Đến chiều 1/11, lũ lụt vẫn chia cắt nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Công tác phòng tránh lũ lụt được các cấp chính quyền địa phương và ban ngành triển khai khẩn trương.
Nước ngập đoạn đường nối từ QL1A đến xã An Chấn (huyện Tuy An) - Ảnh: H.NAM
* Tại huyện Đông Hòa, ông Huỳnh Ngọc Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCH Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) huyện cho biết, để chuẩn bị các phương án di dời dân đối phó với diễn biến phức tạp lũ lụt và tình hình xả lũ của hồ Thủy điện Sông Hinh, chiều 1/11, huyện Đông Hòa đã chuẩn bị sẵn sàng 16 thuyền máy hợp đồng trong dân để sẵn sàng cơ động di dời nhân dân ven sông Ba thuộc xã Hòa Thành. BCH PCLB-TKCN huyện đã chỉ đạo BCH PCLB-TKCN xã và lực lượng thanh niên xung kích trong đêm 1/11 phải túc trực 100% để sẵn sàng nhận lệnh.
Đến chiều qua, hai thôn Hiệp Đồng và xóm Lưới Gõ thuộc thôn Thạch Tuân 2 (xã Hòa Xuân Đông) vẫn còn bị lũ chia cắt. Ông Lê Quang Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Đông, cho biết, ở những khu vực bị ngập nước, xã đã cử lực lượng ứng trực và ứng cứu kịp thời nếu có sự cố xảy ra. Tính đến chiều ngày 1/11, trên địa bàn xã Hòa Xuân Đông có một nhà bị sập. Đoạn đường Phú Khê – Phước Tân (từ quốc lộ 1A đi xã Hòa Tâm) vẫn bị chìm trong nước lũ, riêng thôn Phước Giang (xã Hòa Tâm), nước lũ tiếp tục chia cắt, đường vào thôn vẫn bị chìm sâu trong nước. Ông Đặng Tín, Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm, cho biết, lực lượng cán bộ được xã cử xuống cùng 3 ghe máy loại lớn vẫn ứng trực tại thôn này. Xóm Gò Tròn (xã Hòa Hiệp Trung) vẫn còn bị cô lập bởi nước lụt. Ông Nguyễn Hữu Thận, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Trung, cho biết, xã đã cử lực lượng đến khu vực này để kiểm tra cuộc sống của người dân vẫn bình thường.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, khoảng 40ha nuôi tôm (tính cả những vùng nuôi cao triều), trong đó có 10ha ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch bị lũ lụt uy hiếp và có diện tích bị ngập bờ. Hiện người nuôi đang dùng lưới bao quanh khu vực hồ nuôi.
* Tại huyện Đồng Xuân, đến chiều 1/11, tràn Sông Cô ở thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) vẫn ngập khoảng 0,7m trong nước lũ; xã Xuân Sơn Bắc tiếp tục bị cô lập ngày thứ ba liên tiếp. Ông Đặng Ngọc Tân, Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Bắc, cho biết: “Chợ trung tâm xã vẫn họp bình thường nhưng chủ yếu bán hàng khô, chứ cá tươi hoặc các mặt hàng tươi sống khác từ thị trấn La Hai không thể qua tràn Sông Cô được. Riêng thôn Tân Phước đi chợ Tân Bình phải qua đò”. Chiều 1/11, cầu sông Trà Bương (xã Xuân Quang 3) vẫn ngập trong nước lũ. Học sinh ở thôn Thạnh Đức đi học phải đi vòng lên xã Xuân Phước tới Trường THCS Nguyễn Du vượt qua chặng đường gần 10km.
* Tại huyện Tuy An, nước lũ tiếp tục gây ngập đoạn đường bê tông dài 300m nối quốc lộ 1A đến thôn Phú Lương (xã An Chấn). Các cánh đồng Đụn, đồng Mếu và đồng Mốc nước mênh mông, một số diện tích lúa vụ mùa mới gieo sạ đã ngã rạp do nước lũ ngâm nhiều ngày. Một người dân ở đây cho biết, các cánh đồng này vụ chính “khát” nước, sản xuất bấp bênh, vì thế một số hộ dân tranh thủ sản xuất mùa mưa, giờ bị ngập trong lũ.
Trước đó, ngày 30/10, trong khi đang neo đậu tránh trú tại khu vực Lao Mái Nhà, chiếc thuyền có công suất 15CV của ông Phạm Ngọc Thơm, ở thôn Phước Đồng, xã An Hải đã bị sóng lớn đánh chìm, hiện vẫn chưa trục vớt được. Rất may không có thương vong về người.
* Theo số liệu thống kê của BCH PCLB-TKCN tỉnh, đến 16g ngày 1/11, nhiều đoạn đường trên các tuyến tỉnh lộ: ĐT642, ĐT644, ĐT645 vẫn còn ngập sâu từ 0,5-1,5m. Riêng địa bàn huyện Tây Hòa, các cầu Bến Nhiễu, Bến Trâu và Bến Củi vẫn ngập sâu trong nước, gây chia cắt, ách tắc giao thông. Hiện vẫn còn 20 tàu cá, 78 lao động đang hoạt động và neo đậu ở khu vực vùng biển ngoài tỉnh Phú Yên, trong đó có 2 phương tiện, 19 lao động đang đánh bắt xa bờ. Các phương tiện trên vẫn đang trong tầm kiểm soát liên lạc của Bộ đội Biên phòng tỉnh.
Ứng phó với diễn biến xấu của thời tiết, BCH PCLB-TKCN tỉnh đã huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu; duy trì các kíp trực với 100 cán bộ chiến sĩ, 5 ô tô, 5 tàu và ca nô cứu hộ, sẵn sàng cơ động khi có yêu cầu; chỉ đạo các địa phương tiếp tục khắc phục hậu quả, đồng thời triển khai thực hiện thông báo số 3, ngày 31/10 về tình hình mưa lũ và thống kê, nắm bắt tình hình thiệt hại.
Thông báo lũ khẩn cấp trên các sông trong tỉnh 24 giờ qua do ảnh hưởng của rìa phía nam áp cao lạnh lục địa có cường độ mạnh, kết hợp nhiễu động đới gió đông trên cao mạnh, nên khu vực tỉnh Phú Yên đã có mưa to đến rất to. Mực nước trên các sông trong tỉnh đang lên nhanh, đặc biệt trên sông Bàn Thạch tại xã Hòa Mỹ Tây đang lên nhanh. Mực nước đo được lúc 13 giờ ngày 1/11/2010 như sau: Sông Ba tại Củng Sơn: 27.24m Sông Đà Rằng tại Phú Lâm: 0.29m Sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng: 6.54 m. Sông Bàn Thạch tại Hòa Mỹ Tây: 10.12m. Dự báo mực nước trên các sông tiếp tục lên, có lũ ở mức báo động I- II, có sông trên báo động II, trong khoảng 12 đến 24 giờ tới, mực nước cao nhất trên các sông: Sông Ba tại Củng Sơn: 29.50m Sông Đà Rằng tại Phú Lâm: 2.00m Sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng: 8.50m. Sông Bàn Thạch tại Hòa Mỹ Tây: 11.50m. (Trung tâm DBKTTV Phú Yên)
T.HỘI – N.CHUNG – P.NAM – H.NAM – H.TRUNG – K.NHO