Chủ Nhật, 29/09/2024 22:38 CH
Công ty TNHH Rượu Vạn Phát tự chuốc lấy khó khăn
Thứ Hai, 25/12/2006 08:11 SA

Công ty TNHH Rượu Vạn Phát đang tự chuốc lấy khó khăn trăm bề khi ngang nhiên xé rào, bất chấp các quy định và sự quản lý về kinh tế của Nhà nước. Đây cũng là bài học cho những doanh nghiệp chỉ muốn thu lợi cho riêng mình mà xem thường các quy định của địa phương.

Công ty TNHH Rượu Vạn Phát không được tiếp tục đầu tư thiết bị ép mía và không được ép mía để làm nguyên liệu

 

Đó là một trong những nội dung của kết luận bước đầu của Đoàn công tác Chính phủ trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên và các doanh nghiệp: Công ty TNHH Rượu Vạn Phát (Công ty Vạn Phát), Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam (Công ty KCP) vào chiều ngày 22/12/2006, nhằm giải quyết khiếu nại và kiến nghị của Công ty Vạn Phát theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng.

 

Đoàn công tác Chính phủ do ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến nông lâm sản và nghề muối – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn; các thành viên gồm các ông Phạm Quốc Doanh, Vụ phó Vụ Nông nghiệp – Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Bá Dương, Phó trưởng phòng Chế biến bảo quản nông lâm sản thuộc Cục chế biến nông lâm sản và nghề muối. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên gồm Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Trần Thị Hà, Giám đốc các Sở Kế hoạch đầu tư, Nông nghiệp và PTNT, Công nghiệp, Xây dựng, Tài nguyên môi trường, Tổng Biên tập Báo Phú Yên, Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND huyện Sơn Hoà. Phía doanh nghiệp có bà Bùi Thị Quy, Giám đốc Công ty Vạn Phát; ông KVSR.SUBAIAH, Tổng Giám đốc Công ty KCP.

 

061225-xuly1.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi phát biểu tại buổi họp xử lý kiến nghị của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát

 

Thể hiện sự chấp hành ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ là góp phần cùng lãnh đạo tỉnh Phú Yên giải quyết khiếu nại và kiến nghị của Công ty Vạn Phát “có lý, có tình, đúng pháp luật”; sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo tỉnh Phú Yên, các ngành chức năng và huyện Sơn Hoà, nghe ý kiến của Công ty Vạn Phát, Công ty KCP và các thành viên trong Đoàn, Trưởng đoàn Đoàn Xyân Hoà đã bước đầu kết luận:

 

- Đoàn Công tác đã xem kỹ hệ thống văn bản của UBND tỉnh Phú Yên từ khi thoả thuận cho Công ty Vạn Phát đầu tư đến nay là nhất quán và đúng pháp luật. Tỉnh Phú Yên và nhà đầu tư phải chấp hành Chương trình mía đường Chính phủ. Chính phủ đã không cho phép xây dựng nhà máy mới mà chỉ cho phép nâng cao công suất các nhà máy đã có lên trên 3000 tấn mía/ngày để đảm bảo cạnh tranh. Việc ổn định vùng nguyên liệu tập trung để phát huy hiệu quả cho các nhà máy là yêu cầu số một không được vi phạm. Đoàn thống nhất với ý kiến của tỉnh Phú Yên về việc không cho xây dựng nhà máy mới.      

 

- Do nhiều nguyên nhân trong đó do chưa nắm chắc luật pháp và nóng vội nên Công ty Vạn Phát đã phá rào trong đầu tư và có những vi phạm về trình tự đầu tư. Tuy nhiên để Công ty Vạn Phát yên tâm thực hiện việc sản xuất sản phẩm chính là cồn từ mật rỉ, trước mắt đề nghị tỉnh Phú Yên tạm dừng việc tháo dỡ dây chuyền thiết bị sản xuất mía đường, nhưng Công ty Vạn Phát không được tiếp tục đầu tư thiết bị sản xuất mía đường đồng thời không được phép ép mía để lấy xi rô vì không có lãi và gây xáo trộn vùng nguyên liệu. Sau khi Công ty Vạn Phát sản xuất cồn ổn định, đảm bảo môi trường, xét thấy việc sản xuất cồn từ cây mía có hiệu quả và có đề xuất, tỉnh nên xem xét qui hoạch cho Công ty một vùng nguyên liệu ngoài vùng nguyên liệu của các nhà máy hiện nay. Công ty Vạn Phát chỉ thực hiện khi dự án đầu tư vùng nguyên liệu được duyệt và phải xây dựng phân xưởng ép mía trong vùng nguyên liệu được cấp.

 

Đoàn công tác Chính phủ cũng khẳng định quyết định cho phép đầu tư trên địa bàn tỉnh là thẩm quyền của UBND tỉnh, những việc cố tình làm sai phải xem xét xử lý theo pháp luật.                  

 

K.H

 

VẠN PHÁT TỰ CHUỐC LẤY KHÓ KHĂN

 

Theo bà Bùi Thị Quy, Giám đốc Công ty TNHH rượu Vạn Phát (Công ty Vạn Phát), Công ty đã đầu tư cho cơ sở sản xuất tại thôn Mặc Hàn, xã Sơn Hà huyện Sơn Hoà tỉnh Phú Yên hơn 80 tỷ đồng. Có lẽ không cao như thế, nhưng dù gì thì số tiền hàng chục tỷ cũng là quá lớn, mà điều đáng nói là nhiều hạng mục công trình sẽ không được sản xuất, nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn lớn vì sự đầu tư thiếu hiệu quả do xé rào này.

 

Chính vì vậy trong buổi chiều ngày 22/12/2006, trong cuộc làm việc với Đoàn công tác Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Phú Yên, nhằm giải quyết những khiếu nại của Công ty Vạn Phát, bà Quy đã nhiều lần khóc to thảm thiết, kêu nài, bày tỏ sự oán giận, không cam chịu… và cuối cùng người nhà phải dìu bà ra khỏi phòng họp sau khi đã ký biên bản họp.

 

Ai đã gây khó khăn bế tắc cho bà chủ Vạn Phát? Hai cuộc họp để giải quyết khiếu nại của bà Quy đều phải kéo dài quá mức. Trong cả hai cuộc họp này, người viết đều có một trạng thái giống nhau: đầu tiên là cảm phục một nữ doanh nhân dám chấp nhận khó khăn đầu tư lớn vào một lĩnh vực nhạy cảm và nhiều rủi ro là chế biến nông sản; thế nhưng sự cảm phục ấy cũng vơi dần khi nghe những lời phát biểu ngang tàng theo kiểu “múa gậy vườn hoang” của bà, đại loại: “Việt Nam vào WTO rồi, đã có luật đầu tư, luật cạnh tranh rồi, tôi cứ làm theo luật, tôi có quyền làm bất cứ cái gì Nhà nước không cấm…” hoặc “Ở Phú Yên này, người nước ngoài làm được, tôi làm được, tôi là nữ phải được ưu tiên…”, “Vì sao nhà máy nước ngoài được nâng công suất, tôi có nhà máy lại không cho sản xuất?”…

 

Bà Quy không nắm chắc pháp luật hay cố tình lách luật? Chắc là khó khẳng định. Ngày 14/4/2005 UBND tỉnh có quyết định 552/QĐ-UBND, chấp thuận cho “Công ty Vạn Phát được đầu tư xây dựng nhà máy Rượu cồn phân vi sinh tổng hợp tại thôn Mặc Hàn xã Sơn Hà, huyện Sơn Hoà, trong quyết định nêu rõ mục tiêu đầu tư: “Xây dựng nhà xưởng sản xuất để giải quyết các phế phẩm thải ra từ các nhà máy đường, giúp giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt sử dụng chất thải làm phân bón sinh học, làm nước tưới cho mía, nước giải nhiệt...”. Hình thức đầu tư là xây dựng mới. Nhưng ngày 20/4/2005 (chỉ sau 6 ngày) Công ty Vạn Phát trúng thầu mua dây chuyền thiết bị nhà máy đường Việt Trì với số tiền hơn 5,7 tỷ đồng và mang về Phú Yên lắp đặt mà không được phép của Bộ Nông nghiệp hay của tỉnh. Nhà máy này thuộc diện thanh lý, đã bị loại ra khỏi danh sách các nhà máy trong Chương trình mía đường Chính phủ.

 

Các văn bản của UBND tỉnh Phú Yên có liên quan đến Công ty Vạn Phát từ trước đến nay đều không cho phép Công ty sản xuất mía đường, nhưng bà Quy cho rằng từ nội dung Thông báo 867 ngày 26/10/2004 của UBND tỉnh nên bà yên tâm mua nhà máy Việt Trì và đã bỏ ra 3 tỷ đồng để đầu tư vùng nguyên liệu mía tại Sơn Nguyên, Sơn Hoà (vùng nguyên liệu đã qui hoạch cho Công ty KCP) và Xuân Lâm, Sông Cầu (vùng này chỉ mới dự kiến cấp cho Công ty Vạn Phát và Công ty chưa xây dựng dự án vùng nguyên liệu để trình duyệt). Trong khi đó Thông báo 867/TB-UB về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp bàn về dự án cồn, ga C02, phân vi sinh tổng hợp, ván ép của Công ty Vạn Phát nêu rất rõ “Trước mắt không đặt vấn đề sản xuất đường kết tinh vì không thể qui hoạch vùng nguyên liệu cho nhà máy được”.

 

…“Trường hợp Nhà máy đường KCP mở rộng sản xuất thêm cồn, ảnh hưởng đến nguyên liệu sản xuất cồn của đơn vị, UBND tỉnh sẽ xem xét qui hoạch phân bổ lại vùng nguyên liệu sau để đơn vị có thể mở rộng sản xuất đường kết tinh. Ngoài dự án cồn của Nhà máy đường KCP (nếu có), UBND tỉnh cam kết sẽ không chấp thuận chủ trương đầu tư thêm bất cứ nhà máy cồn nào khác trên địa bàn tỉnh Phú Yên để chủ đầu tư yên tâm thực hiện dự án”. Đến nay, Nhà máy KCP cũng chưa có dự án sản xuất cồn và Phú Yên cũng đã từ chối các nhà doanh nghiệp muốn đầu tư sản xuất cồn ở Phú Yên!

 

Trong tiến trình đầu tư tại thôn Mặc Hàn, Công ty Vạn Phát cũng chủ yếu xây dựng các hạng mục công trình phục vụ chế biến mía đường. 10 hạng mục được chấp thuận của dự án chỉ mới xây dựng 4 hạng mục, có 2 hạng mục xây dựng trên đất chuyển nhượng trái phép. 13 hạng mục không có trong dự án được xây dựng  nhanh trên đất được cấp. Theo Giám đốc Sở Công nghiệp Phú Yên khi bảo vệ dự án, Công ty Vạn Phát yêu cầu bố trí mặt bằng dọc quốc lộ 25 để thuận lợi cho thu mua mật rỉ từ các nhà máy ở Gia Lai và các tỉnh. Thế nhưng khi Công ty KCP có công văn mời bàn bạc về mua bán mật rỉ, Công ty Vạn Phát trả lời “không dùng mật rỉ vì khó xử lý môi trường, hơn nữa mật rỉ có quá nhiều hoá chất gây mùi hôi thối bị dân phản đối, do vậy chúng tôi chỉ dùng xi rô và nguyên liệu có tính bột như khoai mì, ngô, gạo tấm v.v… làm nguyên liệu sản xuất...”.

 

Việc triển khai dự án, công văn từ chối mua mật rỉ, việc đầu tư vùng nguyên liệu mía cộng với việc mua lại nhà máy đường Việt Trì… cho thấy từ lâu Công ty Vạn Phát chưa có ý định làm nhà máy cồn như dự án, mà tập trung cho làm nhà máy ép mía ngay trên vùng nguyên liệu của Công ty KCP là hoàn toàn sai với những qui định của Chính phủ và không chấp hành sự quản lý của tỉnh, sự cảnh báo và ngăn chặn của huyện Sơn Hoà và ngành chức năng của Phú Yên. Bà chủ Vạn Phát với phương châm “Việc tôi tôi làm” bất chấp tất cả. Do vậy với nguồn vốn rất lớn mà theo bà “ngủ một đêm thức dậy phải trả nợ ngân hàng 50-60 triệu đồng”, lại đầu tư vào lĩnh vực không thể sản xuất được. Còn lĩnh vực sản xuất chính được cho phép đầu tư đến nay hơn 2 năm chỉ có 4/10 hạng mục được làm và giờ đây nếu làm cũng phải đầu tư lớn và giải quyết nhiều khó khăn về nhiên liệu và xử lý về môi trường. Ông Đoàn Xuân Hoà, Trưởng đoàn công tác Chính phủ, Phó Cục trưởng cục chế biến nông lâm sản và nghề muối, người nhiều năm lăn lộn trong lĩnh vực chế biến nông sản và Chương trình mía đường của Chính phủ cũng đã nói. Trước mắt không dùng mía để làm xi rô sản xuất cồn vì không thể có lãi mà gây xáo trộn vùng nguyên liệu. Hiệu suất của lò hơi dùng bã mía cũng không tốt mà phải dùng than cám; và phải dùng nguyên liệu là mật rỉ mới có hiệu quả với điều kiện là xử lý tốt môi trường.

 

Rõ ràng bà Quy đang đứng trước khó khăn trăm mối từ những quyết định xé rào và nóng vội của mình, nếu trở lại dự án được duyệt cũng có nghĩa là trở lại từ đầu. Do vậy, bà Quy cũng không thể trách tỉnh Phú Yên, huyện Sơn Hoà, một ngành nào đó, hay một đồng chí nào? Bởi lẽ, ngay từ đầu bà chỉ muốn làm mía đường, bà đã không chấp hành hay cộng tác với địa phương. Có chăng bà trách một số nhà báo và cơ quan báo chí vì thiếu am hiểu hoặc không chịu am hiểu pháp luật và chương trình mía đường quốc gia đã vội rã tôn vinh cách làm xé rào của bà, chỉ trích một cách cay nghiệt tỉnh Phú Yên dù đã làm đúng. Sự cam kết ổn định vùng nguyên liệu cho nhà máy KCP của tỉnh Phú Yên được Chính phủ và các bộ ngành Trung ương chấp thuận,ủng hộ, họ gọi là “bán mình” rất phù hợp với yêu cầu của bà chủ Vạn Phát “Phú Yên huỷ bỏ cam kết, để KCP khó khăn, Công ty Vạn Phát tình nguyện bao tiêu hết sản lượng mía và đầu tư nhà máy đường 4.000 – 6.000 tấn mía/ngày”. Một số nhà báo phê phán nhà máy đường KCP ép giá mía đối với dân, kêu gọi để cho Vạn Phát được mua mía, để cho che ép mía tự do hoạt động, nhằm tạo sự cạnh tranh tự do có lợi cho nông dân, đã quên rằng, Nhà máy KCP đã bị Bộ Nông nghiệp – PTNT phê bình vì mua mía với giá cao nhất so với các nhà máy trong nước và quên rằng lực lượng che ép không thể tiêu thụ hết mía của Sơn Hoà, nông dân ở đây đã từng khóc trên ruộng mía, lãnh đạo huyện Sơn Hoà đã khóc với dân vì mía làm ra không ai tiêu thụ. Vả lại, đất nước ta đang vận dụng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước phải có biện pháp quản lý kềm giá những mặt hàng nhạy cảm, không cho phép kiểu cạnh tranh tự do vô tổ chức gây hỗn loạn thị trường và sản xuất. Phú Yên cũng đang đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn, che ép còn tồn tại trong một thời gian nữa vì còn nhiều vùng mía nhà máy chưa vươn tới, nhưng những người làm che ép thủ công sẽ phải chuyển nghề, vì nghề này không mang lại hiệu quả cao cho xã hội khi chỉ thu hồi 50-55% sản phẩm đường từ cây mía và không tạo được sản phẩm chất lượng cao để cạnh tranh như các nhà máy hiện đại. Theo chương trình mía đường của Chính phủ, bản thân các nhà máy cũng phải ép được trên 3.000 tấn mía/ngày mới có hiệu quả cạnh tranh. Do vậy, khuyến khích Công ty Vạn Phát và các che ép tranh giành nguyên liệu mía với các nhà máy đồng nghĩa với việc cố tình làm cho các nhà máy đang ổn định phải suy sụp vì thua lỗ, dẫn đến nông dân làm mía Phú Yên lại phải khóc trên ruộng mía của mình. Mặt khác, với ngành mía đường hiện nay, giá mía cao không đáng mừng bởi người tiêu thụ đường chỉ muốn giá đường thấp. Do vậy chỉ có sự hợp tác giữa nhà máy, nông dân, nhà khoa học trong sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương để tạo ra những vùng nguyên liệu tập trung, thâm canh đạt năng suất cao, để nhà máy đường nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm thì mới đủ sức cạnh tranh trong thời hội nhập và tạo được sự phát triển bền vững.

 

Các đồng chí trong Đoàn công tác Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Phú Yên cũng rất thông cảm với khó khăn rất lớn của Công ty Vạn Phát, người viết cũng vậy. Nhưng Phú Yên chỉ có thể cố gắng tạo những thuận lợi để Vạn Phát thực hiện dự án ban đầu của mình và như kết luận của Đoàn công tác Chính phủ. Chỉ có Vạn Phát mới tự cứu mình bằng sự dũng cảm, đam mê nghề nghiệp và sự nỗ lực vượt bậc đúng pháp luật. Chương trình mía đường Phú Yên đang phát triển đúng định hướng và nhiều triển vọng lại là chương trình kinh tế nhạy cảm gắn bó với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội miền núi của tỉnh nên càng không thể đi chệch hướng.

 

KHÁNH HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek