Chủ Nhật, 29/09/2024 22:32 CH
Ý kiến của UBND tỉnh Phú Yên về dự án nhà máy cồn, gas co2, phân vi sinh tổng hợp Vạn Phát (Sơn Hòa)
Thứ Sáu, 07/07/2006 08:00 SA

LTS: Thời gian qua, một vài cơ quan báo chí có những thông tin khác nhau về quan điểm thu hút đầu tư của tỉnh Phú Yên liên quan đến dự án Nhà máy cồn, gas CO2, rượu, phân vi sinh tổng hợp của Công ty TNHH rượu Vạn Phát tại huyện Sơn Hòa. Ngày 30-6-2006 UBND tỉnh Phú Yên có công văn số 1039/UBND thông tin cụ thể vấn đề này. Báo Phú Yên xin giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Dự án Nhà máy cồn, gas CO2, rượu, phân vi sinh tổng hợp của Công ty TNHH rượu Vạn Phát (RVP) đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt chấp thuận đầu tư (tại Quyết định số 552/QĐ-UB ngày 14-4-2005). Trong đó, nguyên liệu sản xuất được sử dụng là mật rỉ đường từ các nhà máy đường hiện có trong tỉnh và các tỉnh lân cận như: Bình Định, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum… Tại tỉnh Phú Yên, nguồn mật rỉ đường chủ lực được cung cấp từ Nhà máy đường của Công ty TNHH Công nghiệp KCP tại Sơn Hòa (KCP), theo hợp đồng nguyên tắc đã được ký kết giữa KCP và RVP. Hợp đồng nguyên tắc này là một trong những yếu tố quan trọng để tỉnh Phú Yên chấp thuận cho RVP đầu tư Nhà máy cồn, gas CO2, rượu, phân vi sinh tổng hợp tại huyện Sơn Hòa (gần nhà máy đường KCP nhằm giảm chi phí vận chuyển nguyên liệu sản xuất cho nhà đầu tư). Trong quyết định phê duyệt chấp thuận đầu tư, hoàn toàn không có việc đầu tư dây chuyền thiết bị để sản xuất đường.

 

Trong quá trình triển khai dự án, theo báo cáo của RVP, vào thời điểm đó quan hệ giữa hai bên (KCP và R VP) trong việc thực hiện hợp đồng nguyên tắc nêu trên không được thuận lợi và có nhiều bất cập phát sinh. RVP đã làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc tháo gỡ nguồn nguyên liệu đầu vào cho dự án. Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã ký Quyết định số: 1612/QĐ-UBND ngày 21-7-2005 điều chỉnh nội dung chấp thuận đầu tư của dự án, trong đó nội dung chính là bổ sung thêm các loại: sắn lát và đường thủ công sẵn có tại địa phương cho nguyên liệu đầu vào, nhằm tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu sản xuất, trong trường hợp KCP không đồng ý cung cấp mật rỉ. Quyết định 1612/QĐ-UBND cũng không đề cập đến việc bổ sung dây chuyền công nghệ để nấu đường, chỉ bổ sung thêm nguồn nguyên liệu đầu vào, các nội dung khác vẫn giữ nguyên như Quyết định 552/QĐ-UBND. Có thể nói đây chỉ là giải pháp tình thế để tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, vì đối với dự án này, tỉnh Phú Yên hoàn toàn không cam kết đảm bảo nguyên liệu cho hoạt động của nhà máy.

 

Bên cạnh đó, theo đề nghị của RVP, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công nghiệp và UBND huyện Sông Cầu xem xét đề xuất khả năng quy hoạch cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu mía tại huyện Sông Cầu, để giúp RVP chủ động hơn về nguyên liệu trong trường hợp các nhà máy đường trong tỉnh và các tỉnh lân cận không bán (hoặc hạn chế bán) mật rỉ đường. Trên cơ sở quy hoạch chi tiết vùng nguyên liệu cho 3 nhà máy đường hiện có của tỉnh, tổ chức sơ kết đánh giá việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh, có báo cáo đề xuất cho UBND tỉnh, để sau khi Nhà máy cồn, gas CO2, rượu, phân vi sinh tổng hợp đi vào hoạt động, sẽ xem xét việc quy hoạch 500 ha cho RVP để lập dự án đầu tư vùng nguyên liệu mía (việc quy hoạch vùng nguyên liệu và phân chia địa bàn cho các nhà máy cụ thể đến từng xã được thực hiện theo Quyết định số: 58/2005/QĐ-BNN ngày 3-10-2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Ban hành Quy chế phối hợp trong sản xuất, tiêu thụ mía và đường”).

 

Với sự hỗ trợ đầu tư nêu trên, lẽ ra RVP phải tập trung xây dựng nhà máy, xây dựng khu xử lý nước thải để triển khai việc vận hành thử và chuẩn bị đi vào hoạt động chính thức, nhưng đến nay RVP vẫn chưa hoàn thành thiết kế cơ sở của khu xử lý nước thải trình cơ quan chức năng thẩm định để triển khai thi công nhằm đưa Nhà máy sớm đi vào hoạt động.

 

Tại Thông báo số: 790/TB-UBND ngày 17-8-2005, UBND tỉnh Phú Yên đã không cho phép RVP lập cơ sở sản xuất xi rô tại Sơn Hà, huyện Sơn Hòa. Mặc dù chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, RVP lại tự ý mua hệ thống cán ép mía đưa về nhà máy, trong khi vùng nguyên liệu xung quanh nhà máy đã được quy hoạch cho KCP. Việc RVP phục hồi dây chuyền thiết bị cán ép mía của Nhà máy đường Việt Trì, Cục Chế biến Nông lâm sản và nghề muối – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có khuyến cáo là không hiệu quả (tại Văn bản số: 53/CB-CBBQ ngày 8-2-2006); UBND tỉnh cũng đã có văn bản không cho phép đưa vật tự thiết bị quá cũ, lạc hậu vào tỉnh (tại Văn bản số: 1331/UBND ngày 5-8-2005). Do vậy, UBND tỉnh không chấp nhận việc lắp đặt dây chuyền thiết bị nêu trên.

 

Sự việc chưa dừng lại ở đó, RVP tiếp tục kiến nghị với UBND tỉnh giải quyết bổ sung 10 ha đất để xây dựng khu xử lý nước thải, nhưng lại không triển khai lập thiết kế cơ sở khu xử lý nước thải để các cơ quan chức năng xác định được qui mô sử dụng đất. Đây là một đề nghị sai với qui trình quản lý đầu tư và xây dựng. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng các ngành và địa phương liên quan, căn cứ thiết kế cơ sở của dự án Nhà máy cồn, gas CO2, rượu, phân vi sinh tổng hợp đã được thẩm định, phù hợp với quyết định chấp thuận đầu tư, xem xét và phân tích nhu cầu sử dụng đất của dự án, kể cả đất dành cho khu xử lý nước thải. Trên cơ sở thẩm định nhu cầu đất đã được thống nhất, hoàn tất hồ sơ trình cấp có thẩm quyền giải quyết cho nhà đầu tư thuê đủ diện tích đất để triển khai hoàn chỉnh dự án. Tuy nhiên, trên thực tế RVP đã tự ý chuyển nhượng khoảng 9 ha đất của nhân dân trong vùng, trong đó có khoảng 5 ha đất chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Đây là một việc làm tùy tiện và sai với quy định hiện hành. Không những thế RVP còn tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khi chưa được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền và tự ý san ủi mặt bằng để tiến hành thi công xây dựng thêm các hạng mục công trình. Điều này đã gây ảnh hưởng không tốt đến công tác quản lý đất đai. Do vậy, UBND huyện Sơn Hòa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Huyện ủy Sơn Hòa cũng đã có văn bản báo cáo Ban thường vụ Tỉnh ủy về vấn đề này.

 

Mặc dù phía RVP có những việc làm tùy tiện và không đúng quy định, nhưng UBND tỉnh Phú Yên vẫn luôn cố gắng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu đầu vào cho RVP để RVP yên tâm đầu tư, nên đã mời Tổng Giám đốc KCP đến làm việc để giải quyết việc cung cấp mật rỉ đường cho RVP. Tổng Giám đốc KCP đã đồng ý và thực tế đã chủ động mời RVP đến bàn bạc về việc hợp tác kinh doanh thông qua việc cung cấp mật rỉ đường cho Nhà máy cồn của RVP.

 

Từ các cơ sở nêu trên và với việc chủ động hợp tác của KCP thì nội dung tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu đầu vào cho Nhà máy cồn, gas CO2, rượu, phân vi sinh tổng hợp của RVP tại Quyết định số 1612/QĐ-UBND không còn phù hợp với thực tế. Do vậy, theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã có Quyết định số: 707/QĐ-UBND ngày 18-5-2006 về việc dừng thi hành Quyết định số: 1612/QĐ-UBND ngày 21-7-2005. Theo đó, RVP tiếp tục triển khai việc thực hiện đầu tư theo đúng nội dung đầu tư đã được UBND tỉnh duyệt chấp thuận tại Quyết định số: 552/QĐ-UB ngày 14-4-2005.

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek