Đã là ngày thứ 6 (từ chiều 30/10), xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) bị chia cắt bởi nước mưa, lũ. Phương tiện duy nhất để di chuyển, liên lạc giữa các thôn với bên ngoài là xuống máy hoặc sõng câu.
Đội cứu hộ xã Hòa Thịnh ứng trực tại cầu Bến Củi 24/24 sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. - Ảnh: P.NAM
CUỘC SỐNG NƠI “ỐC ĐẢO”
Con đường liên xã từ trung tâm xã Hòa Mỹ Đông vào đến Hòa Thịnh nước đã ngập mặt đường. Cách cầu Bến Củi khoảng nửa cây số, các loại xe máy và người đi bộ đều phải dừng lại vì nước ngập quá đầu gối. Tại đây đã hình thành một bến đò dã chiến, Ban chỉ huy PCLB xã Hòa Thịnh bố trí lực lượng dân quân, thanh niên xung kích và hai xuồng máy để đưa người vào xã và ngược lại.
Cánh đồng Mên trở thành biển nước. Chiếc xuồng máy vỏ lãi bằng composite cỡ nhỏ do Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ theo chương trình giảm nhẹ thiên tai không dám chạy nhanh vì nước chảy mạnh. Phải mất 30 phút đi xuồng máy từ đầu cầu Bến Củi, vượt khoảng 3 km qua cánh đồng Mên giờ là biển nước chảy xiết, chúng tôi mới tiếp cận được với UBND xã và người dân nơi “ốc đảo” này.
Mới 4 giờ chiều, hầu như nhà nào cũng khép hờ cửa cho mưa khỏi tạt, chỉ có những “cửa hàng tạp hóa” là còn mở cửa. Thỉnh thoảng có vài người trong thôn đội mưa đến mua gói mì tôm, muối, tiêu, bột ngọt hay mớ rau củ cho bữa ăn chiều… Chị Nguyễn Thị Hưởng, một người bán tạp hóa ở thôn Mỹ Lâm, vừa lội nước bì bõm lấy hàng cho khách vừa chỉ vào mớ rau, củ, quả đã héo, cho biết: “Những thứ này tui phải đi nhờ đò từ xã ra chợ xã Hòa Mỹ Đông mua về. Giá cả đắt đỏ, một bó rau muống ngày thường chỉ 500 - 1.000 đồng, bữa nay lên tới 2.500 đồng”. Bà Trần Thị Bảy đến mua gói mì tôm, góp chuyện: “Mùa này rau củ tươi là hàng xa xỉ, nhà nào có rau ở ngoài hàng rào, ngoài vườn thì hái góp luộc ăn, hổm nay nhà tui chỉ có món mắm kho quẹt với cơm là chủ yếu, thỉnh thoảng có thêm mớ cá vụn thả lưới ở ruộng sát bên nhà”. Anh Lương Văn Bảy, phó công an xã, người đưa đò cho chúng tôi biết: “Từ ngày nước ngập, xã bị cô lập, chợ cũng không họp, thật ra chẳng có gì để bán, trời mưa suốt ngày cũng chẳng có người mua. Buổi sáng, chỉ có vài sàng thịt heo do bà con trong thôn tự mổ, bày bán trên đường”.
Hàng chục ngàn ngôi nhà ở xã Hòa Thịnh bị ngập sâu trong biển nước. - Ảnh: P.NAM |
Chúng tôi ghé vào một gia đình đang ăn bữa cơm chiều, trên mâm cơm chỉ có mắm, cá đồng kho khô và mớ rau tập tàng luộc. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thịnh Đinh Phú Tân cho biết: “Người dân ở đây đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm tương đối đầy đủ, dời đồ đạc lên nơi cao ráo và sẵn sàng “chạy lụt” khi nước lên. Có bị cô lập thêm vài ngày nữa cũng không đến nỗi đói do thiếu lương thực, nhưng sẽ rất khó khăn”. Điều mà chính quyền địa phương và người dân lo lắng nhất lúc này là mưa trắng trời, biết bao giờ nước rút để đi lao động kiếm tiền. Lúa vụ 12 đang trà lớn giờ đã ngập sâu trong nước lũ. Trưởng thôn Mỹ Cảnh Lê Trọng Đa buồn rầu: “Cả cánh đồng bị ngập nước nhiều ngày nay, 40 ha lúa vụ 12 của bà con coi như mất trắng”.
Xã Hòa Thịnh bị chia cắt với bên ngoài đã 6 ngày. Trong xã có 3 thôn Mỹ Xuân 1, Mỹ Cảnh và Cảnh Tịnh bị cô lập hoàn toàn, muốn đến phải đi bằng xuồng, hơn 50 nhà ở các thôn nói trên bị ngập. Theo UBND xã, hiện chưa thể xác định mức độ thiệt hại về giao thông, thủy lợi vì còn ngập trong nước lũ. Toàn xã có 92 ha lúa vụ 12 bị ngập sâu trong nước, chắc chắn là mất trắng; 70 ha mía, hơn 2 ha rau màu các loại cũng bị ngập trong lũ; 2 nhà dân có nguy cơ sập, 2 hộ đói.
NHỮNG HOÀN CẢNH ÉO LE
Chúng tôi có mặt ở trụ sở Ban chỉ huy PCLB xã đúng lúc anh Đinh Phú Tân vừa về. Anh Tân cho biết vừa đi đám tang ở thôn Mỹ Cảnh.
Thời điểm này, ở “ốc đảo” Hòa Thịnh không tìm đâu ra trảng đất không ngập nước làm chỗ nằm cho người chết. Xã, thôn phải huy động lực lượng thanh niên xung kích cùng gia đình quây chắn một khoảng đất bằng bạt, cừ cây xung quanh mới đào được huyệt. Đào xuống tới đâu, nước theo tới đó, phải dùng gàu múc nước lên. “Mồ hôi trôi trong mưa, nước mắt trôi trong mưa, xót xa lắm anh ạ!” - giọng anh Tân chùng xuống. Từ ngày xã Hòa Thịnh bị nước cô lập đến nay, đã có hai đám tang như vậy.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thịnh Đinh Phú Tân và trưởng thôn Mỹ Lâm Nguyễn Hữu Tình đưa chúng tôi đến nhà hai gia đình có nguy cơ thiếu đói không chỉ trong mùa lũ này mà thiếu đói dài dài. Đó là gia đình bà Huỳnh Thị Lòng và chị Trần Thị Liên.
Phương tiện đi lại là xuồng máy hoặc sõng câu. - Ảnh: T.Q
Để vào được nhà bà Huỳnh Thị Lòng, chúng tôi phải lội khi nước ngập tới thắt lưng. Nước đã lên tới thềm nhà. Nền nhà ẩm ướt, căn phòng bà Lòng nằm cũng ẩm ướt. Bà Lòng bị tai biến khi đang chăn bò từ 5 năm trước, phải nằm một chỗ. Người con út của bà là Võ Văn Lâm, 26 tuổi, bị tai nạn giao thông, tai biến không đi lại được, việc vệ sinh, ăn uống phải có người chăm sóc. Hai mẹ con bệnh đau sống chung một nhà, và gánh nặng đặt lên đôi vai của vợ chồng người con cả tên Võ Văn Dũng ở gần đó. Hàng ngày, tới bữa là anh mang cơm sang cho mẹ và em trai, rồi lo giặt giũ, vệ sinh, cứ như vậy đã nhiều năm nay. Gia đình anh chỉ dựa vào mấy sào ruộng và thuộc diện hộ cận nghèo.
Hoàn cảnh của gia đình chị Trần Thị Liên cũng éo le không kém. Lúc chúng tôi đến, trong nhà chỉ có cháu Nguyễn Thị Thanh Tuyền, 13 tuổi, con chị, đang nấu cơm, anh trai cháu lo đi dắt bò tránh lũ, còn chị Liên đang nằm viện. Trưởng thôn Mỹ Lâm Nguyễn Hữu Tình cho biết, chị Liên bị ung thư đại tràng, đã phẫu thuật ở TP Hồ Chí Minh, giờ phải điều trị tiếp tục ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong căn nhà gạch chưa tô trát không có gì đáng giá. Tài sản duy nhất của gia đình chị là con bò cái được mua bằng vốn vay ưu đãi dành cho người nghèo. Hiện chị Liên sống nhờ vào bát cháo chén cơm của bếp ăn từ thiện ở bệnh viện, còn con gái thì nhờ vào tình thương của bà con chòm xóm và và các đoàn thể.
Gia đình bà Huỳnh Thị Lòng và chị Trần Thị Liên đang rất cần sự quan tâm giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng.
TRẦN QUỚI - PHƯƠNG