* Các cầu qua sông Bánh Lái ngập sâu hơn một mét
* Đông Hòa: Một người chết đuối
* Lưới điện bị đứt gây mất điện cục bộ nhiều nơi
Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện Tây Hòa, trong 3 ngày qua tại khu vực xã Hòa Mỹ Tây (Tây Hòa) có mưa to đến rất to với lượng mưa lên đến 219,2 mm làm nước sông Bánh Lái dâng cao, đạt mức 10,56 m tại Hòa Mỹ Tây đã gây ngập úng cục bộ, chia cắt một số khu dân cư ở những vùng thấp ven sông tại các xã Hòa Mỹ Tây, Hòa Mỹ Đông, Hòa Thịnh, Hòa Đồng.
Lúc 13g ngày 30/10, các cầu qua sông Bánh Lái như Bến Nhiễu (Hòa Mỹ Tây), Bến Trâu (Hòa Mỹ Đông) và Bến Củi (Hòa Thịnh) đều ngập nước, đến 19g cùng ngày, các cầu này đều bị chìm trong nước, ngập dưới 1m nước. Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Tây Hòa Nguyễn Hữu Pháp cho biết: Cầu Bến Củi nằm giữa Hòa Thịnh và Hòa Đồng là huyết mạch giao thông đối với xã Hòa Thịnh có nhiều phương tiện giao thông qua lại nên ngay khi nước lên tràn qua cầu, UBND xã Hòa Thịnh đã huy động lực lượng xung kích của xã có mặt để cứu hộ, đồng thời xã Hòa Thịnh đã bố trí 2 chiếc thuyền đưa đón người qua lại, bảo đảm an toàn.
Người dân và cứu hộ phối hợp tìm xác ông Cư.
* Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 30/10, trong lúc lùa trâu qua sông Đập Hàn (gần cầu Đập Hàn), thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam (Đông Hòa) anh Phạm Đình Quốc bất ngờ bị sụp lòng chảo trong tình trạng sắp chết đuối, nhưng nhờ được người dân cứu vớt kịp thời nên thoát chết. Nghe tin chưa rõ đầu đuôi, ông Phạm Đình Cư (53 tuổi, cha đẻ Quốc) mượn sõng (thuyền nan) của người dân trong xóm chèo qua sông Đập Hàn chở con tới bệnh viện cấp cứu. Nhưng do nước chảy xiết nên mới chỉ qua được 2/3 con sông thì sõng bị đánh úp, ông Cư bị nước cuốn trôi mất tích. Ngay sau đó, huyện đội Đông Hòa, chính quyền địa phương và người dân nhanh chóng tổ chức tìm kiếm xác ông Cư. Đến 11g ngày 31/10, xác ông Cư đã được tìm thấy.
Tại huyện Đông Hòa, mưa lớn cộng với nước sông Bàn Thạch đang dâng cao đã uy hiếp nhiều khu dân cư và nhiều vùng nuôi tôm. Đoạn đường Phú Khê – Phước Tân (từ quốc lộ 1A đi xã Hòa Tâm) nhiều đoạn đã bị chìm ngập trong nước, có đoạn ngập hơn 1m, không thể lại đi được. Thôn Phước Giang đã bị chia cắt từ chiều ngày 30/10. Ông Đặng Tín, Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm, cho biết: “Hiện ở thôn Phước Giang có 86 hộ dân đang sinh sống, đường đi vào thôn ngập khoảng hơn 1m, xã đã cử lực lượng cùng 3 ghe máy loại lớn ứng trực tại thôn này từ chiều 30/10. Hiện tại chưa thể di dời dân vì ghe máy bị vướng các hồ nuôi tôm, nếu nước tràn ngập vào nhà dân thì chúng tôi sẽ triển khai sơ tán dân đến vùng an toàn dưới sự hỗ trợ của lực lượng phòng chống lụt bão của huyện…”.
Tại xã Hòa Hiệp Trung, tàu thuyền đã được lực lượng bộ đội biên phòng Đồn biên phòng Hòa Hiệp hướng dẫn vào khu neo đậu an toàn. Ông Nguyễn Hữu Thận, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Trung, cho biết: “Tất cả tàu thuyền trên địa bàn xã đã đưa vào khu neo đậu ở Vũng Rô và lạch sông cuối thôn Phú Thọ 3 (Hòa Hiệp Trung). Hiện trên địa bàn xã có một xóm Gò Tròn đang bị nước lụt chia cắt. Xóm này có 62 hộ dân, lãnh đạo huyện đã trực tiếp về chỉ đạo, nếu nước sông tiếp tục lớn, huyện sẽ hỗ trợ phương tiện và lực lượng cùng địa phương di dời 62 hộ dân này đến khu vực an toàn…”.
Ông Huỳnh Ngọc Sương, Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Đông Hòa, cho biết: Hiện những vùng trọng yếu trên địa bàn huyện, Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện đã chỉ đạo cho các địa phương lên phương án và triển khai công tác phòng chống lụt bão, thiên tai với phướng án 4 tại chỗ. Đồng thời, khi có thiên tai, lụt bão xảy ra các địa phương có báo cáo thường xuyên để huyện có kế hoạch và triển khai phương án ứng cứu kịp thời. Hiện nước sông Bàn Thạch đang dâng cao, lãnh đạo huyện đã trực tiếp về những địa phương, những vùng xung yếu có khả năng và bị ngập lụt để chỉ đạo công tác phòng tránh và di dời dân đến nơi an toàn. Đồng thời chỉ đạo các địa phương nằm dọc sông Bàn Thạch có phương án di dời dân tránh những khu vực có khả năng nước sông xâm thực gây sạt lở…
* Ông Lê Minh Trung, Phó giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên cho biết “Gió lớn ở một số khu vực ven biển đã làm nhiều cây cối bị ngã, cành đổ khiến một số đoạn đường dây lưới điện bị đứt, làm nhảy máy cắt gây cúp điện cục bộ ở nhiều địa phương. Các địa phương xảy ra sự cố nhiều nhất là TP Tuy Hòa (phường 2, phường 7), Thị xã Sông Cầu (các xã Xuân Lộc, Xuân Cảnh, Xuân Hải), hai huyện Phú Hòa và Đông Hòa cũng có nhiều địa phương xảy ra tình trạng mất điện cục bộ. Các đơn vị đã kịp thời khắc phục sự cố đóng điện lại. Ban chỉ huy PCLB Công ty Điện lực Phú Yên đã chỉ đạo các chi nhánh điện lực địa phương, đơn vị trực thuộc triển khai ngay phương án PCLB của đơn vị, tăng cường nhân viên trực tác chiến 24/24/, kịp thời báo cáo xử lý tình huống cần thiết.
TIN THỜI TIẾT NGUY HIỂM Lúc 10g ngày 31/10, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên ra Thông báo số 3 về tin thời tiết nguy hiểm cho biết: Do ảnh hưởng của gió đông bắc mạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao và một vùng áp thấp ở vào khoảng 5 – 7 độ vĩ Bắc, 108 – 109 độ kinh Đông, nên các tỉnh nam Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa trong hai ngày nay (từ 30/10 – 7h ngày 31/10) phổ biến trong khoảng 100 – 250mm; điển hình một số nơi trên địa bàn tỉnh có mưa lớn, lượng mưa từ 1 giờ ngày 30/10 đến 19 giờ ngày 30/10 tại các trạm đo: Phú Lâm: 154,7mm, Tuy Hòa: 166mm, Hòa Mỹ Tây: 219,2mm, Sông Hinh: 126,5mm. Dự báo trong đêm 31/10 ở khu vực giữa và nam Biển Đông, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7; kèm mưa dông, sóng biển cao từ 3 – 5m; Biển động mạnh; Các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông cần đề phòng có tố, lốc và gió giật mạnh. Để chủ động phòng, tránh mưa, lũ và diễn biến của vùng áp thấp, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và TKCN tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương và nhân dân: 1. Thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết về khu vực thời tiết nguy hiểm để di chuyển ra khỏi hoặc tránh đi vào khu vực này; 2. Tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền còn đang hoạt động trên các ngư trường để giữ liên lạc kịp thời, đối phó với tình huống xấu có thể xảy ra; 3. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sống ở các vùng trũng thấp vùng ven sông, suối vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thường xuyên bị lũ chia cắt, ven hạ lưu hồ chứa nước lớn để chủ động tổ chức sơ tán dân; chuẩn bị dự trữ lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa, lũ lớn xảy ra; 4. Tiếp tục kiểm tra các hồ chứa nước trên địa bàn, phát hiện và xử lý kịp thời những sự cố để đảm bảo an toàn công trình; chuẩn bị đầy đủ lương thực, vật tư, phương tiện sẵn sàng đối phó với tình huống xấu có thể xảy ra; 5. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; 6. Tổ chức trực lãnh đạo nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về UBND Tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và TKCN tỉnh.
NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ