kho mậu dịch từ Tuy Hòa 1 sang khu vực núi Tuy Hòa 2 (Suối Muồn, Suối Cái phía đông Vân Hòa) để cất giấu, vừa bí mật vừa an toàn.
- Cùng với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh khảo sát, dự kiến chuẩn bị cho cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, các bộ phận phía sau của tỉnh ở phía bắc Đồng Xuân như Đồng Xe, Suối Cối, Kỳ Lộ, Đồng Hội (Xuân Quang), Đá Mài; bộ phận chỉ đạo gọn nhẹ của tỉnh vẫn đặt phía nam Tuy Hòa 2 như tây Hòa Kiến, Hòa Quang, Hòa Định.
- Chuẩn bị di dời bệnh viện dân y, quân y, quân giới lên hướng Ma Choi, Thồ Lồ, Đá Mài.
- Di dời ngay Trại giam, trại cải tạo An Xuân 400 tù nhân về phía Phước Tân, Đá Mài và có địa điểm dự bị ở Thồ Lồ. Đặc biệt số phạm nhân quan trọng giao cho một bộ phận tổ chức giam giữ riêng thật cẩn mật, đề phòng địch đánh giải thoát.
2. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU, CẤP BÁCH CỦA CÔNG AN PHÚ YÊNPHẢI HOÀNTHÀNH TRƯỚC NGÀY ĐỊCH ĐỔ BỘ TẤN CÔNG ĐẾN PHÚ YÊN
Tỉnh ủy Phú Yên họp ngày 1/1/1954, nhằm quán triệt Nghị quyết của Liên khu ủy 5 và Đảng ủy quân khu về nhiệm vụ đánh địch, bảo vệ vùng tự do Liên khu 5, khẩn trương xây dựng lực lượng, xây dựng làng chiến đấu, đánh địch càn quét, bảo vệ vùng tự do, tích cực phục vụ chiến trường. Chủ động bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân, sẵn sàng thực hiện khẩu hiệu “vườn không nhà trống”, tản cư đánh địch.
Nhiệm vụ của Công an Phú Yên là chủ động đánh địch, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, của cách mạng, không cho địch lập tổ chức tề ngụy, quét sạch bọn tay chân lưu manh, côn đồ, trong sạch địa bàn, bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ quan, kho tàng, vùng căn cứ cách mạng. Tổ chức lại đội công an biệt động để khi địch đánh chiếm lâu dài, lập bộ máy tề ngụy các cấp, ta tổ chức diệt phá ngay từ trong trứng nước, không để chúng cấu kết. (Còn nữa)
NGUYỄN DUY LUÂN
Nguyên cán bộ Công an Phú Yên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên thời kỳ kháng chiến chống Mỹ