Thứ Năm, 28/11/2024 17:58 CH
Quân dân Phú Yên đánh bại chiến dịch Át-Lăng, chia lửa cùng chiến trường chính Điện Biên Phủ:
Bài 4: Ðánh bại chiến dịch Át-lăng của thực dân Pháp ở Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 12/04/2014 16:43 CH

TIẾP TỤC CUỘC HÀNH QUÂN “CHIẾN DỊCH ÁT-LĂNG” ÐÁNH CHIẾM BẮC PHÚ YÊN

 

Sau khi củng cố bàn đạp và chuẩn bị lực lượng. Ngày 16/2/1954 địch huy động 3 binh đoàn (10, 41, 42) chia làm 2 cánh quân tiến công ra bắc Phú Yên. Cánh quân phía tây gồm có 2 binh đoàn (41, 42) tiến quân theo đường Vân Hòa - Phú Hội đến La Hai vào ngày 21/2/1954. Cánh quân phía đông có Binh đoàn số 10 tiến quân theo đường quốc lộ 1 ra đến Chí Thạnh vào ngày 20/2/1954. Đến ngày 24/2/1954 hai cánh quân này gặp nhau tại La Hai.

 

Lúc này lực lượng địch ở nam Phú Yên còn 10 tiểu đoàn (Tuy Hòa 6 tiểu đoàn, miền tây 4 tiểu đoàn) lực lượng Binh đoàn 41 tiếp tục tiến ra phía bắc Phú Yên theo đường số 6 đến Vân Canh (Bình Định) rồi dừng lại đóng tại La Hai. Binh đoàn 42 tiếp tục tiến ra Tuy An, Sông Cầu đến đèo Cù Mông vào ngày 10/3/1954.

 

Từ ngày địch tiến hành đánh chiếm phía bắc Phú Yên, Nava đã tung ra một lực lượng lớn lên đến 34 tiểu đoàn cơ động (hơn một vạn rưỡi quân) nhưng chúng chỉ chiếm được một số thị trấn, thị tứ dọc theo quốc lộ 1 từ Tuy Hòa đến Sông Cầu và Liên tỉnh lộ 6 từ Chí Thạnh đến La Hai. Chúng đã bị quân và dân Phú Yên kiên quyết đánh bại, tiêu hao tiêu diệt nhiều sinh lực địch gây cho chúng nhiều thương vong tổn thất nặng nề, bị động lúng túng trên chiến trường Phú Yên - Liên khu 5 và Điện Biên Phủ…

 

Ngày 18/2/1954, tướng Nava phải tuyên bố: Tạm đình chỉ chiến dịch Át-lăng ở mặt trận Tuy Hòa - Phú Yên.

 

Sau khi bị thất bại liên tiếp trên chiến trường Điện Biên Phủ và Liên khu 5, địch thực hiện Kế hoạch Êly rút hẹp phạm vi chiếm đóng để bảo toàn lực lượng. Ở vùng đồng bằng Phú Yên chúng bắt đầu rút dần các vị trí đơn lẻ và các nơi bị ta uy hiếp, tập trung quân cơ động từng khối để đủ sức đối phó.

 

Sáng 7/3/1954, một đoàn xe 26 chiếc chở một đại đội lính Âu Phi từ Tuy Hòa ra La Hai, bị Tiểu đoàn 375 phục kích trên đoạn đường số 6 từ Phong Niên (An Định) đến Ấp Rượu (Xuân Sơn). Sau 30 phút chiến đấu ta đã diệt gọn 1 đại đội lính Âu Phi và phá hủy 26 xe quân sự, thu gần 100 súng các loại và nhiều quân trang quân dụng khác.

 

Sáng 8/3/1954, một tiểu đoàn Ngự Lâm Quân từ Chí Thạnh càn lên xã An Nghiệp để giải tỏa đường số 6. Tiểu đoàn 375 phối hợp với du kích xã An Nghiệp chặn đánh quyết liệt, diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch. Nhiều tên vứt súng tháo chạy về Chí Thạnh. Du kích và nhân dân xã An Nghiệp thu nhặt hàng chục khẩu súng, có cả tiểu liên và trung liên…

 

Sáng 10/3/1954, Trung đoàn Ngự Lâm Quân số 3 từ Chí Thạnh càn lên xã An Lĩnh. Tiểu đoàn 375 cùng du kích và nhân dân xã An Lĩnh đánh tan 1 tiểu đoàn, tiêu diệt 1 đại đội, làm chết và bị thương 95 tên địch, những tên lính hung hăng phải bỏ xác tại sườn đồi dốc đá An Lĩnh số còn lại vội vàng tháo chạy về Chí Thạnh, ngay tối hôm đó ta dùng hỏa lực pháo kích vào khu vực đóng quân của địch ở Chí Thạnh làm cho địch hoang mang và gây nhiều thiệt hại.

 

Ngày 21/3/1954, Tiểu đoàn 365 từ đường 19 (nam Bình Định) vừa hành quân vào đến xã Xuân Quang (Đồng Xuân) phát hiện 1 tiểu đoàn (Ngự Lâm Quân) số 2 từ La Hai hành quân càn quét lên vùng Suối Cối xã Xuân Phước. Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 365 chiếm địa hình ưu thế 2 bên bờ suối, bình tĩnh để địch lọt hẳn vào khu vực phục kích mới đồng loạt nổ súng, quân địch bị ta chặn đầu khóa đuôi dưới lòng suối. Tiểu đoàn 365 dùng hỏa lực súng máy, tiểu liên, lựu đạn đánh bật quân địch xuống lòng suối không cho chúng chạy thoát. Sau 45 phút chiến đấu ta đã diệt hơn 100 tên và bắt sống hơn 200 tên địch. Thu 28 súng trung liên, 20 súng tiểu liên, hơn 100 súng trường và rất nhiều quân trang quân dụng. Tiểu đoàn (Ngự Lâm Quân) số 2 đã bị Tiểu đoàn 365 - Trung đoàn 803 xóa sổ hoàn toàn.

 

Đêm 10/4/1954, Tiểu đoàn 375 phối hợp với Đại đội 374 (Tuy An) tập kích quân địch đóng ở đèo Quán Cau (An Hiệp), diệt và làm bị thương 85 tên lính Âu Phi, thu nhiều vũ khí và quân trang quân dụng.

 

Hạ tuần tháng 4/1954, địch huy động 1 tiểu đoàn có máy bay, pháo binh yểm trợ càn quét các xã phía bắc Tuy An. Đại đội 374 (Tuy An) phối hợp với du kích các xã chặn đánh địch suốt ngày đêm. Đoạn đường từ Tuy Hòa ra An Ninh dài trên 40km nhưng chúng phải đi hết 4 ngày đêm. Đại đội 374 và du kích xã An Ninh kiên quyết không cho địch vào làng buộc địch phải dùng Ca-nông từ Chí Thạnh bắn xuống để dọn đường cho bộ binh càn quét.

 

Sau khi càn quét, bọn Pháp chốt ở các điểm đèo Chó Đẻ (An Ninh), nhà thờ Mằng Lăng, đồi An Mang (An Thạch); đèo Thị (An Định), đèo Quán Cau (An Hiệp), núi Hùng (An Chấn)… với những vũ khí thô sơ như lựu đạn đập, mìn tự tạo, hầm chông, cạm bẫy… lực lượng dân quân du kích các xã đã đánh tiêu hao sinh lực địch nhiều nơi gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề…

 

Đầu tháng 5/1954, Tiểu đoàn 59 thuộc Trung đoàn 803 hành quân xuống Phú Thứ (An Hiệp) tổ chức tập kích và phục kích cánh quân địch rút khỏi bắc Phú Yên chạy vào chiếm đóng tại núi Hùng (An Chấn) để bảo vệ phía bắc TX Tuy Hòa. Thừa thắng Tiểu đoàn 59 truy kích và tập kích địch ở núi Hùng gây cho địch nhiều thiệt hại, buộc chúng phải tháo chạy về phòng thủ ở Màng Màng (Bình Kiến - TX Tuy Hòa).

 

Ngày 1/6/1954, ở hướng đường 7 - Sơn Hòa (tây Phú Yên) Trung đoàn 803 tập kích tiêu diệt 1 tiểu đoàn địch ở Tuy Bình. Diệt và bắt sống 500 tên. Đánh địch tháo chạy ở buôn Aê-Riêng diệt và bắt sống trên 300 tên. Lúc này địch ở Củng Sơn hoảng sợ rút chạy, ta giải phóng hoàn toàn các huyện phía tây - nam Phú Yên, sau đó Trung đoàn 803 được lệnh chuyển xuống hoạt động phía đông trên đường quốc lộ 1.

 

Ngày 17/6/1954, địch rút khỏi Sông Cầu (đông bắc Phú Yên).

 

Ngày 19/6/1954, địch rút khỏi Chí Thạnh (Tuy An).

 

Ngày 21/6/1954, Trung đoàn 803 chặn đánh quân địch rút lui ở Chí Thạnh, truy kích 3 tiểu đoàn co cụm ở Màng Màng, tấn công các vị trí núi Hùng, núi Sầm. Tiểu đoàn 365 và Đặc công B15 tập kích vào cầu Ông Chừ, núi Nhạn Tháp, Công xi rượu, kho xăng dã chiến ở Ba Toa, bãi xe ở hầm Ông Cồ và chắn xe lửa Tản Đà (phường 1, TX Tuy Hòa), diệt hơn 200 tên địch, phá hủy hơn 200 xe các loại, đốt cháy 1 kho xăng hơn 1 triệu lít.

 

Ngày 25/6/1954, quân ta đánh một đoàn xe quân sự 90 chiếc tại đèo Cả, diệt và bắt sống trên 300 tên địch, phá hủy 79 xe quân sự, cắt đứt đoạn đường Tuy Hòa - Ninh Hòa.

 

Ngày 29/6/1954, ta lại tập kích bọn địch chiếm đóng các khu vực ở TX Tuy Hòa lần thứ 2 gây cho chúng nhiều thiệt hại nặng nề.

 

Lúc này tin chiến thắng từ Điện Biên Phủ dội về Phú Yên làm cho địch càng hoang mang cực độ. Lực lượng du kích và bộ đội địa phương tiếp tục chặn đánh khắp nơi buộc địch rút khỏi các chốt điểm do chúng chiếm đóng. Ở mặt trận Phú Yên ta tiếp tục bao vây, tiêu hao tiêu diệt địch ở Tuy Hòa và TX Tuy Hòa, sẵn sàng truy kích đánh địch rút chạy, giải phóng và làm chủ hoàn toàn vùng tự do tỉnh Phú Yên.

 

Đến tháng 7/1954, chiến dịch Át-lăng của giặc Pháp bị thất bại hoàn toàn. Quân và dân Phú Yên đang chuẩn bị cho trận chiến đấu mới, thì ngày 20/7/1954 Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Bộ Tổng Tư lệnh - Quân đội Nhân dân Việt Nam ra lệnh ngừng bắn trên toàn chiến trường Việt Nam.

 

Ý NGHĨA VÀ NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI

 

Ý nghĩa:

 

+ Trong 10 ngày đêm chiến đấu (từ 20/1/1954-30/1/1954) quân và dân Phú Yên đã tiêu hao tiêu diệt nhiều sinh lực địch, vây hãm 3 cánh quân cơ động tinh nhuệ của Pháp, hơn 1 tháng chúng bị sa lầy ở Tuy Hòa, nên ta có đủ thời gian sơ tán kho tàng bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, đồng thời rút kinh nghiệm để chuyển hướng phòng thủ tác chiến ở bắc Phú Yên, cũng như phương thức hoạt động chiến đấu với điều kiện tỉnh Phú Yên nếu bị địch chiếm đóng dài ngày…

 

+ Bước đầu làm thất bại kế hoạch “Đánh nhanh, chiếm nhanh” huyện Tuy Hòa và TX Tuy Hòa trong vài ngày của tướng Nava vạch ra, còn bị sa lầy ở Tuy Hòa và bắc Phú Yên buộc địch phải tăng thêm 3 binh đoàn cơ động và kiềm chân tại mặt trận Phú Yên hơn 1 vạn quân, nhưng không thể nào thay đổi được tình thế và bị tổn thất nặng nề. Ngày 18/2/1954 tướng Nava buộc phải tuyên bố tạm dừng chiến dịch Át-lăng. Đó là một thắng lợi to lớn của quân và dân Phú Yên, cùng với chiến thắng bắc Tây Nguyên đã góp phần bảo vệ vùng tự do Liên khu 5.

 

+ Phối hợp nhịp nhàng cùng các chiến trường toàn quốc, đã bao vây, chia cắt, giam chân hơn 1 vạn quân cơ động tinh nhuệ của thực dân Pháp trên chiến trường Phú Yên, tạo điều kiện thuận lợi để quân dân ta chủ động tiến công giành thắng lợi ở mặt trận bắc Tây Nguyên và chiến thắng lịch sử ở Điện Biên Phủ.

 

Nguyên nhân:

 

+ Chiến thắng 10 ngày đêm trong chiến dịch Át-lăng của quân và dân Phú Yên là nhờ có đường lối lãnh đạo, nghệ thuật chỉ đạo chiến lược đúng đắn của Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam, là kết quả của sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp sáng tạo, nhạy bén, kịp thời của Liên khu ủy 5 và Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Cộng với sự chấp hành triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức phòng thủ, tác chiến, kết hợp với việc tăng cường xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang của tỉnh, sự phối hợp chiến đấu giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích với tinh thần tự lực tự cường dựa vào sức mình là chính, chủ động và liên tục tiến công giành chiến thắng. Thắng lợi to lớn ấy đã nói lên tinh thần yêu nước, mong muốn hòa bình độc lập tự do và là niềm tự hào của nhân dân Phú Yên đã góp phần đánh bại chiến dịch Át-lăng của giặc Pháp, bảo vệ vững chắc vùng tự do Liên khu 5.

 

+ Tinh thần đoàn kết chiến đấu hợp đồng lập công tập thể, sự hy sinh anh dũng của cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang với tinh thần thi đua giết giặc lập công, quyết tâm giành cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Hồ Chủ tịch. Tinh thần phục vụ tiền tuyến kiên trì bền bỉ, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cán bộ Dân Chính Đảng các cấp, sự đóng góp vô tận về tinh thần và vật chất của các tầng lớp nhân dân phục vụ chiến dịch thắng lợi, phục vụ kháng chiến thành công.

 

* * *

 

50 năm đã đi qua, cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân Phú Yên trong chiến dịch Át-lăng lịch sử sẽ gắn liền với những địa danh, những đơn vị, những tên người, tên núi, tên sông đã làm nên những chiến công bất tử… Những chiến công ấy vẫn sống mãi với thời gian, vẫn luôn tỏa sáng. Bao sự hy sinh, mất mát vẫn được khắc sâu ghi đậm, luôn nhắc nhở mọi người, mọi thế hệ con cháu chúng ta về một thời để nhớ…

 

Quá khứ thật vinh quang. Chúng ta càng tưởng nhớ và biết ơn tất cả cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cán bộ Dân Chính Đảng các cấp và các tầng lớp nhân dân đã hy sinh quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vì thắng lợi Chiến dịch Át-Lăng…

 

Các thế hệ lực lượng vũ trang, cán bộ, hội viên cựu chiến binh, cựu quân nhân Phú Yên hôm nay nguyện sẽ phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiếp bước các thế hệ cha anh đi trước, mãi mãi xứng danh anh “Bộ đội Cụ Hồ”. Thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh Phú Yên

(Biên soạn dựa theo tài liệu của Quân khu 5)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek