Thứ Tư, 27/11/2024 00:38 SA
Công ty TNHH Rượu Vạn Phát cũng chỉ muốn “việc tôi tôi làm”!
Thứ Sáu, 22/12/2006 07:22 SA

Công ty TNHH Rượu Vạn Phát có thái độ “việc tôi tôi làm”, bất chấp các quy định và quản lý của chính quyền địa phương. Điều lạ lùng hơn, trong khi các nhà đầu tư hiện nay luôn tranh thủ đổi mới thiết bị công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và xử lý tốt môi trường thì Vạn Phát lại tranh thủ đưa về những nhà máy cũ kỹ đến thời kỳ thanh lý!

 

Chiều ngày 13/11 năm 2006 tại Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc giữa lãnh đạo chủ chốt các ngành có liên quan với bà Bùi Thị Quy, giám đốc Công ty TNHH rượu Vạn Phát, nhằm giải quyết các vướng mắc xung quanh việc triển khai thực hiện dự án Nhà máy cồn, ga CO2, rượu, phân vi sinh tổng hợp tại xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa. Hai đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực kinh tế cũng tham dự.

 

061222-Ruou-VP-2.jpg

Nhà máy sản xuất rượu của Công ty Vạn Phát mở rộng khi chưa có giấy phép điều chỉnh dự án - Ảnh: Đức Thông

 

Sau thủ tục cuộc họp, bà Bùi Thị Quy nêu rõ “Đến Phú Yên để sản xuất kinh doanh chứ không vì vấn đề nào khác. Công ty vẫn đang thực hiện tốt quyết định 552 của UBND tỉnh, nhà máy sẽ hoàn thiện để sản xuất cồn và cũng chỉ sản xuất cồn, không sản xuất đường. Công ty vừa ký hợp đồng bán cồn với khách hàng là 730.000 USD. Hy vọng cuộc họp sẽ cởi mở những vấn đề nặng trĩu của nhà đầu tư, tạo điều kiện cho nhà đầu tư. Bởi lẽ hiện nay ngủ một đêm thức dậy tôi mất 50-60 triệu đồng”. Phải nói phát biểu của bà có gây thiện cảm ít nhiều, thế nhưng cũng chính bà đã làm không khí cuộc họp thêm nặng trĩu, khi gọi tên theo kiểu xách mé với Giám đốc Sở Công nghiệp, lên án Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa và có vẻ thách thức một số người khác chỉ vì trong phát biểu của họ có nêu rõ những việc làm của Vạn Phát chưa đúng với thỏa thuận đầu tư của tỉnh. Đến nỗi, Phó Chủ tịch thường trực Trần Thị Hà vốn rất điềm tĩnh và cảm thông với người đồng phái cũng đã nói gay gắt “Chị yêu cầu chính quyền tạo điều kiện để tháo gỡ, nhưng chị lại bảo “việc tôi tôi làm”, thì tháo gỡ sao đây? Nếu chị không sản xuất đường như vừa nói thì không có vấn đề gì phải bàn cả, tỉnh luôn tạo điều kiện để chị sớm hoàn thành nhà máy. KCP không bán mật rỉ, UBND tỉnh sẵn sàng làm trung gian đảm bảo nguyên liệu mật rỉ cho chị…”.

 

Dù vậy, với tinh thần trân trọng nhà đầu tư, các đại biểu dự họp đều kềm chế, nên cuộc họp cũng đã đạt được yêu cầu đề ra. Sau khi nghe các ngành phản ánh tình hình triển khai dự án Nhà máy cồn, ga CO2, rượu, phân vi sinh tổng hợp của Vạn Phát, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi đã kết luận: “Chị Quy đề xuất cuộc gặp gỡ là trùng với ý định của UBND tỉnh. Phú Yên lúc nào cũng trân trọng nhà đầu tư, muốn có nhà đầu tư, sẵn sàng làm việc và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, nhưng nhà đầu tư cũng phải thực hiện đúng các thủ tục đầu tư”.

 

Chủ tịch Phạm Ngọc Chi nêu rõ “Chấp hành chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp, Phú Yên không có chủ trương xây dựng nhà máy đường thứ tư. Tỉnh chấp thuận cho Vạn Phát đầu tư để khai thác các sản phẩm sau mía đường. Do vậy cần tuân thủ quyết định của UBND tỉnh cho phép đầu tư xây dựng Nhà máy cồn, ga CO2, rượu, phân vi sinh tổng hợp. Việc xây dựng xưởng ép mía tỉnh không chấp nhận.

 

… Đối với những hạng mục công trình Vạn Phát đang xây dựng gồm 4/10 hạng mục được chấp thuận (có 2 sai vị trí) và 11 hạng mục chưa có trong dự án thì những hạng mục làm sai, dừng lại. Tỉnh cũng dừng lại việc tháo dỡ để nhà đầu tư vận dụng trong quá trình bố trí lại tổng mặt bằng tránh lãng phí. Những sai phạm về đất cát, cũng giải quyết nhẹ nhàng, các ngành chức năng hướng dẫn cho nhà đầu tư làm lại thủ tục.

 

… Về 500 ha đất làm mía ở Xuân Lâm, tỉnh ghi nhận sẽ cho vùng đó để đầu tư khi có trục trặc về nguyên liệu. Nhưng muốn đầu tư phải lập dự án, và khi có dự án được duyệt mới triển khai đầu tư. Về vấn đề xử lý môi trường phải đảm bảo đạt chuẩn mới được đưa vào sản xuất…”

 

Ngay sau kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, bà Bùi Thị Quy đã cảm ơn vì kết luận nhẹ nhàng, tự nhận Vạn Phát có những việc làm sai sẽ tiếp tục xúc tiến dự án đúng thủ tục và tuyên bố sẵn sàng rút lại các đơn khiếu nại.

 

Sau đó không hiểu vì sao? Thanh tra nhà nước tỉnh có báo cáo số 210 gởi Chủ tịch UBND tỉnh. Văn bản này đã lờ đi phần kết luận “không chấp thuận làm phân xưởng ép mía” mà chỉ nêu: “- Tỉnh sẽ tạo điều kiện để Vạn Phát tiếp tục thực hiện dự án. - Dừng tháo dỡ các hạng mục nhà máy đã xây dựng, tiếp tục cho thực hiện dự án. - Nếu Công ty Vạn Phát có nhu cầu về vùng nguyên liệu mía thì lập dự án để tỉnh xem xét cấp vùng nguyên liệu… Và Vạn Phát thấy việc khiếu nại không cần thiết xin rút lại đơn khiếu nại số 177 ngày 3/10/2006”.

 

061222-Ruou-VP-1.jpg

Nhà ăn tập thể của Công ty rượu Vạn Phát xây dựng trái phép trên đất sản xuất nông nghiệp - Ảnh: ĐỨC THÔNG

 

Thực tế trong văn bản này, đã lờ không nói rõ tên dự án mà UBND tỉnh chấp thuận tiếp tục đầu tư là dự án Nhà máy cồn, ga CO2, rượu, phân vi sinh. Bà Bùi Thị  Quy trong báo cáo số 44 ngày 24/11/2006 gởi lãnh đạo tỉnh tuyên bố không rút đơn khiếu nại vì cho rằng nội dung thông báo số 917 ngày 17/11/2006 của UBND tỉnh trái ngược với kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh. Văn bản này cũng nêu lại kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh giống như báo cáo của Thanh tra Nhà nước, nghĩa là lập lờ dự án, phải chăng để mọi người hiểu lầm tỉnh cho phép xây dựng phân xưởng ép mía làm xyrô? Việc bà Quy cho rằng thông báo 917 trái với kết luận của Chủ tịch tỉnh, có lẽ vì đã nêu rõ ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi. “Tỉnh Phú Yên không có chủ trương cho xây dựng thêm nhà máy đường thứ 4, và cũng chưa có chủ trương cho Vạn Phát đầu tư vùng nguyên liệu…”.

 

Trước đó, Vạn Phát có Tờ trình số 42 ngày 20/11/2006 gởi lãnh đạo tỉnh Phú Yên yêu cầu tỉnh Phú Yên bãi bỏ những cam kết với Công ty TNHH KCP. Vạn Phát tình nguyện thu mua toàn bộ sản lượng mía của che ép trong tỉnh trong niên vụ 2006-2007 để ép lấy xyrô làm cồn, tình nguyện làm nhà máy đường công suất 4.000-6.000 tấn/ngày và cam kết tiêu thụ hết sản lượng mía của tỉnh Phú Yên.

 

Thật là trái khoáy khi yêu cầu tỉnh gây khó khăn để cho một nhà máy đang sản xuất ổn định, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân địa phương ngưng sản xuất, để nhà đầu tư khác xây dựng một nhà máy mới chưa biết hiện đại hay cổ lỗ sỉ! Riêng việc Vạn Phát cam kết mua hết sản lượng mía lại là chuyện không tưởng. Báo Hậu Giang mới đây vừa đăng bài “Khi giao kèo đứt gãy” nêu rõ: “Đến giữa tháng 12/2006 (cuối vụ mía Nam bộ – PV), mà Công ty TNHH mía - đường - cồn Long Mỹ Phát (Cty LMP), chưa thu mua được cây mía nào theo hợp đồng bao tiêu đã ký kết”. Bài báo nêu rõ “Chúng tôi đã trao đổi điện thoại với bà Bùi Thị Quy, giám đốc Cty LMP, bà cho biết đã cử thương lái đánh ghe xuống mua mía của bà con ở huyện Phụng Hiệp. Tuy nhiên trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp không một bóng ghe…”. “Cty LMP không thể thực hiện việc tiêu thụ hàng trăm ngàn tấn mía như đã cam kết với nông dân và đương lúc giá mía có nguy cơ tuột dốc đến còn dưới 220đ/kg…”.

 

Chúng ta đều biết việc đầu tư một dự án, dù ưu đãi thế nào cũng phải tuân thủ qui trình thủ tục đầu tư mà Luật qui định. Đối với ngành mía đường là ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện cần phải tuân thủ nghiêm các qui định của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và tỉnh. Với Phú Yên, mía đường là ngành sản xuất chính, cây mía là cây xóa đói giảm nghèo, do vậy việc chỉ đạo đầu tư cho ngành mía đường càng phải chặt chẽ, khoa học để không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất. Những năm trước đây do thiếu nhà máy, hàng ngàn hộ nông dân điêu đứng vì cây mía không được tiêu thụ. Đến nay các nhà máy đường đi vào ổn định sản xuất, ngày càng thực hiện tốt hơn việc đầu tư cho vùng nguyên liệu, đời sống nhân dân các vùng trồng mía được cải thiện rõ. Cái khó hiện nay của ngành mía đường Phú Yên là các che ép thủ công tranh mua nguyên liệu, năng suất còn thấp, việc rải vụ chưa làm tốt nên các nhà máy chưa phát huy hết công suất… nhưng không phải vì vậy mà xây dựng thêm nhà máy đường, tạo sự cạnh tranh tự do vô tổ chức, không chỉ nhà máy thua lỗ mà người trồng mía lại lao đao, ảnh hưởng xấu đến kinh tế xã hội… Vấn đề chính là tạo ra sự phối hợp chặt chẽ giữa 4 nhà để phát triển ngành mía đường nói riêng và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn Phú Yên nói chung.

 

Hiện nay có cả trăm nhà đầu tư ngoài tỉnh, ngoài nước tham gia đẩy mạnh CNH-HĐH tỉnh Phú Yên. Nhiều nhà đầu tư đang ăn nên làm ra và cũng còn một ít nhà đầu tư gặp khó khăn, nhưng chưa nghe ai nói “Phú Yên không quan tâm đãi ngộ nhà đầu tư”, mà ngược lại. Riêng Vạn Phát, đã không tuân thủ qui trình thủ tục đầu tư, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tự đưa một nhà máy đường cũ kỹ phải thanh lý vào Phú Yên khi chưa được phép của Bộ Nông nghiệp – PTNT và UBND tỉnh. Vạn Phát cũng chưa hề được tỉnh cho phép xây dựng nhà máy đường, nhưng Vạn Phát tự xây dựng phân xưởng ép mía. Để giảm thiệt hại cho Vạn Phát, UBND tỉnh cho dừng việc thực hiện lệnh phá dỡ để Vạn Phát cải biến tận dụng, thế nhưng Vạn Phát lại cho là để tiếp tục dự án và rồi lại cho mình quyền khiếu nại, rút đơn khiếu nại, rồi khiếu nại… theo kiểu “tự tôi tôi làm”...

 

Điều cũng khó hiểu, trong lúc các nhà đầu tư thời nay luôn tranh thủ đổi mới thiết bị công nghệ, để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và xử lý tốt môi trường còn Vạn Phát lại tranh thủ đưa về nơi đầu tư những nhà máy cũ kỹ đến thời kỳ thanh lý. Vậy có gì đảm bảo cho sản xuất đạt hiệu quả cao và bền vững.

 

KHÁNH HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek