Ngày 11/1/1954, Tỉnh ủy Phú Yên dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Vụ - Bí thư Tỉnh ủy, nhằm quán triệt Nghị quyết của Liên khu 5 và Đảng ủy Quân khu về nhiệm vụ đánh địch bảo vệ vùng tự do Liên khu 5; phân công cán bộ kiểm tra, bổ sung kế hoạch quân sự, kinh tế, chính trị… khẩn trương xây dựng mọi lực lượng, xây dựng làng chiến đấu đánh địch càn quét, bảo vệ vùng tự do, tích cực phục vụ chiến trường; chủ động bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, sẵn sàng thực hiện khẩu hiệu “vườn không nhà trống”, tản cư, tránh địch.
I-TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG GIỮA TA VÀ ĐỊCH TRƯỚC KHI CÓ CHIẾN DỊCH ÁT-LĂNG
Về phía ta
- 3 đại đội địa phương tỉnh (C377, C392, C389).
- 4 đại đội địa phương huyện (C380,
C378, C374, C371).
Ở các xã, phường có từ một trung đội đến một đại đội du kích.
Về phía địch
Trên địa bàn Phú Yên, địch chỉ còn 3 đồn ở phía tây tỉnh: 1 đồn ở Hai Riêng (Sông Hinh), 1 đồn ở Ma Phu, 1 đồn ở Cà Lúi (Sơn Hòa), quân số mỗi đồn khoảng một đại đội.
II-DIỄN BIẾN CHIẾN DỊCH ÁT-LĂNG TRONG NGÀY 20/1/1954
Về phía địch
Sáng sớm ngày 20/1/1954 (tức ngày 16 tháng Chạp âm lịch, năm Giáp Ngọ), địch sử dụng 22 tiểu đoàn Âu - Phi và ngụy khinh quân cơ động, có không quân, pháo binh và cơ giới yểm trợ, từ Khánh Hòa vượt đèo Cả, từ vùng biển đổ bộ lên phường 7, TX Tuy Hòa và một cánh từ Cheo Reo tiến xuống Củng Sơn hòng đánh chiếm toàn tỉnh Phú Yên.
Về phía ta
Để chủ động đối phó đánh địch, bộ đội địa phương tỉnh, huyện, dân quân du kích chuẩn bị và triển khai phương án tác chiến tại thực địa và trên từng khu vực hình thành làng chiến đấu, sẵn sàng phá kế hoạch xây dựng tề-ngụy của địch. Các xã địch chưa đến thì huy động lực lượng nhân dân hăng hái bố phòng, đào đất công sự, phát triển liên lạc từ tỉnh xuống huyện, xã, tỉnh, nối liên khu và các tỉnh lân cận.
Về công tác chỉ đạo
Phú Yên đang vụ lúa tháng Chạp chín rộ cũng là thời vụ sản xuất đông xuân. Vụ lúa tháng Chạp thu hoạch được 26.000ha đang được cất giấu chu đáo.
Điều quan trọng là từ tỉnh, huyện và các chi bộ rà soát, bổ sung kế hoạch về công tác tư tưởng, uốn nắn những lệch lạc, quyết tâm giành lại thắng lợi to lớn nhất.
Các lực lượng vũ trang: vận dụng chiến dịch du kích với phương châm “tích cực chủ động, cơ động, linh hoạt”. Vận dụng các cách đánh như Bác Hồ đã dạy “ít đánh nhiều, yếu thắng mạnh”, phải đánh bất ngờ, tức là phải đánh vào những điểm địch cho rằng ta không bao giờ dám đánh thì lực lượng ít cũng có thể giành thắng lợi lớn.
Phải tập trung trí tuệ, mưu lược, quyết tâm đánh thắng quân xâm lược…
III-DIỄN BIẾN CHIẾN DỊCH ÁT-LĂNG
Địch cho quân đổ bộ lên phường 7 và 22 tiểu đoàn nhảy dù xuống sân bay thị xã. Ở hướng nam, địch sử dụng Binh đoàn số 10, hàng trăm xe cơ giới và bọc thép dẫn đầu vượt đèo Cả. Ở hướng tây, địch sử dụng 2 binh đoàn 41, 42 từ Cheo Reo xuống Củng Sơn.
Tại thị xã, đồng chí Trần Thành Tâm - Thị đội trưởng, đồng chí Nguyễn Chát - Thị đội phó được Bộ Chỉ huy Tỉnh đội đề bạt thay các đồng chí cũ trong hội nghị quân chính tỉnh ngày 2/9/1953.
Ngày 23/1/1954, Bộ Chỉ huy Tỉnh đội ra quyết định thành lập Trung đội 15 TX Tuy Hòa, quân số có 62 đồng chí, do đồng chí Trần Thành Tâm làm Trung đội trưởng, đồng chí Nguyễn Chát - Trung đội phó. Trung đội 15 là dân quân tập trung của 7 phường nội thị.
Quân địch tiến lên giáp phường 5 bị C377 và du kích đánh chặn quyết liệt. Cánh quân lên đường số 6 (Nguyễn Huệ) khi đến cầu Xóm Chiếu bị C377 và du kích phường 5 đánh chặn. Từ 9 giờ đến 10 giờ, quân địch nhảy dù xuống sân bay Tuy Hòa. Đến 10 giờ 30, các cánh quân địch đổ bộ và nhảy dù ở TX Tuy Hòa tập trung tại ngã 5 ở thị xã liền bị quả bom 50kg do đồng chí Dương Văn Liên phụ trách giật nổ làm tan xác một số tên, đồng chí Liên xông lên đánh tiếp và đã hy sinh.
Công tác thu thập tình báo của ta nhanh nhạy, nên ngày 17/1/1954, trên thông báo địch đã đánh lên TX Tuy Hòa, tất cả mọi sinh hoạt của nhân dân được đưa lên thời chiến, lãnh đạo quân, dân chính chuẩn bị đưa dân đi di tản. Các lực lượng vũ trang ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
7 giờ sáng 19/1/1954, đài quan sát ở trên núi Nhạn phát hiện các tàu thủy bắt đầu kéo đến địa phận Phú Yên. Ngay ngày hôm đó, lệnh phát ra nhanh chóng, các lực lượng vũ trang vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. 7.000 dân ở phường 7 bắt đầu sơ tán. Điểm bắt liên lạc là núi Dẻ phía đông mương dẫn thủy số 1 (Hòa Quang).
Tại đèo Cả: Đại đội 392 cùng du kích các xã Hòa Xuân, Hòa Hiệp, Hòa Vinh chặn đánh địch ngoan cường, kiềm giữ bước tiến của địch.
Huyện Tuy Hòa: Trung đội 17 của Đại đội 377 quấy rối, đánh địch liên tục ở Thạch Tuân, Phước Lộc, Mỹ Lệ, Phú Thứ. Quân địch bị ta chặn đánh, quấy rối liên tục, cộng với đường giao thông bị phá nên mãi đến 10 giờ hôm sau địch mới ra được đến TX Tuy Hòa.
Tại Củng Sơn: Đại đội 389 đánh địch ở Củng Sơn.
Các vị trí đóng quân của địch sau khi tạm chiếm đóng Phú Yên:
- Ở huyện Tuy Hòa 1: Địch chốt ở đồi Núi Hiềm, đồn Bàn Thạch (xã Hòa Xuân).
- Ở huyện Sơn Hòa: Địch chốt ở các đồn Ma Thu, Cà Lúi, Ba Bản (Củng Sơn), Bà Lá, Gò Lớn (Sơn Định).
Ở huyện Sông Hinh: Địch chốt ở đồn Hai Riêng, Tuy Bình.
Ở TX Tuy Hòa: Địch đóng:
- 1 D ở núi Nhạn.
- 1 C ở núi Sầm.
Rải 1 C dọc đường sắt đến hầm rượu (nhà hàng Hương Sen hiện nay).
- 1 D ở sân bay khu chiến (giáp cây số 3).
- 1 D ở chỗ Thị đội bây giờ.
- 1 D dọc phường 6 và phường 7.
- 1 C ở chùa Hồ Sơn.
Cơ quan đầu não của địch tập trung ở TX Tuy Hòa, ta cần đánh mạnh, đánh liên tục. Do đó, đồng chí Trưởng y công an đã khẩn trương xây dựng điệp báo an ninh đô thị nắm Nguyễn Văn Đạt - Tỉnh trưởng, Lâm Bình - Trung đoàn trưởng Bảo an (có sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và công an cấp trên). Từ đó, ta nắm được kế hoạch triển khai hành quân của địch. Đồng thời, ngày 6/4/1954, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 ra quyết định thành lập Trung đội Đặc công do đồng chí Lê Đức Tân đang hoạt động trong đơn vị đặc công ở Tây Nguyên về làm B trưởng. Quân số lấy từ B15. B15 rút lại biên chế còn 34 đồng chí.
Ta nắm được thông tin: Địch nhanh chóng chiếm đóng Củng Sơn và TX Tuy Hòa, hành quân nối liền từ hai điểm nói trên, dần dần tỏa rộng theo hình rẽ quạt từ thị xã đánh ra Chí Thạnh; từ Củng Sơn, một cánh đánh thọc xuống Sơn Định, vừa hành quân vừa sửa chữa cầu, đường để xuống Xuân Sơn, một cánh quân khác tiến ra Vân Hòa xuống An Lĩnh về Chí Thạnh, một cánh quân nữa thì tiến ra An Xuân về La Hai, một cánh tiến chiếm Chí Thạnh và tiếp tục hành quân lên La Hai.(Còn nữa)
Đại tá LÊ VĂN AN
(Nguyên cán bộ tham mưu tác chiếnTỉnh đội Phú Yên năm 1954)