Chủ Nhật, 19/05/2024 06:51 SA
Còn mãi với thời gian (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 27/03/2014 09:54 SA

Tôi bị cuốn hút vào công việc và không ít lần ngã bệnh. Tuy vậy, suốt 3 năm, tôi luôn giữ mối quan hệ với anh Phú, dành thời gian góp phần nhất định với công tác Đoàn và phong trào thanh niên Phú Yên.

Trong năm 1971, lực lượng vũ trang của tỉnh phối hợp với bộ đội chủ lực mở nhiều đợt tấn công liên tục, tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực của chúng trên khắp chiến trường. Nhiệm vụ đó kéo theo công tác bảo đảm phục vụ liên tục các chiến dịch của tỉnh mà cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy luôn tất bật, vất vả.

Về chính trị, quần chúng nhân dân trong vùng địch tạm kiểm soát đang mong ngóng, chờ đợi sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa Nam Việt Nam, mà thực chất là sự lãnh đạo của Đảng tại địa phương đối với 2 cuộc “Tổng tuyển cử giả hiệu” của ngụy quyền Sài Gòn đang được chúng ráo riết chuẩn bị.

Theo chỉ đạo của cấp trên, Tỉnh ủy chủ trương để quần chúng cử tri đi bầu quốc hội nhằm ủng hộ những nhân vật ra ứng cử có xu hướng hòa bình, trung lập và gạt cho được những tên tay sai phản động theo phe cánh Tổng thống bù nhìn hiếu chiến Nguyễn Văn Thiệu.

Đến cuộc bầu cử “Tổng thống” độc diễn của Thiệu thì triệt để tẩy chay, vạch mặt bọn tay sai phản động hiếu chiến chống lại xu hướng hòa bình, trung lập.

Kết quả đạt được theo yêu cầu lãnh đạo của Đảng qua 2 cuộc bầu cử tuy hạn chế, nhưng quần chúng nhân dân có dịp tập dượt, biểu dương lực lượng chính trị, chuẩn bị cho những cuộc đấu tranh sắp tới.

Từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10/1971, tại khu rừng “4 chống” xã Phước Tân, huyện Miền Tây, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị học tập chỉnh huấn chính trị nội bộ và tiến hành Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 4. Tôi được bầu làm Tỉnh ủy viên chính thức. Sau đại hội, Thường vụ Tỉnh ủy lại tiếp tục phân công xuống huyện Sông Cầu lần thứ hai để chỉ đạo triển khai Nghị quyết Đại hội, do có sự kiện về Trần Bá Thất(*). Hơn 1 tháng sau, anh Bảy Tính được Thường vụ cử xuống làm Bí thư Huyện ủy Sông Cầu, từ đây tôi trở về công tác liên tục tại Văn phòng Tỉnh ủy cho đến ngày chuyển sang Ban Liên hiệp quân sự 4 bên thi hành Hiệp định Pari giữa năm 1973.

Khoảng thời gian này, đồng chí Nguyễn Anh Liên, Thường vụ Khu đoàn vào công tác ở Phú Yên - Khánh Hòa, tôi và anh Phú đón tiếp, trao đổi công việc, sau đó anh chị em cơ quan Tỉnh Đoàn báo cáo một số tình hình mới và giúp anh Liên chuẩn bị những nhu cầu thiết yếu để vào Khánh Hòa, vì hơn ai hết, người Phú Yên biết rõ chiến trường tỉnh bạn gặp nhiều khó khăn hơn.

Mấy tháng sau nghe tin anh Liên cùng đoàn cán bộ đi công tác bị địch phục kích nhưng may mắn vẫn an toàn trở về Khu đoàn.

Có thể nói chắc chắn nhiều cán bộ đang công tác, chiến đấu tại chiến trường miền Nam đến thời kỳ năm 1972, trong đó có bản thân tôi đều hiểu gần như thuộc lòng sự phối hợp đấu tranh trên 3 mặt trận: Quân sự, chính trị, ngoại giao. Chiến trường thắng lớn, quần chúng đấu tranh đòi Mỹ - Thiệu chấm dứt chiến tranh, đòi dân sinh, dân chủ càng mạnh thì đàm phán ngoại giao của 2 phái đoàn ta tại Pari càng ở thế thượng phong. Trong thâm tâm, ai cũng cảm thấy như việc ký kết Hiệp định Pari lập lại hòa bình cho đất nước càng ngày càng đến gần. Khi Mỹ lật lọng, ồ ạt dùng máy bay B52 ném bom rải thảm Hà Nội, Hải Phòng và diễn ra trận “Điện Biên Phủ trên không” khiến chúng tôi càng tin tưởng chúng sẽ thất bại, nhưng vô cùng lo lắng cho đồng bào ta. Đặc biệt riêng tôi, thì sự lo lắng thật sự nặng nề, vì vợ con hiện đang công tác, sinh sống tại vùng trọng điểm đánh phá của địch là Cầu Đuống - Yên Viên.

Đầu năm 1973, Hiệp định Pari được ký kết, cả đất nước và tỉnh nhà tràn ngập bầu không khí vui mừng, phấn khởi, tin tưởng. Tại mỗi cơ quan đơn vị đều bằng nhiều cách tổ chức ăn mừng thắng lợi. Lúc bấy giờ tỉnh Phú Yên đã có “Hội trường Mùa Xuân” dù qua nhiều lần hội họp sinh hoạt nhưng quá nhỏ, lại nằm khuất trong rừng ở xã Sơn Định. Tỉnh ủy muốn tổ chức một cuộc biểu dương lực lượng, mở hội liên hoan lớn mừng chiến thắng, và giao việc này cho Đoàn Thanh niên cùng phối hợp với Ban Tuyên huấn thực hiện.

Chúng tôi bàn bạc và cùng đi khảo sát chọn Trãng Sạn, xã Sơn Long làm địa điểm tổ chức. Vì ở đây sẵn có mặt bằng rộng, sạch, đẹp, có diện tích bằng một sân bóng đá, xung quanh có rừng, có suối nước, lại nằm ngay trên trục đường chính. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý theo phương án đề xuất, buổi liên hoan mừng chiến thắng quy mô toàn tỉnh được tổ chức dưới một cái tên chung “Dạ hội liên hoan mừng chiến thắng và kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26/3”. Cũng có người gọi là ngày Hội quân mừng thắng lợi.

Cái khó là thời gian và nội dung, hình thức tổ chức. Vốn có chút ít kinh nghiệm từ những ngày dạ hội của thanh niên thủ đô Hà Nội tại vườn Bách Thảo, tôi bàn với anh Phú và anh chị em Tỉnh Đoàn cùng các thanh viên trong Ban tổ chức một số nét khái quát với yêu cầu đặt ra là: Quy mô lớn toàn tỉnh, có đông người tham dự, nhất là thế hệ trẻ; Tổ chức quảng trường, sân khấu đẹp và từng đoàn sinh hoạt, ăn ở theo hình thức cắm trại, trang trí sáng tạo, không khuôn mẫu; Có hình thức hoạt động văn nghệ, thể thao phong phú; Và cuối cùng là nội dung các ý kiến phát biểu…

Đến lúc này không còn sự câu nệ, tôi đề nghị anh Phú huy động toàn bộ lực lượng Tỉnh Đoàn và các ngành đáp ứng 3 yêu cầu trên, riêng phần nội dung, gồm bài diễn văn của Tỉnh Đoàn và bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, tôi sẽ chịu trách nhiệm.

Vào thời điểm này, điều kiện vật chất như vải, cờ, giấy hoa, chụp ảnh, quay phim, lương thực, thực phẩm không quá khó, và tiềm lực của Tỉnh Đoàn có sự hỗ trợ của Tỉnh ủy, đủ sức hoàn thành đúng thời gian. Riêng tôi, lục lại trí nhớ, hiểu biết của mình, dành trọn 1 ngày và 2 đêm hoàn thành 2 bài diễn văn như đã hứa. Đánh máy xong bản thảo bài diễn văn của Tỉnh Đoàn, tôi đưa anh Phú (vì anh là người đọc tại buổi lễ) và bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thì tôi trực tiếp trình anh Chín Cao (Nguyễn Duy Luân) để 2 anh xem lại, có bổ sung, thêm bớt thì Văn phòng Tỉnh ủy đánh máy lại. Sau đó bộ phận văn thư của Văn phòng Tỉnh ủy đánh máy rất đẹp thành nhiều bản. Khi đọc xong trong buổi lễ khai mạc sẽ gửi cho báo “Phú Yên giải phóng” và phân xã VNTT đang thường trú tại Phú Yên.

Cuộc họp mặt thế hệ trẻ cùng đông đảo công nhân viên cán bộ chiến sĩ lực lượng và đại biểu nhân dân vùng căn cứ với quy mô hàng ngàn người tại Trảng Sạn ngày 26/3/1973 đúng là một cuộc biểu dương lực lượng mừng chiến thắng sau Hiệp định Pari được ký kết. Tại cuộc họp mặt này, lần đầu tiên lễ kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn 26/3 được kết hợp tổ chức quy mô lớn, trọng thể của tuổi trẻ Phú Yên. Từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh đến các cán bộ thanh niên kỳ cựu như anh Bích Hải (Phạm Hữu Cháu), Nguyễn Phùng… và chị Nguyễn Thị Thanh Liên, ủy viên Ban Chấp hành Khu đoàn V đều tham dự từ đầu đến cuối. Nhiều buổi sinh hoạt, kể chuyện, trao đổi ý kiến, ca hát, ngâm thơ ca ngợi Hồ Chủ tịch, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhắc lại truyền thống đấu tranh của Đảng, của Đoàn và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Yên đã diễn ra tại từng nhóm, từng trại sôi nổi và kéo dài trong khí thế tưng bừng, phấn khởi của người chiến thắng. Tôi nghĩ, sau tất cả những gian khổ, ác liệt, mất mát, hy sinh thì cái giây phút hòa bình ngắn ngủi này thật vô cùng có ý nghĩa, nó trở thành một nét đáng ghi nhớ trong trang sử và truyền thống “Trí dũng song toàn, đi đầu thắng Mỹ” của tuổi trẻ Phú Yên.

Ai cũng hiểu rằng, từ Hiệp định Pari đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, hòa bình thống nhất đất nước để Bắc Nam sum họp một nhà sẽ trải qua một chặng đường đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh như bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại buổi lễ và nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận trong các cuộc họp mặt đã chỉ ra.

Cũng có thể nói cuộc họp mặt biểu dương lực lượng của thế hệ trẻ Phú Yên tại Trảng Sạn, vừa là cuộc liên hoan mừng chiến thắng, đồng thời cũng là sự khởi đầu một cuộc đấu tranh mới, đấu tranh buộc địch tôn trọng, thi hành Hiệp định Pari. Mục tiêu cuối cùng của cách mạng miền Nam “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” vẫn còn là thử thách, gian khổ, hy sinh đang chờ đợi tuổi trẻ.

CHUYỂN CÔNG TÁC SANG BAN LIÊN HỢP QUÂN SỰ 4 BÊN

Cuối tháng 4/1973, theo chủ trương của Thường vụ Khu ủy V về chuẩn bị lực lượng đấu tranh buộc địch thi hành Hiệp định Pari, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định cử tôi tham gia Ban Liên hợp quân sự 4 bên với 4 thành viên lãnh đạo, gồm: anh Văn (Ông Văn Bưu) Tỉnh đội trưởng; Lê Xưng, tham mưu trưởng Tỉnh đội; Tham Lâm, chủ nhiệm hậu cần Tỉnh đội và tôi, tỉnh ủy viên, một cán bộ dân sự mặc quân phục sĩ quan quân giải phóng miền Nam.

Được điều động về Ban Liên hợp quân sự 4 bên có một số cán bộ tham mưu, quân báo, tác chiến, quân y, một đồng chí ủy viên Ban An ninh tỉnh, 2 đồng chí thường vụ Huyện ủy, cùng vũ khí, phương tiện, thông tin, điện đài, cơ yếu và một trung đội vệ binh gồm các cán bộ chiến sĩ trẻ, hăng hái, dũng cảm lấy từ bộ đội, công an vũ trang… Khi Ban Liên hợp quân sự 4 bên chưa triển khai xuống vùng địch thì đóng quân bên cạnh Ban Chỉ huy Tỉnh đội.

Vào thời gian này, địch liên tục khiêu khích và tấn công vào một số trụ sở các Ban Liên hợp quân sự 4 bên ở nhiều nơi được triển khai sớm và theo quần chúng cơ sở cách mạng tỉnh báo ra, thì tên Tỉnh trưởng ngụy quyền Phú Yên vừa cho xây dựng khu nhà tôn, xung quanh rào kẽm gai và chuẩn bị cho bọn lưu manh, côn đồ khiêu khích, ném đá, hô khẩu hiệu phản động khi phái đoàn ta đến làm việc. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở nhiều tỉnh trong Khu V, nên Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định tạm dừng việc triển khai. Các cán bộ chiến tạm thời trở về đơn vị cũ. Riêng tôi, sang thường trực Ban Chỉ đạo đấu tranh thi hành Hiệp định Pari cùng với anh Phạm Tiệm và một số cán bộ khác (Ban chỉ đạo do anh Chín Cao, Bí thư Tỉnh ủy kiêm trưởng ban).

Tháng 7/1973, tôi lại bị bệnh rất nặng. Lúc đầu đồng chí Phạm Ưng, y sĩ Ban Liên hợp quân sự 4 bên đưa tôi vào điều trị tại trạm xá quân đội, sau đó chuyển về Trạm xá Sông Ba của tỉnh nhưng bệnh tình không thuyên giảm, nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị và thường vụ Khu V (A15) quyết định đưa ra hậu phương miền Bắc chữa bệnh. Trước ngày lên đường ra miền Bắc, tôi về thăm anh chị em cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy, ghé thăm cơ quan Tỉnh Đoàn tại thôn Trung Trinh, xã Sơn Long. Lúc này anh Phú vừa đi họp Khu đoàn về lo tập trung chuẩn bị Đại hội Đoàn. Anh Phú và anh chị em đề nghị tôi tham gia ý kiến vào công việc chuẩn bị đại hội nhưng tôi phải gác lại vì sức khỏe không cho phép, hơn nữa từ đáy lòng, tôi nghĩ từ đây, chắc sẽ không làm công tác Đoàn nữa. Dù sau khi lành bệnh trở lại chiến trường, thì công việc, tuổi tác cũng sẽ xếp mình vào một chỗ đứng khác.

(Còn nữa)

NGUYỄN TƯỜNG THUẬT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek