Ngày 31/1/1954, Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên họp, quyết định tăng cường giáo dục nhân dân về âm mưu chiếm đóng của địch, khẩn trương tổ chức và phát triển lực lượng, tăng cường trang bị, củng cố các làng chiến đấu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền binh địch vận, phá kế hoạch xây dựng ngụy quân ngụy quyền của địch, chú ý trước tiên là Tuy Hòa và Sơn Hòa. Chưa đặt vấn đề hồi cư dân để đấu tranh hợp pháp với địch. Đề phòng trường hợp một số người tản cư một thời gian lại trở về nhà. Tản cư triệt để những người buôn bán ở TX Tuy Hòa. Các nơi khác thì đặt vấn đề lánh cư kết hợp với bố phòng và làm ăn. Lúc cần cho hồi cư thì tỉnh sẽ chủ động đề ra. Ở các xã địch chưa đến, phát động trong nhân dân cao trào bố phòng, đào đắp công sự, phát triển hầm chông, cạm bẫy. Về kinh tế, chú ý cất giấu, phân tán tài sản, lương thực, động viên nhân dân đóng thuế nông nghiệp để nuôi quân.
Xây dựng căn cứ địa của tỉnh ở phía bắc tỉnh. Phân tán cơ quan tỉnh, một số cán bộ già yếu được gửi ra tạm trú ở cơ quan liên khu đóng ở tỉnh Quảng Ngãi, còn lại bộ phận nặng đứng ở phía bắc, bộ phận nhẹ ở phía nam; thành lập ban chỉ đạo phía nam tỉnh, củng cố giao thông liên lạc.
Trước nguy cơ bị tiêu diệt và không có quân cứu viện, ngày 7/2/1954, quân địch ở TX Kon Tum rút chạy vào Pleiku, toàn tỉnh Kon Tum được giải phóng, càng cổ vũ quân dân Phú Yên xông lên đánh giặc.
Địch đánh ra Phú Yên vào lúc vụ lúa tháng Chạp chín rộ, cũng là thời vụ sản xuất đông xuân. Quân dân Phú Yên vừa chiến đấu, vừa giữ vững sản xuất, ổn định đời sống. Vụ lúa tháng Chạp 26.000ha được thu hoạch, cất giấu chu đáo. Địch chỉ cướp và phá 790 tấn lúa, 90 tấn gạo trong kho, cướp 2.088 con bò và 90 con ngựa. Vụ tháng 3, nhân dân sản xuất bằng diện tích vụ tháng 3 năm trước (1953) 6.000ha, lúa đen 1.500ha, trồng 2.500ha bông vải (bằng 2/3 năm 1953), giữ vững sản xuất muối. Nhân dân tích cực đóng thuế nông nghiệp, tổ chức xay giã gạo, đi dân công phục vụ chiến trường Tây Nguyên. Đầu năm 1954, tổng thu thuế nông nghiệp năm 1953 được 5.600 tấn lúa và thu thuế đầu năm 1954 được 1.300 tấn, thu thuế công thương nghiệp thượng bán niên 1954 được 31 triệu đồng. Trừ các cụm địch đóng quân, còn các vùng khác trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội ổn định, các phiên chợ phục hồi, các luồng mậu dịch lưu động giá cả ổn định, đường bưu điện trong tỉnh và liên tỉnh hoạt động bình thường.
Địch đánh ra Phú Yên gần 2 tháng, mà chỉ chiếm đóng ở một số cứ điểm tuy đã càn quét, lùng sục hầu khắp các vùng trong tỉnh, nhưng vẫn chưa bình định được vùng nào, trái lại chiến tranh du kích ở Phú Yên ngày càng phát triển mạnh.
Hòa nhịp với tiếng súng tấn công của bộ đội chủ lực ta vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (ngày 13/3/1954), ngày 17/3/1954 Tiểu đoàn 375 Phú Yên lại đánh trận tập kích xuất sắc vào quân địch đóng tại đèo Quán Cau và tiếp đến ngày 21/3/1954, lực lượng vũ trang đã tiêu diệt tiểu đoàn Ngự lâm quân số 1 của địch do Bảo Long (con Bảo Đại) làm trung đoàn trưởng danh dự, tại Suối Cối (xã Xuân Phước), bắt sống trên 200 tù binh. Sau trận Suối Cối, lực lượng địch đóng ở các cứ điểm phía tây huyện Đồng Xuân và cả khu B mới được thành lập đều rút chạy, không còn một bóng.
Những thắng lợi to lớn, dồn dập ở Điện Biên Phủ, Tây Nguyên, Trung Hạ Lào đã làm cho kế hoạch tập trung quân cơ động của địch cho chiến dịch Át-lăng không thể thực hiện, trái lại quân cơ động của địch càng bị phân tán. Lực lượng ta càng đánh càng thắng lớn. Lính địch càng hoang mang dao động, hàng trăm lính địch tự động bỏ ngũ kéo về Khánh Hòa.
Nhân dân Phú Yên vừa chiến đấu, vừa ra sức phục vụ tiền tuyến. Dân công tiếp vận có khi lên đến ba bốn ngàn người, năm sáu trăm con ngựa chở, luồn qua vùng địch đóng quân, nối tiếp nhau trên hành lang Tây Nam (Sơn Hòa) hoặc hành lang Tây Bắc (Cây Vừng - Phú Mỡ) để tiếp tế cho Khánh Hòa, Đắk Lắk. Riêng trong tháng 4, Phú Yên huy động 1.752 người và 551 con ngựa, tính chung nửa năm 1954 Phú Yên đã huy động cả triệu ngày công phục vụ tiền tuyến.
Cuối tháng 3/1954, Tỉnh ủy và UBKCHC tỉnh mở đại hội liên hoan mừng công toàn tỉnh tại Kỳ Lộ (xã Xuân Quang) có trên 400 đại biểu về dự. Đại hội phát huy thắng lợi đẩy mạnh khí thế thi đua giết giặc lập công, nỗ lực phục vụ tiền tuyến, quyết tâm đánh bại chiến dịch Át-lăng, bảo vệ hoàn toàn phần đất tỉnh nhà, không để địch chiếm đóng. Sau đại hội mừng công, lực lượng ta nhanh chóng tiến sâu vào phía nam tỉnh, chuẩn bị những trận đánh mới.
Đêm 21/4/1954, Tiểu đoàn 365 tăng cường 1 đại đội của Tiểu đoàn 375 được dân quân du kích các xã và hơn 1.400 dân công xã Hòa Tân dùng ghe thuyền bí mật đưa bộ đội sang phía nam sông Bàn Thạch. Bộ đội ta đã tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn ngụy tại Bàn Nham và Bàn Thạch (xã Hòa Xuân). Rồi những dân công và ghe thuyền ấy đã vận chuyển thương binh ta và chiến lợi phẩm suốt sáng ngày hôm sau.
Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương khai mạc ngày 24/2/1954 tại Thụy Sĩ. Ngày 7/5/1954, ở chiến trường chính, bộ đội chủ lực ta tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Tại Phú Yên, lính ngụy ở nhiều đơn vị phản chiến. Đầu tháng 5/1954, trên 100 lính ngụy mang súng chạy sang ta. Nhiều lính ngụy quê Nam Bộ, Khánh Hòa đòi về quê, nhiều tề và lính hương cũng bỏ về nhà.
Đến tháng 5/1954, trên thực tế, ở phía nam tỉnh, quân Pháp chỉ tập trung ở 2 cụm lớn: Tuy Bình (Sơn Hòa) và Tuy Hòa. Cụm cứ điểm Tuy Bình - Củng Sơn - buôn Aêriêng bị cô lập, địch rất hoang mang, nơm nớp đề phòng ta tấn công tiêu diệt. Tuy Bình là cứ điểm mạnh nhất trong cụm. Có 1 tiểu đoàn khinh binh ngụy, 1 đại đội pháo 105 và một trung đội xe bọc thép. Chiều 1/6/1954, lợi dụng mây mù, máy bay trinh sát của địch không hoạt động, công binh Trung đoàn 803 đã cùng hơn 1.000 dân công huyện Sơn Hòa, nhiều nhất là của xã Suối Trai dùng ghe sõng ghép nối làm cầu phao từ bến Suối Trai qua sông Ba, dài khoảng 200m trước lúc trời tối để bộ đội sang sông. Các lực lượng ta chiếm lĩnh trận địa, tiến công bất ngờ, địch không kịp trở tay. Quân ta làm chủ cứ điểm Tuy Bình, tiêu diệt và bắt sống trên 500 tên, thu toàn bộ vũ khí, xe pháo của địch. Bộ đội địa phương và dân công huyện Sơn Hòa đã dùng phà chiến lợi phẩm bắc cầu từ bến Tuy Bình qua sông Ba, sang địa phận phía bắc để chuyển chiến lợi phẩm 2 đêm liền đưa về vùng căn cứ của tỉnh. Nghe tin Tuy Bình thất thủ, lính địch các đồn lân cận hoảng hốt, bỏ đồn tẩu thoát. Tiếp đó, các cứ điểm Củng Sơn và Aêriêng cũng bị quân ta tiêu diệt, giết chết và bắt sống trên 300 tên. Các huyện tây nam Phú Yên và phía đông M’đrắk (Đắk Lắk) được hoàn toàn giải phóng.
Tướng Êly, tổng chỉ huy viễn chinh Pháp vừa sang thay tướng Nava, chủ trương “thu hẹp phạm vi chiếm đóng có trọng điểm và tập trung lực lượng”.
Cuộc hành quân Át-lăng lớn nhất của thực dân Pháp ở Nam Trung Bộ nhằm chiếm đóng toàn bộ vùng tự do 4 tỉnh, đến tháng 7/1954 chỉ còn 2 cụm đóng quân chờ đình chiến ở TX Tuy Hòa và TX Quy Nhơn (Bình Định).
Trên đà thắng lợi, quân dân Phú Yên - Tuy Hòa đang siết chặt vòng vây chuẩn bị tấn công tiêu diệt cứ điểm cuối cùng của chúng tại TX Tuy Hòa. Song quân và dân Tuy Hòa lại được lệnh ngừng tiến công để chuẩn bị ký kết hiệp định đình chiến.
Đánh bại chiến dịch Át-lăng, kế hoạch quân sự lớn nhất của thực dân Pháp ở Nam Trung Bộ là thắng lợi lớn nhất của bộ đội chủ lực, của các lực lượng vũ trang và của nhân dân Phú Yên trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. Trong chiến dịch Át-lăng, Pháp tập trung một lực lượng quân sự lớn, tinh nhuệ vào bậc nhất, còn lực lượng ta chống trả lúc ban đầu chủ yếu là bộ đội địa phương (quân số chưa bằng 1/10 lực lượng địch), với dân quân du kích và nhân dân (ở giai đoạn cuối có một số đơn vị bộ đội chủ lực tham gia). Việc động viên nhân tài vật lực của nhân dân phục vụ cho cuộc chiến đấu chống địch trong giai đoạn này là rất lớn. Ngoài các số liệu đã được rải rác kể trên, riêng việc xây dựng các công sự chiến đấu trong giai đoạn này đã tốn hơn triệu ngày công (riêng xã Hòa Tân đã huy động hàng ngàn ngày công, hàng vạn cây tre, gốc tre...). Nhân dân đã nuôi giấu bộ đội, tạo điều kiện an toàn, bảo đảm cho bộ đội ăn no, đánh thắng.
Trước cuộc tiến công có tính chất áp đảo của địch, cố nhanh chóng bình định toàn tỉnh trong thời gian ngắn, quân và dân Phú Yên vừa đánh trả, vừa giữ vững quyền làm chủ, giữ vững sản xuất, phục vụ chiến trường vùng sau lưng địch, càng đánh càng mạnh, càng thắng lớn hơn. Thắng lợi của quân và dân Phú Yên đánh bại chiến dịch Át-lăng trên đất Phú Yên đã góp phần rất xứng đáng vào thắng lợi to lớn của Nam Trung Bộ trong đông xuân 1953-1954 và thắng lợi chung của cuộc kháng chiến cả nước.
Ngày 20/7/1954, hiệp định đình chiến lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết tại Giơ-ne-vơ. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến suốt 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã gửi điện khen ngợi cán bộ, chiến sĩ ở Tuy Hòa và vùng địch hậu Quân khu 5 “Đã tích cực hoạt động, tiêu hao và tiêu diệt nhiều sinh lực định, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân”.
CAO VĂN HOẠCH
Nguyên Chánh văn phòng UBKCHC tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống Pháp