Qua hơn một năm triển khai thí điểm không tổ chức HĐND ở 7 huyện, 12 xã, phường trong tỉnh đã tạo điều kiện cho cơ quan hành chính chủ động, phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế xã hội của địa phương đều đạt và vượt kế hoạch so với cùng kỳ, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Giám sát việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại phường 8 - Ảnh: K.CHI
Sau khi tổ chức thực hiện thí điểm và sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12, giám sát tại các huyện, phường triển khai thí điểm cho thấy UBND các nơi làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa đảm bảo phát huy vai trò của tập thể lãnh đạo, vừa đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của chủ tịch, phó chủ tịch và ủy viên UBND. Không còn HĐND, UBND huyện, phường chủ động tổ chức các phiên họp để thảo luận tập thể và quyết định các nội dung quan trọng về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, về tài chính - ngân sách, đầu tư- xây dựng cơ bản ở địa phương; đồng thời phối hợp chặt chẽ với UBMTTQ Việt Nam các cấp chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tuyên truyền giáo dục và vận động nhân dân tham gia xây dựng chính quyền, tự giác thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Công tác tiếp công dân, giải quyết các khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân được UBND huyện, phường đặc biệt quan tâm. Phần lớn các công việc có liên quan đến dân được đưa ra dân bàn bạc và quyết định một cách công khai. Công tác giám sát đối với hoạt động của UBND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn huyện, phường những nơi thí điểm vẫn được tiến hành thường xuyên với nhiều hình thức theo đúng quy định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua triển khai thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường vẫn còn một số hạn chế. Đó là quá trình thực hiện nhiệm vụ HĐND và thường trực HĐND xã, thị trấn còn gặp khó khăn. Trước đây, thường trực HĐND huyện kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết những vướng mắc phát sinh. Nay, nhiệm vụ này, Nghị quyết 725/2009/UBTVQH12 và các văn bản quy phạm pháp luật khác chưa điều chỉnh kịp thời nên trong chỉ đạo, hướng dẫn còn lúng túng, chưa thống nhất. Ngoài ra, vẫn còn một vài địa phương chưa điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc, quy chế phối hợp theo Nghị quyết 725/2009/UBTVQH12 nên sự phối hợp của UBND với Mặt trận, các tổ chức đoàn thể có lúc, có nơi chưa được chặt chẽ, cụ thể. Điều đáng chú ý là trong thời gian qua, MTTQVN các cấp và các đoàn thể đã có nhiều cố gắng trong việc giám sát, nhưng đây chỉ là giám sát mang tính xã hội, không thể thay thế chức năng giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước; mặt khác lại chưa được tiến hành thường xuyên do hạn chế cả về nguồn nhân lực cũng như kỹ năng giám sát và sự lúng túng trong việc xác định cơ chế, phương thức, nội dung giám sát cụ thể. Vì vậy, việc giám sát bị bỏ ngỏ dẫn đến tình trạng chủ quan của một số cán bộ trong việc thực thi nhiệm vụ được giao. Việc thực hiện cơ chế giám sát của nhân dân đối với hoạt động của UBND huyện, phường và các cơ quan tư pháp thông qua Mặt trận và các đoàn thể chưa được cơ quan thẩm quyền quy định một cách cụ thể cả về nội dung, trình tự, phương pháp… Các địa phương còn lúng túng trong việc tìm kiếm phương thức bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân để thay thế cho vai trò của HĐND; chưa tạo ra được cơ chế để người dân tham gia giám sát và quyết định những vấn đề lớn của địa phương.
Thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện. Qua hơn 1 năm triển khai cho thấy có một số ưu điểm nhưng vẫn còn không ít tồn tại, khó khăn vướng mắc cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết. Hơn nữa, với thời gian thực hiện thí điểm như vậy, qua giám sát chưa đánh giá toàn diện, khách quan vấn đề. Để công tác này được tốt hơn, thời gian đến, tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong cả hệ thống chính trị ở huyện, phường kịp thời phát huy những ưu điểm và những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế tồn tại, bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước của UBND ở những nơi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND được vận hành thông suốt, hiệu quả. Đồng thời tăng cường phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia vào hoạt động điều hành, quản lý nhà nước và xây dựng chính quyền ở địa phương.
ĐÀO KHOA THỨC
(Chuyên viên HĐND)