Thứ Hai, 30/09/2024 00:32 SA
Dự án kè Bạch Đằng:
Phát hiện thêm những sai phạm mới
Thứ Tư, 05/07/2006 14:27 CH

Trong khi sự cố sạt lở xảy ra vào tối ngày 31- 5 vừa qua chưa được khắc phục thì chủ đầu tư dự án chống ngập lụt TP Tuy Hòa (đê kè Bạch Đằng) lại phát hiện thêm nhiều sai phạm mới ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự bền vững của công trình.

 

060705-ke-BD-1.jpg

Nơi kè bị sạt lở vẫn chưa được khắc phục – Ảnh: Nguyễn Trưởng

 

Kể từ khi Cơ quan Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an Phú Yên) phát hiện những sai phạm trong thi công gói thầu số 4 do Công ty Cơ khí xây dựng và lắp máy điện nước (COMAEL thuộc Tổng công ty Cơ khí xây dựng Hà Nội) thi công vào cuối tháng 7- 2005, thì việc thi công trên công trình kè Bạch Đằng hầu như bị ngưng trệ hoàn toàn. Bởi lẽ đây là gói thầu chính chiếm gần 50% giá trị xây lắp của dự án, có nhiệm vụ xây kè và đắp tuyến đê dài 3.212 m dọc bờ sông Đà Rằng chưa hoàn thành nên các hạng mục khác trên đê không thể tiến hành thi công. Sau nhiều lần trì hoãn, đến giữa tháng 4- 2006, Tổng công ty Cơ khí xây dựng Hà Nội mới chấp nhận tổ chức thi công trở lại và cam kết hoàn thành công trình vào cuối tháng 7- 2006. Thế nhưng, trong khi nhà thầu đang tiếp tục thi công những phần việc còn lại thì một sự cố bất ngờ xảy ra vào tối ngày 31- 5 vừa qua: 4 cọc cừ dài 12 m, đóng sâu 6m dưới mặt đất tại lý trình Km2+ 937 đến Km2+ 983 bị đổ ngã làm sạt lở đoạn kè dài 11,5 m.  Để khắc phục sự cố trên, nhà thầu đã huy động cần cẩu kéo các cọc đổ ngã lên bờ nhưng cũng không thành, do đó vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân sạt lở. Sự cố đó đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo công trình kè Bạch Đằng đang đứng trước nguy cơ tiếp tục sạt lở ở những vị trí khác. Trước tình hình đó, Ban Quản lý dự án thuỷ lợi (BQLDATL) đã tiến hành kiểm tra toàn bộ công trình và phát hiện thêm những sai phạm mới trong thi công gói thầu số 4.

 

Qua kiểm tra sơ bộ, xác định có 12 vị trí bị chuyển dịch lệch ra phía sông từ 3 đến 8 cm. Tại cọc số 19 (Km0+ 970), nơi chuyển vị lớn nhất, cho thấy tất cả 3 dầm neo (thanh giằng) nối vào cọc cừ đều bị đứt hết thép nối; thép liên kết hàn chỉ 3/5 thanh; không đổ bê tông nơi liên kết giữa cọc cừ với dầm neo mà chỉ trám vữa. Dùng thuyền đi dọc sông kiểm tra kỹ lại hệ thống cọc cừ, chủ đầu tư còn phát hiện nhiều cọc bị lộ thép ra ngoài tại vị trí tiếp giáp với dầm neo; mũ dầm liên kết các cọc cũng bị lộ thép. Còn đối với hệ thống dầm neo, có đến khoảng 90% đầu dầm neo tại vị trí liên kết với cọc cừ không xử lý thép nối đúng quy phạm kỹ thuật. Cụ thể: bê tông bọc mối nối không đủ bao kín để lộ cả cốt thép dầm neo và cốt thép chờ của cọc cừ; phần lớn cốt thép dầm neo tỳ vào cốt thép cọc cừ không hàn cũng không buộc nên không đủ chịu lực. Bên cạnh đó, hệ thống đan cũng thi công không bảo đảm chất lượng. Phần lớn hai đầu các tấm đan ngay tại dầm neo lộ cốt thép ra ngoài; có chỗ bề mặt tấm đan lộ cả lưới thép, lại lắp đặt không khít (có nơi hở đến 20 cm), một số tấm đan có nguy cơ tụt xuống sông.

 

Khi đào đến dầm neo ở một số vị trí trên đê lại thấy tầng lọc cũng thi công không đúng đồ án thiết kế, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật. Cốt liệu đá xếp khan bị thay đổi thành đổ đá lẫn đất và phủ vải địa kỹ thuật, lớp sạn thay bằng lớp đá dăm 1x2 cm và không thi công lớp cát thô tầng lọc. Với thực trạng trên, tầng lọc hoạt động kém hiệu quả tạo dòng thấm ngang làm trôi lớp cát nền đường, có thể dẫn đến hiện tượng sụt, lún nền đường, mặt đường sau này.

 

Từ kết quả kiểm tra hiện trường, cho thấy việc thi công liên kết hàn giữa dầm neo với cọc cừ là rất yếu, không bảo đảm để hình thành khớp ngàm cứng. Theo tính toán của Công ty Tư vấn và chuyển giao công nghệ (Trường Đại học Thuỷ lợi Hà Nội): Hiện trạng diện tích cốt thép dầm neo chỉ chịu lực 7,6 T/cm2 (trong khi thiết kế yêu cầu là 13,01 T/cm2), nghĩa là tiết diện cốt thép dầm neo bị rút bớt đến 41,35%. Mặt khác, đối với khu vực kè Bạch Đằng là nơi gần cửa sông có nhiễm mặn cao nên cốt thép lộ ra ngoài dễ bị xâm thực làm đứt, gây mất ổn định công trình. Phải chăng do sơ đồ kết cấu bị thay đổi đó đã dẫn đến sự cố đổ ngã 4 cọc cừ và làm chuyển dịch một số vị trí cọc cừ khác của hệ thống kè này?

 

060705-ke-BD-2.jpg

Bờ kè thi công dở dang đã tạm dừng thi công - Ảnh: N.T

Cũng cần nói thêm, sau khi những sai phạm trong thi công kè Bạch Đằng bị phát hiện, vụ án được khởi tố, BQLDATL đã yêu cầu tư vấn khảo sát, thiết kế công trình đánh giá lại tính ổn định của hiện trạng công trình. Theo tính toán của Công ty Tư vấn và chuyển giao công nghệ, hoạt tải trên đê chỉ còn 200kg/ m2 (thiết kế là 10.000kg/ m2, nghĩa là thấp hơn 50 lần). Theo lý giải của đơn vị này, trước đây thiết kế lề đường nằm cạnh hệ thống cọc cừ rộng 4m thì cần hoạt tải lớn, còn hiện trạng lề đường nới rộng 12 m thì hoạt tải 200 kg/m2 là chấp nhận được. Thế nhưng thực trạng hoạt tải này không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật vì khi thi công nền đường, mặt đường dưới lực đầm rung lớn sẽ tạo ra hoạt tải động lớn hơn nhiều lần có khả năng phá vỡ hệ thống kè. Rõ ràng trong quá trình thi công gói thầu số 4, nhà thầu COMAEL đã cắt xén, rút bớt vật tư, thay đổi vật liệu làm cho các hạng mục cọc cừ, dầm neo, cọc neo, tấm đan, tầng lọc đều không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của công trình. Việc nhà thầu thi công gian dối như vậy song vẫn được lãnh đạo BQLDATL (cũ) ký biên bản nghiệm thu “thi công đạt yêu cầu thiết kế” và thanh toán đầy đủ. Khi những sai phạm trên được phơi bày, chủ đầu tư mới thấy hết tính chất sai phạm có nguy cơ dẫn đến đổ vỡ của công trình nên đã cho dừng thi công, báo cáo lãnh đạo tìm hướng xử lý.

 

Trao đổi với chúng tôi về phương án xử lý dự án kè Bạch Đằng, các kỹ sư thuộc BQLDATL cho biết đang đề xuất một số giải pháp như tôn cao đá hộ chân kè phía sông; hoặc bổ sung thêm kết cấu hệ thống cọc cừ, cọc neo dầm neo vào đoạn giữa các cọc đã có; hoặc tháo bỏ dầm neo cũ thay dầm neo mới đủ cường độ chịu lực và bổ sung cọc cừ mới có chiều sâu lớn hơn phù hợp với địa chất nền ở từng vị trí. Chúng tôi cho rằng, để bảo đảm sự ổn định lâu dài của công trình, tỉnh nên thành lập Hội đồng khoa học với sự tham gia của các chuyên gia xây dựng để đánh giá và kiểm định lại hiện trạng công trình như lực cắt, nứt của các cấu kiện, điều kiện về trượt và lật của công trình trên toàn tuyến; cần thiết khảo sát thêm địa chất để có đủ dữ liệu cho thiết kế xử lý. Từ đó đề xuất giải pháp kỹ thuật xử lý  theo hướng bảo đảm bền vững; đồng thời công trình phải được cơ quan chuyên ngành có chức năng và đủ năng lực thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thì mới tiếp tục thi công. Công việc này đòi hỏi chủ đầu tư phải khẩn trương vào cuộc, cùng các ngành liên quan sớm có phương án giải quyết không để công trình “sa lầy” kéo dài, làm mất lòng tin của nhân dân. Trước mắt phải có giải pháp bảo đảm an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ sắp đến.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek