Trên các vùng gò đồi ở các huyện Sông Cầu, Sơn Hòa, Đồng Xuân, trước đây nông dân khai hoang trồng mía; nay đất đã bạc màu nên bà con chuyển sang trồng rừng. Việc làm này ngày càng có hiệu quả kinh tế cao.
Người dân huyện Đồng Xuân ươm cây giống chuẩn bị trồng rừng – Ảnh: M.H.NAM
Ông Trình Văn Chi ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) đưa chúng tôi đi xem một trảng gò đồi rộng lớn của ông đang chuẩn bị trồng cây bạch đàn, keo lá tràm. Ông Chi cho biết: “Đất này tôi khai hoang trồng gần mười mùa mía rồi. Bây giờ đất đã bạc màu, tôi đang chuẩn bị trồng cây”. Không những thế, năm nay ông Chi còn trồng rừng sang diện tích đang trồng mía. Đám mía của ông Chi đã hai tháng tuổi mà chỉ cao bằng gang tay, lá đỏ úa, héo đọt như đang chết dần. Theo ông Chi, nguyên nhân là đất trồng mía lâu năm bị bạc màu, chỉ còn lại lớp đất sét chai cứng. Đất xấu cộng với cái nắng nóng, cây mía không sống nổi. Trên diện tích này, năm ngoái ông Chi trồng mía nhưng chỉ sống còn một nửa diện tích. Chính vì vậy, ông trồng thử hơn 1.000 cây bạch đàn và giờ đây rất xanh tốt.
Hàng trăm hộ dân ở xã Xuân Thọ 2 (huyện Sông Cầu) đang chuẩn bị cho mùa trồng rừng mới. Hiện nay, bà con đang phạt chồi non, chuẩn bị đất để sang tháng 9, 10 khi có mưa là trồng cây.
Theo một cán bộ nông nghiệp, sở dĩ hiện nay nhiều nông dân tham gia vào trồng rừng là do họ biết chuyển đổi cây trồng cho phù hợp với chân đất và có hiệu quả kinh tế cao. Theo tính toán của những người trồng rừng, khi trồng 1.000 cây bạch đàn, 7-8 năm sau có thể cho thu nhập 50 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho trồng cây bạch đàn, keo lá tràm không lớn, công chăm sóc không nhiều. So với trồng sắn mía, chi phí chưa tới 1 phần 10. Nhiều người nhờ trồng rừng đã thoát nghèo. Từ đó, hiện nay phong trào trồng rừng ở các huyện miền núi đang rộ lên. Ở vùng đất Hà Zôm của xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân), trước đây nhiều vùng đất trống hoang hóa nay đã phủ màu xanh, dưới trảng gò rợp mát bởi bóng cây xanh. Chỉ riêng trong năm nay, nhân dân xã Xuân Sơn Bắc đăng ký trồng 42.000 cây phân tán.
Ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), nhân dân địa phương đang chuẩn bị trồng 10.000 cây phân tán trong mùa mưa năm nay. Ông La Thái Ẩn, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Định, cho biết: “ Phong trào nhân dân trồng cây phân tán ở đây rất mạnh. Nhiều hộ bỏ đất hoang hóa 2-3 năm nay, nay đã lấy đất trồng rừng”.
Ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Sơn Hòa cho biết: “Chỉ tính riêng ba xã cánh bắc của huyện gồm Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân, năm nay nhân dân trồng 1 triệu cây phân tán”.
MẠNH HOÀI