Thứ Năm, 21/11/2024 13:21 CH
Vài nét về Báo Phú Yên
Thứ Sáu, 16/12/2005 10:49 SA

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đọc Báo Phú Yên.

Báo Phú Yên là Cơ quan của Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Phú Yên, tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên, do Tỉnh ủy Phú Yên chủ quản.

 

LƯỢC SỬ BÁO PHÚ YÊN

 

Ngày 19-8-1946, được sự chỉ đạo Tỉnh ủy Phú Yên, Báo Phú Yên xuất bản số đầu tiên với tên gọi là: Báo Chiến Thắng do nhà giáo Bùi Xuân Các, Trưởng ty Thông tin tuyên truyền, làm Chủ nhiệm. Báo ra 4 trang khổ 40 cm X 30 cm, xuất bản 1 kỳ/tuần.

 

Cuối năm 1947,  Báo Chiến Thắng đổi tên thành Báo Cứu Quốc khu VI, là cơ quan ngôn luận của hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, do nhà thơ Trần Mai Ninh phụ trách.

 

Sau một thời gian, Báo Cứu Quốc khu VI được tách ra thành 2 tờ riêng cho 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Ở Phú Yên, tờ báo có tên là Phấn Đấu, do nhà thơ Trần Mai Ninh phụ trách.

 

Một số tờ báo tiền thân của Báo Phú Yên.

 

Giai đoạn 1951-1954, Báo Phấn Đấu đổi tên thành Sức Mới, mỗi tháng xuất bản 2 kỳ, do hai đồng chí Đặng Hướng và Nguyễn Chính phụ trách.

 

Năm 1956, báo có tên mới là Đoàn Kết, do Phó Bí thư Tỉnh uỷ Trần Suyền phụ trách, đồng chí Đinh Từ (Tám Tuyến) làm chủ bút.

 

Tháng 10-1960 đến tháng 7-1967, Báo Đoàn Kết đổi tên thành Giải Phóng, đồng chí Lương Thúc Mậu, Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ, phụ trách.

 

Nhà giáo Bùi Xuân Các, vị Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Phú Yên.

Từ 7-1967 đến 1972, Báo Giải Phóng do Quyền trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Cao Văn Hoạch phụ trách.

 

Từ 7-1972 đến 1-4-1975, Báo Giải Phóng do đồng chí Nguyễn Duy Luân, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy phụ trách (1972); đồng chí Phạm Hồng Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phụ trách (1973); đồng chí Nguyễn Phùng, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trực tiếp quản lý và chỉ dạo tòa soạn.

 

Từ tháng 4-1975 đến tháng 11-1975, Báo Phú Yên Giải Phóng do đồng chí Nguyễn Phùng phụ trách.

 

Tháng 12-1975, tỉnh Phú Yên sát nhập với tỉnh Khánh Hòa, Báo Phú Yên Giải Phóng và Báo Khánh Hòa Giải Phóng cũng sát nhập lại, lấy tên là Báo Phú Khánh. Đồng chí Nguyễn Chính, Tỉnh ủy viên, Trưởng ty Văn hóa – Thông tin phụ trách ban đầu và sau đó, Tỉnh ủy Phú Khánh bổ nhiệm đồng chí Trần Chi làm Tổng Biên tập.

 

Năm 1978, đồng chí Trần Chi được phân công làm Giám đốc Đài truyền hình Nha Trang, đồng chí Cung Giũ Phú được cử làm Tổng Biên tập.

 

Năm 1982, đồng chí Cung Giũ Phú được Tỉnh ủy phân công làm Trưởng ty Văn hóa và thông tin, đồng chí Nguyễn Ngọc được Tỉnh ủy phân công làm Tổng Biên tập.

 

Tháng 10-1986, đồng chí Tô Phương được Tỉnh ủy cử làm quyền Tổng Biên tập (1986 – 1987) và sau đó được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập (cuối năm 1987 đến tháng 6-1989).

 

Ngày 1-7-1989, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị TW Đảng và Nghị quyết của Quốc hội nước CHXHCNVN, tỉnh Phú Khánh được chia thành 2 tỉnh: Phú Yên và Khánh Hòa. Báo Phú Khánh lại tách ra thành Báo Phú Yên và Báo Khánh Hòa. Đánh dấu sự tái lập tỉnh nhà và Tòa soạn báo, Báo Phú Yên đã xuất bản đặc san ngày 1-7-1989, và ra số đầu tiên vào ngày 4-7-1989. Từ đó, mỗi tuần báo phát hành hai kỳ, khổ lớn như Báo Nhân Dân, số lượng phát hành trong thời gian đầu trên 5.000 tờ/kỳ, sau đó giảm dần xấp xỉ 2.000 tơ/kỳ. Nhà văn Tô Phương làm Tổng Biên tập báo cho đến tháng 5-1998 thì nghỉ hưu.

 

Tháng 6-1998, đồng chí Phạm Ngọc Phi, bút danh Khánh Hoàng, được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập cho đến nay.

 

Là con đẻ của một tỉnh nghèo, Báo Phú Yên gặp rất nhiều khó khăn về mặt đầu tư trang thiết bị, nhuận bút và nhân lực, nhưng tòa soạn đã có nhiều nỗ lực xây dựng và phát triển tờ báo Đảng bộ địa phương: Tháng 7-1994, Tòa soạn xuất bản thêm ấn phẩm Phú Yên cuối tháng, khổ 19cm X 27cm với 36 trang kể cả 4 trang bìa màu, ra vào cuối mỗi tháng. Từ đầu năm 1998, báo xuất bản thêm ấn phẩm Phú Yên Chủ Nhật (nay là Phú Yên cuối tuần) khổ 30cm X 42cm. Từ tháng 8-2001, Tòa soạn xuất bản thêm một kỳ báo thời sự, nâng kỳ phát hành lên 4 kỳ/tuần, mỗi kỳ báo phát hành từ 3.900 – 4.200 tờ, gồm các ấn phẩm: Phú Yên thời sự (thứ hai, thứ tư, thứ sáu) và Phú Yên cuối tuần; hàng tháng vẫn duy trì Phú Yên cuối tháng. Đến 1-4-2005, Báo Phú Yên thực hiện một đợt cải tiến lớn cả nội dung và hình thức: Báo vẫn xuất bản 4 kỳ tuần, với khổ báo 30cm x42cm cho các ấn phẩm thời sự và cuối tuần, quy mô 12 trang, in hai màu; riêng Phú Yên cuối tháng vẫn giữ 36 trang, in bốn màu.

 

Ngày 11-1-2006, Tòa soạn chính thức xuất bản một sản phẩm mới, hiện đại là Phú Yên điện tử, được thực hiện theo hình thức trực tuyến, ở địa chỉ www.baophuyen.com.vn

 

KHEN THƯỞNG

 

Trong suốt quá trình hoạt động và phát triển, Báo Phú Yên đã nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen... ghi nhận nỗ lực và thành tích của Tòa soạn. Trong đó, đáng kể nhất là những danh hiệu cao quý sau đây:

 

- Huân chương Độc lập hạng ba (2006) 

- Huân chương Lao động hạng nhất (1998)

- Bằng khen Thủ tướng Chính phủ (1996 và 2004)

- Nhiều bằng khen của UBND tỉnh và các bộ, ngành TW.

- Các phóng viên, BTV của báo luôn giành giải cao ở Giải thưởng hàng năm của Hội Nhà báo Phú Yên.

 

TỔ CHỨC BÁO PHÚ YÊN

 

Báo Phú Yên hiện có 49 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên. Trong đó trình độ thạc sĩ: 1 người, đại học: 36 người (13 người là Cử nhân Báo chí), cao đẳng: 1, trung cấp: 6.

 

Ban Biên tập: Phạm Ngọc Phi – Tổng biên tập, Nguyễn Văn Minh – Phó Tổng biên tập, Nguyễn Ngọc Hiểu - Phó Tổng biên tập.

 

Tòa soạn có 6 phòng chuyên môn: Phòng Phóng viên Kinh tế, Phòng Phóng viên Chính trị – Văn xã, Phòng Thư ký – Biên tập, Phòng Kỹ thuật xuất bản, Phòng Bạn đọc và Phòng Hành chính – Tổ chức.

 

CÔNG TÁC XÃ HỘI

 

Một mạnh thường quân trao tượng trưng cho Tổng Biên tập Phạm Ngọc Phi (trái) số tiền ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại buổi giao lưu gây quỹ "Cùng mọt nỗi đau - cùng một tấm lòng".

 

Song song với nhiệm vụ chuyên môn, Tòa soạn Báo Phú Yên cũng đã tham gia vào nhiều hoạt động xã hội. Bên cạnh việc phối hợp với Báo Tuổi Trẻ, các báo Trung ương và TP Hồ Chí Minh kịp thời tổ chức phân phối hàng vạn suất hàng cứu trợ đồng bào vùng thiên tai, bão lũ Phú Yên, Tòa soạn còn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa khác:

 

XÂY PHÒNG HỌC CHO CÁC XÃ NGHÈO

 

Cùng với sự tiếp sức của bạn đọc Báo Tuổi Trẻ, Báo Phú Yên đã vận động các Mạnh Thường Quân hỗ trợ xây dựng 11 phòng học cho học sinh cấp 1-2 ở các xã Cà Lúi, Phước Tân (huyện miền núi Sơn Hòa), Hòa Tâm (huyện Đông Hòa) và Xuân Thọ 1 (huyện Sông Cầu). Hỗ trợ xây dựng 1 thư viện cho trường Tiểu học Sơn Hà (Sơn Hòa). Đồng thời đã cấp nhiều học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó; trao tặng 300 suất quà Tết cho trẻ em nghèo...

 

GIÚP NGƯỜI NGHÈO XÓA NHÀ Ở TẠM

 

Báo Phú Yên trao nhà tỉnh nghĩa cho một hộ nghèo ở Sông Hinh.

Trong năm 2004, thông qua sự đóng góp của các nhà hảo tâm, Tòa soạn đã hỗ trợ và huy động cộng đồng xóa nhà ở tạm cho 13 hộ nghèo trong tỉnh với số tiền 66,5 triệu đồng.

 

Trong năm 2005, Tòa soạn cũng đã huy động được 100 triệu đồng từ sự ủng hộ của các cá nhân, đơn vị trong nước để giúp các hộ nghèo trong tỉnh xóa nhà ở tạm.

 

TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU “CÙNG MỘT NỖI ĐAU – CÙNG MỘT TẤM LÒNG”

 

Chương trình được tổ chức vào ngày 5-1-2005 nhằm gây quỹ giúp nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh. Kết quả đã nhận được sự ủng hộ của toàn cộng đồng hơn 180 triệu đồng chuyển cho Hội Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh. Ngoài ra, Tòa soạn còn vận động Báo Tuổi Trẻ, Công ty Gạch Mỹ Đức – Vũng Tàu hỗ trợ 200 triệu đồng cho 22 hộ nạn nhân chất độc da cam nuôi bò.

 

 

GIẢI VIỆT DÃ BÁO PHÚ YÊN

 

Tổ chức lần đầu tiên vào ngày 3-10-1993 nhân dịp Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1-10. Ngay ở lần tổ chức thứ hai, giải được đề xuất tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6) hàng năm. Giải việt dã Báo Phú Yên nhanh chóng trở thành một giải thể thao phong trào có sức hấp dẫn lớn đối với hàng trăm VĐV chuyên nghiệp và nghiệp dư trong, ngoài tỉnh. Mỗi lần giải diễn ra, cả TP Tuy Hòa sôi động với lực lượng cổ động viên đổ ra đường dự khán, khuyến khích, cổ vũ các VĐV.

 

Quy mô và chất lượng của giải không ngừng nâng cao: Từ 84 VĐV dự giải đầu tiên, ngay những lần giải sau đó, số lượng VĐV tăng lên 150, rồi 200 và hiện dao động ở mức 200 – 250 VĐV tham gia. Bốn kỳ tổ chức đầu tiên, giải chỉ dành cho các VĐV phong trào; đến lần giải thứ V, tổ chức thêm hệ nâng cao dành cho VĐV đội tuyển các huyện và đến lần giải thứ IX, Ban Tổ chức quyết định nâng tầm Giải việt dã Báo Phú Yên thành giải thể thao cho các VĐV chuyên nghiệp hệ đội tuyển các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Mùa giải lần thứ XIII (2005), lộ trình đường chạy hệ đội tuyển được nâng cao hơn với nam 10km (trước đây là 7km), nữ 4km (trước đây là 3km) nhằm tạo điều kiện cọ xát, thử tài cho các VĐV chuyên nghiệp tiến gần hơn đến các cự ly của bán marathon và marathon. Ngoài ra, giải cũng có nội dung dành cho các nhà báo với cự ly 2km, lần đầu vào năm 2001 dành cho các nhà báo trong tỉnh và lần kế tiếp năm 2005 dành cho các nhà báo trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

 

Giải Việt dã Báo Phú Yên lần thứ I, tổ chức nhân ngày Quốc tế người cao tuổi (1-10) năm 1993.

 

Đến nay, Giải việt dã Báo Phú Yên là giải có quy mô và chất lượng được đánh giá cao chỉ sau giải việt dã toàn quốc của Báo Tiền Phong.

 

Dưới đây là sơ lược các kỳ giải đã được tổ chức:

 

LẦN THỨ NHẤT

 

Giải diễn ra vào ngày 3-10-1993 với sự tham dự của 84VĐV thuộc 14 đơn vị. Đây là lần tổ chức duy nhất gắn với Ngày quốc tế Người cao tuổi (1-10).

 

Ấn tượng: Giải diễn ra trong mưa kéo dài, kết thúc giải TX Tuy Hòa ngập lụt. Đó là một trong những trận lụt lớn nhất của Phú Yên trong thế kỷ XX.

 

LẦN THỨ HAI

 

Giải diễn ra vào ngày 12-6-1994 với sự tham dự của 110 VĐV thuộc 11 đơn vị. Lần đầu tiên Chi đoàn Báo Phú Yên tham dự giải.

 

Ấn tượng: Đây là giải được cổ động rầm rộ nhất với xe cổ động và gần 30 khẩu hiệu, áp phích do Chi đoàn Báo Phú Yên thực hiện. Đây cũng là giải có nhiều đơn vị tài trợ: 32 đơn vị, 1/3 trong số đó là các doanh nghiệp đến từ TP Hồ Chí Minh.

 

LẦN THỨ BA

 

Giải diễn ra vào ngày 15-6-1995 với sự tham dự của 150 VĐV thuộc 13 đơn vị. Đây là giải có nhiều lãnh đạo các huyện trực tiếp đưa các đoàn vận động viên của mình về tham dự.

 

Ấn tượng: Có gần 400 học sinh phổ thông tham gia dự lễ khai mạc và chạy mở màn.

 

LẦN THỨ TƯ

 

Giải diễn ra vào ngày 23-6-1996 thu hút sự tham gia của 139VĐV thuộc 13 đơn vị. Ngoài ý nghĩa kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, giải là một hoạt động của tỉnh chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII.

 

Ấn tượng: Quyết liệt ở cự ly 3km nữ với sự lên ngôi của Lý Minh Long (TX Tuy Hòa), VĐV mà 3 năm sau đó đã đoạt HCĐ tại giải thể thao sinh viên – học sinh ASEAN được tổ chức ở Singapore.

 

LẦN THỨ NĂM

 

Giải diễn ra vào ngày 22-6-1997 với sự tham dự của 150 VĐV thuộc 14 đơn vị. Đây là lần đầu trước khi dự giải, các huyện – thị xã đã tổ chức giải việt dã ở đơn vị mình để tuyển chọn đội tuyển dự hệ nâng cao.

 

Ấn tượng: Các VĐV ở các huyện miền núi đạt thành tích cao, trong đó huyện Sông Hinh đoạt giải ba toàn đoàn.

 

LẦN THỨ SÁU

 

Giải diễn ra đúng vào ngày 21-6-1998 với sự tham dự của 130VĐV đến từ 13 đơn vị. Đây cũng là thời điểm World Cup 1998 đang vào hồi quyết liệt.

 

Ấn tượng: Đây là giải các đơn vị thi đấu có cổ động viên mang theo nhiều cờ nhất. SVĐ Tuy Hòa rợp màu cờ đỏ trong lễ khai mạc.

 

LẦN THỨ BẢY

 

Giải diễn ra ngày 20-6-1999 với sự tham dự của 200VĐV của 17 đơn vị. Đây là hoạt động tưng bừng nhất chào mừng 10 năm tỉnh Phú Yên xây dựng và trưởng thành.

 

Ấn tượng: Màn đồng diễn thể dục đẹp mắt của 200 học sinh trường THCS Hùng Vương trong lễ khai mạc.

 

LẦN THỨ TÁM

 

Giải diễn ra vào ngày 18-6-2000 với sự tham dự của 80 VĐV thuộc 10 đơn vị. UBND tỉnh lấy lễ khai mạc giải tổ chức lễ phát động phong trào “Toàn dân tập thể dục theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

 

Các đồng chí lãnh đạo và các sở ban ngành chạy hưởng ứng giải VD BPY lần thứ VIII (năm 2003).

 

Ấn tượng: Màn chạy hưởng ứng của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành.

 

LẦN THỨ CHÍN

 

Giải diễn ra ngày 17-6-2001 với 200 VĐV của 21 đoàn. Kể từ đây, Giải việt dã Báo Phú Yên được nâng lên tầm khu vực với sự tham dự của các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, bắt đầu là 6 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận. Kể từ đây, giải có tên là Giải việt dã Báo Phú Yên (mở rộng).

 

Ấn tượng: Lần đầu tổ chức cự ly cho các nhà báo tham gia. Chi hội Nhà báo Phú Yên đoạt nhất đồng đội nam và nữ. Ở cự ly nam, ba VĐV về đích đầu tiên đều thuộc về Báo Phú Yên.

 

LẦN THỨ MƯỜI

 

Diễn ra ngày 16-6-2002 với sự tham dự của 300 VĐV đến từ 9 tỉnh trong khu vực và 18 đơn vị huyện thị, ban ngành trong tỉnh. Đây là giải có lượng VĐV tham gia đông đảo nhất.

 

Ấn tượng: Vì đây là giải thi đấu cuối cùng của Đại hội TDTT tỉnh Phú Yên lần thứ III nên cuộc cạnh tranh của các VĐV trong tỉnh trở nên cực kỳ sôi động và quyết liệt.

 

LẦN THỨ MƯỜI MỘT

 

Được tổ chức ngày 22-6-2003 với gần 300 VĐV của 8 đội tuyển các tỉnh và 17 đơn vị ở Phú Yên. Khánh Hòa sau khi giành được giải nhất toàn đoàn ở kỳ trước đã mang “tổng lực” đến dự giải này để bảo vệ ngôi vô địch.

 

Ấn tượng: Lần đầu tiên đội tuyển Phú Yên lọt vào tốp 3 hệ đội tuyển sau 3 lần giải mở rộng. Tuy không giành được huy chương cá nhân nào, nhưng nhờ các VĐV nữ về đích ở các vị thứ 5, 7 và 12 nên đội được nhận giải toàn đoàn. Ngoài ra, một ấn tượng khác là cả hai VĐV Nguyễn Đăng Đức Bảo (Khánh Hòa) và Nguyễn Văn Đài (Tuy An) đều lần thứ ba liên tiếp về nhất ở cự ly 7km hệ đội tuyển và hệ nâng cao nam trong tỉnh.

 

LẦN THỨ MƯỜI HAI

 

Diễn ra ngày 20-6-2004, khoảng 250VĐV từ 8 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và 12 đoàn từ các huyện, thị trong tỉnh tranh tài.

 

Các VĐV hệ đội tuyển tham gia giải VD BPY lần thứ XII (2004).

 

Ấn tượng: Huyện Tuy An trở thành “hiện tượng” khi lần thứ năm liên tiếp lên ngôi vô địch toàn đoàn trong tỉnh.

 

LẦN THỨ MƯỜI BA

 

Giải diễn ra ngày 19-6-2005 với hơn 220 VĐV từ 8 tỉnh và 13 đơn vị trong tỉnh tham gia. Đây là lần đầu tiên BTC quyết định nâng cự ly đường chạy lên 10km đối với nam hệ đội tuyển (trước đây là 7km) và 4km đối với nữ hệ đội tuyển và nâng cao (trước đây là 3km). Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên giải mở rộng cho các nhà báo ở khu vực với sự tham gia của các nhà báo 3 tỉnh Bình Định, Khánh Hòa và Phú Yên.

 

Ấn tượng: Các VĐV nhà báo đến từ Bình Định tỏ ra có sức khỏe tốt hơn các VĐV đồng nghiệp khác khi giành cả hai giải nhất nam, nữ của nội dung này.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek