Lúc 15g ngày 03/11, Ban chỉ huy PCLB – TKCN ra thông báo số 7 về thời tiết nguy hiểm, tình hình xả lũ của các hồ thủy điện và lũ trên các sông.
Thông báo nêu rõ: Trong các ngày qua, trên địa bàn tỉnh và thượng nguồn các sông đã có mưa to đến rất to, lượng mưa từ đêm 29/10 đến 13g ngày 03/11 phổ biến trong khoảng 250 – 740mm; cụ thể tại các trạm đo: Hà Bằng: 279,3mm, Củng Sơn: 367,1mm, Phú Lâm: 507,6mm, Tuy Hòa: 546,4mm, Hòa Mỹ Tây: 740,3mm, Sông Hinh: 524,1mm, Sông Cầu: 249,9mm; làm cho mực nước các sông lên nhanh; Hồ Thủy điện Sông Hinh đã phải xả đón lũ với lưu lượng 300m3/s lúc 19g ngày 1/11 và tăng dần lên 900 - 2.700m3/s, đến 18g ngày 02/11 giảm dần lưu lượng xả, đến 13g ngày 3/11 còn xả 1.000 m3/s; Hồ Thủy điện Krông H’Năng (bậc trên của hồ Thủy điện Sông Ba Hạ) đã phải xả đón lũ với lưu lượng 729m3/s lúc 23g30 ngày 1/11 và tăng dần lên 2.008m3/s, đến 20g ngày 2/11 giảm dần lưu lượng xả, đến 4g ngày 3/11 đóng tất cả các cửa tràn; Hồ Thủy điện Sông Ba Hạ phải xả đón lũ với lưu lượng 800m3/s lúc 7g ngày 02/11 và tăng dần lên 6.120m3/s, đến 1g ngày 3/11 giảm dần lưu lượng xả, đến 13g ngày 3/11 còn xả 3.520m3/s.
Đến trưa và đêm hôm qua (2/11) mực nước các sông đã đạt đỉnh ở mức trên báo động cấp III: 0,11-0,35m và xuống chậm. Lúc 13g ngày 3/11 mực nước sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng: 7,72m (trên báo động cấp I: 0,22m); sông Ba tại Củng Sơn: 32,53m (trên báo động cấp II: 0,53m), tại Phú Lâm: 3,33m (dưới báo động cấp III: 0,37m); sông Bánh Lái tại Hòa Mỹ Tây: 10,55m.
Hiện nay một đợt không khí lạnh đang tăng cường xuống phía Nam, kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao và hoàn lưu vùng thấp ở vào khoảng 12-14 độ vĩ Bắc, 111,0-113,0 độ kinh Đông đang di chuyển về hướng Tây. Cho nên vùng biển Phú Yên có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9-10, biển động rất mạnh; trong đất liền trên địa bàn tỉnh và Tây Nguyên (thượng nguồn các sông trong Tỉnh) có mưa vừa, mưa to đến rất to. Dự báo trong 12-24 giờ tới mực nước các sông lên trở lại, có khả năng ở mức báo động cấp III, có sông trên báo động cấp III.
Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị, và nhân dân: Tiếp tục duy trì các phương án phòng tránh lũ, ngập lụt; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng ven sông suối, vùng trũng thấp để sơ tán dân đề phòng mực nước các sông lên trở lại và thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh; Tiếp tục thông báo cho tàu thuyền biết để chủ động phòng tránh, tìm nơi trú ẩn và tổ chức neo đậu chắc chắn, chống bừa neo, trôi dạt, đảm bảo an toàn. Kiểm đếm tàu thuyền còn hoạt động trên các ngư trường, giữ liên lạc để xử lý khi khi có tình huống xấu xảy ra; Các đơn vị quản lý hồ chứa theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa để phối hợp vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạn chế mức độ ngập lụt hạ du; thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và TKCN… Đưa hàng hóa, thiết bị, vật tư, lương thực, lúa giống… lên cao, đến nơi an toàn; Những đơn vị đang thi công trên các sông, suối, vùng trũng thấp cần di dời, sơ tán người và thiết bị, vật tư đến nơi an toàn; Bố trí lực lượng ở vùng ngập sâu, nước chảy xiết để bảo vệ dân cư; nghiêm cấm đi lại trong vùng ngập sâu, nước chảy xiết, vớt củi trên các sông suối; không được chủ quan khi đi lại trong vùng ngập lụt; Tùy từng địa bàn cụ thể cho học sinh nghỉ học và có kế hoạch học bù đảm bảo chương trình khi lũ rút; Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng tham gia ứng cứu khi tình huống xấu xảy ra; Kiểm tra, nắm tình hình ảnh hưởng lũ lụt nhất là đối với các công trình và kịp thời khắc phục không để hư hỏng thêm; Tổ chức trực ban nghiêm túc, không chủ quan lơ là; theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, nắm tình hình thiệt hại do lũ lụt gây ra và thường xuyên liên lạc về UBND Tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và TKCN Tỉnh.
PV