Một số trận đánh tiêu biểu của ta gây cho địch kinh hồn, tổn thất hết sức nặng nề:
Ngày 25/2/1954, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 quyết định điều D40 trong chiến dịch Nguyễn Huệ 50-51 hoạt động ở nam Tây Nguyên đang ở Quảng Ngãi 2C, còn 2C đang hoạt động ở bắc Tây Nguyên vào bổ sung cho Tỉnh đội Phú Yên. Vào Phú Yên được bổ sung thêm C389 của Phú Yên xây dựng thành Tiểu đoàn 375. Về phía Phú Yên, đang bí mật ém quân ở xã An Nghiệp, được nhân dân trinh sát cho biết: Ngày 7/3/1954, có một đoàn xe địch chở một đại đội lính Âu, Phi từ Chí Thạnh lên La Hai trên đường tỉnh lộ 6. Sau khi xác minh nguồn tin trên là đúng, đồng chí Dưng, Tiểu đoàn trưởng quyết định phục kích tiêu diệt đoàn xe. Trận địa phục kích tiểu đoàn chọn là đường tỉnh lộ 6 cách ga Phong Niên về hướng đi Hà Bằng 1km. D375 giấu quân dọc ven đồi đường sắt cao hơn tỉnh lộ 1-2m. Đường tỉnh lộ giáp liền với Bàu Súng nước ngập, sen và bông súng mọc quanh năm. Lúc 10 giờ 30, đài quan sát phát hiện đoàn xe địch, 2 đại đội Tiểu đoàn 375 nhanh chóng chiếm đỉnh cao dọc đường sắt, đánh nhanh, diệt gọn, ta đã xóa sổ một đại đội Âu Phi, đốt cháy, phá hủy 26 xe quân sự. Ta sử dụng khẩu trung liên 2 nòng đánh đòn xe thì địch nói: “Chủ lực đã về Phú Yên”, vì khẩu súng này là chiến lợi phẩm đánh ở đèo Hải Vân, giao cho Đại đội 1 Tiểu đội 375 giữ, cả quân đội Pháp chỉ có mấy khẩu.
Đặc biệt là tổng công kích vào TX Tuy Hòa đêm 21/6/1954. Đây là một trận đánh theo mệnh lệnh của Bộ tổng: Phải đánh tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá nhiều kho tàng, phương tiện chiến tranh, làm cho chính quyền ngụy và quân của chúng bị tê liệt, để buộc chúng rút khỏi Hải Phòng.
Cuối tháng 12/1953, Tiểu đoàn 365 đang đóng quân ở huyện Tuy Hòa được lệnh hành quân lên Tây Nguyên làm nhiệm vụ. Ngày 7/2/1954, sau khi thị xã và toàn tỉnh Kon Tum được giải phóng, Tiểu đoàn 365 được tách khỏi đội hình chiến đấu của Trung đoàn 803, làm nhiệm vụ độc lập chiến đấu tại chiến trường Phú Yên. Sau 5 ngày đêm, Tiểu đoàn về trú quân tại Xuân Phước, cử người tìm bắt liên lạc với Ủy ban nhân dân và cử trinh sát nắm tình hình của địch.
Sáng 21/3/1954, trinh sát phát hiện một tiểu đoàn vừa rời khỏi vị trí trú quân đêm, cách nơi đóng quân của D365 5km, đang tiến về nơi tiểu đoàn đang đóng quân. Lực lượng hành quân của địch là tiểu đoàn Ngự Lâm Quân số 2 mang ký hiệu “Con hổ xám” là một đơn vị thiện chiến làm nhiệm vụ bảo vệ dinh Bảo Đại.
Tiểu đoàn hội ý chớp nhoáng, vạch kế hoạch, giao nhiệm vụ chiến đấu cho từng đại đội. Thực hiện kế hoạch tác chiến, hỏa lực của ta bắn chính xác vào các ổ súng chống cự. Ngoài số bị tiêu diệt, số còn sống sót đồng loạt giơ tay đầu hàng, một số bỏ chạy. Đến 18 giờ, kết thúc trận đánh, địch bị chết 123 tên, 90 tên bị bắt sống, nhiều tên bị thương. Chiến thắng Suối Cối chặn được âm mưu của địch nhằm tiến công lên Kỳ Lộ để bao vây và tiêu diệt cơ quan đầu não của Phú Yên. Sau 4 giờ chiến đấu, ta thu được 300 súng các loại, 8 máy vô tuyến điện.
Đêm 19/4/1954, D365 được tăng cường 1C của D375 được dân quân các xã xung quanh và hơn 1.400 dân công xã Hòa Tân dùng ghe, thuyền bí mật đưa bộ đội sang phía nam sông Bàn Thạch. Bộ đội ta tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn ngụy tại Bàn Thạch (xã Hòa Xuân). Đúng 1 giờ sáng 20/4/1954, quân ta nổ súng tiến công. Chỉ trong vòng 30 phút, ta đã tiêu diệt địch ở Bàn Nham, diệt 180 tên, thu trên 100 súng các loại.
Vào lúc 20 giờ ngày 2/6/1954, tiểu đoàn hành quân vượt sông Ba bí mật tiếp cận địch, địch không hề hay biết. Được Tiểu đoàn 39 của Trung đoàn 803 phối hợp, vào lúc 24 giờ, quân ta đánh bất ngờ, đội hình địch rối loạn, bị chết và thương vong nhiều, sức chống cự yếu ớt. Sau 3 giờ chiến đấu, ta tiêu diệt gọn tiểu đoàn khinh quân số 504 của địch gồm 600 tên, bộ phận địch còn lại đầu hàng, bị ta bắt sống làm tù binh. Cứ điểm địch đóng ở buôn Aêriêng phải bỏ đồn tháo chạy. Ta giải phóng hoàn toàn huyện Sơn Hòa.
Cùng phối hợp với D375, D365 tiếp tục đánh cứ điểm Núi Sầm, tiến công cụm quân địch ở Màng Màng. Được sự phối hợp của trung đội đặc công và B15 TX Tuy Hòa, thọc sâu tiến công bãi để xe cơ giới của địch, kho đạn, kho xăng và tiểu đoàn khinh quân ngụy tại TX Tuy Hòa. Sau một đêm chiến đấu, ta đã tiêu diệt gần hết tiểu đoàn khinh quân 717 của địch, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn khác, phá hỏng 194 xe cơ giới, đốt cháy và phá tung các kho xăng và kho đạn dự trữ của địch tại trung tâm TX Tuy Hòa. Cuộc hành quân Át-lăng lớn nhất của thực dân Pháp ở Nam Trung Bộ nhằm chiến đóng vùng tự do 4 tỉnh đến tháng 7/1954 chỉ còn 2 cụm đóng quân chờ đình chiến là TX Tuy Hòa và TX Quy Nhơn (Bình Định).
Sau 3 đợt hành quân, địch đã và đang bị thất bại, cuối tháng 3/1954, Tỉnh ủy và UBKCHC tỉnh mở đại hội liên hoan mừng Đại hội Công đoàn tỉnh tại Kỳ Lộ (xã Xuân Quang), có 400 đại biểu về dự. Đại hội phát huy thắng lợi, phát động thi đua giết giặc lập công và nêu những bài học.
- Các lực lượng vũ trang quán triệt tư tưởng lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh, đánh những nơi địch cho rằng không bao giờ quân ta dám đánh đã trở thành nghệ thuật chiến dịch.
- Muốn đánh địch bằng lực lượng nhỏ, giành thắng lợi lớn phải đánh sâu hơn (đánh đặc công kết hợp với lực lượng tập trung bên ngoài).
- Công tác điệp báo an ninh đô thị đã thu thập, tình báo kịp thời phục vụ chiến đấu có kết quả, hạn chế được thương vong.
- Nổi dậy và tiến công - tiến công và nổi dậy - đánh địch trên các vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn, đồng bằng và thành thị… Đánh địch bằng 3 thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Kết hợp thứ quân phát động chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Kết hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ, thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ.
Đại tá LÊ VĂN AN
Nguyên cán bộ tham mưu tác chiến Tỉnh đội Phú Yên năm 1954