Thứ Tư, 27/11/2024 00:40 SA
Ý kiến của Báo Phú Yên về đơn phản hồi của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát (Cty RVP):
Vẫn một kiểu ngụy biện, bóp méo sự thật
Thứ Sáu, 25/05/2007 10:00 SA

LTS: Trên hai số báo Phú Yên ra ngày 25 và 27/4/2007 có đăng bài: “Về hai bài báo trên Báo Công An TP Hồ Chí Minh: “Viết tiếp bài: Ở tỉnh Phú Yên vẫn còn “lệ làng”? Doanh nghiệp được mời gọi đầu tư bị hành tới số”: SỰ THẬT BỊ BÓP MÉO, VÌ TÁC GIẢ THIẾU HIỂU BIẾT HAY THIẾU ĐẠO ĐỨC CỦA NGƯỜI CẦM BÚT?”. Ngày 10/5/2007, Báo Phú Yên nhận được “Đơn phản hồi” ghi ngày 9/5/2007 của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát do Giám đốc Bùi Thị Quy ký (Trước đó, bà Giám đốc Bùi Thị Quy có làm đơn kiến nghị, kiến nghị nhiều điều vô lý, Báo Phú Yên không chấp nhận, đã trả lời cho bà và báo cáo các cơ quan quản lý). Để đảm bảo tính khách quan, thông tin nhiều chiều và rộng đường dư luận, Báo Phú Yên đăng nguyên văn năm vấn đề cơ bản trong “Đơn phản hồi” của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát và ý kiến của Báo Phú Yên về những nội dung nêu trong đơn phản hồi này.

 

Phản hồi của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát

 

Trước tiên, chúng tôi khẳng định rằng, Doanh nghiệp Vạn Phát xây dựng Nhà máy cồn rượu – đường kết tinh – nước giải khát và Nhà máy phân vi sinh là hoàn toàn đúng pháp luật, đúng Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh. Hơn nữa công ty chúng tôi trước khi thành lập đã được chủ trương chấp thuận cho phép của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên qua công văn số 491/TB-VB ngày 28/6/2004, nội dung công văn cho phép công ty xây dựng hai nhà máy gồm nhà máy đường và nhà máy cồn gaz phân vi sinh… (xin đính kèm công văn). Như vậy công ty chúng tôi đã được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cao nhất của tỉnh, phù hợp với ngành nghề đăng ký kinh doanh được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận vào ngày 16 tháng 7 năm 2004 số 3602000145.

 

Tác giả Khánh Hoàng, trong bài viết của mình đã khẳng định các vấn đề sau đây gây dư luận không tốt, không đúng và phát biểu sai trái đối với các Luật đã nêu mà các Luật trên đã được Quốc hội thông qua năm 2005 làm ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của Doanh nghiệp Vạn Phát:

 

- Tác giả nói: “Công ty rượu Vạn Phát (RVP) không được cấp giấy phép xây dựng Nhà máy đường” rồi là “Tự ý xây dựng nhà xưởng” là hoàn toàn không đúng với bản chất sự việc, cố ý bôi nhọ, đặt điều với doanh nghiệp Vạn Phát. Chúng tôi xin khẳng định rằng: Việc xây dựng nhà máy đường của Công ty RVP là trên cơ sở ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, tại văn bản số 491/TB-VB ngày 28 tháng 6 năm 2004. Theo đó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã “giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh thực hiện chế độ một cửa trong việc thụ lý hồ sơ và hướng dẫn chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục về đầu tư đối với hai dự án Nhà máy cồn rượu – kết tinh đường – nước giải khát và Nhà máy phân vi sinh”. Tại văn bản số 1291/VPCP-V.II ngày 12/3/2007, của VP Chính phủ khi trả lời khiếu nại và kiến nghị của Công ty RVP theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực cũng đã ghi rõ ràng cụ thể: “Đồng ý với kiến nghị của Bộ NN&PTNT tại văn bản số 89/BNN-CB ngày 10/01/2007 và báo cáo bổ sung số 526/BNN-CB ngày 28/02/2007; UBND tỉnh Phú Yên xử lý cụ thể, đúng quy hoạch về phát triển mía đường đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo điều kiện cho Công ty RVP đưa nhà máy đã xây dựng xong đi vào hoạt động đúng pháp luật, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”. Như vậy vấn đề xây dựng nhà máy đường của Công ty RVP đúng pháp luật hay không đúng pháp luật đã được rõ ràng. Công ty của chúng tôi đã có được sự ủng hộ hoàn toàn của Chính phủ và UBND tỉnh Phú Yên sau khi có đơn khiếu nại, kiến nghị (xin đính kèm văn bản).

 

Rất tiếc trong bài báo của mình tác giả Khánh Hoàng khi nhắc đến văn bản 1291/VPCP-VII ngày 12/3/2007 do Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký đã cố ý sửa chữa văn bản thể hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực. Cụ thể như sau: “Phú Yên phải thực hiện đúng quy hoạch phát triển của ngành mía đường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, không nên xây dựng nhà máy đường mới”.

 

Thưa tác giả Khánh Hoàng, Phó Thủ tướng không hề chỉ đạo cho Phú Yên “Không nên xây dựng nhà máy đường mới”. Đề nghị hai báo cho đăng toàn văn bản này để dư luận được rõ một điều rằng: Người bóp méo sự thật, bóp méo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ là Khánh Hoàng chứ không phải Trang Anh.

 

- Hai là: Tác giả Khánh Hoàng cho rằng Công ty RVP “mua rác thải công nghiệp từ nhà máy đường Việt Trì để “tự ý xây dựng nhà máy đường” và chỉ ra rằng “đây là việc làm sai pháp luật có nguy cơ phá vỡ quy hoạch phát triển mía đường của Phú Yên, có nguy cơ đưa hàng ngàn hộ dân trồng mía đang được hai nhà máy đường ở Phú Yên thu mua ổn định vào khó khăn”.

 

Chúng tôi không hiểu tác giả Khánh Hoàng lý lẽ, lôgíc kiểu gì vậy? Việc chúng tôi xây dựng nhà máy đường sao lại là “nguy cơ đưa hàng ngàn hộ dân trồng mía đi vào khó khăn”. Cho phép chúng tôi làm một phép so sánh: Không lẽ có thêm một tờ báo tốt có ích cho xã hội lại gây nguy cơ khó khăn cho cả ngàn phóng viên. Hơn nữa, chúng tôi chưa hề thấy có ý kiến văn bản mang đầy đủ tính chất pháp lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào khẳng định nhà máy, thiết bị dây chuyền sản xuất mà Vạn Phát mua của Việt Trì là “Rác thải công nghiệp” sao Khánh Hoàng lại vội vàng kết luận một cách thiếu tự tin và không có cơ sở như vậy (nguyên văn trong bài viết tác giả đã dùng từ “có thể” rác thải công nghiệp). Đây là vấn đề sống còn của Công ty chúng tôi: Vạn Phát ý thức một cách đầy đủ và sâu sắc rằng tư liêïu sản xuất là vấn đề quyết định của sản phẩm, thương hiệu và lợi nhuận của nhà sản xuất, nhà kinh doanh. Điều này tác giả Khánh Hoàng đã can thiệp một cách thô bạo vào quyền của doanh nghiệp được quy định tại Điều 7 của Luật Doanh nghiệp “Doanh nghiệp có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp…”

 

Kết thúc vấn đề này chúng tôi xin khẳng định rằng mình không làm trái pháp luật mà chính tác giả Khánh Hoàng đã xâm phạm trái pháp luật vào quyền chủ động của doanh nghiệp được pháp luật bảo hộ như chúng tôi nêu dẫn ở trên.

 

- Ba là: Trong bài báo, tác giả Khánh Hoàng cho rằng Công ty RVP “kinh doanh bất chấp pháp luật”, “vô chính phủ”, “hành tỉnh Phú Yên, chính công ty này đã gây quá nhiều khó khăn cho sự lãnh đạo điều hành của UBND tỉnh Phú Yên, kể cả Chính phủ và các bộ ngành ở Trung ương”.

 

Vấn đề này chúng tôi nhận thấy như sau: Quá trình đầu tư vào tỉnh Phú Yên, Vạn Phát gặp rất nhiều khó khăn về mặt thủ tục do cơ chế hành chính gây ra (cụ thể và đặc biệt ở đây là bản thỏa thuận giữa UBND tỉnh Phú Yên với Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam (Ấn Độ) ngày 02/03/2000, chúng tôi sẽ đề cập riêng ở phần sau). Vì vậy Công ty Vạn Phát đã có nhiều đơn thư khiếu nại, kiến nghị gửi cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét giải quyết, chúng tôi làm những việc này theo Luật khiếu nại tố cáo và gởi đúng những người có trách nhiệm, sao tác giả Khánh Hoàng lại bảo chúng tôi “vô chính phủ”, “hành tỉnh Phú Yên”. Trên thực tế, những khiếu nại và kiến  nghị của chúng tôi đều được những người có trách nhiệm giải quyết một cách thỏa đáng, đúng pháp luật. Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên tại thông báo số 491/TB-UB ngày 28/06/2004 và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực tại Văn bản 1291/VPCP-VII ngày 12/03/2007 như tác giả Khánh Hoàng đã rõ là những minh chứng hùng hồn Công ty Vạn Phát hoàn toàn “Không vô chính phủ”, “không hành tỉnh Phú Yên” như tác giả Khánh Hoàng đã đơm đặt đối với chúng tôi.

 

- Bốn là: Vấn đề đạo đức, tác giả Khánh Hoàng cho rằng tôi (Bùi Thị Quy) “dùng chính quyền để ép nhà đầu tư khác” rồi là “đề nghị tỉnh để KCP ra đi và cam kết đầu tư nhà máy 4.000 tấn mía/ngày từ đó kết luận tôi “kém văn hóa và đạo đức”, “cạnh tranh không lành mạnh”. Tôi xin phép không bình luận thêm gì khác ngoài mấy ý sau:

 

+ Thưa tác giả Khánh Hoàng, ông (bà) đã không giữ được sự bình tĩnh đúng mực của một người cầm bút nữa rồi. Chính quyền của chế độ chúng ta thực sự do dân, vì dân, không ai có thể được quyền tối thượng như thế. Theo lập luận của tác giả Khánh Hoàng thì tôi là “người vô chính phủ”, “kém đạo đức” thì làm sao lại gọi là “dùng chính quyền ép nhà đầu tư khác”, các nhà lãnh đạo, chính quyền ở tỉnh Phú Yên đọc được những dòng này chắc không khỏi chạnh lòng.

 

+ Tác giả Khánh Hoàng không đủ cơ sở và căn cứ để kết luận tôi “kém văn hóa, đạo đức”. Thực ra Khánh Hoàng đang lợi dụng báo chí để vu khống, làm nhục tôi trước dư luận của xã hội. Vấn đề này tôi sẽ khởi kiện ra tòa án để yêu cầu Khánh Hoàng phải bồi thường do xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của tôi.

 

- Năm là: Bản thỏa thuận giữa UBND tỉnh Phú Yên với Công ty KCP được lập ngày 02 tháng 03 năm 2000, vấn đề này chúng tôi chỉ xin nhắc nhở tác giả Khánh Hoàng mấy ý:

 

Tác giả Khánh Hoàng trong bài viết của mình ở đoạn viết về bản thỏa thuận này, tác giả kết luận “như vậy, bản thỏa thuận trên có gì sai trái?” nhưng khi đặt vấn đề về việc này, tác giả Khánh Hoàng lại lập luận “theo chỉ đạo của Chính phủ, KCP chuyển nhà máy về Phú Yên, bản thỏa thuận trên chỉ là một lời hứa, một tín chấp của tỉnh để KCP yên tâm chuyển nhà máy về Phú Yên. Trên thực tế, hơn 06 năm qua nhiều điểm trên bản thỏa thuận trên không được thực hiện”. Nếu bản thỏa thuận trên có ích cho nông dân trồng mía thì phải thực hiện sao tác giả lại bảo “không thực hiện”. Còn nếu KCP mua mía của người nông dân với giá cao như tác giả Khánh Hoàng đã dẫn chứng số liệu thì thỏa thuận đó không còn phù hợp, các bên nên hủy bỏ.

 

Theo tôi nghĩ, tất cả mọi thỏa thuận đều là giao dịch vì vậy phải xét giao dịch đó có đúng pháp luật hay không, có vi phạm đạo đức hay không, có ảnh hưởng đến lợi ích của người thứ ba hay không, thậm chí có ảnh hưởng đến lợi ích của rất nhiều người thứ ba, của cộng đồng hay không? Theo tôi được biết, ở các nước văn minh có hệ thống pháp luật hoàn thiện đầy đủ thì khái niệm “luật sư cộng đồng” không có gì xa lạ với người dân, với cánh báo chí. Những văn bản của cơ quan hành chính Nhà nước, những thỏa thuận của các tổ chức xã hội nếu ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích cộng đồng, của nhiều người thứ ba mà cộng đồng không biết hoặc chưa biết thì lúc này “luật sư cộng đồng” sẽ xuất hiện, anh ta sẽ đưa sự vụ ra ánh sáng pháp lý và chỉ có tòa án mới là cơ quan đủ thẩm quyền phán xét.

 

Ý kiến của Báo Phú Yên về đơn phản hồi của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát (Cty RVP):

 

Vẫn một kiểu ngụy biện, bóp méo sự thật

 

Trước tiên, Cty RVP khẳng định “Công ty đã xây dựng nhà máy cồn rượu - đường kết tinh - nước giải khát và nhà máy phân vi sinh hoàn toàn đúng pháp luật” là một sự khẳng định ngụy biện, bóp méo sự thật. Bởi lẽ, cho đến nay, tại Phú Yên, trong hàng chục ngành nghề đã đăng ký kinh doanh, Cty RVP chỉ trình Dự án nhà máy cồn, gas, CO2, rượu, phân vi sinh tổng hợp và đã được UBND tỉnh duyệt chấp thuận nội dung đầu tư. Việc Cty RVP xây dựng phân xưởng sản xuất đường kết tinh là tự ý, là làm trái với điều 31 Nghị định 52 của Chính phủ về qui chế quản lý đầu tư xây dựng, điều 13 Nghị định 16 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng và trái với điều 72 Luật Đầu tư 2005.

 

Đoàn cán bộ Chính phủ, qua xem xét hồ sơ và kiểm tra thực tế đã khẳng định trong biên bản cuộc họp giải quyết khiếu nại của Cty RVP: “… quá trình đầu tư tại Phú Yên Cty RVP đã có những vi phạm về trật tự và trình tự đầu tư. Điển hình là:

 

- Tự ý chuyển thêm khoảng 9ha đất…

 

- Tự ý xây dựng nhà máy đường tại xã Sơn Hà, Sơn Hòa”.

 

Thông báo số 491/TB-VP ngày 28 tháng 6 năm 2004 của Văn phòng UBND tỉnh, thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên tại buổi làm việc với Doanh nghiệp tư nhân dệt may thương mại Vạn Phát, không có một dòng chữ nào cho phép xây dựng nhà máy đường, thông báo trên chấp thuận thành lập Doanh nghiệp tư nhân dệt may, thương mại Vạn Phát tại Phú Yên, giao một số nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng của tỉnh, đồng thời yêu cầu nhà đầu tư:

 

- Phải có dự án trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

 

- Khi lập dự án phải đăng ký các vấn đề liên quan đến môi trường.

 

Cho đến nay Cty RVP, không hề có dự án xây dựng nhà máy đường, không hề có dự án vùng nguyên liệu để cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Cty RVP do Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp ngày 16 tháng 7 năm 2004, không thể thay thế cho các dự án nêu trên được.

 

Điều cần nhắc lại, Nghị quyết 09/2000 của Chính phủ chỉ đạo “không xây dựng thêm nhà máy đường mới” trong nước cũng như ở Phú Yên.

 

Cty RVP lại cố tình bóp méo sự thật khi nói rằng “tác giả Khánh Hoàng đã cố ý sửa chữa văn bản thể hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực…” bởi vì, trong bài báo đã đăng, tác giả không trích văn bản mà chỉ nêu nội dung cơ bản của văn bản. Ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng là đồng ý với kiến nghị của Bộ Nông nghiệp - PTNT tại văn bản số 89 và báo cáo bổ sung số 526, đồng thời đã chỉ đạo UBND tỉnh Phú Yên xử lý cụ thể, đúng qui hoạch về phát triển mía đường đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Văn bản 89 ngày 10/01/2007 của Bộ Nông nghiệp - PTNT đã nêu rõ: “Sau khi xem xét, Bộ Nông nghiệp - PTNT đồng ý hướng giải quyết mà Đoàn công tác đã thống nhất với UBND tỉnh Phú Yên và các bên có liên quan tại cuộc họp ngày 22/12/2006 ở tỉnh Phú Yên như sau:

 

1) Thực hiện đúng qui hoạch phát triển tổng thể ngành mía đường, không nên xây dựng thêm nhà máy đường mới ở Phú Yên.

 

2) Để Cty RVP yên tâm thực hiện việc sản xuất cồn, trước mắt đề nghị UBND tỉnh Phú Yên tạm dừng việc cưỡng chế tháo dỡ dây chuyền thiết bị sản xuất đường. Cty RVP phải giữ nguyên hiện trạng, không được tiếp tục đầu tư thiết bị sản xuất đường, tập trung hoàn thành sớm các hạng mục đã được phép đầu tư, đưa nhanh nhà máy sản xuất cồn vào hoạt động…”

 

Quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, cũng ghi rõ “Không xây dựng mới nhà máy đường”.

 

Như vậy, nội dung cơ bản trong ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng được hiểu là: Phú Yên phải xử lý cụ thể, đúng qui hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, không xây dựng nhà máy đường mới.

 

Từ đó, vế thứ hai của ý kiến chỉ đạo “Tạo điều kiện cho Cty RVP đưa nhà máy đã xây dựng xong đi vào hoạt động đúng pháp luật, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” cần được hiểu đúng là: tạo điều kiện cho Cty RVP đưa nhà máy cồn, gas, CO2, phân vi sinh mới xây dựng xong đi vào hoạt động đúng pháp luật, bởi phân xưởng sản xuất đường kết tinh từ đầu đã vi phạm pháp luật, Phó Thủ tướng Thường trực đã đồng ý với Văn bản 89 “Cty RVP phải giữ nguyên hiện trạng, không được tiếp tục đầu tư thiết bị sản xuất đường…”, thì làm sao có nhà máy đường hoạt động đúng pháp luật được. Hơn nữa, ngày 7 tháng 3 năm 2007 Cty RVP đã có văn bản gởi Thủ tướng Chính phủ, các bộ và UBND tỉnh Phú Yên: “Báo cáo kế hoạch sản xuất thử của nhà máy cồn, gas, CO2, rượu, phân vi sinh tổng hợp” mà thôi. Có điều sản xuất thử cồn mà ra đường RS thì thật quá quắc quá, xem thường kỷ cương phép nước.

 

Hai là, nhà báo Khánh Hoàng đã không hề “xâm phạm trái pháp luật vào quyền chủ động doanh nghiệp” của Cty RVP, mà nêu đúng sự thật: RVP “tự ý xây dựng nhà máy đường” như Đoàn cán bộ Chính phủ đã kết luận.

 

Điều 2 của  Quyết định 28/2004 của Thủ tướng Chính phủ, nói rõ: “Căn cứ thực trạng về công nghệ, khả năng cung ứng nguyên liệu và tình hình tài chính, thực hiện phân loại các nhà máy đường theo 3 nhóm... Nhóm 3 là nhóm các nhà máy phải di chuyển đến địa điểm mới hoặc dừng sản xuất”. Nhà máy đường Việt Trì ở nhóm 3b, được Thủ tướng chỉ đạo cụ thể: “Dừng sản xuất chế biến đường… Thực hiện thanh lý, nhượng bán tài sản theo qui chế tài chính hiện hành”. Bộ Nông nghiệp -PTNT đã khuyến cáo, không đồng ý cho di chuyển Nhà máy đường Việt Trì về Phú Yên, UBND tỉnh Phú Yên cũng không cho phép đưa thiết bị lạc hậu về tỉnh. Vì sao Cty RVP lại làm trái quyết định của Thủ tướng, ý kiến của ngành chuyên môn và trái với quyết định quản lý của nhà nước địa phương? Nhà máy đường nhỏ, công nghệ lạc hậu đến gần nửa thế kỷ, đã ngưng hoạt động gần 12 năm, phải dừng sản xuất chế biến đường để thanh lý, thì tác giả viết “Có thể gọi là rác thải công nghiệp” không có gì sai với bản chất của nó.

 

Cty RVP có quyền sử dụng định đoạt tài sản của doanh nghiệp, nhưng chính quyền địa phương có quyền không cho phép nhập vào địa phương mình những thiết bị, công nghệ lạc hậu mà Chính phủ không cho phép di chuyển đến nơi mới. Bởi lẽ, một nhà máy hoạt động kém hiệu quả không chỉ chủ doanh nghiệp gánh chịu!

 

Ngành mía đường Phú Yên đang phát triển ổn định đúng với qui hoạch, thêm nhà máy mới không được phép, tất nhiên sẽ tạo ra cạnh tranh thu mua nguyên liệu trái phép, làm cho các nhà máy không phát huy hết công suất, không dám đầu tư chiều sâu, sản phẩm đường thiếu khả năng cạnh tranh trong thời hội nhập thế giới, dẫn đến nguy cơ thua lỗ… Và, nếu nhà máy đình đốn, tất nhiên người trồng mía phải gặp khó khăn, đây là cảnh báo đúng logic thực tiễn, đúng với chủ trương phát triển ngành mía đường của Chính phủ.

 

Cty RVP so sánh nhà máy đường với tờ báo là quá khập khiễng (thật không cần thiết phải trao đổi lại). Có điều, một tờ báo xuất bản lậu sẽ không có gì tốt đẹp với xã hội hiện nay, và tất nhiên là bị đình bản và bị xử lý theo pháp luật ngay.

 

Ba là, với việc cố tình làm trái các Nghị quyết, quyết định và văn bản chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh Phú Yên, làm trái với Luật Đầu tư, Luật Đất đai và không cộng tác với địa phương, nhà đầu tư - Cty RVP có làm ăn kiểu “vô chính phủ” không? Chuyện đã quá rõ. Việc Chính phủ, các bộ ngành và UBND tỉnh Phú Yên quan tâm giải quyết các khiếu nại - kiến nghị của Cty RVP, đó là việc các cơ quan Nhà nước thực hiện đúng Luật Khiếu nại - tố cáo; là biểu hiện cho bản chất tốt đẹp của chế độ chúng ta, không thể qua đó mà nói rằng Cty RVP chấp hành đầy đủ các chỉ đạo của Chính phủ và địa phương được.

 

Phú Yên có nhiều nhà đầu tư đến làm ăn, cũng có đơn vị đang bị thua lỗ, nhưng UBND tỉnh không phải nhiều lần họp hành ở tỉnh, ở Trung ương để giải quyết như với Cty RVP. Điều đó đã gây ra không ít khó khăn cho công tác điều hành của UBND tỉnh. Việc này, UBND tỉnh Phú Yên đã báo cáo với Trung ương và Chính phủ, không phải nhà báo Khánh Hoàng tự nêu ra.

 

Bốn là, Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam (Cty KCP) đang sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần phát triển ngành mía đường Phú Yên. Theo Quyết định 28/2004 của Thủ tướng Chính phủ, Cty KCP thuộc nhóm 1 cần được tiếp tục duy trì hiện trạng và có chính sách hỗ trợ để phát triển tốt hơn. Thì Cty RVP xây dựng phân xưởng sản xuất đường trái phép ngay trên vùng nguyên liệu đã được UBND tỉnh Phú Yên phân định cho Cty KCP, lại kiến nghị lãnh đạo tỉnh hủy bỏ thỏa thuận giữa UBND tỉnh với Cty KCP. Rồi đề nghị “nếu bản thỏa thuận bị hủy bỏ, Cty TNHH KCP Việt Nam gây áp lực với tỉnh. Tôi xin cam kết tiêu thụ hết sản lượng mía của tỉnh… Tôi tình nguyện làm thêm một nhà máy đường tại tỉnh Phú Yên với công suất từ 4000 đến 6000 tấn mía/ngày…” Cách làm trên và những đề nghị trên có đạo đức không, có văn hóa không? Và có thể hiện sự cạnh tranh lành mạnh không? Chắc mọi người đã hiểu. Hơn nữa, nhà đầu tư chỉ vì ham lợi, không đầu tư đầy đủ cho việc xử lý môi trường, để những người xung quanh nhà máy phải gánh chịu hậu quả xấu như cách làm của Cty RVP ở Bình Định thì không thể nói là có đạo đức, văn hóa được. Các nhà lãnh đạo, chính quyền tỉnh Phú Yên luôn sáng suốt để nhận ra bản chất của các đề nghị và tất nhiên là không thể chấp nhận đề nghị của Cty RVP, nên không việc gì phải chạnh lòng, như Cty RVP nói.

 

Năm là, cho đến giờ này chưa có cơ quan thẩm quyền nào phê phán về bản thỏa thuận giữa UBND tỉnh Phú Yên với Cty KCP. Chính nhờ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp - PTNT và Ngân hàng Nhà nước tìm biện pháp giúp đỡ Cty KCP chuyển nhanh về Phú Yên, nếu chỉ riêng tỉnh Phú Yên không thể làm được. Mặt khác, từ khi Cty KCP về Phú Yên, dù còn nhiều việc phải làm, nhưng đã góp phần khai thác hiệu quả vùng mía của 2 huyện miền núi của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân; và ngành mía đường Phú Yên đang phát triển đầy triển vọng. Vậy thì có gì phải bàn thêm khi hầu như bản thỏa thuận đã không gây tác hại cho cộng đồng.

 

Cty RVP cũng nên nhớ rằng, trước khi phê duyệt chấp thuận nội dung dự án nhà máy cồn, gas, CO2, rượu, phân vi sinh của Cty, UBND tỉnh Phú Yên cũng cam kết không cho xây dựng thêm nhà máy cồn nào khác để Cty RVP yên tâm thực hiện dự án (Văn bản 867/TB-UB ngày 26/10/2004). Cty RVP nghĩ gì về cam kết này, có phải mời “luật sư cộng đồng” về can thiệp không?

 

Việc không cho xây dựng nhà máy đường mới, tạo điều kiện các nhà máy hiện có mở rộng công suất, việc phân chia vùng nguyên liệu để đầu tư thâm canh… là chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp - PTNT vì sự phát triển tốt đẹp hơn của ngành mía đường Phú Yên và cả nước, không phải phát sinh từ bản thỏa thuận nêu trên. Do vậy, Cty RVP nên xem lại mình, nắm chắc pháp luật, chủ động phối hợp tốt với các doanh nghiệp bạn và chính quyền các cấp để đầu tư đúng và hiệu quả hơn.

 

Chúng ta đang sống trong một chế độ xã hội tốt đẹp và đang nỗ lực xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN vững mạnh, thật sự của dân, do dân và vì dân; mọi người phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Những giọng điệu ngụy biện cố tình bóp méo sự thật, những khiếu nại hòng đổi đen ra trắng hay cố kiện ra tòa để hy vọng sự việc sai thành đúng, chắc chắn là điều không thể, nó chỉ giúp cho những “thầy dùi” kiếm ăn mà thôi!

 

BÁO PHÚ YÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek