* Đã có 5 người chết và mất tích, 3 nhà sập
Theo báo cáo cuối ngày 3/11 của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh Phú Yên, do hôm qua, các hồ thủy điện giảm lưu lượng xả lũ nên mực nước hạ lưu sông Ba xuống chậm, song lũ còn ở mức cao nên vẫn còn nhiều vùng dân cư tiếp tục bị cô lập, chia cắt.
Để vượt cầu Bến Củi trên đường liên xã Hòa Mỹ Đông - Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa), người dân chỉ có thể đi bằng đò - Ảnh: A.BANG
THIỆT HẠI NẶNG VỀ NGƯỜI
Qua tổng hợp sơ bộ của Ban chỉ huy PCLB- TKCN tỉnh, toàn tỉnh có 5 người chết và mất tích (Phạm Đình Cư 55 tuổi ở thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa lật thuyền nan khi đi chăn trâu lúc 12g ngày 30/10, tìm được xác lúc 10g55 ngày 31/10; Lê Thị Thanh Hương 13 tuổi, trên đường đi học về bị nước cuốn trôi tại cầu tràn thôn Thạnh Phú, xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa tìm được xác lúc 14g ngày 2/11; Đặng Hồng Kỳ 50 tuổi ở thôn Lãnh Cao, xã Xuân Lãnh bị nước cuốn trôi khi đi qua tràn Soi Dâu lúc 21g ngày 1/11, đã tìm thấy xác lúc 9g ngày 2/11; Đặng Thị Mai, 24 tuổi, con ông Kỳ, bị nước cuốn trôi cùng cha, chưa tìm thấy xác; Trần Minh Dương, 21 tuổi, ở thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1 đi qua đường bị nước cuốn trôi tối 2/11, tìm thấy xác lúc 10g ngày 3/11). Có 2083 ngôi nhà bị ngập nước, trong đó có 3 nhà sập hoàn toàn, 5 nhà xiêu vẹo.
Về sản xuất nông nghiệp: có 850ha lúa mùa đang làm đồng bị ngập (Tây Hòa: 120ha; Đồng Xuân: 570ha, Tuy An: 160ha); 1.006ha mía bị ngập, ngã đổ: (Tây Hòa: 250ha; Đồng Xuân: 500ha; Sơn Hòa: 256ha); 370ha sắn bị ngập (Tây Hòa: 85ha; Đồng Xuân: 177ha; Sơn Hòa: 45ha); có 2 chiếc thuyền đánh cá đang neo đậu ở xã An Hải, huyện Tuy An bị sóng đánh vỡ.
Sơ bộ ước giá trị thiệt hại toàn tỉnh: 95 tỉ đồng; trong đó chưa tính giá trị thiệt hại các công trình giao thông, thủy lợi còn ngập trong nước.
CÁC ĐƯỜNG TỈNH TIẾP TỤC TÊ LIỆT
Trên tất cả các tuyến tỉnh lộ vẫn còn nhiều nơi bị ngập gây ách tắc giao thông. Riêng ĐT645B (đường Phước Tân - Bãi Ngà), mái ta luy dương tiếp tục sạt lở làm một khối lượng đất đá lớn phủ kín mặt đường, cao đến 1,2m. Ngay trong ngày, Sở Giao thông - Vận tải huy động lực lượng xe máy của Công ty TNHH một thành viên Quản lý và xây dựng đường bộ Phú Yên xử lý điểm sạt lở này. Trong khi đó, trên ĐT641, đoạn gần thôn Mục Thịnh, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân có 2 đoạn đường bị xói lở 1/3 nền đường; đoạn 1 dài 18m, rộng 2,3m, sâu 2,5m; đoạn 2 dài 8m, rộng 1,5m, sâu 1,5m gây khó khăn cho các loại xe qua lại.
Có 2 đập thủy lợi nhỏ bị hư hại: Xói lở 10m vai đập Láng Ga, 10m chân rọ đá gia cố mái đập Đồng Ngang (An Hiệp, Tuy An); 120m kênh mương ở các huyện Phú Hòa, Tuy An, Đồng Xuân bị sạt lở; hệ thống kênh mương ở Sơn Hòa bị bồi lấp 700m3.
VỪA ỨNG CỨU, VỪA KHẮC PHỤC HẬU QUẢ
Do ngập lụt trước đó, các địa phương đã triển khai các biện pháp ứng cứu, cho học sinh trong vùng ngập lụt nghỉ học, đồng thời triển khai sơ tán dân cư ở vùng ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng cửa sông. Có 832 hộ với 2.730 dân đã được sơ tán trong ngày 2/11 (Tuy An: 39 hộ, 102 dân; Đồng Xuân: 560 hộ, 2.112 dân; Sông Cầu: 87 hộ, 305 dân; Phú Hòa: 116 hộ, 396 dân; Sơn Hòa: 30 hộ, 120 dân). Chiều ngày 3/11, ở những vùng nước lũ rút, nhiều hộ dân đã trở về nhà; chính quyền cơ sở đã tiếp cận được với vùng bị lũ chia cắt để nắm tình hình thiệt hại, có biện pháp hỗ trợ nhân dân kịp thời.
Dự báo mực nước các sông lên trở lại Lúc 15g ngày 3/11, Ban chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh Phú Yên ra thông báo số 7 về thời tiết nguy hiểm, tình hình xả lũ của các hồ thủy điện và lũ trên các sông, cho biết: Hiện nay một đợt không khí lạnh đang tăng cường xuống phía Nam, kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao và hoàn lưu vùng thấp ở vào khoảng 12-14 độ vĩ Bắc, 111-113 độ kinh Đông đang di chuyển về hướng Tây. Do đó vùng biển Phú Yên có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9-10, biển động rất mạnh; trong đất liền trên địa bàn tỉnh và Tây Nguyên (thượng nguồn các sông trong tỉnh) có mưa vừa, mưa to đến rất to. Dự báo trong 12-24 giờ tính từ thời điểm trên, mực nước các sông trong tỉnh lên trở lại, có khả năng ở mức báo động cấp III, có sông trên báo động cấp III.
Đến chiều 3/11, trên địa bàn huyện Đông Hòa vẫn còn hơn 3.530 hộ dân ở 5 xã bị uy hiếp bởi nước lũ. Các thôn Hiệp Đồng (xã Hòa Xuân Đông), Phú Lễ (xã Hòa Thành), Tân Đạo (xã Hòa Tân Đông) và Gò Tròn (xã Hòa Hiệp Trung) vẫn còn bị chìm sâu trong lũ, các tuyến đường giao thông đến các thôn này đều bị chia cắt, việc đi lại chủ yếu bằng ghe, sõng. Theo Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Đông Hòa, đã có 1 người chết, 1 người bị thương, 3 căn nhà bị sập và 1.345 nhà bị ngập sâu trong nước. Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Đông Hòa chỉ đạo UBND các xã triển khai các phương án phòng, chống lũ, ngập lụt, theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các sông; kiểm tra rà soát các khu dân cư thuộc vùng trũng thấp, thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Điều động 2 chiếc canô đến xã Hòa Thành để ứng cứu di dời các hộ dân bị ngập lụt đến nơi an toàn.
Tại huyện Tuy An, ngôi nhà cấp 4 của ông Lê Dài, trú khu phố Trường Xuân, thị trấn Chí Thạnh bị gió làm tốc mái tôn, thiệt hại 50%. Học sinh các trường phía bắc huyện sáng 3/11 vẫn được cho nghỉ học. Tại xóm An Vũ, thôn Phú Hội và thôn Phú Lương (xã An Ninh Đông), lực lượng thanh niên xung kích, phối hợp với cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng An Ninh dùng 2.000 bao cát làm bờ bao để chắn sóng, không cho triều cường xâm thực thêm vào đất liền thuộc 2 thôn nói trên. Ban Chỉ huy PCLB-TKCN và chính quyền các địa phương ven biển ở huyện Tuy An đã hỗ trợ và trích ngân sách mua hơn 8.000 chiếc bao tải, huy động nhân dân vào cát đắp chắn tạm thời bờ biển tại các khu vực có nguy cơ xảy ra triều cường như Mỹ Quang Nam (An Chấn), Phú Thường (An Hòa), Lễ Thịnh, An Vũ (An Ninh Đông) và Phước Đồng (An Hải) nhằm tránh tình trạng triều cường uy hiếp gây hại cho hơn 800 hộ dân đang sống tại đây.
Tại TX Sông Cầu, ngày 3/11, các lực lượng chức năng đã thông báo cho nhân dân biết tình hình mưa, lũ để chủ động đối phó; sẵn sàng phương tiện, lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sơ tán và bảo vệ tài sản cho những hộ dân cần phải di dời tránh lũ; kiểm tra các khu dân cư vùng trũng thấp, vùng ven sông, ven biển, ven suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, đá để hướng dẫn nhân dân sẵn sàng ứng phó hiệu quả; tổ chức neo đậu tàu thuyền ở bến bãi đúng quy định; kiểm soát chặt chẽ không để tàu thuyền đánh bắt trong đầm, vịnh. Thị xã đã cưỡng chế 17 tàu thuyền neo đậu tại lưu vực sông Tam Giang đến nơi neo đậu tránh trú bão theo quy định; 234 bè, 10.000 lồng nuôi tôm hùm, 658 lồng nuôi cá mú được thả sát đáy và chằng chống kỹ lưỡng. Ngày 3/11, học sinh các trường trên địa bàn thị xã được nghỉ học.
Lãnh đạo Sở Y tế Phú Yên đã đi kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị cấp cứu tại các đơn vị y tế tuyến huyện và tuyến xã. Sở Y tế yêu cầu các tổ cấp cứu lưu động tại các bệnh viện huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ các trạm y tế về trang thiết bị, phương tiện và nhân lực để sẵn sàng cấp cứu tại chỗ các trường hợp tai nạn, thương tích, bệnh tật không tiếp cận được các cơ sở điều trị. Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch hỗ trợ cho Phú Yên 30 cơ số thuốc cấp cứu và 100 áo phao để ngành Y tế Phú Yên phục vụ công tác cấp cứu bệnh nhân tại những nơi xảy ra ngập lụt. Trước mắt, ngành Y tế Phú Yên cũng đã phân bổ các cơ số thuốc cấp cứu do tổ chức Unicef tài trợ về hỗ trợ cho các tuyến y tế cơ sở.
Các trạm y tế xã cần thống kê nhanh số giếng nước bị ngập để có kế hoạch xử lý nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, ngay khi nước rút. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đã cấp 540.000 viên Cloramin B và 385kg Cloramin B cho các đơn vị y tế xã, phường để chủ động trong công tác xử lý nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm.
NHÓM PV KINH TẾ - M.HUYỀN –
H.ANH – K.NHO – K.BA – Q.HỘI