Thứ Năm, 28/11/2024 16:51 CH
Quân dân Phú Yên đánh bại chiến dịch Át-Lăng, chia lửa cùng chiến trường chính Điện Biên Phủ:
Bài 8: Vai trò của Công an Phú Yên (Tiếp theo và hết)
Thứ Ba, 22/04/2014 08:35 SA

a- Hiểu địch và tổ chức nắm địch để phục vụ cho việc đánh địch là khâu quan trọng, đồng chí Trưởng ty Công an Phú Yên Nguyễn Thế Vịnh cùng các phòng chức năng, đặc biệt là phòng điệp báo phải rà soát toàn bộ cơ sở nắm địch đã có và bằng mọi giá, dùng cơ sở điệp báo tổ chức nắm địch, đưa đồng chí Võ Thành Long cơ sở điệp báo qua việc quen biết với Nguyễn Văn Ba làm việc ở Văn phòng tỉnh đường Phú Yên để đưa và giới thiệu Võ Thành Long vào làm việc ở Trung đoàn bộ Trung đoàn Bảo An, do Lâm Bính làm trung đoàn trưởng. Hàng ngày Nguyễn Văn Ba và Võ Thành Long tiếp xúc với Phan Ngũ để nhận nhiệm vụ làm cơ sở cho cách mạng.

 

Nguyễn Thành Long đã khéo léo tổ chức bí mật cho Phan Ngũ trực tiếp gặp đồng chí Nguyễn Thế Vịnh, Trưởng ty Công an Phú Yên, chính thức giao nhiệm vụ cho Phan Ngũ khai thác tình hình và phục vụ cho chiến dịch Át-lăng, bố trí liên lạc thường xuyên giữa Ngũ, Long và Nguyễn Thế Vịnh suốt trong thời gian chiến dịch Át-lăng qua liên lạc viên của Công an Phú Yên Nguyễn Văn Tài (tức Mẫn) được cải trang với biệt danh là T2.

 

Qua Nguyễn Văn Ba, Phan Ngũ, Nguyễn Thành Long đã tranh thủ nắm được Nguyễn Văn Đạt - Tỉnh trưởng, Lâm Bính - Trung đoàn trưởng Bảo an (việc này đồng chí Nguyễn Thế Vịnh báo cáo cho Tỉnh ủy và ngành cấp trên). Nhờ nắm được cơ sở địch như vậy nên tình hình luôn chủ động suốt thời gian địch đánh phá Phú Yên, đồng chí Nguyễn Thế Vịnh luôn bám sát để nắm địch.

 

b- Nắm các đối tượng có tiền án tiền sự hoặc tình nghi chính trị, tình nghi lưu manh trộm cướp để xử lý nhằm chủ động trong sạch địa bàn trước khi địch tấn công về vùng tự do, nhằm không cho bọn phản động, bọn xấu cấu kết với địch hoặc lợi dụng “đục nước béo cò” cướp bóc tài sản của nhân dân khi giặc đến nhân dân đi lánh cư.

 

Các phòng chức năng đã chủ động phối hợp với công an xã, công an huyện rà soát lại danh sách đối tượng lâu nay công an đã quản lý, xử lý hoặc sử dụng để nắm địch, đánh địch.

 

Trên cơ sở đó phân làm 3 loại:

 

- Loại nguy hiểm: địch đến có thể bắt tay và làm tay sai cho chúng, chống phá cách mạng, thống nhất từ địa phương, đề nghị Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh tập trung cải tạo kể cả số lưu manh chuyên nghiệp đầu sỏ. Cụ thể như Trương Bội Hoàng, Đặng Phú Tân,...

 

- Loại lưng chừng: gió mạnh chiều nào ngã theo chiều đó (cách mạng mạnh thì theo cách mạng, địch mạnh thì chạy theo địch) đề nghị bắt buộc đi tản cư theo quần chúng, không được ở nhà, bên ngoài thì thuyết phục nhưng nội dung bên trong là phải buộc họ tản cư với quần chúng để có sự giúp đỡ, giám sát của quần chúng.

 

- Loại lưng chừng hay bất mãn cá nhân, bố trí cơ sở quần chúng giám sát, ngăn chặn hành động đột xuất của họ (kể cả số lưu manh, cắp vặt, bẻ bí bắt gà ở nông thôn).

 

Các loại đối tượng này được phân loại, lập thành danh sách và có đối sách từng loại, được thống nhất từ cơ sở xã, phường, đến Ủy ban kháng chiến hành chính huyện và được Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh phê duyệt trước, khi địch đánh phá đến đâu, tùy tình hình công an sẽ xử lý theo kế hoạch, có trường hợp đột xuất Công an tỉnh xin ý kiến Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh.

 

c- Kiện toàn tổ chức bộ máy, huấn luyện, phân công cán bộ nhằm tăng cường cho cơ sở huyện, xã và đồn kiểm soát, tăng lực lượng nghiệp vụ cho cơ sở, sắp xếp gọn bộ máy công an cấp tỉnh: phân 2 bộ phận trực tiếp chỉ đạo và theo cơ quan bảo vệ an toàn phương tiện làm việc, hồ sơ, giấy tờ, giữ vững liên lạc với Công an Khu V, Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, bảo vệ 2 cơ quan Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh.

 

- Sau khi cán bộ lãnh đạo Công an tỉnh được quán triệt quan điểm, đường lối chính sách của Đảng và chỉnh huấn cho nội bộ ngành Công an, tập huấn nghiệp vụ, chọn và phân công một số cán bộ các phòng ban, tăng cường cho công an huyện và các đồn công an để cử người tăng cường cho công an xã trọng điểm, địch có thể đánh chiếm trước. Số cán bộ còn lại cơ quan phân làm 2 bộ phận: một bộ phận bám địch, bám dân để chỉ đạo đánh địch; đồng chí Trưởng ty Công an Nguyễn Thế Vịnh và đồng chí Trưởng ban Bảo vệ chính trị Nguyễn Nhưng trực tiếp nắm chỉ đạo bộ phận này. Bộ phận di chuyển cơ quan, tài liệu đến căn cứ bắc Đồng Xuân để bảo vệ tài sản, bảo vệ tài liệu và giữ liên lạc với cấp trên, cấp dưới, quan hệ với cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, do đồng chí Trưởng ban Tư pháp và Trưởng văn phòng Công an phụ trách.

 

- Di chuyển trại cải tạo, 400 trại viên đang giam giữ tại An Xuân (Tuy An) đi Phước Lãnh để khi địch đánh đến Phú Yên sẽ dời trại cải tạo về hậu cứ (Phú Giang, Thồ Lồ), bảo vệ trại viên và tài liệu an toàn (hậu cứ đã được chuẩn bị, xây dựng từ trước).

 

Nhờ công tác chuẩn bị chu đáo nên khi địch đánh nhiều mũi, tấn công nhiều hướng nhưng trại cải tạo 400 phạm nhân vẫn an toàn.

 

d- Đối với công an huyện, công an xã, đồn công an:

 

Phân làm 2 bộ phận:

 

- Bộ phận bám địch, bám dân: khi địch chưa đánh đến tổ chức nắm địch, tuyên truyền, phát động quần chúng nhân dân, tham gia xây dựng làng chiến đấu, làm hầm chông, cạm bẫy, chuẩn bị đánh địch, giáo dục ý thức phòng gian bảo mật “không biết, không nghe, không thấy”. Khi địch đánh đến vận động giúp dân tản cư, lánh giặc. Khi dân tản cư công an cùng với du kích bám địch, bảo vệ tài sản, nhà cửa cho nhân dân, tuần tra, canh gác, đề phòng kẻ gian lợi dụng, cướp bóc tài sản của nhân dân; địch đến thì cùng với du kích đánh địch, báo tin thường xuyên cho nhân dân yên tâm tản cư lánh địch.

 

- Bộ phận cùng với nhân dân tổ chức nhóm, trưởng liên gia giúp đỡ cho nhân dân tản cư lánh địch khi có lệnh, phân công đảng viên, công an làm nòng cốt, hướng dẫn nhân dân đi tản cư theo hướng đã chuẩn bị, đi có trật tự: khi địch càn quét xong thì tổ chức nắm địch, hướng dẫn dân về nhà lấy lương thực, thực phẩm bổ sung hay hồi cư về nhà theo lệnh điều khiển của Ủy ban kháng chiến hành chính xã, thôn; nhắc nhở nhân dân đề phòng hầm chông, cạm bẫy của ta hay của địch gài lại. Khi dân về, tổ chức canh gác, tuần tra, nắm địch, đề phòng địch càn quét trở lại, khi địch càn quét trở lại, kịp thời báo tin và hướng dẫn nhân dân tản cư như trước, nhất là việc trật tự, bảo đảm bí mật hướng lánh cư.

 

- Đối với vùng sau lưng địch hay vùng địch chưa càn quét đến, nhiệm vụ công an cùng với du kích tổ chức nắm địch, tuần tra canh gác, báo tin, báo động cho nhân dân yên tâm sản xuất làm ăn. Khi tiền tuyến cần huy động nhân tài vật lực, nhất là dân công phục vụ chiến trường, hay lương thực, thực phẩm phục vụ cho tiền tuyến, nuôi dưỡng thương bệnh binh, mai táng liệt sĩ, giam giữ, nuôi tù hàng binh, phải phối hợp cùng chính quyền phục vụ đầy đủ, nhất là bảo vệ hành lang cho dân công đi chiến trường, hay nơi trú quân của bộ đội...

 

- Nhờ sự chủ động chuẩn bị khẩn trương, chặt chẽ, chu đáo nên suốt thời gian chiến dịch đánh chiếm vùng tự do Phú Yên địch không thực hiện tham vọng của chúng là: đánh chiếm vùng tự do Phú Yên trong thời gian 1 tháng, xây dựng được bộ máy tề ngụy, tiến hành bắt lính, đôn quân, vơ vét tài sản để phục vụ cho cuộc hành quân càn quét quy mô của chúng, lấy Phú Yên làm bàn đạp để tấn công ra vùng tự do Bình Định, Quảng Ngãi; đồng thời ta hạn chế được thương vong, tổn thất, tính mạng và tài sản của nhân dân, cán bộ, góp phần cùng lực lượng vũ trang tấn công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch; cùng với chiến thắng Tây Nguyên của quân chủ lực, góp phần với cả nước đánh thắng chiến dịch Điện Biên Phủ, làm thất bại hoàn toàn chiến dịch Át-lăng tại Phú Yên.

 

3. Những bài học rút ra

 

a- Nhờ quán triệt đầy đủ, nghiêm túc Nghị quyết của Đảng, chính quyền về nhiệm vụ đánh địch bảo vệ vùng tự do Liên khu V, khẩn trương xây dựng làng chiến đấu, đánh địch càn quét, bảo vệ vùng tự do, tích cực phục vụ chiến trường, chủ động bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân, sẵn sàng thực hiện “vườn không nhà trống”, tản cư tránh địch là nhiệm vụ tổng quát của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên.

 

Tích cực chuẩn bị, chủ động phòng ngừa, chủ động tấn công, sẵn sàng đánh địch, bảo vệ vùng tự do, bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân là khâu quan trọng nhất. Mỗi cán bộ chiến sĩ công an và mọi người dân được hiểu đầy đủ, đúng mực và sẵn sàng đánh địch khi địch đến, thực hiện nghiêm túc các mệnh lệnh của Ủy ban kháng chiến hành chính các cấp, nhất là lệnh tiêu thổ kháng chiến, thực hiện “vườn không nhà trống” khi địch đến.

 

b- Xác định đúng chức năng, nhiệm vụ của công an: làm tham mưu cho Đảng, chính quyền một cách cụ thể, chính xác về nhiệm vụ an ninh trật tự nhằm huy động sức mạnh của toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân tham gia đánh địch bảo vệ mình, lấy lực lượng công an, quân đội làm nòng cốt để đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động của địch khi chúng bắt đầu tấn công đánh phá, chiếm đóng vùng tự do Phú Yên; kiên quyết không để địch lập bộ máy tề ngụy các cấp ở địa phương hòng cấu kết để đánh phá cách mạng, đánh phá vùng tự do Phú Yên; muốn thắng địch phải hiểu địch một cách tường tận, cụ thể để nắm chắc địch, có chính sách thích hợp để thắng chúng, phải có cơ sở nội tuyến cấp cao trong hàng ngũ địch.

 

c- Phải xác định đúng đối tượng tác chiến của lực lượng công an là bọn gián điệp, biệt kích, tình báo, bọn phản động, bọn lưu manh côn đồ, trộm cướp. Chúng không đông, không mạnh nhưng rất phức tạp và nguy hiểm, chúng cấu kết với nhau nhằm “đục nước béo cò”, đánh phá phong trào cách mạng của nhân dân, cướp bóc, vơ vét tài sản, trâu bò của nhân dân làm cho đời sống nhân dân bị kiệt quệ. Chúng tung tin đồn nhảm, lũng đoạn tinh thần tư tưởng, gây hoang mang trong nhân dân, làm cho nhân dân xa rời kháng chiến, chạy vào vùng địch, làm mất ổn định và suy yếu hậu phương ta. Muốn chủ động phòng ngừa đánh thắng chúng phải huy động sức mạnh của toàn dân vào chiến tranh nhân dân để đánh chúng ngay từ đầu, làm cho chúng đau, chúng đui, chúng điếc, chúng què quặt, hạn chế bước tiến của chúng và tiếp tục đánh bại chúng từ trận đầu, ngày đầu, tháng đầu.

 

d- Phải biết sắp xếp, chuẩn bị, huấn luyện đội ngũ cán bộ, bố trí lực lượng hợp lý, phù hợp từng địa bàn, từng trọng điểm, huy động lực lượng từ cơ sở, xã, phường, đồn, công an huyện, tỉnh để phân công làm nòng cốt đánh địch phù hợp với từng đối tượng. Chủ động chuẩn bị sẵn sàng, có phương án cụ thể, có đối tượng phải xử lý ngay trước khi địch đến, có đối tượng phải theo dõi, giám sát, có đối tượng giao cho nhân dân quản chế, giúp đỡ.

 

Ngay số đối tượng đã giam giữ tại trại cải tạo, trại giam cũng phải có đối sách và tổ chức giam giữ chặt chẽ, đề phòng địch đánh cướp và giải thoát tù ra làm tay sai cho chúng.

 

Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy phải gương mẫu bám sát địa bàn, trụ ngay nơi địch tổ chức tấn công để chỉ đạo, chỉ huy kịp thời, đồng thời sắp xếp bộ phận cơ quan nặng nề lui về hậu cứ để bảo vệ cơ quan, tài sản, phương tiện làm việc, đảm bảo thông tin liên lạc giữa trên và dưới.

 

e- Sự nghiệp đánh địch bảo vệ vùng tự do, bảo vệ tính mạng tài sản cho nhân dân là sự nghiệp của dân nên phải biết dựa vào dân, huy động sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của chiến tranh du kích mà đánh địch.

 

Biết phối hợp với các ngành, các cấp chặt chẽ, thường xuyên, phát huy chức trách từng ngành, từng đoàn thể để đánh địch thích hợp để phát huy thế mạnh và sự sáng tạo của mỗi ngành, mỗi cấp, không bao biện làm thay, tạo sự ỷ lại cho công an.

 

Trực tiếp tham mưu cho cấp ủy chính quyền cơ sở, phân công, sử dụng nguồn nhân lực, vật lực đúng mức đối với từng vùng để chi viện, giúp đỡ cho nhau và phục vụ cho tiền tuyến, tránh lãng phí, thất thoát tài sản công quỹ của Nhà nước, của nhân dân.

 

g- Tấn công địch, đánh địch đúng đối tượng, đúng chính sách, đúng pháp luật, thực hiện phương châm thêm bạn bớt thù, lôi kéo người sai đường lạc lối trở về với nhân dân, thực hiện sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ rộng lớn, được giáo dục kỹ cho từng cán bộ và chiến sĩ công an trong khi thi hành công vụ. Giáo dục phẩm chất, đạo đức của người công an nhân dân “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, không động đến cây kim, sợi chỉ của nhân dân.

 

Tóm lại vai trò của Công an Phú Yên trong đóng góp đánh thắng chiến dịch Át-lăng của thực dân Pháp năm 1954 là quan trọng, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và của nhân dân Phú Yên.

 

NGUYỄN DUY LUÂN

Nguyên cán bộ Công an Phú Yên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên thời kỳ kháng chiến chống Mỹ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek