Chủ Nhật, 29/09/2024 22:27 CH
Vạn Phát đã từng gây ô nhiễm môi trường ở Bình Định như thế nào?
Thứ Sáu, 13/07/2007 07:00 SA

Sau khi Báo Phú Yên đăng bài “CÔNG TY TNHH RƯỢU VẠN PHÁT GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG: NGƯỜI KHÓ THỞ, CÂY CHẾT, CÁ CHẾT”, Tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc cung cấp thông tin Vạn Phát từng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến người dân Bình Định hết sức oán hận. Khi tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi thấy cần phải thông tin lại cho bạn đọc về những gì Vạn Phát đã gây ra. Đồng thời, qua đây cũng cảnh báo rằng, việc xây dựng Nhà máy của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát tại thôn Mặc Hàn, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, kề bên sông Ba là vô cùng nguy hiểm, bởi nhà đầu tư có một quá khứ gây ô nhiễm rất... đáng sợ(!)

 

070713-Binh-Dinh.jpg

Người dân kéo đến phản đối nhà máy cồn rượu Bình Định gây ô nhiễm môi trường, làm ách tắc trên quốc lộ 19 - Ảnh: NGỌC DIÊN

 

ĐÃ GÂY Ô NHIỄM, LẠI CÒN CHÉM NGƯỜI BẰNG MÃ TẤU

 

Năm 2002, cơ sở sản xuất cồn của Chi nhánh Doanh nghiệp tư nhân Dệt may- Thương mại Vạn Phát (gọi tắt là DNTN Vạn Phát) do bà Bùi Thị Quy làm giám đốc, tại Khu Công nghiệp Phú Tài, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn vừa đi vào sản xuất đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhân dân ở khu Bầu Lác, phường Trần Quang Diệu, xung quanh DNTN Vạn Phát đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền, nhưng vụ việc không được giải quyết dứt điểm.

 

Ngày 20/10/2002, vì quá bức xúc, nên có khoảng 100 người dân mang theo túi nilon đựng nước thải gây ô nhiễm môi trường của cơ sở sản xuất cồn ném vào phòng bảo vệ của DNTN Vạn Phát, một số người quá khích ném đá vỡ kính phòng bảo vệ, một số khác la hét và xô đẩy cổng chính.

 

Bà Bùi Thị Quy – Giám đốc DNTN Vạn Phát, “tác giả” chính của các cơ sở sản xuất cồn gây ô nhiễm, là người quê ở Bình Định. Khi DNTN Vạn Phát đầu tư ở Bình Định được chính quyền tạo nhiều điều kiện thuận lợi, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh rất quan tâm. Song với kiểu “trả nghĩa” cho quê hương hết sức kỳ quặc bằng cách chém người, đi đến đâu gây ô nhiễm đến đấy, DNTN Vạn Phát gây quá nhiều oán giận cho cán bộ và nhân dân Bình Định.

Trước sự việc trên, thay vì tìm cách đối thoại với người dân, Nguyễn Thanh Trung lúc đó là Phó giám đốc DNTN Vạn Phát và Nguyễn Văn Hiếu đều là con trai của bà Bùi Thị Quy- Giám đốc DN, đã sử dụng mã tấu tự tạo chạy ra cổng chính chém hai ông Nguyễn Văn Thao và Mai Văn Trung, bất chấp sự can ngăn công nhân, rồi chạy vào bên trong lẩn trốn.

 

Trước hành động chém người kiểu côn đồ xã hội đen như vậy, quá tức tối, những người dân đã xô ngã cổng chính, cửa sắt của phòng trưng bày sản phẩm vào trong trụ sở DN và cơ sở sản xuất để đuổi bắt Trung và Hiếu, đồng thời đập phá tài sản của DN, cũng có trường hợp lợi dụng lấy tài sản của DN.

 

Chính quyền tỉnh Bình Định phải huy động lực lượng chức năng đến giải quyết mới đưa được nhân dân ra khỏi khu vực của DNTN Vạn Phát.

 

Ngày 10/6/2004, Tòa án Nhân dân TP Quy Nhơn đã mở phiên tòa công khai xét xử vụ án gây rối trật tự tại DNTN Vạn Phát. Kết quả, tòa tuyên phạt Nguyễn Thanh Trung 12 tháng tù giam vì hành vi cố ý gây thương tích và 5 bị can gây rối với mức án từ 3 đến 9 tháng tù.

 

Chuyện đã xảy ra cách đây gần 5 năm, nhưng nhắc lại chuyện này, nhiều người dân ở phường Trần Quang Diệu vẫn còn chưa nguôi căm tức cái cách hành xử  chém người của DNTN Vạn Phát.

 

HẬU QUẢ DAI DẲNG, NGƯỜI DÂN PHẢI GÁNH CHỊU

 

Trước tình trạng gây ô nhiễm của DNTN Vạn Phát, sau nhiều lần tạm đình chỉ để khắc phục nhưng không có hiệu quả, từ giữa năm 2003, UBND tỉnh Bình Định quyết định đình chỉ sản xuất vĩnh viễn đối với DNTN Vạn Phát ở Khu Công nghiệp Phú Tài, buộc doanh nghiệp di dời cơ sở sản xuất đến địa điểm khác.

 

Những tưởng như thế người dân ở đây dễ thở trở lại, nhưng không ngờ rằng, cho dù cơ sở sản xuất của DNTN Vạn Phát không còn hoạt động, nhưng DN này không có cách nào xử lý lượng nước thải trước đó, ngoài cách cho xe bồn chở nước thải lén lút đổ ra bên ngoài. Vậy là người dân ở khu vực này tiếp tục phải “sống chung” với mùi hôi thối.

 

Ngày 15/6/2004, gần 100 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã đi bộ hơn 10 km từ khu vực 4, phường Trần Quang Diệu về UBND TP Qui Nhơn để phản ứng ô nhiễm môi trường kéo dài do nước thải nhà máy của DNTN Vạn Phát. Ông Trịnh Hồng Anh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tiếp bà con và hứa sẽ chỉ đạo khắc phục, bà con mới chịu ra về.

 

Cuối tháng 10/2004, đến lượt nhân dân ở khu vực 8, phường Bùi Thị Xuân “kêu trời”. Chất thải của cơ sở sản xuất DNTN Vạn Phát gây ô nhiễm trầm trọng đến mức cua cá ở Suối Dứa khu vực này chết trắng mặt nước. Suối Lở và Bàu Lát gần đó cũng bị ô nhiễm nặng.

 

070713-bd4.jpg

Người dân kéo đến phản đối Nhà máy cồn rượu Bình Định gây ô nhiễm môi trường - Ảnh: NGỌC DIÊN

 

Bình quân mỗi ngày, theo phản ánh của người dân địa phương, có 3-4 xe bồn chở chất thải nhà máy của DNTN Vạn Phát chạy đi chạy lại để tìm nơi “thuận tiện” để đổ lén.

 

Từ ngày 6-8/11/2004, nhiều người dân ở khu vực 4 phường Trần Quang Diệu, vì không thể chịu đựng được tình trạng ô nhiễm, đã dựng lều trại, tập trung trước cổng DNTN Vạn Phát, để phản đối.

 

Chiều ngày 8/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà phải đích thân đến đây, để gặp đại diện nhân dân. Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà đã nhận thiếu sót trong việc chỉ đạo và giám sát việc tháo dỡ di chuyển thiết bị sản xuất cồn và CO2 của DN Vạn Phát. Đồng thời yêu cầu DNTN Vạn Phát phải cam kết chấp hành đúng quyết định của UBND tỉnh về tháo dỡ di chuyển thiết bị sản xuất, trong vòng 1 tháng (kể từ 8/11), theo đúng lời hứa của Chủ tịch với dân.

 

Tưởng mọi việc sẽ êm xuôi, khi DNTN Vạn Phát đã chịu thực hiện tháo dỡ và di chuyển thiết bị sản xuất lên huyện Tây Sơn, thế nhưng, do nước thải vẫn còn trong các bể chứa của DNTN Vạn Phát lại tiếp tục chảy tràn ra khu vực dân cư, mỗi khi trời mưa. Không chịu nổi, người dân tiếp tục “phản ứng”. Ngày 11/12/2004, nhiều người dân phường Trần Quang Diệu lại kéo đến trước DNTN Vạn Phát đập phá và đốt lửa để phản đối.

 

Sáng 12/12/2004, Chủ tịch Vũ Hoàng Hà lại phải đích thân đến phường Trần Quang Diệu để nghe nhân dân “trút giận”. Chỉ đến khi, Chủ tịch khẳng định, trong thời gian sớm nhất, tỉnh sẽ hợp đồng với Viện nghiên cứu Khoa học Công nghệ môi trường (ở Hà Nội) để xử lý triệt để nước thải ô nhiễm còn tồn đọng, thì bà con mới yên tâm.

 

ĐI ĐẾN ĐÂU GÂY Ô NHIỄM ĐẾN ĐÓ

 

Mặc dù, bị quá nhiều phiền hà do DNTN Vạn Phát gây ra, song UBND tỉnh Bình Định, vẫn cố gắng tạo điều kiện cho DN này làm ăn tại Bình Định, bằng cách cho di chuyển cơ sở sản xuất đến nơi mới và chỉ đạo Công ty Cổ phần Đường Bình Định liên doanh với Vạn Phát.

 

Tháng 11/2003, Công ty TNHH Rượu Bình Định được thành lập với sự liên doanh nói trên. Đầu năm 2004, Nhà máy cồn rượu Bình Định thuộc Công ty TNHH cồn rượu Bình Định được xây dựng tại địa bàn xã Tây Giang, huyện Tây Sơn với tổng vốn đầu tư trên 50 tỉ đồng, trong đó mỗi đơn vị đóng góp 50% số vốn.

 

Ngày 17/2/2005, sau khi kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà đã đồng ý cho phép Nhà máy cồn rượu Bình Định được sản xuất thử, nhưng với điều kiện không được đưa nước thải ra môi trường và việc xử lý nước thải phải đạt cấp độ A, tiêu chuẩn TCVN 5945-1995. Nếu quá trình sản xuất thử đạt yêu cầu đề ra thì UBND tỉnh mới cho phép chính thức đi vào hoạt động.

 

Thế nhưng, trong quá trình xây dựng và vận hành thử máy, đã xuất hiện ô nhiễm về khí thải. Vào ngày 16/11/2005, hàng trăm người dân ở các xã lân cận như: Tây Giang, Bình Thành, Bình Tường đã tập trung đến cổng Nhà máy Cồn phản ứng việc gây ô nhiễm này.

 

Cuối tháng 3/2006, thời điểm Nhà máy cồn chuẩn bị sản xuất thử nghiệm, người dân vùng lân cận lại tập trung phản ứng, vì lúc này mùi hôi thối của chất thải cũ vẫn ảnh hưởng đáng kể đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

 

Đến khi nhà máy sản xuất thử nghiệm (ngày 1/4 đến 1/7/2006), thì người dân ở đây không còn chịu nổi.

 

Ông Mạc Văn Hoàng, 50 tuổi, ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường bức xúc: “Ngay lần đầu nhà máy hoạt động thử, đã để lại mùi hôi nhức óc. Chúng tôi đã phản đối, nhà máy hứa khắc phục ngay nhưng vài tháng sau vẫn không hết mùi. Bữa ăn, giấc ngủ của bà con ở đây không thể nào yên với mùi hôi thối như thế”.

 

Ông Nguyễn Hữu Thành, ở xóm Bình Đồn, thôn Phú Lạc, xã Bình Thành phản ảnh: “Gần đây trâu bò ở khu vực này có hiện tượng sẩy thai, lúa ở đồng Đất Sét gần nhà máy phát triển không bình thường do ô nhiễm nguồn nước. Khổ sở nhất là chúng tôi sau mỗi ngày lao động mệt nhọc, không được nghỉ ngơi, hít thở khí trời trong lành”.

 

Đến ngày 3/7/2006, không còn chịu đựng nổi, hàng trăm người dân của 3 xã Bình Tường, Bình Thành và Tây Giang (Tây Sơn) đã kéo thành đoàn, tập trung trước Công ty TNHH rượu Bình Định để phản đối, đồng thời yêu cầu di dời nhà máy đi nơi khác. Sự tập trung của hàng trăm người đã gây nên cảnh ách tắc giao thông nhiều giờ trên QL19. Hàng trăm chiếc xe khách, xe tải đang lưu thông đã bị mắc kẹt kéo dài hơn 5 km.

 

Trước sự việc trên các đồng chí Nguyễn Xuân Dương, Bí thư Tỉnh ủy; Vũ Hoàng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh đã cùng lãnh đạo huyện Tây Sơn, lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động đã trực tiếp đến hiện trường để giải quyết, xử lý vụ việc.

 

Tại buổi làm việc với nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà phải quyết định đình chỉ hoạt động của công ty ngay từ ngày 3/7/2006 cho đến khi nào việc xử lý nước thải đảm bảo và phải được sự cho phép của người dân, thì nhà máy mới được hoạt động. Với ý kiến này của Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà, thì người dân địa phương mới chịu ra về.

 

Sau sự cố trên, vì không đảm bảo môi trường, Nhà máy cồn rượu phải đóng cửa luôn cho đến nay.

 

Bà Bùi Thị Quy – Giám đốc DNTN Vạn Phát “tác giả” chính của các cơ sở sản xuất cồn gây ô nhiễm, là người quê ở Bình Định. Khi DNTN Vạn Phát đầu tư ở Bình Định được chính quyền tạo nhiều điều kiện thuận lợi, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh rất quan tâm. Song với kiểu “trả nghĩa” cho quê hương hết sức kỳ quặc bằng cách chém người, đi đến đâu gây ô nhiễm đến đấy, DNTN Vạn Phát gây quá nhiều oán giận cho cán bộ và nhân dân Bình Định, nên không thể làm ăn được ở đây.

 

Vậy là Vạn Phát tìm đường vào Phú Yên. Lại cũng được chính quyền quan tâm tạo điều kiện. Và, lại tiếp tục gây ô nhiễm môi trường.

 

TỔ PHÓNG VIÊN ĐIỀU TRA và

CỘNG TÁC VIÊN TẠI BÌNH ĐỊNH

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek