Chủ Nhật, 19/05/2024 06:51 SA
Quân dân Phú Yên đánh bại chiến dịch At-Lăng, chia lửa cùng chiến trường chính Điện Biên Phủ:
Bài 1: Tình hình chiến trường cả nước, liên khu 5, Phú Yên và vị trí, vai trò của tỉnh Phú Yên trong chiến cục Đông xuân 1953-1954 (tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 03/04/2014 08:12 SA

Ngày 11/1/1954, Tỉnh ủy Phú Yên tiến hành hội nghị quán triệt nghị quyết của Liên khu ủy và thông qua kế hoạch chiến đấu của các lực lượng vũ trang địa phương. Tỉnh ủy xác định phương châm chung: tích cực, chủ động, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; riêng về tác chiến, phải triệt để vận dụng chiến thuật du kích với phương châm “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Sau đó, đại diện Tỉnh ủy Phú Yên, đại diện Tỉnh ủy Khánh Hòa và đại diện Ban cán sự tỉnh Đắk Lắk tiến hành họp bàn việc phối hợp chiến trường. Lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên ngoài nhiệm vụ đánh địch tại chỗ phải làm nhiệm vụ tiếp vận cho các đơn vị chủ lực tiến công trên hướng Buôn Ma Thuột. Kế hoạch chiến đấu của các đơn vị, địa phương được khẩn trương phổ biến xuống từng cấp. Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Tỉnh đội xuống các huyện, xã (nhất là các xã phía nam) để kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị chiến đấu.

Các đại đội địa phương tỉnh (377,392,389) được trang bị thêm hỏa lực. Các đại đội địa phương huyện (380, 378, 374, 371) được bổ sung quân số, trang bị thêm súng, bom, mìn, lựu đạn. Lực lượng du kích xã đều được phát triển thêm về quân số và vũ khí trang bị. Từng xã, thôn cử ra một số du kích cùng cán bộ đoàn thể tổ chức hướng dẫn nhân dân tản cư đến những khu vực an toàn. Các kho tàng của tỉnh ở phía nam được khẩn trương chuyển ra phía bắc và lên phía tây. Từng nhà dân tiến hành đào hầm cất giấu tài sản, lương thực thực phẩm. Cuộc tiến quân của giặc Pháp vào Phú Yên ngày càng đến gần, toàn tỉnh chạy đua với thời gian để bày thế trận chủ động đánh địch. Việc xây dựng làng chiến đấu, tổ chức bố phòng, phá hoại một số cầu đường ở các tuyến xung yếu được tiến hành khẩn trương cả ngày lẫn đêm. Hệ thống thông tin liên lạc được củng cố. Vừa chuẩn bị đối phó với giặc đánh vào vùng tự do, nhân dân Phú Yên còn phải nỗ lực tăng gia sản xuất phục vụ tiền tuyến. Hàng nghìn dân công được huy động vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí chi viện cho bộ đội đánh giặc trên hướng Nam Tây Nguyên.

Không có bộ đội chủ lực Liên khu trên địa bàn tỉnh, quân dân Phú Yên phải chiến đấu với lực lượng quân địch lớn mạnh. Đó thật sự là thử thách, khó khăn rất lớn. Lúc đầu, nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương tỉnh có phần phân vân, lo lắng. Nhưng sau hiểu được ý định của cấp trên, tin vào sự lãnh đạo, chỉ huy sáng suốt Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu, quân dân Phú Yên tin vào sức mình, quyết biến mỗi thôn xã thành trận địa tiêu diệt địch.

Ngày 20/1/1954, 22 tiểu đoàn quân viễn chinh Pháp (thuộc 4 binh đoàn cơ động: 10, 100, 41, 42) cùng 2 tiểu đoàn quân ngụy có sự yểm trợ của không quân và hải quân mở cuộc hành quân vào tỉnh Phú Yên, chính thức bắt đầu bước 1 của kế hoạch Atlante (1). De Beaufort tin chắc vào thắng lợi. Chúng đã chuẩn bị sẵn bộ máy ngụy quyền để lắp vào những vùng mà chúng vừa đánh chiếm được. Với thế trận chiến tranh nhân dân đã được bày sẵn, quân dân Phú Yên chủ động tổ chức đánh địch khi chúng vừa đặt chân đến. Ngày 30/1/1954, các cánh quân của địch gặp nhau tại TX Tuy Hòa. Chúng tiến hành củng cố bàn đạp để chuẩn bị tiến ra phía bắc. Qua 10 ngày đầu chiến đấu chống lại cuộc tiến công ồ ạt của địch, quân dân Phú Yên đã tiêu diệt và làm bị thương gần 800 tên (2). Mạng lưới bố phòng rộng khắp của thế trận chiến tranh nhân dân đã hạn chế được quân địch lùng sục, đánh phá vào các thôn xóm.

Ngày 31/1/1954, Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên họp kiểm điểm tình hình. Hội nghị thẳng thắng đánh giá: Do chưa thấy rõ âm mưu thủ đoạn của địch nên lãnh đạo còn chủ quan, công tác chuẩn bị chưa được chu đáo; một số kho tàng mới chuyển qua Bắc sông Đà Rằng; việc tổ chức cho dân tản cư, cất giấu tài sản còn nhiều lúng túng; một số địa phương còn để địch cướp phá. Trên cơ sở đánh giá những thành công và hạn chế, hội nghị kịp thời quyết định một số chủ trương mới trong chỉ đạo tác chiến.

Lúc này, chủ lực Liên khu đã đập tan cụm phòng thủ Đông Bắc Kon Tum của địch, quân ta thừa thắng đẩy mạnh tiến công. Bị ta đánh mạnh ở Kon Tum, thế trận bị phá vỡ, cuộc hành quân Atlante ở Phú Yên phải tạm dừng, Binh đoàn cơ động số 100 về phòng giữ Pleiku, Binh đoàn cơ động số 41 và 42 về giữ Nam Tây Nguyên đồng thời làm dự bị cho các hướng. Lực lượng địch ở Phú Yên từ 24 tiểu đoàn, phần bị quân dân Phú Yên tiêu diệt, phần bị căng kéo trên toàn chiến trường Liên khu, chỉ còn lại 10 tiểu đoàn (thuộc Binh đoàn cơ động số 10 và lực lượng ngụy) (3). Thắng lợi dồn dập trên chiến trường Bắc Tây Nguyên đã cổ vũ quân dân Phú Yên quyết tâm khắc phục khó khăn, khẩn trương chấn chỉnh lực lượng, động viên thêm sức người sức của bổ sung cho chiến trường, các địa phương tăng cường công tác bố phòng chuẩn bị tiếp tục chiến đấu.

Sau khi củng cố lại thế trận, ngày 16/2/1954, các binh đoàn cơ động số 10, 41 và 42 của địch tiến công ra các huyện phía bắc tỉnh Phú Yên. Quân dân Phú Yên kiên quyết chặn đánh. Đêm 16 - rạng 17/2, quân ta lại tiến công mạnh vào cánh cung phòng thủ vòng ngoài và thọc sâu vào TX Pleiku. Cuối tháng 2/1954, Tiểu đoàn 375 được thành lập, tăng cường cho chiến trường Phú Yên. Tiểu đoàn nhanh chóng tổ chức tiến công tiêu diệt địch. Ngày 10/3/1954, quân địch ở phía bắc Phú Yên theo đường bộ bắt đầu tiến ra Bình Định. Tiếp đó, Binh đoàn cơ động số 10 đổ bộ vào Quy Nhơn (12/3), chiếm đóng Tuy Hòa lúc này là lực lượng quân ngụy yếu kém về sức chiến đấu. Liên khu tăng cường tiếp cho Phú Yên Tiểu đoàn 365/Trung đoàn 803 cùng quân dân địa phương đẩy mạnh tiến công tiêu diệt địch. Bộ Chỉ huy chiến dịch Atlante hốt hoảng báo động: “Chủ lực Việt Minh đã vào Phú Yên”. Qua 2 tháng hành quân vào Phú Yên, quân Pháp mất khoảng 3.000 sinh mạng để chiếm đóng 1 thị xã và vài thị trấn (4). Bộ đội chủ lực nhanh chóng tiến sâu về hướng TX Tuy Hòa. Trước sức tiến công mạnh mẽ của ta, hệ thống phòng thủ của địch ở Phú Yên lần lượt bị sụp đổ. De Beaufort buộc phải rút Binh đoàn cơ động số 41 đang ở Diêu Trì (Bình Định) quay về giữ Tuy Hòa (4/1/1954). Đến đầu tháng 5/1954, địch chỉ tập trung vào 4 cụm lớn: La Hai, Sông Cầu, Chí Thạnh và TX Tuy Hòa. Thế chủ động trên chiến trường thuộc về ta. Quân ta liên tục phát triển tiến công, siết chặt vòng vây chuẩn bị tiêu diệt toàn bộ quân địch trong TX Tuy Hòa, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Yên, thì Hiệp định Genève được ký kết (7/1954). Lệnh ngừng bắn được các đơn vị chấp hành nghiêm.

Cuộc hành quân Atlante là một nội dung trong bước 1 của kế hoạch Navarre. Địch mưu toan dùng lực lượng chủ lực cơ động lớn để đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5, bắt đầu từ tỉnh Phú Yên. Tuy nhiên, mưu toan đó của giặc Pháp đã bị thế trận chiến tranh nhân dân của ta nhanh chóng đập tan. Không có bộ đội chủ lực trên địa bàn tỉnh, quân dân Phú Yên với niềm tin chiến thắng đã vượt mọi khó khăn, khẩn trương bày sẵn thế trận để chủ động đánh địch khi chúng vừa đặt chân đến. Địch hành quân vào Phú Yên ở thế chủ động với lực lượng lớn mạnh bị quân dân Phú Yên đánh trả quyết liệt. Phú Yên là tỉnh đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ đánh bại cuộc hành quân Atlante và bảo vệ vững chắc vùng tự do. Quả đấm chủ lực Liên khu trên chiến trường Tây Nguyên là đòn quyết định buộc quân Pháp phải tạm dừng cuộc hành quân Atlante ở Phú Yên để củng cố lại thế trận. Sau khi tiếp tục tiến công ra bắc Phú Yên, lực lượng địch trên chiến trường Phú Yên liên tục bị tiêu diệt.

Về thế và lực, cuộc hành quân Atlante của thực dân Pháp ở Phú Yên đã bị thất bại. Dồn những sức lực cuối cùng, quân Pháp đánh ra Bình Định. Sự kiện ngày 16/3/1954 - Binh đoàn cơ động dù hối hả chạy ra Hà Nội - đánh dấu sự phá sản của cuộc hành quân Atlante trên toàn chiến trường Liên khu 5. Việc De Beaufort buộc phải rút Binh đoàn cơ động số 41 đang ở Diêu Trì (Bình Định) quay về giữ Tuy Hòa tuy có làm tăng lực lượng địch ở Phú Yên nhưng hành động đó của địch nằm trong thế bị động chống đỡ - thế thua - không như ý định ban đầu của chúng. Trước sức tiến công mạnh mẽ của ta, phạm vi chiếm đóng của địch ở Phú Yên liên tục bị thu hẹp. Sự xuất hiện của bộ đội chủ lực làm cho thế và lực của ta ngày càng lớn mạnh. Quân dân Phú Yên đã góp phần quan trọng làm cho địch bị sa lầy, đánh bại bước 1 cuộc hành quân Atlante. Chiến công to lớn đó của cách mạng Phú Yên góp phần tích cực làm nên thắng lợi chung của cách mạng cả nước trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954. (Còn nữa)

------------------

(1) Binh đoàn cơ động số 10 từ Khánh Hòa theo đường bộ ra, Binh đoàn cơ động số 100 từ đường biển đổ bộ vào TX Tuy Hòa, Binh đoàn cơ động số 41 và 42 từ Đắk Lắk xuống. Lực lượng dù nhảy xuống sân bay TX Tuy Hòa.

(2) Số liệu: Nguyễn Lưa, Phú Yên 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975), Bộ CHQS tỉnh Phú Yên, 1993, trang 136.

(3) Trần Quý Cát, sđd, trang 234.

(4) Số liệu: Trần Quý Cát, sđd, trang 244.

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek