I. ÂM MƯU CỦA ĐỊCH
Đánh chiếm vùng tự do của đối phương ở Liên khu 5 vốn là một ước mơ từ lâu của các viên tổng chỉ huy quân Pháp, từ Xa Lăng đến Na-va. Trải dài 400km giữa biển và vùng cao nguyên chiến lược, với chừng 2 triệu dân, dải đất Nam - Ngãi - Bình - Phú rất hấp dẫn đối với Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp. Địch biết rất rõ từ năm 1951 với 2 trung đoàn chủ lực 803, 108 (của Liên khu 5) đã được xây dựng và trưởng thành, với hệ thống bộ đội địa phương và dân quân du kích hoàn chỉnh, dải đất này đã trở thành mối nguy cơ thực sự đối với quân Pháp. Chiếm được vùng tự do Liên khu 5, không những xóa được một địa bàn đứng chân quan trọng của đối phương mà còn giải tỏa cho vùng chiến lược rừng núi Tây Nguyên khỏi sức ép nặng nề từ phía đông.
Cục diện chiến trường tỉnh Phú Yên năm 1954.
Để xoay chuyển thế bất lợi của quân đội Pháp ở cả 2 miền Nam, Bắc Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương, mùa hè năm 1953 Na-va tăng cường lực lượng đánh phá tất cả các khu du kích ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Kon Tum, Quảng Nam. Mặt khác, địch ráo riết tiến hành chiến tranh tâm lý, tung tề điệp, biệt kích xâm nhập móc nối, nhen nhóm lại các tổ chức phản động có cả vũ trang chuẩn bị bạo loạn nhằm buộc ta phải phân tán đối phó, gây hoang mang trong nhân dân vùng tự do Nam - Ngãi - Bình - Phú. Tháng 12/1953 để chuẩn bị mở cuộc hành quân Át-lăng đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5, quân Pháp lần lượt đưa các Binh đoàn cơ động số 10 vừa từ Pháp sang, Binh đoàn cơ động số 100 từ chiến trường Nam Triều Tiên đến, các binh đoàn cơ động số 11, 12 từ Bình Trị Thiên vào và Nam Bộ ra hợp với các binh đoàn cơ động số 41, 42 và các tiểu đoàn độc lập đã bố trí tại chỗ; hình thành một lực lượng tập trung lên tới 40 tiểu đoàn.
Trong bước một kế hoạch 18 tháng của mình, tướng Na-va chủ trương đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5 bằng một kế hoạch hành binh mang tên Át-lăng. Toàn bộ chiến dịch dự kiến chia làm 3 bước.
* Bước 1: Mang tên ArêTuy, sử dụng 22 tiểu đoàn theo 3 hướng: từ biển đổ bộ lên, từ Khánh Hòa đánh ra và từ Tây Nguyên (Đắk Lắk) đánh xuống chiếm TX Tuy Hòa rồi chiếm toàn tỉnh Phú Yên.
* Bước 2: Mang tên Axen, sau khi hoàn thành chiếm đóng tỉnh Phú Yên sẽ tăng cường thêm lực lượng, phát triển đánh chiếm Quy Nhơn và toàn bộ tỉnh Bình Định cũng bằng 3 cánh quân: Phú Yên ra. An Khê xuống và từ biển đổ bộ lên.
* Bước 3: Mang tên Attila: Bước quyết định, tập trung toàn bộ lực lượng từ 4 hướng Quảng Nam đánh vào, Bình Định đánh ra, Kon Tum đánh xuống và từ biển đánh lên. Cả 4 cánh quân sẽ hợp điểm tại TX Quảng Ngãi, hoàn thành mục tiêu đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5.
Cơ quan tham mưu Pháp đặt cho kế hoạch này mật danh 4A (1A mẹ, 3A con).
Trước tình hình đó, nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm của quân và dân Liên khu 5 được xác định là phải tập trung lực lượng củng cố căn cứ địa, bảo vệ vùng tự do chống địch càn quét, lấn chiếm.
II. CHỦ TRƯƠNG CỦA TA
Liên khu ủy, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu kiên quyết chấp hành chỉ thị và mệnh lệnh của Trung ương về phương hướng và nhiệm vụ tác chiến trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 trên địa bàn Liên khu 5. Quyết định: “Tập trung toàn bộ chủ lực tấn công lên Tây Nguyên. Nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do giao cho lực lượng địa phương. Các chiến trường sau lưng địch phát triển mạnh chiến tranh du kích ghìm chân địch mở rộng vùng căn cứ”.
Tập trung phần lớn chủ lực của Liên khu 5 mở cuộc tiến công lên chiến trường chính Tây Nguyên, ra sức tiêu diệt một phần sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai. Ở các vùng tự do, nhân dân, bộ đội địa phương, dân quân du kích cùng với một bộ phận nhỏ chủ lực có nhiệm vụ tích cực chuẩn bị đối phó với âm mưu của địch đánh chiếm vùng tự do. Nếu cuộc tiến công của ta phát triển thuận lợi trên toàn chiến trường Tây Nguyên thì cuối cùng chúng bị bắt buộc phải rút quân về, có khi phải rút khỏi nhiều địa phương khác.
Quán triệt sự chỉ đạo của Trung ương với chiến trường Liên khu 5, Hội nghị Liên khu ủy, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 5 đầu tháng 12/1953 quyết định:
- Tập trung toàn bộ chủ lực (Trung đoàn 108, Trung đoàn 803) cho nhiệm vụ tấn công lên Tây Nguyên.
- Giao nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do cho lực lượng địa phương. Trước mắt khẩn trương xây dựng lực lượng, xây dựng làng chiến đấu, nghiên cứu phương án tác chiến cho từng vùng. Địch đánh đến địa phương nào địa phương đó tự đối phó tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận địch, kìm chân không cho chúng mở rộng phạm vi kiểm soát hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do địch gây ra...
(Còn nữa)
Đại tá ĐẶNG PHI THƯỞNG
Nguyên ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Phú Yên