Thứ Năm, 28/11/2024 18:04 CH
Quân dân Phú Yên đánh bạichiến dịch Át-Lăng, chia lửa cùng chiến trường chính Điện Biên Phủ
Bài 6: Tình hình động viên nhân tài, vật lực của nhân dân Phú Yên phục vụ công cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, trong chiến dịch Át-lăng đông xuân 1953-1954
Thứ Tư, 16/04/2014 08:38 SA

Trước những thất bại liên tiếp ngày càng nặng nề trên khắp các chiến trường ở Đông Dương, Chính phủ Pháp một mặt tranh thủ xin viện trợ của Mỹ, mặt khác cố gắng tập trung tiềm lực của nước Pháp bằng cách tăng quân, đổi tướng hòng xoay chuyển tình thế. Tháng 5/1953, với sự thỏa thuận của Chính phủ Mỹ, Chính phủ Pháp cử tướng Na-va (Navarre) được xem là “nhân tài quân sự” của nước Pháp, thay cho tướng Xa-lăng.

 

tl140416.jpg

Nhân dân Phú Yên sử dụng xe goòng làm phương tiện vận chuyển vũ khí, lương thực trong kháng chiến chống Pháp

Sau một thời gian nghiên cứu tình hình chiến trường, Na-va trình lên Hội đồng quốc phòng Pháp một kế hoạch quân sự lớn hòng xoay chuyển tình thế, giành thắng lợi có tính chất quyết định, kết thúc chiến tranh trong vòng 18 tháng. Điểm trung tâm của Kế hoạch Na-va là dựa vào sự tăng viện về súng đạn và tiền bạc của Mỹ, vét quân từ chính quốc và các thuộc địa châu Phi, ra sức xây dựng quân ngụy, để xây dựng lực lượng tác chiến cơ động mạnh, quân Pháp sẽ thực hành tiến công chiến lược 2 giai đoạn.

 

Trong thu đông 1953 và xuân 1954, giữ thế phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, thực hành tiến công chiến lược ở miền Nam nhằm chiếm đóng tất cả vùng tự do còn lại, nhất là vùng tự do Liên khu 5.

 

Sau đông xuân 1954-1955, sau khi đã bình định xong miền Nam và với khối chủ lực cơ động đã được xây dựng sẽ tập trung toàn bộ lực lượng thực hành quyết chiến với quân chủ lực ta trên chiến trường miền Bắc, giành thắng lợi quyết định. Cả Pháp và Mỹ đều trông chờ, hy vọng và đặt niềm tin vào sự cố gắng cuối cùng và cao nhất này.

 

Chiến dịch Át-lăng quy mô lớn, đánh chiếm toàn bộ vùng tự do Liên khu 5, là một bộ phận quan trọng của Kế hoạch Na-va. Kế hoạch của chiến dịch Át-lăng chia ra 3 bước.

 

Bước 1: Sử dụng 22 tiểu đoàn từ Khánh Hòa, Đắk Lắk đánh chiếm tỉnh Phú Yên trong tháng 1/1954.

 

Bước 2: Sau khi chiếm xong Phú Yên, sẽ tăng thêm lực lượng, phát triển đánh chiếm Quy Nhơn và tỉnh Bình Định vào đầu tháng 3/1954 và kéo dài khoảng 2 tháng.

 

Bước 3: Bước quyết định, tập trung lực lượng từ 4 hướng, Quảng Nam đánh vào, Bình Định đánh ra, Kon Tum đánh xuống và từ biển đánh lên, cả 4 cánh quân sẽ hợp điểm tại TX Quảng Ngãi, hoàn thành mục tiêu đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5.

 

Dưới trướng của Na-va, tướng Đơ Bô Pho trực tiếp chỉ huy, chiến dịch Át-lăng có tổng hành dinh đóng tại Nha Trang.

 

Để chuẩn bị cho chiến dịch Át-lăng, tháng 12/1953, Pháp lần lượt đưa Binh đoàn cơ động số 10 từ Pháp sang, Binh đoàn 100 từ chiến trường Nam Triều Tiên về, các binh đoàn số 11, 21 từ Bình Trị Thiên vào, Nam Bộ ra, hợp cùng các binh đoàn cơ động 41, 42 và các tiểu đoàn độc lập tại chỗ, hình thành một lực lượng tập trung 40 tiểu đoàn.

 

Tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta họp. Sau khi phân tích cục diện chiến tranh ở Đông Dương và âm mưu mới của Pháp, Mỹ, hội nghị chủ trương đối với Liên khu 5 là phân tán lực lượng đánh địch, tạo thời cơ để tiêu diệt sinh lực chúng, phải giành địa bàn chiến lược Tây Nguyên, phá tan âm mưu bình định miền Nam của địch.

 

Tháng 12/1953, hội nghị Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 5 quyết định:

 

+ Tập trung toàn bộ bộ đội chủ lực tiến công lên Tây Nguyên, đánh chắc thắng và thắng ngay từ trận đầu, kiên quyết đạt được mục tiêu đề ra.

 

+ Giao nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do cho lực lượng địa phương. Trước mắt, khẩn trương xây dựng lực lượng địa phương, xây dựng làng chiến đấu, địch đến địa phương nào, địa phương đó phải tự đối phó, tiêu hao, tiêu diệt, kìm chân không cho địch nhanh chóng mở rộng phạm vi kiểm soát, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của của nhân dân do địch gây ra. Địa phương nào địch chưa đánh đến phải tích cực động viên nhân dân phục vụ tiền tuyến.

 

+ Các chiến trường sau lưng địch tích cực đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh giao thông, bao vây đồn bót, đánh sâu vào thị xã, đẩy mạnh công tác binh địch vận, phá vỡ kế hoạch xây dựng ngụy quân, ngụy quyền. Khi bộ đội chủ lực ta đánh mạnh ở Tây Nguyên hoặc lúc địch đánh ra vùng tự do, phải tổ chức các đợt hoạt động mạnh, không cho địch rút lực lượng đi nơi khác.

 

Phú Yên lúc bấy giờ là tỉnh hoàn toàn tự do. Tỉnh ủy Phú Yên họp ngày 11/1/1954, thảo luận sôi nổi chủ trương của cấp trên, nêu cao quyết tâm lãnh đạo lực lượng vũ trang, dân quân du kích và nhân dân tỉnh nhà triệt để vận dụng chiến thuật du kích với phương châm “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, ra sức tiến công đánh bại địch lấn chiếm, tích cực phục vụ chiến trường vùng sau lưng địch.

 

Đại diện Tỉnh ủy Phú Yên, Tỉnh ủy Khánh Hòa và Ban Cán sự Đắk Lắk họp bàn kế hoạch phối hợp đẩy mạnh hoạt động trong lúc bộ đội chủ lực tập trung lên Tây Nguyên. Phú Yên ngoài việc đánh địch tại chỗ còn phải làm nhiệm vụ tiếp vận cho các đơn vị bộ đội chủ lực tiến đánh hướng Buôn Ma Thuột.

 

Toàn tỉnh Phú Yên sôi sục chuẩn bị đi vào cuộc chiến đấu to lớn và quyết liệt nhất. Bộ đội địa phương, dân quân du kích chuẩn bị phương án tác chiến trên thực địa từng khu vực.

 

Thời gian này, ở Phú Yên, Bí thư Tỉnh ủy là đồng chí Lê Vụ, Chủ tịch UBKCHC tỉnh là đồng chí Võ Học, tôi (Cao Văn Hoạch) Chánh văn phòng Ủy ban tỉnh.

 

Về các mặt tình hình hành quân, chiếm đóng của địch và sự chiến đấu của các lực lượng vũ trang ta trong tỉnh, có bản báo cáo riêng. Bài này chủ yếu nói về việc huy động nhân tài vật lực trong tỉnh phục vụ công cuộc chiến đấu của quân, dân ta trong chiến dịch Át-lăng tại tỉnh nhà. Hàng ngàn thanh niên khỏe mạnh xung phong gia nhập bổ sung vào các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện và các trung đội, đại đội du kích tập trung của các xã. Nhân dân một số làng xã ở một số địa phương tiếp tục phá hoại đường sá, cầu cống, nhất là trên quốc lộ 1, các tỉnh lộ số 5, số 7, một cách tích cực, khẩn trương cả ngày lẫn đêm.

 

Từ sau hội nghị Tỉnh ủy ngày 11/1/1954, lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp trong tỉnh rà soát, bổ sung kế hoạch đặc biệt chú ý công tác tư tưởng. Tất cả nỗ lực chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới, bố trí lại công tác cho một số cán bộ, UBKCHC các cấp huy động nhân dân gặt hái, cất giấu tài sản, lương thực, di chuyển kho tàng, chuẩn bị cho nhân dân một số nơi tản lánh cư đến những nơi an toàn, sơ tán cất giấu trâu bò…, chuẩn bị thực hành vườn không nhà trống khi địch đến, chuẩn bị kế hoạch dân công phục vụ chiến trường Tây Nguyên… Lúc bấy giờ, các kho lương thực của tỉnh có 2.500 tấn lúa, 200 tấn gạo, hàng hóa các kho của mậu dịch quốc doanh hàng trăm triệu đồng, đều phải huy động sức dân để khẩn trương di chuyển, cất giấu.

 

Sáng 20/1/1954 (tức ngày 16 tháng Chạp năm Giáp Ngọ), 22 tiểu đoàn địch trong đó có 4 binh đoàn cơ động và 2 tiểu đoàn ngụy mở cuộc tấn công quy mô chưa từng có ra Phú Yên. Địch sử dụng hàng chục máy bay ném bom và nhiều đại bác, có cả pháo từ tàu thủy bắn lên chi viện dọn đường cho bộ binh, cơ giới tấn công từ 3 phía: Từ Cheo Reo đánh xuống Củng Sơn, từ đèo Cả đánh ra, đổ bộ từ biển lên và nhảy dù xuống TX Tuy Hòa. Chiến dịch Át-lăng của địch bắt đầu.

 

Địch nhanh chóng chiếm đóng Củng Sơn và TX Tuy Hòa, mở hành quân nối liền 2 điểm trên và từ 2 nơi đó tỏa rộng ra theo hình rẻ quạt, triển khai nhanh chóng.

 

Trong vài ngày đầu địch ra Phú Yên, trước sức tiến công ồ ạt của chúng có phi pháo yểm trợ, bộ đội địa phương và quân dân ta lúng túng, việc tản cư sơ tán nhân dân lộn xộn, tổ chức Đảng ở cơ sở xáo trộn, một số cán bộ, đảng viên, chiến sĩ dao động.

 

Về lãnh đạo, khuyết điểm lớn nhất là tuy Tỉnh ủy đã họp bàn kế hoạch đối phó với âm mưu địch đánh ra vùng tự do, nhưng do chủ quan, chưa đánh giá hết âm mưu địch đánh ra và chiếm đóng lâu dài mà cho rằng địch càn quét chiếm đóng ngắn ngày hoặc chỉ đánh chiếm phía nam, nên kế hoạch đối phó bị động, chỉ tập trung chuyển kho tàng từ phía nam ra phía bắc sông Đà Rằng, như kiểu đầu năm 1947.

 

Lãnh đạo Đảng các cấp nhanh chóng uốn nắn tư tưởng, chỉ đạo bộ đội địa phương, dân quân du kích và nhân dân tăng cường công bố phòng, bám đánh địch. Các huyện phía bắc của tỉnh rút kinh nghiệm chuẩn bị đánh địch, bảo vệ dân tốt hơn.

 

Đêm 27/1/1954, bộ đội chủ lực ta ở mặt trận Tây Nguyên nổ súng tấn công đập tan cụm phòng thủ đông bắc Kon Tum của địch. Tiểu khu Kon Tum xin quân tiếp viện nhưng lúc này quân Pháp đang mắc chân ở Phú Yên. Ở TX Pleiku địch cũng bị uy hiếp.

 

(Còn nữa)

 

CAO VĂN HOẠCH

Nguyên Chánh văn phòng UBKCHC

tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống Pháp

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek