Trong 28 ngày đêm chiếm đóng Phú Yên, quân dân Phú Yên đã chủ động chuẩn bị liên tục tiêu hao tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Giặc Pháp thương vong ngày càng nhiều, quân số thiếu hụt, tinh thần binh lính hoang mang dao động và do tác động chiến thắng của quân ta ở bắc Tây Nguyên và để tránh đòn bị tiêu diệt lớn tướng Nava vội ra lệnh tạm dừng cuộc hành quân Atlente ngày 18/2/1954.
Quân dân Phú Yên đã tự lực tự cường chủ động chuẩn bị chống phá cuộc càn quét Atlente của địch với tương quan lực lượng quá chênh lệch, ta có khoảng 2 tiểu đoàn mà phải đương đầu với 34 tiểu đoàn địch được trang bị hiện đại. Nhờ yếu tố chính nghĩa, tinh thần yêu nước và ý chí căm thù giặc cao, cùng với lực lượng dân quân du kích đông đảo của toàn tỉnh, được rèn luyện và thử thách qua nhiều năm chống địch đổ bộ càn quét ven biển, và vùng giáp ranh phía tây nam tỉnh, được nhân dân nuôi dưỡng và động viên cổ vũ, đặc biệt được sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Bộ Tổng tư lệnh, Khu ủy 5, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và trực tiếp là sự chỉ đạo cụ thể sát sao của Tỉnh ủy và sự chỉ huy năng động của Tỉnh đội Phú Yên trong 28 ngày đêm đã đánh bại một bước quan trọng cuộc hành quân Atlente của thực dân Pháp.
Những trận đánh tiêu biểu của bộ đội địa phương có sự phối hợp với dân quân du kích các xã như: trận đánh địch ở các mõm đồi sát đường đèo Cả từ Đá Trải trở ra đã làm thương vong nhiều lính Âu Phi khi đoàn xe địch chạy chậm và dừng lại trước hố sâu đào sẵn có gài mìn mũi.
Trận đánh tại ngã 3 chợ Xéo (Hòa Xuân) khi trung đội Âu Phi chủ quan lùng sục lọt vào ổ phục kích (ác chiến điểm) bị 2 trung liên của Đại đội 392 nhả đạn, bị bom nổ chúng chạy lung tung vướng mìn mũi và sụp hầm chông bị thương vong cả trung đội. 2 lượt trực thăng đáp xuống đầu cầu Bàn Thạch để chở bọn thương binh (vì đạp phải bàn chông cao 0,7m) về Nha Trang cứu chữa.
Trận đánh cánh quân đổ bộ lên bãi biển Phú Câu (nay là phường 6, 7) bị trung liên của Đại đội 377 phục kích sẵn nhả đạn liên tục cùng dùng súng trường bắn tỉa. Địch hốt hoảng chạy, vướn phải bom và mìn mũi gài sẵn gây nhiều thương vong buộc chúng phải tiến chậm. Phải gần 3 đến 4 giờ mới vào được nội thị. Cánh quân địch nhảy dù xuống sân bay Chóp Chài ngoài dự kiến của ta nhưng chúng cũng bị thương một số vì vướng phải gai bàn chải và gai mắt mèo (do sân bay bỏ hoang nhiều năm). Đại đội 377 cùng du kích thị xã kết hợp với bom mìn và hầm chông, phục kích trận đánh gây thương vong nhiều cho địch, và đơn vị phải rút nhanh để tránh 2 gọng kiềm của quân nhảy dù tập hậu tại sân bay Chóp Chài.
Cánh quân địch từ Đắk Lắk tiến xuống Củng Sơn đã bị Đại đội 380 và du kích thị trấn Củng Sơn đã bố trí trước các ác chiến điểm tập trung bom mìn và hầm chông kết hợp với súng trường, trung liên đánh địch liên tục gây cho địch nhiều thương vong, kiềm hãm được tốc độ tiến quân và sự lùng sâu vào thôn xóm, hạn chế tối đa thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân. Khi chúng vượt sông Ba sang Đất Đỏ (Sơn Thành) phía tây Tuy Hòa I lại bị Đại đội 378 và Đại đội 389 cùng với du kích xã chặn đánh giết chết và làm bị thương gần 50 tên, buộc chúng phải tiến chậm mất mấy ngày mới đến Phú Thứ (Hòa Bình).
Trong 10 ngày đầu, 3 cánh quân địch tiến đánh chiếm phía nam của tỉnh Phú Yên đã bị các đại đội 377, 392, 389, 378 và 380 cùng với lực lượng du kích phía nam tỉnh chủ động chuẩn bị chiến đấu tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giết chết và làm bị thương gần 800 tên, bảo vệ được tính mạng, tài sản của Nhà nước và của nhân dân, hạn chế tối đa thương vong của bộ đội và du kích.
Trong những ngày đầu cuộc hành quân Atlente, tướng Nguyễn Văn Hinh, Tham mưu trưởng Khinh quân ngụy trong tờ rơi thả ở nam Tuy Hòa để cổ vũ binh sĩ chúng có đoạn nói “Tốc độ tiến quân bị chậm không đạt được kế hoạch thời gian như đã hoạch định vì gặp nhiều trở ngại (tránh không nói bị chặn đánh)”.
Sau 10 ngày địch đánh ra Phú Yên trong cuộc hành quân Atlente, Thường vụ Tỉnh ủy họp sơ kết rút kinh nghiệm đã biểu dương tinh thần chiến đấu và thành tích đạt được của bộ đội các địa phương và dân quân du kích qua 10 ngày chống phá cuộc càn quét Atlente của thực dân Pháp. Ngày 2/2/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam có điện khen ngợi quân dân Tuy Hòa và xác nhận địch đang sa lầy ở Tuy Hòa.
Sau khi tăng cường 3 binh đoàn cơ động đưa tổng số quân lên 34 tiểu đoàn. Ngày 16/2/1954 thực dân Pháp tiến đánh ra phía bắc tỉnh. Cánh quân thứ nhất từ TX Tuy Hòa tiến theo quốc lộ đánh chiếm các thị trấn, thị tứ trên quốc lộ 1 và cánh thứ hai từ Củng Sơn đánh xuống Đồng Xuân chiếm các thị trấn, thị tứ trên đường số 6. Cả 2 cánh quân địch đều bị các đại đội 374 và 371 cùng với du kích các xã phía bắc tỉnh chặn đánh quyết liệt trên các đỉnh đèo như: đèo Quán Cau (ở An Hiệp), đèo Thị (Chí Thạnh), đèo Cây Cưa, đèo Tam Giang và đèo Cù Mông gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề, hàng trăm tên chết và bị thương, phần lớn do bom mìn và hầm chông của quân ta bố trí phục kích sẵn, nên chúng lo sợ không dám tiến sâu vào thôn xóm, không mở rộng chiếm đóng và chỉ co cụm phòng thủ ở một số điểm trên quốc lộ 1 và đường số 6 như: Núi Hùng (An Chấn), Núi Một (Hòa Đa), Đèo Quán Cau (An Hiệp), Chí Thạnh, Ngân Sơn, Triều Sơn (Xuân Thọ), thị trấn Sông Cầu, Gò Duối (Xuân Lộc), Phong Niên (An Định), thị trấn La Hai và Phước Lãnh (Đồng Xuân).
Đặc biệt một tiểu đoàn địch từ Chí Thạnh càn quét xuống An Ninh Tây khi đến đầu thôn 3 đã bị trung đội của Đại đội 374 phân tán cùng với du kích An Ninh chặn đánh. Bộ đội địa phương, du kích An Ninh Tây chuẩn bị sẵn súng bộ binh kết hợp với bom mìn, hầm chông giết chết và làm bị thương hơn một trung đội địch, buộc chúng phải bỏ cuộc càn quét, mang xác chết và lính bị thương rút về Ngân Sơn, Chí Thạnh.
Chiến thắng tiêu biểu là Đại đội 392 (trực thuộc tỉnh) đã phối hợp với du kích Hòa Hiệp kết hợp với nội ứng tiêu diệt 1 trung đội địch cố thủ trong đồn Thạnh Lâm (Hòa Hiệp) giết chết, bắt sống tù binh và thu toàn bộ vũ khí (trong đó có 2 súng trung liên).
Do chiến thắng to lớn của ta ở bắc Tây Nguyên, vì thất bại ngày càng nặng nề, thương vong ngày càng nhiều, trong 28 ngày chiếm đóng Phú Yên, tướng Nava buộc phải ra lệnh tạm ngưng cuộc càn quét Atlente (ngày 18/2/1954) và điều một số binh đoàn cơ động lên phòng thủ Tây Nguyên.
Đầu tháng 3/1954, sau chiến thắng lớn của quân dân ta tại Tây Nguyên, chủ lực của Liên khu 5 tiến về chiến trường Phú Yên cùng quân dân Phú Yên giáng cho quân địch những đòn sấm sét, tiêu diệt những đại đội và tiểu đoàn địch.
Ngày 7/3/1954, Tiểu đoàn 375 áp dụng chiến thuật vận động phục kích tiêu diệt gọn đoàn xe địch 26 chiếc cùng Đại đội 174 (tại đoạn từ Phong Niên - Hà Bằng) giết chết, bắt sống toàn bộ tù binh, thu toàn bộ vũ khí, đốt cháy phá hủy đoàn xe.
Ngày 23/3/1954, Tiểu đoàn 365 (E803) trên đường hành quân vào Phú Yên đến Suối Cối (Xuân Phước) áp dụng chiến thuật tao ngộ chiến vận động tiêu diệt xóa sổ Tiểu đoàn Ngự lâm quân số 2, giết chết, làm bị thương và bắt sống hàng trăm tù binh, thu hàng trăm vũ khí các loại và nhiều quân trang quân dụng của địch.
Tháng 3/1954, Tiểu đoàn 375 phối hợp với du kích đánh thiệt hại Tiểu đoàn 1 Ngự lâm quân tại An Lĩnh, thu nhiều vũ khí và bắt sống hàng trăm tên tù binh.
Tháng 4/1954, Tiểu đoàn 365 và Tiểu đoàn 375 phối hợp với Đại đội 392 và du kích các xã nam Đà Rằng tiêu diệt tiểu đoàn 506 tại Bàn Thạch, bắt sống hàng trăm tù binh và thu nhiều vũ khí và quân trang quân dụng.
Tháng 5/1954, Tiểu đoàn 375 phối hợp với Đại đội 377 và du kích các xã Hòa Kiến và Hòa Quang đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 42, giết chết và làm bị thương hàng trăm tên, bắt sống nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí tại Quan Quang Minh Đức, tên Trung tá Nguyễn Khánh, Trung đoàn trưởng thoát chết tháo chạy, vứt cả tài liệu và giấy tờ tùy thân.
(Còn nữa)
VÕ VĂN KHẢ
Nguyên Đại đội trưởng Đại đội 392 Tỉnh đội Phú Yên năm 1954