Thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta đang đứng trước thế thua, thế thất bại. Để cứu vãn tình thế, tháng 5/1953, chính phủ Pháp vội vã cử tướng Na-va, Tổng tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương sang Việt Nam làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương với nhiệm vụ phải tìm ra một “Lối thoát danh dự”, “Lối thoát trong thắng lợi”. Na-va vạch kế hoạch trong 18 tháng sẽ giành lại thế chủ động chiến lược và chuyển bại thành thắng.
NHIỆM VỤ TRUNG TÂM CỦA “KẾ HOẠCH NA-VA”
Là làm sao tổ chức khối chủ lực tới năm 1954 có 7 sư đoàn cơ động chiến lược, với 27 binh đoàn (gấp 3 số binh đoàn hiện có).
Kế hoạch tác chiến của Na-va chia làm 2 bước:
- Bước 1, trong thu đông 1953 và xuân 1954, giữ vững thế phòng ngự chiến lược ở bắc vĩ tuyến 18, bình định miền Nam và miền Trung Đông Dương, xóa bỏ vùng tự do Liên khu 5”.
- Bước 2, mùa thu 1954, chuyển toàn bộ lực lượng ra phía bắc, mở cuộc tiến công chiến lược, giành thắng lợi quân sự to lớn, buộc Việt Minh đàm phán theo điều kiện đề ra, nếu không sẽ tiếp tục tiến công và tiêu diệt”.
KẾ HOẠCH CỦA NA-VA ĐỐI VỚI NAM TRUNG BỘ
Mùa hè 1953, quân Pháp ở Nam Trung Bộ tăng lên 50.000 (tăng gần 1/3 so với cuối năm 1952), trong đó có 25 tiểu đoàn cơ động. Cuối năm 1953, Pháp chuẩn bị mở cuộc hành quân Át-lăng - một bộ phận hợp thành quan trọng của Kế hoạch Na-va, đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5. Kế hoạch chia ra 3 bước.
- Bước 1: Sử dụng 22 tiểu đoàn, đổ bộ từ biển lên, từ Khánh Hòa đánh ra, từ Đắk Lắk đánh xuống, chiếm TX Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên trong tháng 1/1954.
- Bước 2: Sau khi đánh chiếm tỉnh Phú Yên sẽ tăng quân đánh chiếm Quy Nhơn và Bình Định.
- Bước 3: Tập trung lực lượng từ Quảng Nam đánh vào, Bình Định đánh ra, Kon Tum đánh xuống và từ biển đánh lên, hợp điểm tại TX Quảng Ngãi, hoàn thành mục tiêu đánh chiếm vùng tự do Liên khu V. Bước này dự định bắt đầu từ tháng 5/1954, kéo dài 2 tháng với lực lượng 45 tiểu đoàn bộ binh và 8 đơn vị pháo binh.
Để thực hiện bước 1, tháng 12/1953, Pháp đưa đến Nam Trung Bộ Binh đoàn cơ động số 10 từ Pháp mới sang, Binh đoàn cơ động 100 từ chiến trường Nam Triều Tiên về, Binh đoàn số 11 và 21 từ Bình Trị Thiên vào và Nam Bộ ra, hợp vùng Binh đoàn 41, 42 và các tiểu đoàn độc lập đã bố trí tại chỗ, hình thành một lực lượng tập trung 40 tiểu đoàn. (1)
VỎ QUÝT DÀY ĐÃ CÓ MÓNG TAY NHỌN
Tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta họp bàn nhiệm vụ quân sự đông - xuân 1953-1954, hội nghị nhận định: “Kế hoạch Na-va tuy có thể gây cho ta những khó khăn mới, nhưng bản thân nó chứa đựng nhiều mâu thuẫn và có nhiều nhược điểm lớn”. Bộ Chính trị nhấn mạnh các nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo tác chiến: đánh ăn chắc, đánh tiêu diệt, đánh nơi địch sơ hở và tương đối yếu buộc địch phải phân tán. Phương châm chung là tích cực, cơ động, linh hoạt.
Đối với Nam Trung Bộ, Bộ Chính trị dự kiến có thể địch đánh vào vùng tự do, nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do giao cho lực lượng vũ trang địa phương đảm nhiệm. Tháng 11/1953 Tổng quân ủy hướng dẫn: “Trong đông - xuân này, Liên khu 5 cần phải tập trung lực lượng tiến công lên Tây Nguyên, phát triển lên Tây Nguyên phải coi là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất, nhiệm vụ củng cố vùng tự do là nhiệm vụ quan trọng thứ hai” (2).
Trước âm mưu hoạt động của địch chuẩn bị cuộc hành quân Át-lăng đánh chiếm vùng tự do, cán bộ các ngành, các cấp, khu, tỉnh có nhiều băn khoăn, lo lực lượng địa phương và nhân dân không chống nổi lực lượng to lớn của địch. Nếu địch thực hiện được kế hoạch đánh chiếm vùng tự do thì không những ta mất vùng tự do mà cuộc tấn công của bộ đội chủ lực lên Tây Nguyên cũng khó thắng. Hội nghị Liên Khu ủy và Đảng ủy Bộ Tư lệnh Liên khu họp đầu tháng 12/1953 quán triệt và quyết tâm thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị ra sức động viên toàn Đảng bộ, toàn quân và dân tin tưởng, nỗ lực phấn đấu giành thắng lợi to lớn nhất. Cụ thể là tập trung toàn bộ lực lượng bộ đội chủ lực tiến công ở Tây Nguyên và kiên quyết đánh địch, bảo vệ vùng tự do, địch đến địa phương nào thì lực lượng địa phương ấy phải tích cực đánh địch, kìm chân địch không cho chúng phát triển. Nơi địch chưa đến thì sẵn sàng chuẩn bị đánh địch, vừa tích cực phục vụ tiền tuyến tiến công địch. Các chiến trường sau lưng địch đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá giao thông, thọc sâu đánh hiểm vào hậu cứ địch, kết hợp đẩy mạnh công tác binh vận, phá kế hoạch tăng cường quân ngụy của địch.
Liên khu ủy quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch, tăng cường một số cán bộ về tỉnh giúp địa phương. Cán bộ 3 tỉnh Phú Yên - Bình Định - Khánh Hòa phối hợp đánh địch ở Tây Nguyên (3). Lực lượng vũ trang Khánh Hòa đánh phá quốc lộ 1 ra phía đèo Cả, lực lượng vũ trang Đắk Lắk đánh địch từ Ma-đơ-rắc xuống Củng Sơn; Phú Yên ngoài việc đánh địch tại chỗ còn phải làm nhiệm vụ tiếp tế vận chuyển cho các đơn vị lực lượng bộ đội chủ lực tiến đánh hướng Buôn Ma Thuột.
TOÀN TỈNH PHÚ YÊN CHUẨN BỊ ĐI VÀO CUỘC CHIẾN ĐẤU QUYẾT LIỆT NHẤT
Ở Nam Trung Bộ cũng như ở Phú Yên, cuộc phát động giảm tô năm 1953 là cuộc vận động chính trị rộng lớn đã phát huy mạnh mẽ khí thế của nông dân và động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái kháng chiến. Lúc bấy giờ không chỉ giảm to mà các công tác khác như vận động thanh niên tòng quân, đi dân công, nộp thuế nông nghiệp... cũng chuyển mạnh. Sản xuất phát triển, mùa màng khá, nhân dân phấn khởi tích cực đóng góp ủng hộ kháng chiến. Năm 1953 và đầu năm 1954 ngân sách thăng bằng thu chi, giá cả thị trường tương đối ổn định. Năm 1954, yêu cầu tuyển quân vượt kế hoạch (4). Nhờ tỉnh ta chủ động triển khai nghị quyết của cấp trên và của tỉnh một cách nghiêm chỉnh, chẳng những giảm bớt khó khăn mà còn có điều kiện phục vụ quyết tâm chiến lược của tỉnh sắp tới.
Ngày 11/1/1954, Tỉnh ủy họp thảo luận chủ trương của cấp trên, nêu cao quyết tâm lãnh đạo lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh nhà đánh địch lấn chiếm, tích cực phục vụ chiến trường vùng sau lưng địch, tiến công địch.
Bộ đội địa phương, dân quân du kích chuẩn bị phương án tác chiến trên thực địa từng khu vực.
Phân công thêm đảng viên, cán bộ, tăng cường những bộ phận công tác trọng yếu như xã đội, thôn đội, dân công, bảo vệ kho tàng, tổ chức nhân dân tản cư, thu thuế nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, phát động phong trào thanh niên gia nhập du kích và lực lượng vũ trang, xây dựng làng chiến đấu góp quỹ nuôi du kích. Huy động nhân dân gặt hái, thu hoạch, cất giấu tài sản, lương thực, di chuyển kho tàng, chuẩn bị tản cư, phá hoại đường, thực hiện vườn không nhà trống khi địch đến, chuẩn bị kế hoạch dân công phục vụ chiến trường Tây Nguyên.
Chỗ đứng chân của lãnh đạo tỉnh để chỉ huy: phía bắc ở các vùng: Đồng Xe, Suối Cối, Kỳ Lộ, Đồng Hội xã Xuân Quang và Đá Mài; phía nam: ở Hòa Trị, Hòa Quang, Hòa Kiến... giữ vững đường dây liên lạc từ tỉnh xuống huyện, xã, tỉnh với Liên khu và các tỉnh lân cận.
Di chuyển bệnh viện, bệnh xá quân dân y lên vùng Thồ Lồ, Phú Giang. Ở các huyện, tùy theo địa hình từng nơi mà có kế hoạch xây dựng các trạm xá dã chiến, kịp thời cứu chữa cho thương bệnh binh...
Ra sức xây dựng căn cứ miền tây - bắc của tỉnh.
Điều quan trọng là từ tỉnh, huyện và các chi bộ rà soát, bổ sung kế hoạch về công tác tư tương, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, quyết tâm giành thắng lợi to lớn nhất.
(Còn nữa)
-------------------
(1) Lịch sử quân sự Quân khu 5
(2) Báo cáo Tổng quân ủy trình Bộ Chính trị ngày 27/11/1953, Tài liệu lưu trữ Quân khu 5.
(3) Lịch sử Khu 5.
(4) Báo cáo Hội Phú Yên tháng 6/1953: Giá gạo 1 ký 500 - 1000 đồng, thịt heo 1 ký 3.500 đồng.
CAO XUÂN THIÊM (VĂN CÔNG)
Nguyên Đội trưởng Đội vũ trang 250 Tỉnh đội Phú Yên trong kháng chiến chống Pháp, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ