Chiến trận xảy ra trong một khu vực dài 10km, rộng 6km ta đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn khinh quân, tiêu diệt 1 tiểu đoàn ngụy tại trung tâm TX Tuy Hòa và loại khỏi vòng chiến đấu 3 tiểu đoàn ngụy khác, phá hỏng 200 xe quân sự và nhiều kho dự trữ của địch.
Nhiều đơn vị địch đào rã ngũ tập thể, lính Binh đoàn 21 của chúng không chịu ra trận, ngụy quân đóng ở Phú Ân, núi Hùng (tây bắc thị xã) bắn lại sĩ quan Pháp (1).
Ngày 25/6/1954, quân ta tiêu diệt một đoàn xe 79 chiếc ở đèo Cả, cắt đứt mọi đường tiếp tế trên bộ của địch.
Cuộc hành quân “Át-lăng” kế hoạch quân sự lớn nhất của thực dân Pháp ở Nam Trung Bộ, chúng tập trung một lực lượng đông hơn quân ta gấp 10 lần, vừa tinh nhuệ vừa có đầy đủ vũ khí và phương tiện chiến tranh tối tân, hiện đại, với kế hoạch “tốc chiến tốc thắng” do trùm thực dân Na-va vạch ra đã tiêu tan thành mây khói. Tên tướng Đờ-bô-pho chỉ huy cuộc hành quân Át-lăng đang ngất ngưởng, hăng máu như con bò mộng bị thiến húc bừa bãi, tỏ vẻ ra người hùng chỉ huy có dũng khí đến lúc ấy chỉ ngồi co trong xe bọc thép, trong công sự để lên giây cót tinh thần cho đội quân Lê Dương. Song không có lý tưởng nào tạm nghe được, không có thứ vũ khí nào mầu nhiệm cho bọn đàn em hăng máu(2).
Thắng lợi của quân dân Phú Yên đánh bại cuộc hành quân Át-lăng trên đất Phú Yên góp phần vào sự nghiệp chung của cả nước và trận Điện Biên Phủ đại thắng âm vang chấn động địa cầu. Đã 50 năm qua, người dân Phú Yên, người dân Nam Trung Bộ không thể nào quên được quá khứ vẻ vang là bản hùng ca có sức sống mãnh liệt đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, tình nghĩa thủy chung, mãi mãi là niềm tự hào của người dân đất Phú.
NGUYÊN NHÂN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA ĐẢNG BỘ TRONG CHỈ ĐẠO KHÁNG CHIẾN ĐÁNH BẠI CUỘC HÀNH QUÂN ÁT-LĂNG CỦA THỰC DÂN PHÁP Ở PHÚ YÊN
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Điện Biên Phủ chiến thắng, ngày quân dân Nam Trung Bộ và quân dân Phú Yên đánh bại cuộc hành quân Át-lăng của thực dân Pháp xuân hè 1954 phối hợp có hiệu quả với chiến trường chính Điện Biên phá tan Kế hoạch Na-va, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ. Nhớ đến những ngày đầy gian khổ hy sinh nhưng rất hào hùng, vẻ vang ấy có lẽ nào không tự hào với truyền thống của quê hương để viết lên những dòng cảm nghĩ rất thực trong giai đoạn đó.
Sự kiện có tính lịch sử dù ở trong một ngành hay ở trong một địa phương cũng ví như đại dương mênh mông làm sao mà kể hết được! Chỉ một góc độ nào đó mà phản ảnh được thực tế, thu hút được người đọc là đã khó lắm rồi!
Là người sống và công tác trong giai đoạn ấy, qua nhiều lần dự các cuộc họp được nghe và xem sách, báo ở Trung ương, địa phương mới biết được bối cảnh lịch sử, nguồn gốc chiến tranh, tính chất và đặc điểm của cuộc kháng chiến. Bài học kinh nghiệm, ý nghĩa lịch sử và nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến và cuộc hành quân Át-lăng của thực dân Pháp ở miền Nam Trung Bộ và ở Phú Yên.
Ai cũng biết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn thứ 3 là giai đoạn ác liệt nhất, giai đoạn giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược, phát triển tiến công và phản công làm phá sản nỗ lực chiến tranh cao nhất của Pháp và can thiệp của Mỹ, chấm dứt chủ nghĩa thực dân cũ. Đúng vậy! Cuộc hành quân Át-lăng xuân hè 1954 là cuộc hành quân tập trung binh lực, vũ khí, phương tiện chiến tranh lớn nhất, hiện đại nhất, càn quét, chiếm đóng dài ngày và ác liệt nhất mà Phú Yên là trọng điểm đánh phá của chúng. Nhưng cuối cùng bọn thực dân Pháp cũng phải vĩnh viễn xách gói ra đi khỏi Phú Yên từ tháng 7/1954.
Nguyên nhân thắng lợi và cũng là bài học kinh nghiệm đó là:
- Đường lối kháng chiến độc lập và tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, quyết chiến, quyết thắng.
- Trong đánh địch biết lấy nhỏ đánh lớn, phát huy sức mạnh của phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng và nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân.
- Tổ chức, động viên lực lượng toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.
- Vừa kháng chiến, vừa xây dựng căn cứ, xây dựng hậu phương vững mạnh.
- Xây dựng mặt trận toàn dân đoàn kết.
- Ra sức xây dựng Đảng, xây dựng chi bộ trở thành dinh lũy chiến đấu, đào tạo cán bộ cho ngang tầm sứ mệnh lãnh đạo kháng chiến.
Đảng bộ Phú Yên vừa đào tạo được đội ngũ cán bộ đông đảo, có phẩm chất cách mạng trong sáng, luôn luôn mật thiết gắn bó với dân, nhờ đó đảm bảo được sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức đưa kháng chiến đến thắng lợi. Một nhân tố có ý nghĩa quyết định là chúng ta đã bảo vệ và xây dựng được vùng tự do rộng lớn về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục… thành hậu phương vững mạnh của cuộc kháng chiến với chế độ dân chủ nhân dân tương đối hoàn chỉnh, có một sức sống mới, cho phép động viên cao nhất sức người, sức của cho háng chiến.
Căn cứ theo báo cáo 6 tháng đầu năm 1954 của Ủy ban Kháng chiến hành chánh Phú Yên, sản xuất vụ tháng 3/1954 đạt 11.842 mẫu bằng vụ 3 năm 1953, lúa tứ quý gieo 2.886 mẫu, thu thuế nông nghiệp đến cuối tháng 5/1954: 5.595 tấn, thuế công thương nghiệp là 30 triệu 700 ngàn đồng. Cuối tháng 3/1954, tình hình ổn định, chợ ta phục hồi. Tháng 4/1954, các luồng mậu dịch điều hòa, giá cả ổn định, các đường bưu điện liên tỉnh và các huyện hoạt động đều. Huy động dân công đến cuối tháng 5/1954: 9.824 người, 936 con ngựa, vận chuyển lên chiến trường 138 tấn gạo, 1 tấn muối, 300 ký mắm… đến ngày ngừng bắn, các kho lương thực của tỉnh còn 2.000 tấn lúa, kho vải và hàng tạp hóa của mậu dịch trên 100 triệu đồng, tỉnh chủ trương phân phối cho đồng bào nghèo.
Thắng lợi vẻ vang của quân và dân Phú Yên trong cuộc kháng chiến đánh bại cuộc hành quân Át-lăng của chúng ngoài những nguyên nhân kể trên, Đảng bộ Phú Yên biết cầm nắm vận dụng đường lối, phương châm, phương pháp vào điều kiện cụ thể của địa phương mình một cách năng động, sáng tạo, khơi dậy được tiềm năng to lớn của nhân dân, kế thừa và phát triển lên một mức cao hơn những truyền thống yêu nước, những kinh nghiệm chống ngoại xâm phong phú của ông cha ta ngày trước. Đó là vốn quý để lại cho chúng ta bước vào thời kỳ chống Mỹ cứu nước sau này.
Ngày nay tuy tình hình khác trước nhưng nhiều nội dung cơ bản của các kinh nghiệm ấy vẫn còn rất bổ ích đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(1) Những trận đánh lớn đã được ghi chép trong lịch sử kháng chiến Khu 5 và tỉnh Phú Yên.
(2) Tập sách “Quân lực Việt Nam cộng hòa” xuất bản năm 1972 viết về chiến dịch Át-lăng của Pháp thừa nhận sự thất bại đau đớn của chúng.