Chủ Nhật, 26/05/2024 17:58 CH
Quân dân Phú Yên đánh bại chiến dịch At-Lăng, chia lửa cùng chiến trường chính Điện Biên Phủ:
Bài 2: Cuộc hành binh Át-lăng, một bộ phận quan trọng trong bước một của Kế hoạch Na-va
Thứ Sáu, 04/04/2014 08:11 SA

Đông Xuân năm 1953-1954, triển khai thực hiện Kế hoạch Na-va, Bộ Chỉ huy quân Pháp tổ chức nhiều cuộc hành binh lớn trên khắp các chiến trường, trong đó có cuộc hành binh mang tên Át-lăng ở vùng tự do các tỉnh đồng bằng ven biển Liên khu 5.

 

Cuộc hành binh Át-lăng là một phần của bước một Kế hoạch Na-va, bởi thế, để thấy được “vai trò, vị trí, tầm quan trọng”, của nó trong kế hoạch chiến lược nói trên của địch, bài viết này của chúng tôi tập trung trình bày 2 nội dung lớn.

 

Thứ nhất, kế hoạch Na-va. Trải qua gần 8 năm, kể từ ngày nổ súng trở lại xâm lược nước ta (23/9/1945) đến mùa hè năm 1953, thực dân Pháp đã đổ vào cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương 2.130 tỉ Phơ răng, bị thu hút và giam chân ở đó hàng chục vạn quân chính quy. Cuộc chiến tranh hao người tốn của này không chỉ làm cho các tầng lớp nhân dân lao động Pháp - những người phải hứng chịu gánh nặng thuế khóa và binh dịch - thêm khốn khổ, mà còn làm cho giới cầm quyền Pháp ngày càng mâu thuẫn găy gắt do không giải quyết được những khó khăn chồng chất mọi phương diện. Trong chính giới Pháp, những kẻ ngoan cố chủ trương tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương còn chiếm ưu thế, nhưng những người đứng về phía đòi chấm dứt chiến tranh ngày càng tăng. Chính phủ Pháp do Rơ-nê May-ơ (Réné Mayer) đứng đầu - chính phủ thứ 18 của nước Pháp trong vòng 8 năm - mới tồn tại chưa được 4 tháng đã đứng trước nguy cơ sụp đổ. Sau những thất bại lớn ở Đông Dương cuối năm 1952 đầu năm 1953, thực dân Pháp buộc phải cải tổ bộ máy chỉ huy quân sự của chúng ở Đông Dương để từ đó hoạch định chiến lược mới hòng đưa cuộc chiến tranh “ra khỏi con đường hầm không lối thoát”.

 

Tháng 5/1954, tướng 4 sao Hăngri Nava (Henri Navarre), đang là Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh lục quân Đông Âu, thuộc khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) được Chính phủ Pháp cử giữ chức Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương thay tướng Xalăng (Salan). Trên cương vị đó, Na-va đã soạn thảo một kế hoạch chiến lược mới, được Hội đồng quốc phòng Pháp thông qua và mang tên Kế hoạch Na-va.

Nội dung chính của Kế hoạch Na-va bao gồm 2 phần: chính trị và quân sự. Về chính trị, yếu tố hàng đầu là phải xác định rõ mục đích của cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Nước Pháp, các chính phủ bù nhìn ở Đông Dương và Mỹ hợp thành một liên minh chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mỹ coi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là cộng sản nên mục tiêu của Mỹ là ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á. Đối với chính phủ bù nhìn (ngụy quyền) 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, mục đích của cuộc chiến tranh “kẻ thù bên trong”, tức là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các lực lượng kháng chiến Lào, Campuchia. Còn đối với Pháp là “để ở lại Đông Dương và xây dựng một khối liên hiệp vững chắc”; yếu tố thứ hai là phải có sự lãnh đạo thống nhất về chính trị và quân sự, kể cả ở Sài Gòn và Pa-ri; yếu tố thứ ba là phải bằng mọi cách thúc đẩy các chính phủ bù nhìn ở Đông Dương dốc sức vào cuộc chiến tranh, muốn vậy phải cho các chính phủ ấy (ngụy quyền - TVT) “nền độc lập rộng rãi nhất”.

 

Nava xác định phải tìm một lối thoát, giải quyết sự bế tắc ở Đông Dương. Lối thoát đó khó lòng là một thắng lợi bằng quân sự, mà chỉ có thể bằng chính trị, muốn vậy phải tạo nên những thắng lợi quân sự làm cơ sở cho một giải pháp chính trị.

 

Về quân sự, gồm kế hoạch tổ chức và tác chiến. Kế hoạch tổ chức gồm 5 nội dung lớn. Một là, xin tăng cường binh lực, trước tiên khoảng 2 sư đoàn trong khối quân sự Bắc Đại Tây Dương sang. Hai là, phát triển lực lượng ngụy quân, mà quan trọng là thành lập các tiểu đoàn khinh quân, tăng cường công tác đào tạo chỉ huy các cấp, thành lập các binh đoàn cơ động và các sư đoàn, giao trách nhiệm quản lý (chiếm đóng) lãnh thổ cho quân ngụy ở một số khu vực. Ba là, sắp xếp, bố trí lại lực lượng quân sự nhằm giảm bớt số nhân viên trong các bộ tham mưu lớn, bổ sung cho các bộ tham mưu cấp sư đoàn và các binh đoàn chủ lực dự kiến sẽ được thành lập. Bốn là, lưu động hóa các đơn vị chiếm đóng, tức là rút bớt đơn vị thiện chiến, mà quan trọng là lực lượng Âu, Phi ở các đồn bốt. Năm là, thành lập các binh đoàn chủ lực.

 

Kế hoạch tác chiến tổng quát là trong chiến cuộc 1953-1954, phải tránh giao chiến với chủ lực đối phương, tập trung vào việc tổ chức binh đoàn tác chiến mạnh; đến chiến cuộc 1954-1955, tiến hành giao chiến toàn bộ với đối phương. Kế hoạch tác chiến cụ thể theo 2 bước.

 

Bước thứ 1, trong chiến cuộc 1953- 1954, thực hiện phòng ngự chiến lược ở bắc vĩ tuyến 18, tránh tổng giao chiến với chủ lực đối phương, ngăn chặn đối phương tiến công Thượng Lào (Luông Phabăng, Cánh đồng Chum); tiến công chiến lược ở miền Nam, nhằm bình định miền Nam và miền Trung Đông Dương, đặc biệt là tiến công đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5.

 

Bước thứ 2, từ mùa khô 1954 trở đi, tiến công chiến lược ở phía bắc đèo Ngang trở ra, giành thắng lợi quyết định, buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải kết thúc chiến tranh.

 

Kế hoạch Na-va được dư luận chính giới Pháp và Mỹ đánh giá cao. Đây là cố gắng chiến tranh cao nhất, cuối cùng của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương (1945-1954), được Mỹ hậu thuẫn và ủng hộ tích cực nhằm xoay chuyển tình thế có lợi cho chúng. Ngoại trưởng Mỹ, Đa-lét khẳng định: “Kế hoạch Na-va trong 2 năm tới nếu không phải là một thắng lợi hoàn toàn, thì ít nhất cũng thu được kết quả nhất định về quân sự”.

 

Trên cương vị Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, Na-va đã triển khai kế hoạch này, song do nhiều lý do, nên các nội dung của kế hoạch này được đáp ứng và thực hiện ở mức độ khác nhau. Mặc dù vậy, Kế hoạch Na-va là một thách thức lớn đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

 

Thứ 2, kế hoạch và diễn biến cuộc hành binh Át-lăng. Kế hoạch hành binh mang tên Át-lăng (hay còn gọi là cuộc hành quân, chiến dịch Át-lăng), theo tướng Nava cho biết vốn đã được tướng Xa Lăng (Salan), Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương (1/1952-5/1953) đề xuất về ý tưởng trong một bản kiến nghị vào tháng 5/1953, sau đó và trở thành một nội dung trong kế hoạch Na-va và được chuẩn bị ráo riết từ cuối năm 1953, dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/1954, chia là 3 bước:

 

Bước thứ 1: mang mật danh “Arêtút” (Arétthuse) sử dụng 25 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn công binh và 3 đơn vị pháo binh, sử dụng 22 tiểu đoàn, đổ bộ từ biển lên, từ Khánh Hòa đánh ra, từ Đắk Lắk đánh xuống, chiếm TX Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên, thời gian kéo dài từ 20 đến 25 ngày trong tháng 1/1954.

 

Bước thứ 2: mang mật danh “Axen” (Axelle) sau khi đánh chiếm tỉnh Phú Yên sẽ tăng quân đánh chiếm Quy Nhơn và tỉnh Bình Định, tiến hành vào đầu tháng 3/1954 và kéo dài 2 tháng.

 

Bước thứ 3: mang mật danh “Atila” (Attila), tập trung lực lượng từ Quảng Nam đánh vào, Bình Định đánh ra, Kon Tum đánh xuống và từ biển đánh lên, hợp điểm tại TX Quảng Ngãi, hoàn thành mục tiêu đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5; thời gian bắt đầu từ tháng 5/1954, kéo dài 2 tháng với lực lượng 45 tiểu đoàn bộ binh và 8 đơn vị pháo binh.

 

Cuộc hành binh này được mang mật danh “4.A) (4 chữ A) chữ A thứ nhất là Atlăng - tên của cuộc hành binh và 3 chữ A tiếp theo là “Arêtút), “Axen” “Atila” - các bước của cuộc hành binh.

 

Chỉ huy cuộc hành binh này về phía Pháp là các viên tướng Đờ Bôpho và Bờlăng. Phan Văn Giáo, thủ hiến Trung Việt (miền Trung), được Bảo Đại, Quốc trưởng của cái gọi là Quốc gia Việt Nam, giao nhiệm vụ theo dõi cuộc hành binh Atlăng’ “sẵn sàng tiếp nhận bàn giao khi người Pháp đã giành thắng lợi”; dự kiến nhân sự để thiết lập lực lượng vũ trang địa phương, thiết lập các cơ sở hành chính và bình định vùng chiếm đóng với sự hỗ trợ của lực lượng các tiểu đoàn kinh quân (bộ binh). Theo đó, Phan Văn Giáo đã huy động lực lượng Nghĩa dũng đoàn (lực lượng bán vũ trang địa phương) và các đoàn Quân thứ lưu động 15 từ bắc miền Trung mới được vội vã thành lập vào để xúc tiến công việc bình định.

 

(Còn nữa)

 

Đại tá, TS TRẦN VĂN THỨC

Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử kháng chiến chống Pháp, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek