Đến cuối năm 1953, sau những thất bại ở Bắc Bộ, Thượng Lào và Liên khu 5, địch ngày càng bị uy hiếp ở Đông Dương. Để cứu vãn tình thế, địch đã thay đổi tướng tá, đưa Nava sang Đông Dương mang theo kế hoạch 18 tháng của mình nhằm thực hiện một âm mưu lớn: “Củng cố miền Nam để duy trì và tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược “Việt - Miên - Lào” với ý đồ chiến lược: ra sức ổn định và củng cố miền Nam, tiến tới dành lại chủ động chiến lược miền Bắc… Nội dung Kế hoạch Nava chủ yếu là tập trung lực lượng tăng cường cho chiến trường Đông Dương và chia làm 2 giai đoạn mở các cuộc hành quân chiến thuật để tấn công miền Bắc nhằm phân tán lực lượng ta ở miền Bắc, rồi lần lượt tấn công miền Nam và các chiến trường Trung Bộ, Nam Bộ, Miên - Lào… sau đó chuyển ra Bắc tập trung tiêu diệt lực lượng ta dành thắng lợi quyết định. Đối với Nam Trung Bộ âm mưu địch nằm trong kế hoạch 18 tháng của Nava là mở chiến dịch Át-Lăng. Nội dung chiến dịch được chia làm 3 bước:
Bước 1: Có tên là “A-Rê-Tuy” tiến hành vào cuối tháng 1/1954, sử dụng 22 tiểu đoàn bộ binh từ Đắk Lắk đánh xuống, từ Khánh Hòa đánh ra và từ biển đổ bộ vào đánh chiếm TX Tuy Hòa, rồi tràn ra chiếm toàn tỉnh Phú Yên.
Bước 2: Có tên “A-Xen” tiến hành vào đầu tháng 3/1954, sẽ tăng thêm lực lượng để phát triển đánh chiếm TX Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định bằng 3 cánh quân: từ Phú Yên đánh ra, từ An Khê đánh xuống và từ biển đánh vào.
Bước 3: Bước quyết định, có tên là “At-Ti-La” bắt đầu vào tháng 5/1954. Sử dụng 45 tiểu đoàn bộ binh, 8 đơn vị pháo binh, bao vây từ 4 phía để đánh chiếm TX Quảng Ngãi và toàn tỉnh Quảng Ngãi, hoàn thành mục tiêu xóa bỏ vùng tự do Liên khu 5.
Địch dự định sẽ kết thúc giai đoạn chiếm đóng toàn bộ vùng tự do Liên khu 5 trong thời gian từ 3 đến 6 tháng… Trong những tháng cuối năm 1953 để chuẩn bị cho kế hoạch này, tranh thủ giành thế chủ động trên từng chiến trường, địch mở nhiều cuộc càn quét lớn ở Khánh Hòa, Bình Thuận với lực lượng 13 tiểu đoàn, tăng cường phá hoại vùng tự do, hoạt động gián điệp, biệt kích, uy hiếp tinh thần nhân dân, nghi binh phía Tây Nguyên… Từ ngày 16 đến 22/12/1953 địch sử dụng 4 tiểu đoàn mở hoạt động càn quét mang tên “Ta-Hi-Ti” xuống vùng giáp ranh Bình Định để thăm dò và phá sự chuẩn bị chiến dịch của ta ở Bắc Tây Nguyên.
Lúc này chúng dồn các lực lượng từ Pháp sang, Nam Triều Tiên qua gồm có: Binh đoàn cơ động GM100, GM10, xây dựng ở Tây Nguyên binh đoàn cơ động GM41, GM42 đưa vào chiến trường Liên khu 5, tập trung 15 tiểu đoàn khinh quân “quân ngụy” ở Nam Bộ ra Khánh Hòa đến Bình Trị Thiên. Địch bố trí lực lượng ở Nam Tây Nguyên 13 tiểu đoàn, tổ chức kho dự trữ ở Đà Nẵng, lập Sở chỉ huy cơ bản ở Nha Trang và Sở chỉ huy tiền phương ở Ninh Hòa (Khánh Hòa).
Để chuẩn bị chống phá chiến dịch Át-Lăng và đập tan các cuộc hành quân càn quét vào vùng tự do Phú Yên của thực dân Pháp, thực hiện chủ trương của trên, Phú Yên phải tự lực tổ chức phòng thủ và độc lập chiến đấu (vì lực lượng chủ lực của Liên khu 5 tập trung ở chiến trường Bắc Tây Nguyên). Lực lượng vũ trang của tỉnh lúc bấy giờ chỉ có 3 đại đội cơ động được giao nhiệm vụ phòng thủ và chiến đấu như sau: Đại đội 377 chịu trách nhiệm phòng thủ chiến đấu ở TX Tuy Hòa và bắc Đà Rằng. Đại đội 392 chịu trách nhiệm phòng thủ chiến đấu ở đèo Cả và nam Đà Rằng. Đại đội 389 chịu trách nhiệm phòng thủ phía bắc Phú Yên, khi gần đến ngày chiến dịch Át-Lăng nổ ra được điều về phòng thủ chiến đấu ở phía tây Tuy Hòa. Ngoài lực lượng vũ trang của tỉnh, còn có 4 đại đội bộ đội địa phương huyện gồm có: Đại đội 380 (Sơn Hòa); Đại đội 371 (Đồng Xuân); Đại đội 374 (Tuy An) và Đại đội 378 (Tuy Hòa).
Các đại đội của tỉnh và các huyện, lực lượng du kích tập trung, bán tập trung toàn tỉnh cùng với nhân dân chuẩn bị bố phòng, sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết đánh bại các cuộc hành quân càn quét của địch.
DIỄN BIẾN CHIẾN DỊCH ÁT-LĂNG Ở PHÚ YÊN
Sáng 20/1/1954, địch bắt đầu mở cuộc tấn công ồ ạt vào TX Tuy Hòa và toàn tỉnh Phú Yên. Lực lượng địch tham gia trực tiếp vào chiến dịch này gồm có 22 tiểu đoàn của 4 binh đoàn cơ động số 10, 100, 41, 42 và 2 tiểu đoàn dù. Để chi viện cho bộ binh, cơ giới tiến công, chúng sử dụng hàng chục máy bay ném bom và nhiều trọng pháo từ tàu chiến bắn vào hàng ngàn quả đạn lên TX Tuy Hòa, ven bờ biển, dọc quốc lộ 1 để hỗ trợ đắc lực cho bộ binh cơ giới tiến công. Chúng vượt đèo Cả tiến ra các xã ven quốc lộ 1 (Nam Đà Rằng) dùng tàu thủy, máy bay đổ bộ quân lên bãi biển phường 7 (TX Tuy Hòa) và nhảy dù xuống sân bay Chóp Chài và đánh chiếm toàn bộ huyện Tuy Hòa và TX Tuy Hòa bằng 3 cánh quân, diễn biến chiến sự cụ thể như sau:
- Ngày 20/1/1954, một cánh quân đổ bộ từ biển lên đánh chiếm TX Tuy Hòa.
- Ngày 20/1/1954, một cánh quân từ Khánh Hòa đánh ra đèo Cả, Hòa Xuân - Tuy Hòa tiến công theo quốc lộ 1 để gặp cánh quân TX Tuy Hòa, nhưng bị quân và dân Phú Yên chặn đánh quyết liệt, đến ngày 30/1/1954 chúng mới gặp nhau.
- Ngày 25/1/1954, một cánh quân từ Cheo Reo theo đường số 7 phát triển xuống Tây Phú Yên gặp cánh quân ở MaĐrăc phát triển sang gặp nhau tại Củng Sơn. Đến ngày 30/1/1954, chúng mới liên lạc được cánh quân ở TX Tuy Hòa.
Sau khi hợp điểm các cánh quân, địch bố trí ở Tuy Hòa 9 tiểu đoàn, miền Tây Phú Yên 11 tiểu đoàn, củng cố bàn đạp để tiếp tục cuộc hành quân ra phía bắc Phú Yên.
Trong 10 ngày đầu của chiến dịch Át-Lăng, địch thực hiện kế hoạch “Đánh nhanh, chiếm nhanh”, nhưng đã bị thất bại ngay từ đầu. Đại đội 377 và du kích các xã, phường ở TX Tuy Hòa, kết hợp với thế trận phòng thủ, vũ khí thô sơ, hầm chông, cạm bẫy, đã phục kích, bao vây, bắn tỉa và chặn đánh quyết liệt không cho chúng lấn ra phía bắc Phú Yên, dìm chân địch tại chỗ… Đại đội 392 và du kích các xã Hòa Xuân, Hòa Hiệp bố trí sẵn chông mìn, ác chiến điểm chặn đánh địch liên tục, kết hợp với phá hoại cầu cống và đường giao thông, kìm hãm được bước tiến của bộ binh và cơ giới địch. Cánh quân phía tây Tuy Hòa bị Đại đội 389 và 378 cùng với du kích các xã chặn đánh và làm tiêu hao tiêu diệt nhiều sinh lực địch, ngăn chặn sự tiến công của địch. Với lối đánh táo bạo, linh hoạt, mưu trí và sáng tạo của bộ đội và du kích buộc địch phải dè dặt, dò dẫm tiến quân rất chậm chạp. Từ ngày 20/1/1954 đến ngày 30/1/1954, 3 cánh quân của chúng mới họp điểm tại TX Tuy Hòa.
Qua 10 ngày chiến đấu chống lại cuộc tiến công ồ ạt của giặc Pháp trong chiến dịch Át-Lăng, bộ đội địa phương và du kích đã tích cực khắc phục khó khăn, lúng túng ban đầu khi địch mới đánh ra, bám sát địa bàn, tiêu hao tiêu diệt, tập kích vào vị trí đóng quân của địch… Quân và dân Phú Yên đã diệt và làm bị thương 765 tên địch (trong đó có 1 quan Ba, 2 quan Hai). Thu nhiều vũ khí và quân trang quân dụng…
Nhờ có mạng lưới bố phòng rộng khắp, nên địch đã hạn chế sự lùng sục, đánh phá vào các làng mạc, thôn xóm dọc theo 2 bên đường quốc lộ 1 ở các xã ở huyện Tuy Hòa, Nam Phú Yên.
Đầu tháng 2/1954, bị đòn đau ở Bắc Tây Nguyên, lại vừa bị tiêu hao tiêu diệt ở Tuy Hòa, địch phải ngừng cuộc tiến công ra Bắc Phú Yên, rút 4 tiểu đoàn và 2 đại đội lên tăng viện cho Plâyku (Gia Lai). Chúng lập bộ chỉ huy thống nhất chỉ huy mặt trận Bắc Tây Nguyên với cuộc hành quân chiến dịch Át-Lăng.
Kết thúc bước 1 chiến dịch Át-Lăng, quân và dân Phú Yên - Liên khu 5 vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh - Quân đội nhân dân Việt Nam gửi điện khen ngợi. Toàn văn bức điện như sau:
Điện khen toàn thể cán bộ, chiến sĩ và dân công Liên khu 5.
Tôi thay mặt Bộ Tổng Tư lệnh:
- Khen ngợi các cán bộ và chiến sĩ mặt trận Công Tum đã vượt qua gian khổ, khắc phục khó khăn, chiến đấu anh dũng, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng TX Công Tum và toàn tỉnh Công Tum.
- Khen ngợi các cán bộ, chiến sĩ ở Tuy Hòa và địch hậu Liên khu 5 đã tích cực hoạt động, tiêu hao và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân.
- Khen ngợi cán bộ và chiến sĩ ở vùng tự do đã nỗ lực học tập, tích cực chuẩn bị để bảo vệ hậu phương, đề phòng mọi âm mưu của địch.
Tôi thay mặt Quân đội cảm tạ toàn thể đồng bào các dân tộc đã ra sức ủng hộ bộ đội chiến thắng quân địch.
Thắng lợi Công Tum là thắng lợi lớn đầu tiên của ta trên mặt trận miền Nam. Đó là một trong những thắng lợi quan trọng của ta trong mùa xuân năm nay trên chiến trường toàn quốc. Nó là một đòn rất nặng đánh vào âm mưu của địch ở miền Nam, nhất là trong lúc địch đang sa lầy ở Tuy Hòa.
Trong lúc chiến thắng, các đồng chí cần đề phòng không chủ quan khinh địch, ra sức củng cố vùng giải phóng, củng cố và khuếch trương thắng lợi, thi đua cùng các đơn vị anh em ở các mặt trận khác trên toàn quốc tiêu diệt địch nhiều hơn nữa, giật cho được giải thưởng của Hồ Chủ tịch.
Chào thân ái và quyết thắng!
Ngày 2/2/1954
Tổng Tư lệnh - QĐND Việt Nam
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP
(Còn nữa)
Ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh Phú Yên
(Biên soạn dựa theo tài liệu của Quân khu 5)