Thứ Tư, 02/10/2024 02:33 SA
Nhiều địa phương trong tỉnh bị thiệt hại do lũ lụt
Thứ Ba, 02/11/2010 14:35 CH

* Các hồ thủy điện xả lũ lưu lượng lớn, gây chia cắt, ngập lụt diện rộng

 

Trong những ngày qua, mưa lớn đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân tại các địa phương trong tỉnh. Dưới đây là những thông tin mà phóng viên của PYO cập nhật trong ngày.

 

ngu-dan-101102.jpg

Ngư dân phường 6 (TP Tuy Hòa )neo đậu tàu thuyền và di dời tàu công suất nhỏ lên bờ chiều tối 2/11. - Ảnh: V.TÀI

 

Đến 16g ngày 2/11, mưa lũ đã làm 4 người chết (Đông Hòa:1, Tây Hòa:1, Đồng Xuân: 2). Tại xã An Hải, huyện Tuy An đã có 2 tàu cá của ngư dân bị đánh vỡ; hiện vẫn còn 20 tàu cá, 78 lao động đang hoạt động và neo đậu ở khu vực vùng biển ngoài tỉnh Phú Yên, trong đó có 2 phương tiện, 19 lao động đang đánh bắt xa bờ. Các phương tiện trên vẫn đang trong tầm kiểm soát liên lạc.

 

Huyện Đồng Xuân: Đến 15g chiều 2/11, toàn bộ 9 xã của huyện Đồng Xuân đều bị ngập chìm trong nước lũ, buộc Điện lực Đồng Xuân phải cắt diện để bảo đảm an toàn vận hành và tính mạng cho nhân dân. Ông Trần Văn Huynh, Giám đốc Điện lực Đồng Xuân cho biết: Từ 8 giờ ngày 2/11 các xã ở khu vực trũng trên địa bàn huyện đã ngập sâu trong nước lũ, buộc chúng tôi phải cắt điện. Đến 11 giờ trưa 2/11, Điện lực Đồng Xuân đã thực hiện cắt điện ở 10 xã trên địa bàn huyện, hiện chỉ còn khu vực thị trấn La Hai là còn cấp điện được. Theo ông Huynh, nếu trong tối nay 2/11, nước tiếp tục dâng cao cũng sẽ cắt điện nốt, chỉ ưu tiên cho những đơn vị trọng yếu.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên, ông Lê Minh Trung, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên cho biết: Ban PCLB của công ty đã chỉ đạo các Điện lực địa phương và đơn vị trực thuộc huy động 100% cán bộ, công nhân kiểm tra hệ thống lưới, trạm và theo dõi mực nước lũ dâng để cắt điện ngay, nhằm bảo đảm an toàn vận hành và tính mạng cho nhân dân. Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, vật tư và phương án cấp điện trở lại khi nước rút. Bảo đảm trực chiến 24/24 để kịp thời xử lý tình huống.

 

Thị xã Sông Cầu: Mưa suốt 2 ngày qua đã làm một số khu vực bị ngập nước, trong đó nước đe dọa các thôn Long Thạnh, Thạch Khê xã Xuân Lộc; các phường Xuân Lâm, Xuân Yên, Xuân Thành thuộc nội thị thị xã. Nhiều hộ dân ở vùng trũng thấp đã bắt đầu di chuyển tài sản, đưa con nhỏ đến gửi tại các gia đình người quen. Chị Hoàng Thị Lê ở phường Xuân Yên cho biết “Năm trước nước lớn nhanh quá, cuốn trôi nhiều nhà cửa và người dân nên giờ thấy mưa to, nước lớn là sợ. Dù nước chưa vô nhà nhưng phải phòng xa”. Không chỉ có người dân các xã, phường nói trên mà các hộ gia đình ở những khu vực lân cận, đặc biệt là những vùng giáp với biển, ven sông, suối đều đã ở trong tư thế sẵn sàng di chuyển khi có lệnh của chính quyền địa phương.

 

Bờ sông Bình Bá (phường Xuân Đài) bị sạt lở khoảng 20 mét vào rạng sáng 2/11, uy hiếp tính mạng của 87 hộ dân sống gần khu vực này. UBND phường Xuân Đài đã khẩn trương huy động các lực lượng tiến hành di dời số hộ dân nói trên ra khỏi vùng nguy hiểm vào trước 17g cùng ngày. Trong ngày 2/11, Phòng Quản lý đô thị đã phối hợp với UBND xã Xuân Phương tổ chức dọn đất, đá bị sạt lở gây tắc đường Trung Trinh-Vũng La tại địa điểm Hòn đá Tượng (xã Xuân Phương), đảm bảo thông tuyến cho người và xe qua lại an toàn. Ban chỉ huy PCLB & TKCN thị xã cho biết: 10.000 lồng nuôi tôm hùm trên toàn thị xã đã được thả sát đáy và chằng, chống kỹ lưỡng; 234 bè nuôi tôm hùm cũng được di chuyển đến khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền tại Vũng Chào (xã Xuân Phương). Đối với 3.143 phương tiện tàu thuyền của ngư dân cũng được neo đậu tại các bến bãi trú bão đúng quy định. Đến trưa 2/11, trên địa bàn thị xã chưa có thiệt hại về người, nhà cửa.

 

Các đơn vị thi công kè chống xói lở hạ lưu sông Tam Giang, kè mở rộng khu dân cư nội thị TX Sông Cầu cũng đã cho di chuyển toàn bộ thiết bị, xe máy lên khu vực cao ráo. Chiều ngày 2/11, UBND TX Sông Cầu đã cử đoàn công tác kiểm tra việc phòng chống bão lụt tại một số xã có nguy cơ ngập lụt cao hoặc bị triều cường đe doạ. Theo UBND TX Sông Cầu, tất cả đã sẵn sàng để ứng phó với tình hình mưa lụt diễn biến phức tạp. Rút kinh nghiệm từ đợt bão lụt cuối năm 2009, địa phương đã chủ động triển khai các phương án phòng chống bão lụt, đặc biệt coi trọng việc bảo đảm tính mạng của người dân ở những khu vực thường bị nước lớn đe dọa. Kế hoạch di dời dân cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng để khi cần thiết có thể huy động mọi lực lượng, phương tiện tại chỗ, đưa dân đến nơi an toàn.

 

TP Tuy Hòa: Chiều tối 2/11, trên các tuyến phố TP Tuy Hòa nhiều đoạn đường như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, mực nước đã bắt đầu ngập đường cục bộ. Tại khu vực chợ Trung tâm TP Tuy Hòa và các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi nhiều tiểu thương đã chủ động dọn dẹp và di dời hàng hóa đến nơi cao ráo đề tránh đề phòng nước dâng cao gây thiệt hại tài sản. Trong khi đó, tại bến cá phường 6, ngư dân cũng đã chủ động neo đậu tàu thuyền và di dời các tàu có công suất 15CV lên bờ an toàn.

 

Chiều tối 2/11, tất cả các tỉnh lộ đều bị tắc giao thông. Tuyến ĐT 641 đi qua địa bàn huyện Đồng Xuân có 3 đoạn bị ngập nước, trong đó cầu La Hai nước ngập sâu đến 2m, huyện Đồng Xuân phải bố trí xuồng máy và huy động ca nô quân đội ứng trực để đưa người qua lại. Tuy nhiên, nhiều người dân do quá sốt ruột đã leo lên đường sắt để đi bộ. Tuyến ĐT 642 nước ngập trên 3m tại cầu Sông Cô; đường tránh qua tràn Suối Ré thuộc km 19+200 đang được thi công bị nước xói trôi một nửa đường; Công ty 508 phải tổ chức hường dẫn giao thông. ĐT 645 bị tắc tại tràn Bà Sao; ĐT 646, cầu Phước Tân ngập sâu trong nước 1,2m tắc giao thông hoàn toàn. Đường Phước Tân- Bãi Ngà (ĐT650B) tại km 31+170 mái ta luy dương sạt lở làm đất đá lấp mặt đường thành một vệt dài 22m, rộng 30m, cao bình quân 3m. ĐT 649, ĐT647, ĐT650 có nhiều đoạn bị ngập nước từ 0,6m – 0,8m hoặc mặt đường trơn trợt, sình lún, các phương tiện giao thông không thể qua lại được. Sở Giao thông Vận tải phải huy động lực lượng tuần đường túc trực tại những điểm ngập nước để cảnh báo người qua lại. Đơn vị này cho biết, hiện chưa thể huy động thiết bị và xe máy xử lý các đoạn đường bị sạt lở, sình lún, phát sinh hàm ếch mà phải chờ đến khi nước rút bớt mới có thể thực hiện.

 

NHÓM PV – CTV

 

DX-1-101102.jpg

Người dân ở thôn Tân Hòa kê cao đồ đạc để phòng lũ cuốn đi  - Ảnh: H.NAM

 

Theo BCH PCLB – TKCN đến 13g chiều, ngày 2/11, các hồ thủy điện tiếp tục xả lũ với lưu lượng ngày càng tăng. Tổng lưu lượng xả lũ cả 3 thủy điện Sông Hinh, Krông H’Năng và sông Ba khoảng 7.500m3 làm mực nước các sông lên nhanh, có nơi đạt báo động cấp 3, gây chia cắt, ngập lụt trên diện rộng. Mưa to, gió lớn, triều cường đã làm sạt lở nhiều tuyến đường và uy hiếp hàng chục hộ dân

 

Huyện Tây Hòa: Lúc 9g sáng, ngày 2/11 nước lũ đã phủ trắng các cánh đồng  trên địa bàn, gây ngập lụt cục bộ khoảng 400 hộ dân ở thôn Mỹ Thành và Ngọc Lâm. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập sâu gần 1m, ách tắc giao thông và chia cắt nội vùng. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) Nguyễn Văn Toàn cho biết, nước lũ sẽ tiếp tục lên nhanh và khả năng sẽ gây lụt lớn tại các địa bàn trũng thấp, gần sông suối; nếu các hồ thủy điện tiếp tục xả lũ và mưa lớn ở thượng nguồn. Địa phương đã chuẩn bị đầy đủ người và phương tiện cứu hộ sẵn sàng di dời dân và ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu. Hiện tại các cầu tràn Bến Diễu, Bến Trâu, Bến Củi đã bị ngập.

 

lu2-101102.jpg

Nước ngập qua đường liên thôn Mỹ Thành – Thạnh Phú (huyện Tây Hòa) - Ảnh: N.THẮNG

 

Đến 14g 20 ngày 2/11, đội tìm kiếm đã tìm được xác em Lê Thị Thanh Thưởng, sinh năm 1997 học sinh lớp 8 A trường THCS Tây Sơn trên đường đi học về đã bị nước cuốn trôi chiều 1/11.  Chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, chia buồn cùng gia đình. Theo ông Nguyễn Văn Bảy- phó chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ Tây cho biết: hiện tại, toàn xã có 62 nhà và 16 giếng nước bị ngập, 40 ha mía đổ ngã, 6 ha sắn non bị ngập và 60 mét đường liên thôn bị sạt lở, trên 300 hộ dân ở  thôn Mỹ Thành bị chia cắt hoàn toàn. Xã đã chỉ đạo bà con ở những vùng bị ngập di dời trâu, bò lên khu vực Suối Mâm và thủy điện Đá Đen. Ngày 2/11, học sinh ở các trường trên địa bàn xã Hòa Mỹ Tây nghỉ học. Hiện xã Hòa Mỹ Tây đã chuẩn bị thường trực tại xã 1 chiếc thuyền và 70 chiếc thuyền nhỏ trong dân ở những vùng xung yếu sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

 

Huyện Phú Hòa: Tình hình nước lũ đang diễn biến phức tạp, nhiều khu dân cư có nguy cơ bị cô lập. Nước lũ về nhanh, có nơi mực nước đã chạm nền nhà dân, nặng nhất là thôn Phước Khánh. Trưởng thôn Ngô Minh Chuyển cho biết: “Nước tiếp tục dâng mạnh, đã uy hiếp gần 500 hộ dân ở Đội 1 và Đội 2. Tính đến 14g chiều ngày 2/11, hầu hết các tuyến đường bê tông trong thôn đã bị ngập hơn 0,5m. Nếu tình hình diễn biến phức tạp do các thủy điện xả lũ đồng loạt thì chiều và tối nay khả năng nước sẽ ngập nhà dân hơn 0,5 và gây cô lập. Trước tình hình trên, thôn đã huy động 14 thanh niên xung kích, tổ tự quản trực chiến, ứng phó tại chỗ sẵn sàng hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn, nhất là đối với các hộ có nhà ở tạm và vùng trũng thấp.  

 

lut1-101102.jpg

Nước ngập qua đường bê tông thôn Phước Khánh (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa). - Ảnh: N.THẮNG

 

Huyện Đồng Xuân: Chiều 2/11, xã Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam, Xuân Quang 3, Xuân Phước đã bị ngập lụt và chia cắt. BCH PCLB – TKCN huyện Đồng Xuân đã di dời 51 hộ ở thôn Thạnh Đức (Xuân Quang 3) và 61 hộ ở thôn Gò Cốc (Xuân Quang 20) và tiếp tục vận động di dời dân ở hai thôn Gò Bông và Gò Lan (xã Xuân Phước) đến nơi an toàn. Hàng trăm ngôi nhà ở thôn Tân Hòa, xã Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân) bị ngập trong nước lũ, chỉ còn ló nóc. Lũ lớn bất ngờ, người dân chỉ kịp lùa gia súc nhốt trong núi, các trường học, công sở. Ông Trần Thành đứng trên đường sắt chỉ vào ngôi nhà chìm nghĩm trong nước lũ. “Năm nay nước lũ lớn giống năm ngoái tôi đem toàn bộ xe đạp, xe máy, xoong nồi lên buộc vào trụ thành đường sắt”. Ông Công Thành Long, ở thôn Đinh Trung 2, nhà bị ngập lụt phải ở nhờ nhà trong xóm, ngồi trước hàng ba ông dói mắt nhìn về ngôi nhà mình chìm trong nước thất thần nói: “Nước lớn lúc nửa đêm, tôi chỉ kịp chạy ra sân khóa cửa “bỏ của chạy lấy người”. Lúa thóc, bàn ghế ướt hết”.    

 

DX101102.jpg

Xóm nhà thôn Tân Hòa, xã Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân) chìm trong nước - Ảnh: H.NAM

 

Huyện Sơn Hòa: Trước tình hình thủy điện sông Ba Hạ xả lũ lưu lượng ngày càng lớn, kết hợp với mưa lớn ở Tây Nguyên. Sáng 2/11, BCH PCLB – TKCN huyện đã họp khẩn cấp, chỉ đạo các ban ngành, địa phương, nhất là các địa bàn ven sông, suối, vách núi, triền đồi đề phòng nước lũ cuốn trôi, sạt lở đất đá. Đặc biệt chú ý các địa bàn thường xảy ra ngập lụt, lũ quét như Thạnh Hội (xã Sơn Hà), Bãi Điều, Đông Hòa (TT Củng Sơn) và các xã vùng cao, vùng xa.

 

Huyện Đông Hòa: Theo Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện, đã có hai ngôi nhà bị sập do mưa lớn và lũ lụt trong mấy ngày qua. Đó là nhà ông Nguyễn Văn Kỷ, ở thôn Hiệp Đồng, xã Hòa Xuân Đông, nhà bị sập ngày 1/11. Tiếp đó, vào sáng 2/11 và nhà ông Phan Văn Khanh ở thôn Thạch Tuân tiếp tục bị sập. Rất may, lúc nhà bị sập, người của hai gia đình nói trên đã kịp chạy ra ngoài, nên không ai bị thương. Hiện chính quyền xã đã vận động người dân địa phương bố trí cho các thành viên của hai gia đình này tá túc tạm thời.

 

Các hồ thủy điện tiếp tục xả lũ lưu lượng lớn

 

Theo BCH PCLB-TKCN từ đêm 29/10 đến 13g ngày 2/11 lượng mưa phổ biến trong khoảng 225 – 551 mm, trong đó Củng Sơn 321 mm; Tuy Hòa 435,5 mm; Hòa Mỹ Tây 55,2 mm; Sông Hinh 467,6 mm làm cho mực nước các sông lên nhanh. Hồ thủy điện Sông Hinh đã phải xả đón lũ với lưu lượng 2500m3/s vào lúc 12g trưa ngày 2/11; hồ thủy điện Krông Hnăng (bậc trên của hồ thủy điện sông Ba Hạ) đã phải đón lũ với lưu lượng 2000m3/s. Hồ thủy điện sông Ba Hạ xả lũ lên mức 5.700m3/s

 

Đến 13g ngày 2/11, mực nước trên sông Ba ở Củng Sơn là 33,66m (dưới báo động cấp 3 là 0,64m), tại Phú Lâm: 2,10m (dưới báo động cấp 2 là 0,6m) và đang lên, sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng là 9,63m (trên báo động cấp 3 là 0,13m), mực nước sông Bến Lái tại Hòa Mỹ Tây là 10,65m, đang lên chậm.

 

Hiện nay một đợt không khí lạnh đang tăng cường xuống phía Nam, chiều tối và đêm ngày 2/11 ảnh hưởng đến các tỉnh Trung Bộ sẽ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9 – 10, biển động rất mạnh. Trong đất liền tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to; Tây Nguyên (thượng nguồn các sông trong tỉnh có mưa vừa,mưa to có nơi mưa rất to. Dự báo trong dự báo trong 12 – 24 giờ tới mực nước sông tiếp tục lên có lũ ở mức báo động cấp 3, có sông trên báo động cấp 3.

 

BCH PCLB – TKCN tỉnh yêu cầu, các địa phương, đơn vị và nhân dân: Gấp rút triển khai các phương án phòng chống lũ, vùng ngập lụt; kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sống ở các vùng ven sông suối, trũng thấp; thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh. Tổ chức neo đậu tàu thuyền an toàn ở bến bãi hạ lưu các sông, chống bừa neo, trôi dạt bảo đảm an toàn. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa để phối hợp vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt hạ du; đưa hàng hóa, thiết bị, vật tư, lương thực, lúa giống… lên cao đến nơi an toàn;  Các đơn vị đang thi công trên các sông, suối, vùng trũng thấp, nhất là các công trình đang thi công trên sông Ba cần di dời, sơ tán người và thiết bị, vật tư đến nơi an toàn; bố trí lực lượng ở vùng ngập sâu, nước chảy xiết để bảo về dân cư; nghiêm cấm đi lại trong vùng nước chảy xiết, ngập sâu, không được chủ quan khi đi lại trong vùng ngập lụt. Tùy từng địa bản cụ thể cho học sinh nghỉ học và có kế hoạch học bù, đảm bảo chương trình khi lũ rút; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc, không chủ quan lơ là; theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết và thường xuyên liên lạc về UBND tỉnh, BCH PCLB – TKCNT.

 

NHÓM PHÓNG VIÊN, CỘNG TÁC VIÊN

 

tuyan101102.jpg

Đường từ thị trấn Chí Thạnh xuống các xã An Thạch, An Ninh Tây, An Ninh Đông bị ngập khoảng 1m, giao thông tắc hoàn toàn từ tối 1/11. -  Ảnh: QUỐC KHƯƠNG

 

Tuy An: Nhiều khu vực ngập nước

 

Đến trưa 2/11, lượng nước lớn từ thượng nguồn đổ về các xã phía bắc huyện Tuy An khá mạnh, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân nơi đây.

 

Tuyến đường ĐT 650 đoạn qua xã An Định và cầu Lò Gốm (thị trấn Chí Thạnh) đã bị chia cắt hoàn toàn, không thể lưu thông. Nước lớn cũng đã gây ngập từ 50 đến 70 cm hơn 200 hộ dân ở các xã An Định, An Dân, An Thạch và thị trấn Chí Thạnh.

 

L13.-101102jpg.jpg
Trạm Y tế xã An Định ngập sâu trong nước - Ảnh: TẤN TRỰC

 

Nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, chính quyền thị trấn Chí Thạnh đã di dời 10 hộ gia đình, với 30 nhân khẩu tại khu vực Chòm Bầu (khu phố Ngân Sơn) lên tạm trú tại trường tiểu học thị trấn Chí Thạnh số II. Trước đó, xã An Ninh Đông cũng đã di dời 03 hộ gia đình trong khu vực nguy hiểm vào nơi an toàn. Các trường học ở các xã phía bắc huyện tạm thời phải, cho học sinh nghỉ học.

 

dt641-101102.jpg

ĐT641 từ huyện Tuy An đi huyện Đồng Xuân bị nước lũ tràn qua, nhiều đoạn ngập sâu từ rạng sáng 2/11, khiến huyện Đồng Xuân bị cô lập hoàn toàn. - Ảnh: QUỐC KHƯƠNG

 

Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, nước lũ ngày càng dâng cao. Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn huyện Tuy An đã yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện ngay phương án phòng chống lụt bão theo phương châm “04 tại chỗ”. Trích kinh phí mua hơn 7.000 bao cát để làm bờ bao che tại các khu vực thường xảy ra triều cường. Huy động lực lượng thanh niên xung kích sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu và hỗ trợ di dời người và tài sản ở các vùng trũng thấp, vùng nguy hiểm vào khu vực an toàn, cao ráo.

 

KHẮC NHO

(Cập nhật liên tục)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek