Những tháng cuối năm 1953, vùng biển TX Tuy Hòa và làng Long Thủy (nay là TP Tuy Hòa), tàu thủy giặc Pháp chạy qua chạy lại ngày đêm, nhả lên trời những cụm khói đen, ngoằn ngoèo hình những con quái vật. Ngư dân Long Thủy không dám ra biển đánh cá vì sợ tàu thủy Pháp bắt giữ và bồn chồn lo lắng lũ giặc có âm mưu gì đây? Đánh chiếm Tuy Hòa hay càn quét Long Thủy?
Bãi biển Mỹ Á - Long Thủy hôm nay - Ảnh: M.KÝ
Đúng như dự đoán, ngày 20/1/1954, giặc Pháp mở cuộc tấn công tổng lực. Địch cho thủy quân lục chiến đổ bộ lên TX Tuy Hòa, không quân nhảy dù xuống sân bay Tuy Hòa gần suốt cả buổi sáng. Để tập trung quân mở màn cho chiến dịch, chúng phải dùng đến 32 tiểu đoàn, trong đó có 4 binh đoàn cơ động số 10, 100, 41, 42 để mở chiến dịch Át-lăng do tướng Đờ-bô-pho (De Beauford) chỉ huy. Ngoài ra, địch còn dùng đến 2 cánh quân từ Khánh Hòa đánh ra và từ Đắk Lắk đánh xuống.
Với quân lực mạnh, khí giới tối tân, có cả tàu bay, tàu thủy hiện đại, chúng định nuốt chửng các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, biến các tỉnh tự do Liên khu 5 thành vùng chiếm đóng của chúng và giải nguy cho Điện Biên Phủ đang bị bao vây tiêu diệt. Nhưng những cuộc hành quân đánh nhanh ra các xã ngoài TX Tuy Hòa không dễ dàng. Chúng bị vây hãm trong thị xã hàng tháng trời bởi lực lượng bộ đội địa phương và du kích các xã gần đó. Phải khó khăn lắm, chúng mới đánh lấn ra được. Lúc ấy, làng Long Thủy nằm trong vòng vây của địch. Phía đông là biển, tàu thủy địch có thể đổ bộ lên bất cứ lúc nào; phía TX Tuy Hòa, địch có thể tấn công ra càn quét để bảo vệ quốc lộ 1- con đường hành lang ra phía bắc tỉnh. Du kích xã An Chấn và thôn Long Thủy thực hiện chủ trương vườn không nhà trống của Đảng, luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Những ngày giáp Tết Giáp Ngọ (1954) bà con trong làng bắt nhốt heo gà, vội vàng cúng ông Táo, cúng Tất niên mời ông bà sớm về ăn tết với con cháu. Xong đâu đấy, tất cả nồi niêu xoong chảo, quần áo cho vào quang gánh, vội vã tản cư lên vùng núi Phú Cốc, cách Long Thủy chừng 4 đến 5 cây số. Tuy khoảng cách không xa nhưng đường lên Phú Cốc núi non đèo dốc hiểm trở, địch khó lòng lên được. Đội du kích Long Thủy tuy xa nhà, phải ăn tết trên vùng núi Phú Cốc nhưng lại cảm thấy đầy đủ và ấm áp tình cảm. Thịt thì có đủ heo, gà các gia đình tự nuôi đem theo. Cá biển tuy không có nhưng được ăn cá đồng do bà con Phú Cốc đem cho. Các cô nữ du kích lúc nào cũng cười tươi là những người cung cấp cá đồng, ốc, rau tươi, sau những đêm chúng tôi xuống núi phục kích đánh địch. Tại Tuy Hòa, sau khi bị địch chiếm đóng thì tàu thủy địch luôn lởn vởn ở cửa biển Long Thủy, ca nô của chúng lướt như bay trên mặt sóng như chỗ không người. Du kích chúng tôi lúc ấy chỉ có lựu đạn và mìn, chưa có súng để bắn được xa, nên đành nuốt hận, làm ngơ. Chúng nhiều lần càn vào làng, nhưng làng đã thành vườn không nhà trống, tuy là tết nhưng chúng cũng không tìm được gì, chúng vào làng rồi lại ra.
Sáng 2/3/1954 tức ngày 19 tháng Giêng năm Giáp Ngọ, giặc Pháp cho tàu thủy đổ hàng và đổ quân lên bãi biển Long Thủy. Làng vắng tanh không người. Tuy vậy, chúng vẫn ra lệnh giới nghiêm “Không ai được bén mảng đến bờ biển. Nếu thấy sẽ bắn chết”. Cấm vậy, nhưng cũng có người tìm cách lén xem chúng làm gì. Từ sáng sớm họ đã thấy một chiếc tàu thủy to lù lù đến đậu ở nơi nước sâu. Con tàu há mồm nhả ra những chiếc xe tải chở đầy lính, chất đầy hàng, đưa vào bãi biển ở phía bắc làng. Chúng xếp hàng từ sáng đến gần chiều, đống hàng cứ cao dần lên như một quả đồi. Bà con theo dõi mãi cũng chán, sau đó mặc chúng muốn làm gì thì làm.
Đêm hôm đó (2/3/1954), đội du kích chúng tôi gồm 4 anh em: Trần Thuận, Trần Minh Quang, Lê Thưa, Nguyễn Nổ ở trên núi xuống đến nhà bà Lành là mẹ đồng chí Thưa hỏi thăm tình hình. Bà cụ Lành cho biết đến xẩm tối vẫn còn nhiều lính trên bãi biển, chúng tôi hỏi có thấy chúng bố trí canh gác không? Bà cụ Lành trả lời: không biết rõ. Nhưng đến xẩm tối thì tàu đỏ đèn sáng choang, cứ vài phút lại quét đèn pha vào kho hàng và bãi biển. Không biết thực hư thế nào, đội du kích quyết định tiến gần kho hàng để quan sát.Trong rìa làng nhìn ra, chúng tôi thấy kho hàng cao ngất, to lù lù. Cách bờ nước chừng 100m, chiếc tàu chiến to trên boong nổi lên những ụ súng lởm chởm, nòng súng chĩa vào bờ như sẵn sàng nhả đạn, sẵn sàng bóp nát những ai đang đến gần nó. Trời đã nửa đêm, cái gió tháng Giêng lành lạnh ru bọn lính trên tàu vào giấc ngủ say. Chỉ còn bọn lính quét đèn pha là còn thức, chốc chốc chúng lại quét đèn pha vào bờ từ đầu nam đến đầu bắc dài gần 1km. Ở chặng giữa là kho hàng chúng vừa mới lập lên. Cách quét đèn pha như thành quy luật: quét nhanh ở 2 đầu bãi, ở kho hàng quét chậm như để đủ thì giờ quan sát kỹ hơn và như để dọa dân làng và du kích. Đội du kích Long Thủy bàn nhau là phải có người ra tận nơi để xem kỹ vì nhìn từ xa rất khó thấy. Tôi xung phong bò ra với lý do: “Tôi nhỏ con, nếu nằm trong cát, chỉ thấy cái đầu trông như trái dừa khô. Trên bãi cát lại có nhiều con chó hoang chạy đi chạy lại, bên cạnh đó, những khúc dừa to để kê
thuyền bỏ đây đó, đèn pha quét qua nếu nhìn từ xa không nhận ra đâu là người đâu là vật, nên không đáng sợ”. Nghe tôi nói cả đội yên tâm để tôi bò ra. Ban đầu tôi sợ, nhưng sau bình tĩnh trở lại xử lý các tình huống như khi gặp đèn pha quét qua người… Lúc đó, tôi lo nhất là bọn lính gác ở kho. Chúng dễ phát hiện lúc tôi bò đến gần. Nhưng quan sát không thấy ánh sáng gì cả ở kho lóe ra. Có lẽ chúng đã ngủ say, tôi yên tâm bò tới. Trong rìa làng, núp sau những cồn rau muống xanh, đồng đội lo lắng cho tôi. Còn tôi vừa bò vừa tính toán trong đầu. Mỗi đợt đèn pha quét qua, phải nằm im bất động lúc đèn chiếu qua rồi phải lợi dụng bóng tối bò tới trước. Khi bò tới vùng bóng tối của kho hàng, tôi bò rất chậm chú ý quan sát trong kho hàng có bọn lính gác không. Lúc ấy, tôi thấy một bóng người tay cầm súng ngồi dựa lưng vào một cột gỗ, tà áo sau lưng bay phất phới - đó là tên lính gác. Tôi nằm nghĩ miên man hết việc này đến việc khác. Có lúc nghĩ đến cái chết. Hình ảnh anh Nguyễn Văn Bé phá kho hàng của giặc ở Sài Gòn đã động viên tôi bình tĩnh, dũng cảm. Tôi bới thêm cát vẫy vào mình để chỉ còn cái đầu trồi lên như quả dừa và nằm im quan sát. Nửa tiếng, một tiếng mà thấy thằng địch vẫn không cử động, vẫn giữ nguyên một tư thế ngồi. Tà áo sau lưng vẫn bay phấp phới trước làn gió biển. Một ý nghĩ thoáng qua đầu: thằng địch ngụy trang bù nhìn để ta sợ. Tôi bò vào sát hơn, ngắm kỹ hơn. Rõ ràng chỉ là một chiếc áo rách vắt trên một cột cây! Tôi mỉm cười nhẹ nhõm. Sau khi biết rõ trong kho không có lính gác nên tôi tranh thủ sục sạo xem kho hàng chứa những gì. Tôi thấy những bó to lớn hơn bao tải bông, đai nịt gọn gàng, nặng đến hàng trăm ký. Đến những thùng gỗ đóng kín mít, những thùng sắt… không biết chứa thứ gì. Bên ngoài những đống hàng đó là những đống cuốc xẻng, gỗ cây, ki tre dồn cao lên. Nhìn lên trời sao mai lấp lánh. Tôi nghĩ từ lúc bò ra đến giờ có lẽ đã vài tiếng đồng hồ. Tôi vội bò vào rìa làng, các đồng chí trong đội du kích mừng rỡ như đón người đi xa về. Tôi đề nghị những đồng chí khỏe mạnh ra lấy chiến lợi phẩm đem đi cất giấu để nộp lên cấp trên. Sau này, Huyện đội Tuy An cho chúng tôi biết trong số những chiến lợi phẩm đó là thuyền bằng cao su dã
chiến để qua sông, tăng bạt để lợp đồn trại, những thùng thực phẩm, trái cây… Số hàng chúng tôi không lấy được hết phải thiêu hủy để địch không lấy lại được. Biết là trời sắp sáng, mọi người khỏe mạnh được điều ra đẩy vào rừng dừa những bó hàng bằng vải nhựa và thùng sắt, gỗ. Các nhóm đều được phổ biến kinh nghiệm tránh đèn pha nên làm được nhanh và an toàn. Một số người được cử đi dỡ các mái rạ ở các lều tre trên bãi biển để làm mồi đốt các đống hàng của địch và đốc thúc các gia đình còn ở trong làng đi tản cư lên núi, đề phòng sáng mai địch ở Tuy Hòa ra sẽ khủng bố. Áng chừng đội vận chuyển chiến lợi phẩm đã đi qua quốc lộ 1 lên núi và cất giấu xong chiến lợi phẩm ở rừng sau làng, chúng tôi phóng lửa đốt những thứ không lấy được. Trước khi đốt, chúng tôi bỏ mìn và lựu đạn rải rác trong kho hàng nên khi kho cháy lên, mìn và lựu đạn nổ ầm ầm, kho cũng tự nổ những tiếng thật to. Hàng hóa bắn tung lên trời. Lửa đỏ, khói đen bốc lên ngùn ngụt. Người đứng trên núi nhìn xuống, thấy lửa đỏ cao hơn ngọn dừa. Tiếng mìn nổ liên tục. Tàu thủy lúc bấy giờ nổ máy, nhưng lại không cho quân lên cứu kho hàng mà thẳng hướng phía nam chạy xuống. Chắc là chúng nghĩ không thể cứu vãn tình thế. Trước khi chạy khỏi rặng dừa xanh, chúng bắn đại bác, đại liên tới tấp vào làng. Con đường lên Phú Cốc bị hứng chịu nhiều đại bác nhất - ý chừng là để trừng phạt du kích và dân làng chạy lên núi. Nhưng chúng chỉ tốn đạn vì du kích và dân làng đã yên vị nơi vùng tản cư, vượt xa tầm pháo của chúng. Sáng hôm sau một đoàn xe tải quân sự 3 chiếc từ Tuy Hòa chạy ra Long Thủy, trên xe chở đầy lính đội mũ sắt, tay lăm lăm súng trường cắm lưỡi lê sáng loáng. Chúng vây bắt dân làng, nhưng chỉ bắt được một vài người già đang đau bệnh không đi lánh nạn được, đem vào TX Tuy Hòa để tra khảo. Mọi người trả lời không biết ai đã đốt kho hàng, buộc chúng phải thả họ về. Sau đó địch điều động tiểu đoàn ngụy quân số 511 đến đóng ở Long Thủy để giữ Cảng Long Thủy và quốc lộ 1 đoạn qua xã An Chấn để giữ an toàn cho con đường tiến quân ra phía bắc tỉnh. Đồng thời chúng lập mấy chốt ở Màng Màng, núi Hùng và Phú Điềm trên quốc lộ 1. Những cái chốt ấy là gai trước mắt của bộ đội địa phương và du kích, nên thường bị ta tập kích quấy rối làm cho địch ăn không ngon, ngủ không yên. Đồng chí Trần Khả Quang là Huyện đội trưởng Huyện đội Tuy An, người làng Long Thủy, mỗi lần về thăm nhà là đồng chí đến thăm và động viên đội du kích Long Thủy, phổ biến tình hình chiến trường Điện Biên Phủ, chúng tôi thêm tin tưởng ở thắng lợi nên càng nức lòng chiến đấu.
Sau trận đó, Đội Du kích thôn Long Thủy được Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tặng bằng khen. 60 năm đã trôi qua, thế hệ chúng tôi - những người tham gia Đội Du kích thôn Long Thủy nay đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhớ lại trận đốt kho hàng của giặc Pháp như một kỷ niệm trong cuộc đời binh nghiệp của mình.
(Hồi ký của Trần Thuận, du kích thôn Long Thủy thời chống Pháp,
nguyên Vụ trưởng Vụ Quốc phòng an ninh, Bộ Tài chính)