Chủ Nhật, 19/05/2024 07:03 SA
Còn mãi với thời gian (Tiếp theo và hết)
Thứ Hai, 31/03/2014 09:26 SA

Quá trình tổ chức lực lượng thanh niên xung phong tham gia xây dựng kinh tế của tỉnh Phú Khánh là một phong trào rộng lớn, mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc của thời kỳ sau giải phóng. Bản thân tôi, với tư cách là người khởi xướng và cùng tập thể Ban lãnh đạo Tỉnh Đoàn triển khai thực hiện, vẫn đọng lại trong tâm trí mình những kỷ niệm đẹp đẽ khó quên.

 

Yếu tố quyết định đầu tiên là chọn những con chim đầu đàn: Khi chủ trương được đề ra, chưa ai hình dung công việc ra sao, nhưng nhiều đồng chí trong ban Thường vụ và Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn xung phong đảm nhận phụ trách ngay công việc được phân công mà không hề ngần ngại gian lao khổ cực, không tính toán thiệt hơn. Chính nhờ vậy, mà tại các cuộc họp vận động, anh chị em thanh niên từ một vài người, đến nhiều người lần lượt tự nguyện xung phong đứng vào hàng ngũ. Có nhiều nơi, số thanh niên có mặt đã xếp hàng 100% sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Phong trào thật sự bùng nổ, làm cho Tỉnh Đoàn từ chỗ một số cán bộ chưa thật sự tin tưởng đã chuyển hướng đi theo phong trào để đáp ứng các công việc về tổ chức, hậu cần, tuyển lựa, bố trí cán bộ...

 

Khi triển khai đến địa bàn công tác, “đụng” phải một loạt vấn đề mới nảy sinh như xây dựng lán trại, ổn định nơi ăn chốn ở, công cụ lao động, rồi tiếp theo đó là thời gian lao động nặng nhọc, thiếu thốn, bệnh tật, tư tưởng chùn bước, bi quan, dao động... Lúc này đòi hỏi người cán bộ trực tiếp phụ trách, một mặt phải vững vàng, biết xây dựng, dựa và phát huy lực lượng nòng cốt, kiên cường bám trụ, thông qua hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để động viên tinh thần, mặt khác phải biết tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, kịp thời chi viện, đảm bảo vật chất để ổn định cuộc sống. Trong thời gian này, vai trò cán bộ rất quan trọng.

 

Về sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền với lực lượng thanh niên xung phong: Nếu những ngày đầu triển khai, đồng chí Lê Trọng Khoan, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy luôn đi sát, cùng với Bí thư Tỉnh Đoàn “gỡ” từng việc nút thắt, từ văn bản chủ trương, địa điểm tập trung, phương tiện vận chuyển... thì sau này đồng chí Hồ Ngọc Nhường đã cùng Bí thư Tỉnh Đoàn đi kiểm tra công việc, trực tiếp ra những chỉ thị cần thiết cho các ngành y tế, lương thực, thương nghiệp, giao thông vận tải... phải nhanh chóng bảo đảm những yêu cầu sinh hoạt, đời sống cần thiết cho lực lượng thanh niên xung phong... Kết luận có tính chân lý được rút ra là: Trong mọi trường hợp, mọi công việc của Đảng, Nhà nước, luôn luôn cần đến vai trò xung kích đi đầu của tuổi trẻ. Đảng, Nhà nước cũng thường xuyên dành sự quan tâm giải quyết những nhu cầu bức xúc, chính đáng của tuổi trẻ, thì lực lượng cách mạng này của Đảng sẽ dồi dào sức sống, có khả năng dời non, lấp biển.

 

Chân lý Đảng luôn biết dựa vào thế hệ trẻ để giáo dục, tổ chức, đưa họ đến với con đường cách mạng và thế hệ trẻ cũng luôn luôn cần có sự lãnh đạo, dìu dắt của Đảng trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống là điều bất di bất dịch.

 

Đến cuối năm 1977, tôi được Ban Bí thư TW Đoàn cử làm trưởng đoàn các Bí thư Tỉnh Đoàn, đi thăm Bungari, vừa nghiên cứu vai trò thanh niên trong mô hình kinh tế nông nghiệp (Tổ hợp APK) đang nổi tiếng thời đó, đồng thời tham quan một số nơi trên đất nước bạn. Chuyến đi giúp đoàn chúng tôi nghe, thấy và hiểu được nhiều việc, trong đó có một việc nằm ngoài chương trình là hầu hết cán bộ TW Đoàn Thanh niên Cộng sản Đimitơrốp đến Bí thư các Tỉnh, Thành Đoàn như Xophia, Varna... đều rất trẻ tuổi. Đoàn Việt Nam cùng TW Đoàn bạn đến thăm những xí nghiệp, nông trường, khu du lịch, trường học, viện nghiên cứu... hòa nhập vào quần chúng thanh niên một cách tự nhiên. Vì họ không có sự chênh lệch nhiều về tuổi tác. Từ đó hầu hết thành viên đoàn Việt Nam đều có chung ý nghĩ: Phải trẻ hóa, bởi lẽ nếu kéo dài lứa tuổi chúng tôi làm công tác Đoàn chẳng những khó hòa nhập mà còn tạo ra sự hạn chế đối với lớp cán bộ trẻ sẽ vươn lên thay thế mình.

 

Về đến Hà Nội, tôi đem ý kiến này trao đổi, tham khảo anh Nguyễn Tiên Phong, Bí thư thường trực Ban Bí thư TW Đoàn thì anh Phong rất đồng tình. Cùng thời gian này anh Đặng Quốc Bảo được Ban Bí thư TW Đảng quyết định thay anh Vũ Quang, làm Bí thư thứ nhất TW Đoàn.

 

Đầu năm 1978, trước thềm Đại hội Đoàn toàn tỉnh, tôi chuẩn bị chu đáo về mọi mặt và báo cáo với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin thông qua nội dung và đề xuất nhân sự, được Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí, hoan nghênh. Tiếp đó, Tỉnh ủy điều động đồng chí Lương Công Đoan, Bùi Sơn Hải về Tỉnh Đoàn cùng với tập thể chúng tôi lo công việc đại hội.

 

Đại hội Đoàn tỉnh Phú Khánh năm đó được đồng chí Nguyễn Xuân Hữu, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Đặng Quốc Bảo, Bí thư thứ nhất TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng dự suốt từ đầu đến cuối. Đại hội chuyển giao thế hệ đã diễn ra trong bầu không khí đoàn kết, phấn khởi và thành công tốt đẹp.

 

Sau đại hội, với cương vị Tỉnh ủy viên tỉnh Phú Khánh khóa I, tôi được Tỉnh ủy điều động bổ nhiệm làm Trưởng ban Kinh tế mới - định canh định cư, thay đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách nông nghiệp đang kiêm chức. Sau đó làm Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND tỉnh cho đến ngày về hưu.

 

* * *

 

Khép lại những trang hồi ký về cuộc đồng hành với tuổi trẻ Phú Yên, tôi muốn ghi thêm vài dòng suy nghĩ thay cho lời kết.

 

Điều cần có trước tiên trong mỗi con người, nhất là những người trẻ tuổi là lòng yêu nước thương dân, là tình yêu quê hương. Để làm một điều gì đó cho đất nước, quê hương, thì việc lựa chọn con đường để theo đuổi là sự khởi đầu có tính quyết định. Trong bối cảnh đất nước bị ngoại bang xâm lược, dân tộc bị đô hộ thì con đường thanh niên phải theo là con đường cách mạng do Đảng, Bác Hồ đã vạch ra. Tuổi trẻ đi theo cách mạng, làm cách mạng để trở thành người cách mạng chân chính là một tất yếu lịch sử. Ai chần chừ tính toán thiệt hơn, nửa vời, thì tuổi xuân hoài phí.

 

Điều tiếp theo, trong thời chiến cũng như thời bình, người cách mạng trẻ tuổi phải luôn biết tạo ra nguồn cảm hứng, sự đam mê, nhiệt tình, niềm lạc quan yêu đời và tinh thần lãng mạn, thì mọi thử thách đều có thể vượt qua. Phải giữ ngọn lửa nhiệt tình không bao giờ tắt. Cần nhớ rằng khi trái tim trong ta nguội lạnh, dửng dưng, thì đầu óc cũng trở nên trống rỗng, vô vị, hoặc có thể rơi vào sự ích kỷ, bê tha.

 

Điều sau cùng: Nhạy cảm với cái mới và sáng tạo là đặc trưng của tuổi trẻ, hơn nữa, cách mạng cũng đòi hỏi ở chúng ta phải như vậy. Nếu một thanh niên, một đoàn viên, một cán bộ Đoàn (hoặc cán bộ nói chung) mà chỉ thụ động “Thiên lôi chỉ đâu đánh đó” thì không còn phẩm chất của tuổi trẻ.

 

Để hòa nhập và đi đầu trong cái mới, có 2 điểm tuổi trẻ không bao giờ được quên: Đó là phải gắn bó cội nguồn và tinh hoa dân tộc, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng; đồng thời phải biết luôn luôn học hỏi, khám phá để mở mang và hoàn thiện tri thức.

 

Tinh hoa tuổi trẻ Phú Yên trong chiến tranh là “Trí dũng song toàn, đi đầu thắng Mỹ”, còn trong hòa bình, theo tôi nghĩ phải là một lớp người luôn đi đầu trong lao động sản xuất, công tác, dũng cảm, sáng tạo, có học vấn, có đạo đức, tư cách, cùng một thể chất lành mạnh và luôn hướng về phía trước.

 

NGUYỄN TƯỜNG THUẬT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek