Đầu tháng 12/1953, Hội nghị Liên khu ủy, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu quyết định: Tập trung toàn bộ chủ lực cho nhiệm vụ tiến công lên Tây Nguyên; giao nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do cho lực lượng địa phương; các chiến trường sau lưng địch tích cực đẩy mạnh du kích chiến tranh, đánh phá giao thông, bao vây các đồn bót, gây rối loạn ngay trong lòng địch. Giữa tháng 12/1953, kế hoạch tiến công lên Tây Nguyên được chính thức thông qua. Bộ Tư lệnh Liên khu sử dụng 2 trung đoàn chủ lực (108, 803), một trung đoàn địa phương (120), một số tiểu đoàn, đại đội độc lập của Liên khu phối hợp với các lực lượng địa phương thực hành tiến công địch trên 2 hướng; hướng chính là Bắc Kon Tum, hướng phụ là đường 19 - An Khê.
Trong khí thế tiến công của cả nước, ngày 1/1/1954, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 5 tổ chức lễ phát động thi đua phong trào giết giặc lập công. Ngay sau đó, các chiến trường sau lưng địch nổ súng đều khắp, đánh trúng một số mục tiêu của địch chuẩn bị cho cuộc hành quân Atlante. Tuy nhiên, các hoạt động vũ trang của ta ở vùng sau lưng địch vẫn chưa đủ mạnh để phá vỡ thế trận của chúng. Ngày 20/1/1954, địch bắt đầu tiến quân vào Phú Yên.
Ngày 21/1/1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch Bắc Tây Nguyên họp nhận định tình hình: phần lớn lực lượng cơ động của địch đã tập trung ở Phú Yên, nếu quả đấm chủ lực của ta ở hướng Tây không đủ mạnh, không có sức uy hiếp lớn thì không thể phá vỡ thế trận của địch. Từ đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm tiêu diệt 3 cứ điểm Mang Đen, Mang Bút và Công Rẫy, đập tan cụm phòng ngự Đông Bắc Kon Tum của địch trong 1 đêm.
Ngày 26/1/1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng điện Liên khu ủy 5: “Kiên quyết tập trung lực lượng thực hiện kế hoạch đã định: đó là cách tốt nhất phá âm mưu của địch và bảo vệ vùng tự do”, “hiện nay Liên khu V phải nắm vững việc đánh giặc là nhiệm vụ trung tâm thứ nhất. Tất cả các công tác khác phải phục vụ việc đánh giặc” (1).
Đêm 26/1/1954, các đơn vị trên hướng phụ đường 19 - An Khê bắt đầu nổ súng tiêu diệt địch. Chiến dịch Bắc Tây Nguyên chính thức bắt đầu. Đêm 27/1, chủ lực ta trên hướng chính Bắc Kon Tum nổ súng. Ngày 28/1, quân ta làm chủ hoàn toàn 3 cứ điểm Mang Đen, Mang Bút và Công Rẫy. Tranh thủ thời cơ, Trung đoàn 108 tiến công giải phóng Bắc Kon Tum; Trung đoàn 803 áp sát uy hiếp TX Kon Tum, cắt đường 14 đoạn Pleiku - Kon Tum, đồng thời phát triển lên phía tây đèo Mang Giang. Nhiều đồn bốt cua địch nhanh chóng bị tan rã. Đòn tiến công phối hợp của ta trên chiến trường Bắc Tây Nguyên và Trung - Hạ Lào đẩy quân Pháp vào tình thế nguy hiểm: chiến trường Đông Dương có nguy cơ bị cắt đôi; thế trận phòng thủ bị vỡ, Việt Minh có điều kiện thọc xuống Nam Tây Nguyên. Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp lệnh cho De Beaufort rút bỏ TX Kon Tum, tạm dừng cuộc hành quân Atlante ở Phú Yên để đưa phần lớn lực lượng lên ứng cứu Tây Nguyên: Binh đoàn cơ động số 100 giữ Pleiku, Binh đoàn cơ động số 11 và 21 giữ đường 19 - An Khê, Binh đoàn cơ động số 41 và 42 giữ Nam Tây Nguyên đồng thời làm lực lượng dự bị cho các hướng. Ngày 7/2/1954, tỉnh Kon Tum được giải phóng.
Không giữ được Kon Tum và phải tạm dừng cuộc hành quân Atlante ở Phú Yên, quân Pháp bố trí lực lượng trên địa bàn Liên khu 5 thành 2 khối: khối Tây Nguyên (Binh đoàn cơ động số: 100, 11, 21, 41, 42) và khối đồng bằng (Binh đoàn cơ động số 10 ở Phú Yên, 6 tiểu đoàn ở Khánh Hòa). Về ta, tuy giải phóng được Kon Tum, giành được thắng lợi lớn, nhưng chưa chủ động hoàn toàn về chiến dịch. Đầu tháng 2/1954, Thường vụ Liên khu ủy và Đảng ủy chiến dịch quyết định: tổ chức một đợt tiến công ngắn nhưng thật mạnh vào cụm phòng thủ TX Pleiku và đường 19; tranh thủ lúc địch đang co cụm, nhanh chóng ổn định vùng mới giải phóng, phát triển lực lượng, rút kinh nghiệm từ Phú Yên để chỉ đạo việc chuẩn bị chiến đấu ở các tỉnh tự do khác (trước tiên là Bình Định). Đêm 16, rạng 17/2, đợt tiến công mới của quân ta trên chiến trường Tây Nguyên lại bắt đầu. ta tiêu diệt cứ điểm Đắk Đoa, thọc sâu vào trung tâm TX Pleiku, chặn đánh các đoàn xe tiếp tế của địch trên đường 19.
Trong tháng 2/1954, ta xây dựng được Trung đoàn 96 và Tiêu đoàn 375 độc lập; một số đơn vị bộ đội địa phương cũng được thành lập. Đầu tháng 3/1954, Tiểu đoàn ĐKZ 57mm Bộ Quốc phòng tăng cường cho Liên khu 5 vào đến chiến trường. Quân ta càng đánh càng mạnh, riêng lực lượng chủ lực cơ động tăng 25% (2).
Lúc này, địch cho rằng quân ta đã hết khả năng đánh lớn. Cuối tháng 2/1954, Navarre đưa Binh đoàn cơ động dù - đơn vị dự bị chiến lược, ở Hà Nội vào chiến trường Nam Trung Bộ tham gia thực hành bước 2 kế hoạch Atlante. Ngày 10/3/1954, quân địch ở Bắc Phú Yên theo đường bộ bắt đầu tiến ra Bình Định. Ngày 12/3/1954, địch đổ bộ bằng đường biển vào Quy Nhơn. Về ta, Trung đoàn 803 (thiếu 1 tiểu đoàn) tiến vào khu tam giác Pleiku - Cheo Reo - An Khê, đánh mạnh sau lưng cánh quân địch trên đường 19 đang tiến xuống Bình Định; Tiểu đoàn 375 và Tiểu đoàn 365/Trung đoàn 803 tiến vào Phú Yên cùng quân dân địa phương tiêu diệt đồn bót địch vừa mới thiết lập, uy hiếp mạnh sau lưng cánh quân địch theo đường bộ ra Bình Định; Trung đoàn 96 và Trung đoàn 108 tập trung đánh gãy cánh quân địch trên đường 19, kiềm chế quân địch ở Quy Nhơn, không cho 2 cánh quân địch hợp nhau.
Một ngày sau khi quân Pháp đổ bộ vào Quy Nhơn, chủ lực ta trên chiến trường chính Bắc Bộ tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (13/3). Ngày 16/3/1954, Binh đoàn cơ động dù đang ở An Khê lại hối hả chạy ra Hà Nội. Trên chiến trường Tây Nguyên, Binh đoàn cơ động số 100 bị Trung đoàn 803 đánh thiệt hại nặng ở Plei Ring (21/3), quân địch phải rút về Pleiku để củng cố. Cánh quân địch trên đường 19 sau khi đánh chiếm được đầu cầu Thượng An buộc phải dừng lại. Chớp thời cơ, Trung đoàn 108 và Trung đoàn 96 tiến công tiêu diệt Thượng An (30/3) và đánh mạnh trên đường 19. Trong tháng 4/1954, Trung đoàn 803 cùng các lực lượng địa phương tiến công phá vỡ từng mảng phòng ngự của địch ở Nam Tây Nguyên. Bộ Chỉ huy chiến dịch Atlante buộc phải rút Binh đoàn cơ động số 42 đang ở Bình Định quay về phòng thủ đường 7. Binh đoàn cơ động số 41 ở Diêu Trì (Bình Định) cũng phải rút về phòng thủ Tuy Hòa. Đến cuối tháng 4/1954, Navarre rút Binh đoàn cơ động số 11 và 21 cùng một số tiểu đoàn ngụy đi ứng cứu các chiến trường khác. Quân địch ở Nam Trung Bộ thực hiện co cụm vào các thị xã, thị trấn để phòng thủ. Tình hình địch ngày càng rệu rã. Quyền chủ động tiến công trên toàn chiến trường thuộc về ta.
Đối với tỉnh Phú Yên, đây là tỉnh tự do đầu tiên đương đầu với cuộc hành quân Atlante của địch. Hội nghị Liên khu ủy, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu tháng 12/1953 xác định giao nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do cho lực lượng địa phương. Phú Yên phải tự lực tổ chức phòng thủ và độc lập chiến đấu.
Cuối năm 1953, tỉnh Phú Yên nói riêng và 4 tỉnh tự do nói chung được mùa nên nạn đói được khắc phục một phần. Sản xuất tiểu thủ công trong tỉnh đạt được những thành tựu đáng kể. Nhân dân Phú yên hăng hái sản xuất, tích cực đóng góp cho kháng chiến. Lực lượng vũ trang qua chỉnh quân chính trị nhận rõ bản chất xấu xa của giai cấp bóc lột; tinh thần yêu nước, chí căm thù giặc trong từng cán bộ, chiến sĩ được nâng cao; thắt chặt đoàn kết nội bộ, đoàn kết cán binh. Sau chỉnh quân chính trị, lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên tiến hành chỉnh huấn quân sự (3) theo nguyên tắc; đánh như thế nào, học như thế đó; chiến trường cần gì, học cái đó; đơn vị yếu mặt nào, tăng cường huấn luyện mặt đó. Nhờ vậy, lực lượng vũ trang tỉnh đã có bước tiến vững chắc. Đó là điều kiện thuận lợi cho quân dân Phú Yên bước vào cuộc tiến công chiến lược đông xuân 1953-1954.
(Còn nữa)
---------------------
(1) Điện ngày 26/1/1954 của Ban Bí thư Trung ương Đảng gửi Liên khu ủy 5 về nhiệm vụ hoạt động quân sự. Lưu trữ lại: Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông Liên khu 5, Hồ sơ số 63.
(2) Trần Quý Cát, Khu 5 30 năm chiến tranh giải phóng, tập 1 (1945-1954), Bộ Tư lệnh Quân khu 5, 1986, trang 237.
(3) Tháng 3/1953, Tổng quân ủy ra nghị quyết về chỉnh quân chính trị. Mục đích: “Nâng cao trình độ giác ngộ giai cấp của bộ đội lên một bước nữa, làm cho tổ chức được trong sạch và củng cố, để đề cao sức chiến đấu của bộ đội”. Sau chỉnh quân chính trị, tháng 9/1953, quân đội ta tiến hành chỉnh huấn quân sự. Tổng quân ủy chỉ rõ: “Chúng ta lại cần phải trau dồi, rèn luyện cho giỏi kỹ thuật, chiến thuật. Chúng ta đã tiến một bước về chính trị, về tư tưởng, chúng ta phải tiến bộ cả về chiến thuật và kỹ thuật nữa thì mới thực sự nâng cao sức chiến đấu của quân đội lên một bước mới”. Nguồn: Viện LSQS Việt Nam, sđd, trang 296-298.
Đại tá NGUYỄN CÔNG TRẠNG
Trưởng Phòng KHCN-MT Quân khu 5