Trong khi địch tập trung lực lượng đánh chiếm nam Bình Định, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 điều động Tiểu đoàn 365 vào Phú Yên và cùng lực lượng địa phương xây dựng Tiểu đoàn 375 đẩy mạnh tiến công địch.
Tiểu đoàn 375 phối hợp với du kích diệt gọn một đoàn xe 26 chiếc trên đường số 6, diệt gần hết một đại đội Âu Phi (7/3); cùng lực lượng vũ trang địa phương tập kích cụm quân ngụy ở đèo Quán Cau (Tuy An), diệt hàng trăm tên (10/4). Tiểu đoàn 365 cùng lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt 1 tiểu đoàn ngụy ở Suối Cối (Đồng Xuân), diệt 80 tên, bắt 200 tù binh, thu hàng trăm súng (21/3), sau đó, vượt sông Đà Rằng phối hợp với du kích tập kích tiêu diệt 1 tiểu đoàn quân ngụy tại Bàn Nham huyện Tuy Hòa (21/4). Ở miền tây Phú Yên, giữa tháng 4/1954, Trung đoàn 803 từ Tây Nguyên xuống, tiến công địch ở Trà Khê, buôn Ma Lốp, đánh đồn Ai Nu, diệt 6 đại đội địch, phá 21 xe. Hệ thống phòng ngự của địch từ Cheo Reo đi M’lah bị phá tan, đường số 7 bị cắt đứt, chi khu Cheo Reo bị cô lập.
Trước tình thế bị tấn công dồn dập, Bộ chỉ huy Pháp vội rút Binh đoàn cơ động số 41 từ Diêu Trì (Bình Định) quay về phòng thủ Tuy Hòa, thu hẹp phạm vi chiếm đóng.
Đến đầu tháng 5/1954, quân Pháp ở Phú Yên chỉ còn đóng ở 4 cụm là TX Tuy Hòa, La Hai, Sông Cầu, Chí Thạnh.
Bước thứ 3 của cuộc hành quân Át-lăng, theo dự kiến, bắt đầu từ đầu tháng 5/1954, nhưng sau những thất bại lớn trên khắp các chiến trường 3 nước Đông Dương và đặc biệt là ở Điện Biên Phủ, nên trên thực tế nó đã không được triển khai.
Sự thất bại của cuộc hành quân Át-lăng đã được chính tờ báo Thế giới của Pháp đề cập đến trong một bài viết ngày 2/4/1954, rằng “Át-lăng đã phá sản hoàn toàn”.
Tóm lại, kế hoạch hành binh Át-lăng được chuẩn bị chu đáo với mục tiêu và các bước cụ thể. Triển khai cuộc hành binh này địch đã huy động một lực lượng lớn gồm các binh đoàn cơ động của lực lượng quân sự Pháp và ngụy. Với thế trận chiến tranh nhân dân đã được triển khai, với tinh thần chủ động, sáng tạo quân và dân Liên khu 5 đánh bại hoàn toàn cuộc hành binh nói trên của địch. Cuộc hành binh Át-lăng là một bộ phận quan trọng trong bước một kế hoạch quân sự Na-va, do vậy sự thất bại của cuộc hành quân này đã tác động ảnh hưởng xấu, kéo theo sự thất bại theo kiểu dây chuyền của địch trên toàn Đông Dương, và ngược lại sự thảm bại trên các chiến trường của quân địch đã góp phần làm cho cuộc hành binh Át-lăng sớm bị phá sản hoàn toàn.
Đại tá, TS TRẦN VĂN THỨC
Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử kháng chiến chống Pháp, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam