* Lãnh đạo tỉnh kiểm tra việc xả lũ của các hồ thủy điện
* Phú Lương đối mặt với lũ và triều cường
Trong ngày 2/11, mưa lớn tiếp tục trút xuống, kết hợp với các hồ thủy điện xả lũ đã làm cho nhiều khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh Phú Yên bị ngập trong biển nước. Nhiều tuyến đường tỉnh lộ, liên xã bị ách tắc; hàng ngàn hộ dân phải di dời đến nơi an toàn. Trước tình hình này, UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các hồ thủy điện phải thường xuyên báo cáo tình hình xả lũ, đồng thời yêu cầu các địa phương huy động lực lượng ứng cứu dân.
Nhiều vùng ở huyện Đồng Xuân chìm trong biển nước - Ảnh: H.NAM |
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, một đợt không khí lạnh đang tăng cường xuống phía
* Tại huyện Đồng Xuân, dù nằm ngoài vùng ảnh hưởng xả lũ của các hồ thủy điện, nhưng vẫn hứng chịu đợt lũ lớn nhanh đến bất ngờ. Lúc 1g ngày 2/11, nước lên nhanh tràn vào hàng ngàn nhà dân tại khu vực gò Cốc (xã Xuân Quang 2), thôn Triêm Đức (xã Xuân Quang 3), xóm Giữa , Long Hà (thị trấn La Hai), xóm Soi (xã Xuân Sơn Bắc); gây mất điện tại khu vực thị trấn La Hai, xã Xuân Phước, Xuân Quang 1; đường ĐT641 từ Chí Thạnh nối hai huyện Tuy An và Đồng Xuân bị chia cắt nhiều đoạn, gây ách tắc giao thông. Trước tình hình này, ngay sáng ngày 2/11 huyện Đồng Xuân điều 2 ca nô sơ tán 196 hộ dân với 735 người đến nơi an toàn; giải cứu 13 công nhân của Công ty xây dựng Rạng Đông đang thi công đường ĐT642 từ thị trấn La Hai đi xã Xuân Phước bị mắc kẹt giữa dòng nước lũ. Ngoài ra, cơ quan Quân sự huyện Đồng Xuân cấp 300 áo phao cho 11 xã, thị trấn triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn.
Đến 15g chiều 2/11, toàn bộ 9 xã của huyện Đồng Xuân đều bị ngập chìm trong nước lũ, Điện lực Đồng Xuân buộc phải cắt điện để bảo đảm an toàn vận hành và tính mạng cho nhân dân. Trao đổi với Báo Phú Yên, ông Lê Minh Trung, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên cho biết: Ban PCLB của công ty đã chỉ đạo các điện lực địa phương và đơn vị trực thuộc huy động 100% cán bộ, công nhân kiểm tra hệ thống lưới, trạm và theo dõi mực nước lũ dâng để cắt điện ngay, nhằm bảo đảm an toàn vận hành và tính mạng cho nhân dân. Đồng thời các đơn vị sẵn sàng lực lượng, vật tư và phương án cấp điện trở lại khi nước rút; bảo đảm trực chiến 24/24 để kịp thời xử lý tình huống.
Để vượt qua cầu Bến Củi, người dân xã Hòa Thịnh phải lội qua biển nước - Ảnh: A.BANG |
Trước đó, lúc 8g50 ngày 2/11, người dân địa phương đã tìm thấy xác ông Đặng Hồng Kỳ (SN 1960, trú thôn Lãnh Cao, xã Xuân Lãnh) tại khu vực bờ tràn suối Mung, xã Xuân Lãnh. Trước đó, 20g ngày 1/11 ông Đặng Hồng Kỳ đi từ huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định) về xã Xuân Lãnh, khi đến khu vực sông Môn thì gọi con gái là Đặng Thị Mai (SN 1986) đi xe máy đến đón. Do nước ngập đường nên hai cha con dắt xe đi bộ qua bờ tràn suối Mung thì bị nước cuốn trôi hai cha con. Đến sáng 2/11 người dân mới tìm thấy xác ông Kỳ, cách nơi bị nạn khoảng 300m, còn người con gái của ông Ký đến nay vẫn chưa tìm thấy.
* Tại huyện Tuy An, đến trưa ngày 2/11, nước lớn từ thượng nguồn đổ về các xã phía bắc của huyện Tuy An, gây ảnh hưởng không không nhỏ đến đời sống của người dân nơi đây. Tuyến đường ĐT650 đoạn qua xã An Định và cầu Lò Gốm đi Chí Thạnh bị chia cắt hoàn toàn. Nước lớn cũng đã gây ngập 50 - 70cm hơn 200 hộ dân ở các xã An Định, An Dân, An Thạch và thị trấn Chí Thạnh. Để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, thị trấn Chí Thạnh đã di dời 10 hộ, với 30 người tại khu vực Chòm Bầu (khu phố Ngân Sơn) lên tạm trú tại Trường tiểu học thị trấn Chí Thạnh số II. Tại xã An Hải sóng đánh chìm hai chiếc tàu cá công suất 24 CV của ông Hoàng Sĩ Nho, tàu cá công suất 15 CV của ông Phạm Ngọc Thơm đang neo đậu tại địa phương. Mưa, lũ cũng đã làm sạt lở 10m, sâu 5m đầu khui phía nam của đập Láng Ga (xã An Hòa). Tại xã An Ninh Đông, chính quyền địa phương cũng đã di dời ba hộ, với 12 người trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Học sinh tại các xã phía bắc của huyện phải nghỉ học.
Hiện trên địa bàn huyện đã có 5 xã bị chia cắt gồm: An Định, An Thạch, Anh Nghiệp, An Ninh Tây, An Ninh Đông. Ban chỉ huy PCLB - TKCN huyện Tuy An đã chỉ đạo các xã, thị trấn sơ tán 39 hộ, với 102 người ở các vùng trũng thấp lên vùng cao, an toàn. Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, Trưởng ban PCBL-TKCN huyện cho biết: Việc làm khẩn cấp hiện nay là chỉ đạo UBND các xã khẩn trương sơ tán các hộ dân trong vùng trũng ngập. Huyện đã cấp phát bổ sung cho các xã (mỗi xã 5 bộ áo phao, phao tròn) cho lực lượng dân quân, xung kích, 3 chiếc ca nô (2 của lực lượng công an, 1 của quân đội) và lực lượng sẵn sàng ứng cứu…
Sõng nan, xe công nông trở thành phương tiện chính của người dân Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) những ngày qua - Ảnh: A.BANG |
* Tại huyện Tây Hòa, sáng 2/11 mưa lớn, nước thượng nguồn đổ về nhiều khiến toàn xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) tiếp tục ngập sâu. Mực nước sông Bánh Lái dâng cao, hơn 30 nhà dân bị ngập nước, đường sá bị chia cắt. Tại cầu Bến Củi, nơi nối liền giữa xã Hòa Thịnh - Hòa Đồng, nước tiếp tục dâng cao, người dân phải đi lại bằng xuồng máy. Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thịnh cho biết: “Xã có 33 ngôi nhà bị ngập, trên 25m3 đất bị sạt lở, công trình xây dựng chợ Hòa Thịnh bị xói nặng chưa thể xác định mức độ thiệt hại. Học sinh tiểu học và THCS của xã nghỉ học ba ngày nay”. Tại xã Hòa Mỹ Tây, lúc 9g sáng ngày 2/11 nước lũ đã phủ trắng các cánh đồng trên địa bàn, gây ngập lụt cục bộ ở thôn Mỹ Thành và Ngọc Lâm, làm ảnh hưởng khoảng 400 hộ dân. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập sâu gần 1m, ách tắc giao thông và chia cắt nội vùng. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ Tây cho biết, nước lũ tiếp tục dâng cao và khả năng sẽ gây lụt lớn tại các địa bàn trũng thấp, gần sông, suối, nếu các hồ thủy điện tiếp tục xả lũ và mưa lớn ở thượng nguồn. Địa phương đã chuẩn bị đầy đủ người và phương tiện cứu hộ sẵn sàng sơ tán dân và ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu. Cầu tràn qua sông Bánh Lái như Bến Nhiễu, Bến Trâu, Bến Củi đã bị ngập sang ngày thứ ba.
Trước đó khoảng 16g chiều ngày 1/11, em Lê Thị Thanh Thưởng (SN 1997), học sinh Trường THCS Tây Sơn (xã Hòa Mỹ Tây) trên đường đi học, khi về qua cầu tràn Quảng Mỹ (khu vực bầu Quang) bị nước cuốn trôi cùng xe đạp. Đến 14g20 hôm qua, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm thấy xác em Thưởng.
* Tại TX Sông Cầu, mưa suốt 2 ngày qua đã làm một số khu vực bị ngập nước, đe dọa các thôn Long Thạch, Thạch Khê (xã Xuân Lộc); các phường Xuân Lâm, Xuân Yên, Xuân Thành thuộc nội thị. Không chỉ có người dân các xã, phường nói trên lo nước dâng cao, nhiều hộ gia đình ở những khu vực lân cận, nhất là những vùng giáp với biển, ven sông, suối đều đã ở trong tư thế sẵn sàng di chuyển khi có lệnh của chính quyền địa phương. Các đơn vị thi công kè chống xói lở hạ lưu sông Tam Giang, kè mở rộng khu dân cư nội thị TX Sông Cầu cũng đã di chuyển toàn bộ thiết bị, xe máy lên khu vực cao ráo. Đến chiều 2/11, UBND TX Sông Cầu cử đoàn công tác kiểm tra việc phòng chống bão lụt tại một số xã có nguy cơ ngập lụt hoặc bị triều cường đe dọa.
*Tại huyện Phú Hòa, đến 16g ngày 2/11, huyện Phú Hòa đã sơ tán các hộ dân tại các khu vực dân cư ven sông Ba đang bị nước lớn uy hiếp. Tổng số có 622 hộ dân với 2.260 người ở xóm Bến (xã Hòa Hội), xóm Bún (xã Hòa Định Tây) và các thôn Phú Lộc, Phong Niên thuộc xã Hòa Thắng. Trong đó thôn Phú Lộc là nơi có đoạn bờ sông bị sạt lở, xâm thực; chính quyền địa phương đã huy động toàn bộ lực lượng đưa người già, trẻ em đi sơ tán. Ông Lê Ngọc Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết, nước sông Ba đang lên rất nhanh nên huyện chỉ đạo các xã quyết liệt sơ tán dân đến nơi an toàn, trường hợp nào chống đối sẽ bị cưỡng chế.
* Tại TP Tuy Hòa, chiều tối qua, nước bắt đầu tràn lên một số đoạn đường ở vị trí thấp như đoạn đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Trần Hưng Đạo, Duy Tân..., trong đó đoạn đường Nguyễn Trãi từ ngã tư Nguyễn Trãi - Lê Lợi đến ngã tư Nguyễn Trãi - Trần Hưng Đạo ngập sâu nhất, có nơi ngập gần 1m. Nước dâng khá nhanh, làm cho nhiều gia đình sống ở các khu vực thấp tại nội thành Tuy Hòa vất vả “chạy lụt”. Lúc 19g00, chợ Tuy Hòa bắt đầu được dời lên khu vực ngã năm. Trước đó, địa phương này đã có cuộc họp khẩn cấp với các phường 1, 3, 4, 6, Phú Đông, Phú Thạnh, Phú Lâm để bàn việc sơ tán dân tránh lũ. Theo đó, các hộ gia đình sống dọc theo kè Bạch Đằng và khu vực ven sông Đà Rằng phải di dời đi nơi khác. Tàu cá của ngư dân đã được lệnh di chuyển sang phường Phú Đông tránh nước lớn gây va đập, bừa neo, trôi tàu ra biển. Số còn lại được đưa vào neo ở khu vực phía trên cầu Hùng Vương lên đến cầu sông Chùa; các tàu nhỏ được đưa lên bờ neo đậu chắc chắn.
Nỗ lực tìm kiếm xác một học sinh bị chết trôi tại xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa - Ảnh: P.NAM |
* Trên tuyến ĐT 641 đi qua địa bàn huyện Đồng Xuân có 3 đoạn bị ngập nước, trong đó cầu La Hai nước ngập sâu đến 2m. Tuyến ĐT 642 nước ngập trên 3m tại cầu Sông Cô; đường tránh qua tràn Suối Ré thuộc km19+200 đang được thi công bị nước xói trôi một nửa đường; Công ty 508 phải tổ chức hướng dẫn giao thông. ĐT 645 bị tắc tại tràn Bà Sao; ĐT 646, cầu Phước Tân ngập sâu trong nước 1,2m tắc giao thông hoàn toàn. Đường Phước Tân - Bãi Ngà (ĐT 650B) tại km 31+170 mái ta luy dương sạt lở làm đất đá lấp mặt đường thành một vệt dài 22m, rộng 30m, cao bình quân 3m. ĐT 649, ĐT 647, ĐT 650 có nhiều đoạn bị ngập nước từ 0,6m – 0,8m, có nơi sình lún, các phương tiện giao thông không thể qua lại được. Sở Giao thông - Vận tải phải huy động lực lượng tuần đường túc trực tại những điểm ngập nước để cảnh báo người qua lại. Đơn vị này cho biết, hiện chưa thể huy động thiết bị và xe máy xử lý các đoạn đường bị sạt lở, sình lún, phát sinh hàm ếch mà phải chờ đến khi nước rút bớt mới có thể thực hiện.
Lúc 14g ngày 2/11, Ban chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh ra thông báo yêu cầu các địa phương, đơn vị và nhân dân gấp rút triển khai các phương án phòng chống lũ, vùng ngập lụt; kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sống ở các vùng ven sông suối, trũng thấp; thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh. Tổ chức neo đậu tàu thuyền an toàn ở bến bãi hạ lưu các sông, chống bừa neo, trôi dạt bảo đảm an toàn. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa để phối hợp vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt hạ du; đưa hàng hóa, thiết bị, vật tư, lương thực, lúa giống… đến nơi an toàn. Các đơn vị đang thi công trên các sông, suối, vùng trũng thấp, nhất là các công trình đang thi công trên sông Ba cần di dời, sơ tán người và thiết bị, vật tư đến nơi an toàn; bố trí lực lượng ở vùng ngập sâu, nước chảy xiết để bảo vệ dân cư; nghiêm cấm đi lại trong vùng nước chảy xiết, ngập sâu, không được chủ quan khi đi lại trong vùng ngập lụt. Tùy từng địa bàn cụ thể cho học sinh nghỉ học và có kế hoạch học bù, đảm bảo chương trình khi lũ rút; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc, không chủ quan lơ là; theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết và thường xuyên liên lạc về UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh. Đến 16g ngày 2/11, mưa lũ đã làm 4 người chết (Đông Hòa: 1, Tây Hòa: 1, Đồng Xuân: 2). Tại xã An Hải, huyện Tuy An có 2 tàu cá của ngư dân bị đánh vỡ; hiện vẫn còn 20 tàu cá, 78 lao động đang hoạt động và neo đậu ở khu vực vùng biển ngoài tỉnh Phú Yên, trong đó có 2 phương tiện, 19 lao động đang đánh bắt xa bờ. Các phương tiện trên vẫn đang trong tầm kiểm soát liên lạc. Theo số liệu thống kê của Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, đến 18g30 ngày 2/11 đã có 321 hộ với gần 1.200 người ở hai huyện Tuy An, Đồng Xuân và TX Sông Cầu được sơ tán đến nơi an toàn.
NHÓM PV KINH TẾ - H. HOA - H. NAM - K. NHO - A. BANG - T.KỲ