Chủ Nhật, 26/05/2024 20:15 CH
Còn mãi với thời gian (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 29/03/2014 09:30 SA

Tháng 12/1975, anh Tám Lý (Đặng Thành Chơn) - nguyên Khu ủy Khu V phụ trách thanh niên, từ Đà Nẵng vào “kéo” tôi cùng đi TP Hồ Chí Minh dự hội nghị hợp nhất tổ chức Đoàn 2 miền thành Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh. Tại hội nghị này, tôi và một số đồng chí trong Thường vụ Khu đoàn Khu V được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành TW Đoàn khóa III. Tại đây tôi có dịp gặp lại một số đồng chí trong đoàn cán bộ thanh vận TW cùng vào miền Nam năm 1964, như Lê Trọng Xuyên, Lê Đình Sảnh… Nhiều đồng chí khác đã hy sinh hoặc chuyển ngành nên không có mặt trong ngày gặp mặt lịch sử tại Hội trường Thống Nhất.

 

Hội nghị Ban chấp hành TW Đoàn ra Nghị quyết quan trọng về tình hình, nhiệm vụ mới của tổ chức Đoàn và phong trào thanh niên cả nước…

 

Về đến Nha Trang, tôi bàn ngay với anh Phú, anh Toàn triệu tập Hội nghị Ban chấp hành Tỉnh Đoàn Phú Khánh (mở rộng) để kiểm điểm đánh giá sơ bộ rút kinh nghiệm đợt công tác vừa qua và thảo luận, ra nghị quyết nhiệm vụ công tác cơ bản của Đoàn trong 2 năm 1976-1977. Nội dung nghị quyết cô đọng thành 7 điểm cụ thể:

 

- Tiếp tục mở rộng mặt trận đoàn kết thanh niên, thành lập và tăng cường hoạt động của Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong phạm vi cả tỉnh, trọng điểm là địa bàn TP Nha Trang, lấy tổ chức Đoàn làm hạt nhân nòng cốt.

 

- Khẩn trương đào tạo cán bộ Đoàn, Hội, Đội, xem đây là khâu quyết định để xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn. Nội dung đào tạo phải thiết thực, hình thức đào tạo phải cơ động, linh hoạt, không quá câu nệ, đòi hỏi phải đủ điều kiện, phương tiện, cơ sở vật chất… Trường Đoàn chỉ hình thành bộ khung, trực tiếp chiêu sinh mở lớp tại từng địa bàn.

 

- Phát động tổ chức lực lượng thanh niên xung phong đi xây dựng các vùng kinh tế mới.

 

- Động viên thanh niên nông dân, công nhân đi đầu trong lao động sản xuất. Trên mặt trận nông nghiệp, tập trung xây dựng hợp tác xã, mặt trận giao thông thủy lợi và sản xuất công nghiệp cần phát huy sáng tạo, tăng năng suất lao động. Trong công nhân viên chức cần đi đầu thực hiện kỷ luật lao động, nâng cao hiệu suất công tác.

 

- Phát triển đoàn viên mới, tập trung vào địa bàn nông thôn và địa bàn sản xuất công nghiệp, bao gồm công trường, xí nghiệp và các trường trung học, đặc biệt quan tâm công tác thanh niên trường học và Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

 

- Phát huy vai trò thanh niên trên mặt trận văn hóa, văn nghệ. Đoàn phối hợp chặt chẽ với ngành văn hóa thông tin, ngành thể dục thể thao tổ chức nhiều hoạt động, nhằm tập hợp thanh niên vào các sinh hoạt lành mạnh, bổ ích.

 

- Giáo dục thanh niên chống vượt biên và bài trừ tệ nạn xì ke ma túy (thời gian này các tệ nạn xã hội khác xuất hiện chưa trầm trọng)…

 

Đến nay, 1/4 thế kỷ đã trôi qua, hơn nữa 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đều được tái lập, tỉnh Phú Khánh chỉ còn như một kỷ niệm đối với nhiều người. Song với tuổi trẻ thì thời gian ấy rất có ý nghĩa, vì nó để lại nhiều ấn tượng khó quên.

 

Có thể nói, 2 năm sau đầu giải phóng, Tỉnh Đoàn Phú Khánh vừa phát động, tạo ra nhiều phong trào thanh thiếu niên hoạt động trên nhiều lĩnh vực, vừa phát triển, củng cố tổ chức, đào tạo cán bộ, qua đó nổi bật lên 2 vấn đề có thể tổng kết thành kinh nghiệm:

 

VỀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO CÁN BỘ

 

Nếu nói trong thời gian chiến tranh, Tỉnh Đoàn Phú Yên rất mạnh về công tác đào tạo cán bộ Đoàn thì những ngày sau giải phóng, hợp nhất tỉnh, công việc đó được nhân lên gấp nhiều lần cả về quy mô, số lượng, chất lượng. Kết quả này là do tập thể Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đều quan tâm, trong đó mỗi đồng chí đều có trách nhiệm tham gia với tất cả sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình. Thời gian này, “Bộ khung” Trường Đoàn có một cán bộ chuyên trách dưới danh nghĩa Hiệu phó là đồng chí Phan Ngọc Cẩn, quê Hòa Trị, TX Tuy Hòa, từ miền Bắc về sau giải phóng. Anh Cẩn có trình độ giảng dạy, biết tổ chức quản lý và rất nhiệt tình với công việc được giao.

 

Thường trực Tỉnh Đoàn làm việc với từng Huyện Đoàn để quyết định số lượng chiêu sinh mở lớp tại địa bàn như Đại Điền (Diên Khánh), chùa Tàu (Vạn Ninh), TX Tuy Hòa, TP Nha Trang… Trong năm 1976 và đầu năm 1977, trường mở được 6 khóa, gồm 800 đoàn viên, thanh niên tốt được đào tạo thành cán bộ Đoàn. Việc dạy như đã nói, còn việc học của cán bộ thì đặc biệt thú vị. Phần đông anh chị em đều có trình độ văn hóa khá, có nhiều người đang học dở dang một số trường đại học trước ngày giải phóng. Lúc đầu mới tiếp xúc với nội dung, đường lối, chính sách công tác thanh vận của Đảng, vai trò, vị trí của Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Đội Thiếu niên Tiền phong… có đôi chút rụt rè, bỡ ngỡ, nhưng chỉ một thời gian rất ngắn đã mau chóng hòa nhập. Rất nhiều học viên có dịp bộc lộ năng khiếu âm nhạc, thể thao, đặc biệt có người đã qua nghiên cứu triết học, lịch sử, văn hóa nước nhà, nên học rất giỏi và làm công tác dân vận tại nơi trường đóng quân rất tốt. Có thể nói, thời gian này Trường Đoàn đến đâu thì khơi dậy phong trào “Nổi đình đám” đến đó. Trường Đoàn chẳng những hấp dẫn với tuổi trẻ địa phương mà các tầng lớp lớn tuổi trong nhân dân cũng thấy rõ một bầu không khí lành mạnh, hồ hởi, phấn khởi. Có nơi trường kết thúc khóa học chuyển đi nơi khác thì một số thanh niên tình nguyện đi theo phục vụ cho trường, sau đó có anh chị em trở thành cán bộ tăng cường lại cho địa phương, số khác gia nhập lực lượng thanh niên xung phong.

 

Tài liệu và giáo viên giảng dạy tại Trường Đoàn không còn khó khăn như thời kỳ kháng chiến. Mỗi cán bộ chuyên trách Tỉnh Đoàn phụ trách một công việc đều có thể lên bục giảng theo chuyên đề của mình. Tuy vậy, tôi có một kỷ niệm rất đẹp, một ấn tượng khá sâu sắc là tại mỗi khóa đào tạo, dù xa, dù gần, tôi đều mời được các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và UBND tỉnh đến thăm. Những lúc nói chuyện hoặc phát biểu ý kiến, trao đổi, giải đáp thắc mắc cho học viên đều xoay quanh tình hình trong nước, thế giới và nhiệm vụ kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng trong tỉnh, thực chất là những cuộc đối thoại giữa lãnh đạo với tuổi trẻ rất bổ ích.

 

Viết những trang hồi ký này, đến đây khiến tôi có đôi điều suy nghĩ, so sánh: Tình hình, trình độ, phương tiện ngày nay đã tiến bộ nhiều so với những ngày mới giải phóng, nhưng dù sao thì mỗi lần tuổi trẻ được tiếp xúc với những người lãnh đạo, những thế hệ đi trước, đều giúp mình tăng thêm hiểu biết, mở mang tầm nhìn về nhiều hoặc một vấn đề nào đó rất có lợi. Tôi đánh giá những lần các anh lãnh đạo đến thăm Trường Đoàn trước đây không những chỉ là sự động viên mà những bài nói, những ý kiến phát biểu có giá trị như một bài giảng vừa có tính chủ trương, đường lối, vừa có tính thời sự. Nếu ngày nay các lớp đào tạo, các kỳ hội họp sinh hoạt lớn của Đoàn đều làm được như vậy sẽ vô cùng có lợi cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên.

 

Kỷ niệm và ấn tượng sâu sắc về công tác đào tạo cán bộ của Tỉnh Đoàn Phú Khánh trong tôi là một đội ngũ đông đảo anh chị em nam nữ thanh niên trưởng thành. Dù ngày nay có người là cán bộ lãnh đạo, nhiều người khác vẫn ở vị trí công tác bình thường, song những gì Đoàn tạo điều kiện, và bản thân anh chị em có dịp được Đoàn giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, nhân sinh quan cách mạng... đều là tài sản có ý nghĩa trong cả cuộc đời mà mỗi người khó có thể nào quên.

 

TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG VÀ PHONG TRÀO THANH NIÊN XUNG PHONG

 

Có thể khẳng định, sau TP Hồ Chí Minh, Phú Khánh là tỉnh có lực lượng thanh niên xung phong do Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh tổ chức, xây dựng, huấn luyện và đưa vào hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế rất sớm và rất tốt. Phong trào được khởi xướng từ đầu năm 1976, lúc đầu là 4 đại đội, sau vài ba tháng mở rộng, số lượng đưa lên 8 đại hội, rồi 12 và đỉnh cao nhất vào giữa năm 1976 là 16 đại đội với tổng số trên 2.000 cán bộ đoàn viên được phân bổ về công trường thủ công để khai hoang, làm thủy lợi, giao thông, mở ra các vùng kinh tế mới như Đất Sét, Bến Khế, Đồng Trằn, Đá Bàn, Lỗ Rong… Lúc đầu, Tỉnh Đoàn bố trí một số cán bộ chủ chốt của Đoàn trực tiếp phụ trách các điểm, như Đỗ Vĩnh Tân (Đồng Trăng), Nguyễn Vân Sơn (Bến Khế)…và các đồng chí cán bộ quân đội tăng cường đang làm trưởng phó ban ngành phụ trách các điểm khác. Sau một thời gian thử thách quen dần với công việc, bản thân các đơn vị lựa chọn, bầu người phụ trách, hình thành các ban lãnh đạo gồm hầu hết cán bộ trẻ, lực lượng thanh niên xung phong. Đến cuối năm 1977, đầu năm 1978 thì lực lượng thanh niên xung phong lại được tuyển chọn hình thành phiên hiệu cấp tiểu đoàn, lên đường phục vụ tiền tuyến trong cuộc chiến đấu làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường biên giới Tây Nam.

 

(Còn nữa)

 

NGUYỄN TƯỜNG THUẬT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek