Thứ Năm, 28/11/2024 07:52 SA
Vào những vùng bị lũ cô lập
Thứ Năm, 04/11/2010 14:00 CH

Ngày 3/11, các phóng viên của Báo Phú Yên đã xoay xở tìm cách đến với những địa phương bị lũ cô lập và ghi nhận...

 

Hòa Thịnh lại lo lũ lớn

 

Đến 16g ngày 3/11, mưa to vẫn trút xuống. Mọi con đường đến xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) đều tắc do nước ngập sâu. Cầu Bến Củi bắc qua sông Bến Lái liên xã Hòa Đồng - Hòa Thịnh chìm dưới dòng nước lũ sâu hơn 1m, để vào được trung tâm xã phải đi bằng xuồng máy gần 5km.

 

Lut-Hoa-Thinh101104.jpg
Ảnh: A.BANG

 

Theo BCH Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) xã Hòa Thịnh, nước đã ngập toàn bộ xã nhưng chưa thể ước tính mức thiệt hại do lũ. Tuy nhiên, từ 30/10 đến nay, xã bị nước cô lập, chia cắt với huyện Tây Hòa, cộng với mưa to liên tục khiến sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Cả xã hiện có 55 ngôi nhà bị ngập, 2 nhà bị nghiêng có nguy cơ sập là nhà của bà Nguyễn Thị Hôn và bà Trần Thị Hồng ở thôn Mỹ Lâm. Hiện hai gia đình này đã sơ tán đến nhà người quen. Hai hộ dân là Huỳnh Thị Lòng và Nguyễn Thị Liên thuộc diện nghèo thiếu ăn đã được địa phương hỗ trợ trong đợt lụt này. Công trình chợ Hòa Thịnh đang xây dựng bị ngập sâu trong nước, chưa ước lượng mức thiệt hại. Một số đoạn đường liên thôn Phú Hữu, Mỹ Hòa, Mỹ Điền… bị xói lở.

 

Theo báo cáo nhanh từ BCH PCLB-TKCN xã Hòa Thịnh, lúc 16g ngày 3/11 nước lũ vẫn đổ về làm mực nước tiếp tục dâng lên. Để đến được ba thôn Cảnh Tịnh, Mỹ Cảnh và Mỹ Xuân, phương tiện duy nhất có thể lúc này là đò. Để đối phó với lụt, chính quyền địa phương đã yêu cầu người dân toàn xã kê toàn bộ tài sản lên cao nhằm giảm bớt rủi ro. UBND xã Hòa Thịnh cũng tiếp tục thuê hai thuyền máy để đưa người dân và học sinh đi lại qua cầu Bến Củi. Đồng thời, chính quyền xã cũng thường xuyên có mặt tại khu vực cầu Bến Củi để chỉ đạo lực lượng ứng trực đưa người qua lại trên dòng nước lũ.

 

AN BANG

 

Đông Hòa: Dân vùng cô lập lo lắng

 

Sáng 3/11, trên địa bàn huyện Đông Hòa, nhiều vùng nước đã dâng cao. Tại xã Hòa Thành, có 5/6 thôn bị chia cắt và ngập sâu trong nước. Trong đó, ngập nặng nhất là các thôn Phước Lộc 2 và Phú Lễ. Theo ông Nguyễn Thanh Ngàn, Chủ tịch UBND xã, Trưởng BCH Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) xã Hòa Thành, toàn xã hiện có 1.260 hộ bị ngập sâu trong nước. Trước mắt, xã đã thực hiện phương án sơ tán dân từ nhà thấp lên nhà cao, nếu nước lũ tiếp tục dâng, sẽ phối hợp với lực lượng của Cơ quan Quân sự huyện Đông Hòa đưa ca nô sơ tán dân đến trụ sở HTX và trường học. Cùng thời điểm, tại thôn Phước Giang (xã Hòa Xuân Nam), xóm Lưới Gõ (thôn Thạch Tuân, xã Hòa Xuân Đông), nước lũ cũng đã gây ngập cục bộ, làm sập 3 căn nhà và làm bà Lê Thị Sa ở địa phương này bị thương nặng. Ông Nguyễn Văn Điện ở thôn Phú Khê 1 (xã Hòa Xuân Đông), cho biết: “Nước dâng cao nhưng rút rất chậm nên mấy ngày qua, chúng tôi đã chủ động di dời lúa thóc, đồ đạc lên cao”.

 

Ông Huỳnh Ngọc Sương, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban PCLB – TKCN huyện Đông Hòa cho biết: “Tính đến 15g ngày 3/11, nhiều thôn ở các xã Hòa Tâm, Hòa Xuân Đông và Hòa Thành bị ngập nước cục bộ. Ngay trong đêm 2/11, Ban PCLB-TKCN huyện đã tăng cường 2 ca nô về xã Hòa Thành để kịp thời ứng cứu dân vùng ngập lụt. Đồng thời, huyện cũng đã huy động 2 ca nô, xuồng máy trực 24/24 ở xã Hòa Tâm, Hòa Thành để sơ tán dân nếu nước dâng cao. Hiện tại, nhiều xã vẫn còn ngập nên chưa thể thống kê thiệt hại. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho nhân dân, UBND huyện Đông Hòa đã triển khai phương án kiểm tra, rà soát những khu vực dân cư ở các vùng ven sông, suối, hướng dẫn nhân dân vùng thấp lên vùng cao và liên tục thông báo lũ trên hệ thống loa truyền thanh, loa tay của các xã kêu gọi toàn dân tự giác ý thức phòng tránh lũ”.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa Huỳnh Ngọc Sương kiến nghị: “Đông Hòa là một địa phương nằm ở hạ lưu các hồ thủy điện. Khi xả lũ, các hồ thủy điện cần phải thông báo trước 24 giờ và mỗi hồ cần phân kỳ cho người dân dễ dàng ứng phó. Nếu xả lũ bất thường, lưu lượng nước không theo như thông báo, hạ du sẽ gặp nhiều khó khăn. Tôi mong những ngày tới, Ban PCLB-TKCN và UBND tỉnh cần can thiệp với các hồ thủy điện để xả lũ với lưu lượng bình thường. Nếu xả với lưu lượng lớn thì nguy cơ thiệt hại đến tài sản và tính mạng của nhân dân rất lớn”.

 

TÀI HIẾU

 

Đồng Xuân trong lũ

 

Lương thực và một số nhu yếu phẩm tuy đã chủ động chuẩn bị từ trước, nhưng mưa lớn kéo dài, nước lũ cô lập nhiều ngày liên tiếp, người dân ở vùng trũng thấp của huyện Đồng Xuân gặp nhiều khó khăn.

 

anh-lu-dx101104.jpg

Cụ Võ Thị Hồng (xóm Giữa, thị trấn La Hai) treo các vật dụng lên trần nhà tránh lũ - Ảnh: H.NAM

 

Xã Xuân Sơn Bắc đã bị nước lũ cô lập 5 ngày. Con đường từ thị trấn La Hai đi Xuân Sơn Bắc phải qua tràn Sông Cô mênh mông nước, nhân dân không thể đi lại. Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Bắc, thôn Tân Phước, than vãn: “Biết trước mưa to, lũ sẽ cô lập nên nhà tôi chuẩn bị sẵn gạo, thức ăn và một số nhu yếu phẩm khác dự trữ. Tuy nhiên, do lũ cô lập kéo dài, đến nay thức ăn đã hết. Gạo trong nhà gần như đã cạn, lúa dự trữ đưa lên gác lửng, điện thì bị cúp, vì thế, có lúa nhưng không thể xay gạo”.

 

Giám đốc Điện lực Đồng Xuân Trần Văn Huynh, giải thích: Xã Xuân Sơn Bắc, nước lũ ở một số khu vực ngập sâu, chưa kiểm tra được nên chưa thể đóng điện, vì sẽ rất nguy hiểm. Nếu Đồng Xuân còn có mưa to, thì Xuân Sơn Bắc sẽ tiếp tục mất điện trong vài ngày đến”.

 

Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đồng Xuân, từ 1-3/11, mưa lũ làm ngập 70 ngôi nhà, trong đó Xuân Sơn Bắc: 20 nhà, Xuân Quang 3: 21 nhà, Xuân Sơn Nam: 19 nhà, Xuân Quang 2: 8 nhà và Xuân Quang 1: 2 nhà. Mưa lũ cũng làm ngập 344 giếng nước, gần 1.200ha lúa mùa, hoa màu bị ngập úng, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xóm sạt lở.

Từ thôn Tân Phước lên Tân Bình phải qua cầu Cây Sung. Mấy ngày liên tiếp, nước lũ luôn ngập trên cầu này từ 0,5-2m, nên vấn đề đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. “Những ngày qua, người dân qua lại cầu Cây Sung phải phụ thuộc mực nước tràn qua cầu. Nếu nước ngập dưới 0,5m thì có đò đưa, còn ngập sâu hơn nữa, nước chảy xiết, đò không thể bơi sang được”- Ông Đặng Ngọc Tân, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Bắc nói.

 

Người dân xóm Giữa, khóm 4, thị trấn La Hai gần như đã mệt mỏi vì chạy lũ. Cụ Võ Thị Hồng, 73 tuổi, ở xóm Giữa, than thở: “Tối 2/11, cả nhà phải chạy vô Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Đồng Xuân tránh lũ”. Hầu hết người dân xóm Giữa đã chủ động với phương án chạy lũ nên tất cả các vật dụng trong nhà đều “treo” lên trần nhà. Tại nhà cụ Võ Thị Mười, quạt điện, điện thoại bàn đã “treo” lơ lửng, buộc vào trên ruôi mè. Cụ Mười nói: “Năm nào cũng vậy, khoảng tháng 10 âm lịch, tất cả đồ dùng cần thiết trong nhà xếp gọn trong tư thế chạy lũ. Các vật dụng lớn như phản gỗ, bàn ghế cơi nới dùng dây buộc chặt. Tôi sống một mình nên mấy hôm trước, thấy trời mưa to, đã nhờ người khiêng giùm bàn ghế”.

 

Cầu sông Trà Bương ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 nước lũ ngâm nhiều ngày liên tiếp, người dân trong thôn đi lại phải vòng lên xã Xuân Phước xa gần 10 cây số. Tuy nhiên, đợt mưa tối 1/11, cầu tạm Suối Ré bị đổ gây tắc đường, cầu sông Trà Bương (Xuân Phước) ngập sâu trong nước, thôn Thạnh Đức bị cô lập hoàn toàn.

 

MẠNH HOÀI NAM

 

Vào vùng biệt lập ở Tuy An

 

Đến chiều 3/11, hàng trăm hộ dân vùng 9 và vùng 10 thôn Long Hòa, xã An Định, huyện Tuy An, sống trong cảnh bị nước cô lập gần như hoàn toàn.

 

Ngay từ trưa 31/10, khi nước sông Kỳ Lộ bắt đầu dâng cao, nhiều ngôi nhà ở khu vực thấp, trũng ven sông ở An Định đã bị nước bao vây tứ bề. Trưa 3/11, mực nước trên sông Kỳ Lộ đã bắt đầu giảm dần. Tuy vậy, thôn Long Hòa vẫn ngập sâu trong biển nước. Vùng 10 nằm chơ vơ giữa cánh đồng trũng, biệt lập hoàn toàn với bên ngoài. Phương tiện duy nhất để người dân qua lại thôn này là sõng do các gia đình trang bị để đánh bắt thủy sản và ứng phó với lũ bão. Trong vùng 10 có một con đường đất nối một số nhà với nhau. Tuy nhiên, theo một số người dân, chỉ cần có mưa to là con đường sẽ bị ngập, chia cắt.

 

di-hoc101104.jpg

Bị cô lập, học sinh thôn Long Hòa phải đi học bằng sõng - Ảnh: N.XUÂN

 

Vùng 10 có 54 hộ dân. Mỗi khi nước sông lên ngập cánh đồng, khu vực này bị chia thành 3-4 xóm nhỏ tách biệt, nổi lên sau những bụi tre làng. Do đã sống quen với lũ hàng năm, nên người dân nơi đây khi cất nhà đều đổ móng rất cao. Tuy nhiên, những năm lũ lớn, họ phải chịu cảnh sống chung với lũ. Anh Lê Văn Nhân ở vùng 10, thôn Long Hòa cho biết: “Tôi bị sốt đã hai ngày một đêm, nhưng do nước lũ lớn quá, không dám chèo sõng đi mua thuốc. Đến hôm nay nước rút nhẹ, vợ chồng tôi mới chèo sõng ra thị trấn mua thuốc và mì gói”. Nước lên bất ngờ, do không kịp di dời lúa, thóc nên các hộ dân nơi đây đều không có thức ăn dự phòng. Anh Nguyễn Phong ở vùng 10 bộc bạch: “Nhà tôi trữ được mấy bao gạo nhỏ nhưng đều bị ướt sạch, thức ăn cũng không có. Ngay đến giếng nước cũng bị nước lũ tràn vào gây ô nhiễm”. Không chỉ gia đình anh Phong, hơn 50 gia đình ở vùng 10 đều chịu chung hoàn cảnh.

 

Ở vùng 9 cũng chung tình trạng bị cô lập. Vùng 9 có 6 nhà dân bị ngập sâu, nước vô nhà cao gần 1m như hộ Nguyễn Văn Lưu, Phan Văn Hùng, Phan Tấn Hậu, Nguyễn Thị Cúc… Do được cảnh báo sớm, nên người dân nơi dây đã kịp thời sơ tán lên vùng cao, song cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ông Phạm Xuân Đào, trưởng thôn Long Hòa cho biết: “Theo sự chỉ đạo của UBND xã, tôi đã tiến hành họp dân từ rất sớm, yêu cầu các gia đình đề cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó, sơ tán người và di dời tài sản khi lũ đến. Do không có phương tiện di chuyển nên phương châm chủ yếu là các hộ dân tự bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau…”

 

Mỗi khi lũ lên, khổ nhất vẫn là các học sinh. Con đường duy nhất đã bị ngập nên hầu như ngày nào các em cũng phải chèo sõng đi học. Anh Trần Văn Hòa, vùng 10, thôn Long Hòa cho biết “Con tôi đang học lớp 12 Trường THPT Trần Phú. Mấy hôm nay nước lớn quá, để nó đi một mình không yên tâm, nên tôi phải mượn sõng nhà hàng xóm để chở”. Trong khi đó, anh Hoàng Văn Tuấn ở vùng 9 lại sốt ruột “Sáng tôi chở con gái đi học, nó hẹn 11g ra đón về, nhưng không hiểu sao gần 12g rồi mà chưa thấy nó đâu”. Thời gian này liên tục xuất hiện nhiều học sinh bị chết đuối, nên hầu như người dân đều rất cẩn trọng khi cho con em mình đi qua những vùng nước lớn.

 

NGÔ XUÂN – HUY HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek