Chiều 13/3, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức cuộc họp các ngành chức năng để triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng (tại văn bản 1291/VPCP_V_II ngày 12/3/2007 của Văn phòng Chính phủ) về giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát (RVP). Đồng chí Phạm Ngọc Chi, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Nhà máy Vạn Phát đang xây dựng tại thôn Mặc Hàn (Sơn Hà, Sơn Hòa) - Ảnh: THẾ LẬP
Công ty RVP được UBND tỉnh Phú Yên cho phép đầu tư Dự án sản xuất cồn, gas CO2, rượu, phân vi sinh tổng hợp tại xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên từ nguồn mật rỉ các nhà máy đường, sau đó có bổ sung cho mua gom ở địa phương (sắn lát, đường thủ công, mật rỉ) và các phế phẩm thải ra từ các nhà máy đường đang có. UBND tỉnh Phú Yên không hề cho phép Công ty RVP làm nhà máy đường vì Nghị quyết 09/2000/NQ-CP của Chính phủ “Về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” và Qui hoạch phát triển mía đường của tỉnh Phú Yên đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều không cho phép xây dựng thêm nhà máy đường mới ngoài 2 nhà máy đường hiện có là Nhà máy đường KCP và Nhà máy đường Tuy Hòa. Thế nhưng, khi triển khai dự án nhà máy cồn, gas CO2, rượu, phân vi sinh, Công ty RVP lại tự ý xây dựng phân xưởng sản xuất đường, đã mua thanh lý nhà máy đường Việt Trì và chuyển lậu về Phú Yên lắp ráp không được sự đồng ý cho phép của Bộ Nông nghiệp và UBND tỉnh; đồng thời tự ý chuyển nhượng 9ha đất ở cạnh 5ha đất mà UBND tỉnh đã cho Công ty thuê để thực hiện dự án. Trước những sai phạm của Công ty RVP, UBND huyện Sơn Hòa đã ra quyết định xử phạt hành chính về lĩnh vực đất đai, UBND tỉnh Phú Yên đã ra nhiều văn bản nhắc nhở, yêu cầu Công ty RVP dừng việc lắp đặt các thiết bị sản xuất đường nhưng Công ty không chấp hành. Ngày 22/6/2006, UBND tỉnh quyết định thành lập đoàn thanh tra, thanh tra việc thực hiện dự án cồn, gas CO2, rượu, phân vi sinh tổng hợp của Công ty RVP. Ngày 25/9/2006, UBND tỉnh ra Quyết định 1491/QĐ-UBND về xử lý kiến nghị sau thanh tra, quyết định “Công ty RVP phải dừng ngay việc lắp đặt các thiết bị sản xuất đường và tự tháo dỡ toàn bộ dây chuyền liên quan đến sản xuất và chế biến mía đường”.
Thế nhưng Công ty RVP không chấp hành, tranh thủ một số báo chí đưa tin sai lệch, gây trở ngại điều hành của UBND tỉnh và gây ảnh hưởng xấu môi trường đầu tư ở Phú Yên, đồng thời gởi đơn khiếu nại đến Chính phủ.
Đoàn kiểm tra của Chính phủ về kiểm tra thực tế, đã kết luận “Trong quá trình đầu tư ở Phú Yên, Công ty RVP do chưa nắm chắc luật pháp và nóng vội đã có những vi phạm về trật tự và trình tự đầu tư, cố tình xây dựng dây chuyền sản xuất đường khi chưa được phép”. Về phần tỉnh Phú Yên “Hệ thống văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh đối với các dự án đầu tư của Công ty RVP trong đó có việc không cho phép xây dựng nhà máy đường là nhất quán và đúng pháp luật”. Nhưng để không gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Đoàn yêu cầu UBND tỉnh tạm dừng việc cưỡng chế tháo dỡ dây chuyền sản xuất đường, để Công ty RVP yên tâm tập trung hoàn thành dự án cồn và không được tiếp tục đầu tư thiết bị sản xuất đường.
Công ty RVP cũng không chấp hành, vừa gởi kiến nghị và khiếu nại lên Chính phủ, vừa tiếp tục đầu tư hoàn thành phân xưởng sản xuất đường. Ngày 13/3/2007, theo báo cáo của UBND huyện Sơn Hòa, Công ty RVP đã tổ chức đưa về nhà máy 11 xe mía (mỗi xe tải trọng từ 12-15 tấn mía) và dự kiến đưa phân xưởng vào hoạt động vào ngày 14/3/2007.
Theo Công văn 1291 ngày 12/3/2007 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ đạo “Đồng ý với kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại văn bản số 89/BNN – CB ngày 10/01/2007 và báo cáo bổ sung số 526/BNN-CP ngày 28/2/2007; Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên xử lý cụ thể, đúng quy hoạch về phát triển mía đường đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo điều kiện cho Công ty TNHH Rượu Vạn Phát đưa nhà máy đã xây dựng xong đi vào hoạt động đúng pháp luật, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.
Kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại 2 báo cáo số 89 và 526 trình Thủ tướng Chính phủ cũng đều nêu rõ:
- Thực hiện đúng qui hoạch phát triển tổng thể của ngành mía đường, không nên xây dựng thêm nhà máy đường mới ở tỉnh Phú Yên.
- Về kiến nghị mới phát sinh của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát đã đầu tư trồng mía tại thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa (tỉnh Phú Yên chưa quy hoạch và quyết định cho Công ty đầu tư) và tại xã Xuân Lâm, huyện Sông Cầu, đề nghị UBND tỉnh Phú Yên kiểm tra thực tế và có giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu này.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở sản xuất đường trên địa bàn mua mía theo quy hoạch đã được phê duyệt và đầu tư, không để tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu và tiêu thụ hết mía cho nông dân.
Do vậy, với tinh thần thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, trước mắt, UBND tỉnh thống nhất đề nghị của các ngành, giao trách nhiệm cho Sở Xây dựng tổ chức kiểm tra, đình chỉ việc sản xuất đường của Công ty RVP.
P.V