Phạm vi của cuộc hành binh rộng chừng 26.000km2, theo một chiều dài khoảng 370km và một chiều ngang trung bình 70km. Đây là vùng tự do, một căn cứ địa chiến lược của ta ở Liên khu 5, được xây dựng củng cố duy trì và phát huy tác dụng tích cực suốt trong cả quá trình của cuộc kháng chiến. Đây là vùng đồng bằng ven biển miền Trung, đất đai màu mỡ, dân cư đông đúc với khoảng 2,5 triệu người. Chúng ta đã khai thác được nguồn nhân lực, vật lực dồi dào và sử dụng đường xe lửa làm tuyến giao liên quan trọng, vận chuyển lương thực vũ khí, nối liền hai miền Nam Bắc. Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên có vị trí chiến lược quan trọng, phía đông giáp biển, phía tây phần lớn giáp các tỉnh vùng Tây Nguyên, phần khác giáp với cao nguyên Bôlôven của Lào; phía nam giáp tỉnh Khánh Hòa - vùng đã bị địch chiếm đóng từ cuối năm 1945.
Tiến hành chiến dịch Át-lăng, thực dân Pháp hy vọng sử dụng lực lượng quân sự mạnh, tiêu diệt chủ lực và các lực lượng vũ trang cách mạng ta, phá cơ sở, chính quyền và các tổ chức đoàn thể quần chúng, “xóa sổ” vùng tự do Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; chủ yếu là phòng ngừa một hiểm họa rất lớn, phá tan mối đe dọa thường xuyên của các căn cứ của Việt Minh ở Liên khu 5 đối với các chiến trường miền Nam Đông Dương. Đây là cuộc hành binh vừa để thực hiện mục tiêu chiếm đóng và bình định.
Về mục đích của cuộc hành quân Át-lăng, chính Nava đã viết rõ trong cuốn sách Đông Dương hấp hối như sau: Cuộc hành quân Átlăng có mục đích tiêu diệt Liên khu 5, bởi nói là một địa bàn có giá trị về kinh tế, nhân lực, quan trọng hơn là về chính trị và vị trí chiến lược. “Đây là con đường nối liền Nam - Bắc giữa Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Bộ. Thông qua con đường này Việt Minh gửi cán bộ, vũ khí, tiền bạc cho lực lượng của họ ở phía Nam và Campuchia. Việc giải phóng rồi giao quyền quản lý trực tiếp nó cho Chính phủ Việt Nam (ngụy - TVT) sẽ có một ảnh hưởng về tinh thần rất lớn đối với toàn bộ nước Việt Nam, kể cả trong những vùng do Việt Minh kiểm soát. Đây là một cuộc trắc nghiệm chính trị hàng đầu.
Nhưng đây không phải là mục đích chủ yếu của cuộc hành quân. Đây là biện pháp phủ đầu chống lại một nguy cơ lớn. Thực vậy, Liên khu 5 cùng với những căn cứ địa trên cao nguyên Bôlôven là một mối nguy cơ thường xuyên đối với các vùng nam Đông Dương (Nam Bộ, Nam Lào và Campuchia). {...} Chúng ta nắm được từ các nguồn tin chắc chắn là Bộ chỉ huy Việt Minh xem Liên khu 5 như một căn cứ để tung ra các cuộc hành quân quan trọng vào năm 1954-1955. Vì thế, do chúng ta chệm trễ trong việc tiêu diệt nó nên đang phải đối đầu với một vấn đề khủng khiếp.
Vào cuối năm 1953, các dấu hiệu nghiêm trọng cho thấy có sự chuẩn bị của Liên khu 5 cho một cuộc tiến công, hoặc vào Đà Nẵng hoặc vào Nha Trang, nhiều khả năng là vào vùng Tây Nguyên. Sự phối hợp hành động của cuộc tiến công này với các cuộc tiến công khác vào Sêno có thể gây cho chúng ta những hậu quả hết sức bi thảm: sự cắt đứt hoàn toàn những đường giao lộ của chúng ta với vùng Bắc Lào, một cuộc tiến quân của Việt Minh vào Campuchia và Bắc Nam Bộ”1.
Trong kế hoạch chiến lược và ý đồ của Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, tướng Nava, cuộc hành binh Át-lăng có vị trí và tầm quan trọng lớn thứ ba, sau Điện Biên Phủ và Trung Lào. Trong một bức điện gửi tướng Cônhi, Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ, Nava đã nói rõ: “Tướng quân phải coi trách nhiệm toàn bộ của mình là đồng bằng và miền thượng du, miền này phải được ưu tiên và đặc biệt là phòng thủ Điện Biên Phủ. Hiện nay, đồng bằng đối với tướng quân chuyển xuống hàng khẩn cấp thứ hai và đối với tôi thì xuống hàng thứ tư sau Điện Biên Phủ, Trung Lào và chiến dịch Át-lăng2.
Lực lượng địch được huy động để tham gia chiến dịch Át-lăng gồm có 6 binh đoàn cơ động là Binh đoàn bộ binh số 11 (ngụy) gồm các tiểu đoàn bộ binh 1, 11, 17; Tiểu đoàn pháo binh số 1 từ Bình Trị Thiên vào. Binh đoàn bộ binh số 21 (ngụy) gồm các tiểu đoàn bộ binh 8, 27, 30, Tiểu đoàn pháo binh số 2, một đại đội súng cối hỗn hợp, từ Nam Bộ ra. Binh đoàn bộ binh số 41 (ngụy, còn gọi là Liên đoàn bộ binh sơn cước, do lực lượng này là quân ở Tây Nguyên) gồm các tiểu đoàn 1, 3, 8; tiểu đoàn pháo binh số 4. Binh đoàn bộ binh số 42 (ngụy, còn gọi là Liên đoàn bộ binh sơn cước, do lực lượng này là quân ở Tây Nguyên) gồm các tiểu đoàn 3, 6, 7, hai đại đội súng cối hỗn hợp. Cùng Binh đoàn cơ động số 10 quân Bắc Phi và Binh đoàn cơ động 100 vừa điều từ Triều Tiên sang, thuộc lực lượng quân viễn chinh Pháp. Ngoài ra Pháp còn sử dụng 14 tiểu đoàn khác tham gia chiến dịch này làm nhiệm vụ bình định.
Pháp đặt ra Phân khu Duyên hải (Subdivison côtière), thuộc Đệ tứ Quân khu (Tây Nguyên)3 để chỉ huy và tiếp tế cho cuộc hành quân. Quân ngụy đặt Bộ chỉ huy nhẹ ở Nha Trang và một căn cứ tiền phương tại Ninh Hòa (Khánh Hòa).
Giữa tháng 1/1954, mặc dù được tình báo cho biết Việt Minh “có thể tiến công Điện Biên Phủ vào một thời gian gần đây”, Nava vẫn ra lệnh triển khai cuộc hành binh Át-lăng. Theo đó, ngày 20/1/1954, thực hiện bước 1 cuộc hành binh Át-lăng, địch huy động 22 tiểu đoàn, trong đó có 4 binh đoàn cơ động (10, 100, 41, 42) và 2 tiểu đoàn dù ngụy, chia làm 3 cánh, một cánh đổ bộ và nhảy dù xuống TX Tuy Hòa, một cánh từ Khánh Hòa đánh ra, một cánh từ Đắk Lắk đánh xuống, mở cuộc tiến công đánh chiếm tỉnh Phú Yên.
Kế hoạch Át-lăng và việc điều động lực lượng của địch về đại thể cơ quan tham mưu chiến lược của ta và quân dân Nam Trung Bộ cũng đã sớm nắm được qua nhiều nguồn tin, nên khi địch triển khai bước một đánh Phú Yên, phía ta hoàn toàn không bị bất ngờ. Quân và dân Phú Yên tích cực chủ động tiến công địch ở khắp nơi.
Trong khi đó, thực hiện chủ trương Trung ương Đảng, theo kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 5 lãnh đạo quân và dân địa phương tập trung toàn bộ lực lượng bộ đội chủ lực tiến công địch ở bắc Tây Nguyên, kiên quyết đánh địch, bảo vệ vùng tự do, địch đến địa phương nào thì lực lượng ở địa phương ấy tích cực, chủ động đánh, kiềm chế không cho địch phát triển; các địa phương tích cực chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu; đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá giao thông, đánh vào hậu cứ địch kết hợp với đẩy mạnh công tác binh địch vận. Theo đó, bộ đội chủ lực được tập trung mở chiến dịch tiến công địch ở Bắc Tây Nguyên vào ngày 26/1/1954, đúng 1 tuần sau khi địch đánh vào Phú Yên. Mục đích của chiến dịch này không chỉ nhằm mở rộng vùng giải phóng ở vùng chiến lược Tây Nguyên mà còn chủ động phá cuộc hành binh Át-lăng của địch. Chỉ trong vòng 10 ngày, từ 26/1 đến 3/2 trên hướng chính, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ hệ thống cứ điểm của địch, giải phóng hoàn toàn khu vực bắc Kon Tum, tiến sát TX Kon Tum; trên hướng diện; quân ta đã diệt 5 cứ điểm địch cách TX PlâyKu phía đông bắc và bắc từ 15 đến 20km. Cùng trong thời gian đó, ta và bạn Lào tiến công giải phóng TX Áttôpư và cao nguyên Bôlôven (1/2/1954).
Bị đòn choáng váng, Nava vội vàng tạm ngưng cuộc hành binh Át-lăng, điều binh đoàn cơ động 100, 11, 21 lên phòng thủ TX PlâyKu và đường số 19; đưa 2 binh đoàn 41, 42 lên Trà Khê phòng thủ cửa ngõ ra vào Đắk Lắk.
Đến ngày 7/2, ta đã giải phóng toàn bộ tỉnh Kon Tum rộng chừng 16.000km2 với 20 vạn dân, phá thế uy hiếp của địch phía sau lưng vùng tự do Quảng Nam, Quảng Ngãi. Sau đó ta tổ chức tiến công địch ở phía TX PlâyKu (17/2) và kết thúc chiến dịch Bắc Tây Nguyên.
Bị thua đau ở bắc Tây Nguyên, song cuối tháng 2/1954, địch điều động binh đoàn dù cơ động (GAP) từ Hà Nội vào An Khê, hy vọng cùng với lực lượng tại chỗ cải thiện tình hình đang ngày càng xấu đi ở Nam Trung Bộ. Với nhận định chủ quan cho rằng chủ lực ta ở Nam Trung Bộ không còn khả năng đánh lớn, Nava quyết định triển khai bước 2 của cuộc hành binh này.
Ngày 10/3, hai binh đoàn 41, 42 từ Phú Yên theo đường 1 và 6 đánh ra Diêu Trì (Bình Định). Ngày 12/3/1954, 18 tàu thủy, 13 máy bay đổ bộ 4 trung đoàn, 230 xe cơ giới đánh chiếm Quy Nhơn, Cầu Đôi, Phú Tài, Phước Hải (huyện Tuy Phước). Ở phía tây, trên đường số 19, các binh đoàn (11, 21, 100 và dù) từ đèo An Khê chuẩn bị đánh xuống Phú Phong (Bình Định). Địch vừa đổ bộ xuống Quy Nhơn thì ngày hôm sau (13/3) ta nổ súng mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ, địch vội vàng điều binh đoàn dù trở lại Hà Nội.
Tại các địa phương phía nam tỉnh Bình Định bộ đội địa phương và du kích đào hào hầm “độn thổ” ngay bên mép đường chờ địch đến gần mới nổ mìn, xông ra diệt địch. Chỉ tính riêng trong 3 ngày đầu, bộ đội địa phương và du kích Bình Định đã diệt và làm bị thương 500 tên địch, phần lớn chết và bị thương bởi mìn và hầm chông.
Ngày 24/3, các lực lượng vũ trang ta chặn đánh các cánh quân địch từ Phú Yên ra hợp điểm với cánh Quy Nhơn, diệt 800 tên. Đêm 3/4, bộ đội tập kích “Trung Hoa hí viện” ở Quy Nhơn diệt 200 tên địch. Trên đường 19, bộ đội chủ lực đánh cứ điểm Thượng An, diệt và bắt 2 đại đội địch, tiến công các đoàn xe vận tải, phá hủy nhiều xe, cắt đứt đường 19. (Còn nữa)
--------------
(1) H.Nava, Đông Dương hấp hối, (Phan Thanh Toàn dịch), NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.243-244.
(2) Dẫn theo Đỗ Thiện, Đinh Kim Khánh, Tiếng sấm Điện Biên Phủ, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984, tr.119.
(3) Theo Sắc lệnh số 61-QP, ngày 26/6/1952, các quân khu ngụy (Quốc gia Việt Nam) được thành lập kể từ ngày 1/7/1952. Lãnh thổ Việt Nam được chia thành 4 quân khu: Đệ nhất Quân khu là vùng Nam Bộ, Đệ nhị quân khu là vùng Trung bộ, Đệ tam quân khu là vùng miền Bắc; Đệ tứ quân khu là vùng Tây Nguyên.
Đại tá, TS TRẦN VĂN THỨC
Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử kháng chiến chống Pháp, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam