* Các hồ thủy điện ngừng xả lũ, mực nước các sông xuống thấp
Theo thống kê mới nhất của UBND tỉnh Phú Yên, đến sáng 5/11, toàn tỉnh có 5 người chết, 2 người bị thương do lũ lụt. Về thiệt hại tài sản, có 2083 nhà bị ngập nước, 3 nhà bị sập hoàn toàn, 11 bị hư hỏng 50%; gần 950ha lúa mùa bị ngập úng, trên 1.500ha hoa màu, mía, sắn bị hư hại, ngã đổ; gần 1.200 con gia cầm bị cuốn trôi; hơn 70.000m3 đất đá sạt lở làm bồi lấp đường. Tổng thiệt hại do đợi lũ lụt này ước tính gần 100 tỉ đồng. UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo các địa phương dồn sức khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân.
Đường từ thị trấn Chí Thạnh đi La Hai bị ách tắc tại Cầu Sắt - Ảnh: Phương
Huyện Đồng Xuân: Mưa lũ làm 2 người chết (là ông Đặng Hồng Kỳ và Đặng Thị Mai); 70 nhà bị ngập (chủ yếu ở hai xã Xuân Sơn Bắc và Xuân Sơn Nam); 560 hộ phải di dời; 344 giếng bị ngập nước; gần 250ha lúa vụ mùa đang trổ bị ngập sâu, ảnh hưởng nặng đến năng suất, hàng trăm ha sắn, mía bị ngã đổ, hư hỏng; 55 tuyến đường huyện, xã với tổng chiều dài gần 4km bị bong tróc mặt đường và sạt lở; hơn 7.000m3 đất đá bồi lấp kênh mương; một số công trình đang thi công bị hư hỏng. Tổng thiệt hại là hơn 12 tỉ đồng.
Hiện nay, tại khu vực Cầu Sắt, thị trấn La Hai, nước vẫn ngập hơn 0,5m và chảy xiết. Đầu cầu đường bị xói mòn tạo lòng chảo, gây ách tắc giao thông. Các phương tiện xe máy, người đi bộ không qua lại được. Con đường vào thôn Tân Hòa, xã Xuân Sơn
Nhằm khắc phục hậu quả mưa lũ, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCH PCLB – TKCN huyện Đồng Xuân Nguyễn Lý Nguyên cho biết, đối với những gia đình có người bị chết trong lũ, huyện đã tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ mỗi hộ 5 triệu đồng. Huyện đang tích cực triển khai khắc phục giao thông, đảm bảo thông suốt trong thời gian sớm nhất. Trước mắt, huyện đã đề nghị Ban quản lý chuyên ngành giao thông khắc phục bằng phương pháp xếp rọ đá cầu Suối Ré trên ĐT 642, thuộc thôn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3 để nhân dân đi lại tạm thời. Đối với các giếng nước, huyện chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng phối hợp với các ngành liên quan và địa phương kiểm tra xử lý hóa chất và vận động nhân dân tận thu các diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng để kịp xuống giống vụ Đông Xuân.
Thôn Tân Hòa, xã Xuân Sơn Nam nước vẫn còn cao gần 1m, chia cắt nhiều vùng - Ảnh Phương Nam
Huyện Tuy An: Mưa lũ làm hơn 200 hộ phải di dời; gần 300ha lúa bị ngập úng, có khả năng mất trắng; hơn 64.000m3 đất đá sạt lở, bồi lấp đường giao thông; nhiều công trình kênh mương thủy lợi bị bồi lấp, hư hỏng; đầu Khui phía Nam của đập Láng Ga - xã An Hòa bị xói lở một đoạn dài 10 m; sâu 5m; triều cường xâm thực làm sạt lở 50m đường giao thông nông thôn trước Đồn Biên phòng 348 và ăn sâu vào nhà dân 2m; cửa Lễ Thịnh, thuộc thôn Phú Lương bị sạt lở chiều dài 209m, ăn sâu vào đất liền 20m. Tổng thiệt hại ban đầu ước gần 15 tỉ đồng. Công tác triển khai khắc phục hậu quả đang được triển khai gấp rút. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện, Nguyễn Phụng Ngoạn, các tuyến giao thông liên xã, thôn đã cơ bản thông suốt. Huyện đã vận động nhân dân dọn dẹp nhà cửa trở về nơi ở cũ.
Các hồ thủy điện ngừng xả lũ, mực nước các sông xuống thấp
BCH PCLB – TKCN tỉnh Phú Yên cho biết, đến 5g30 sáng 5/11, các hồ thủy điện Krông H’Năng, Sông Hinh và sông Ba Hạ đã ngừng xả lũ, mực nước các sông giảm mạnh. Tại Hà Bằng: 7,79m, trên báo động cấp 1: 0,29m; Sông Ba tại Củng Sơn: 29,8m, trên báo động cấp 1: 0,03m; Phú Lâm: 2,51m, dưới báo động cấp 2: 0,19m. Hiện nay lượng mưa ở Tây Nguyên và trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã giảm.
PHƯƠNG