Cùng với những bản tin được các phương tiện vô tuyến, loa truyền thanh phát đi, những tín hiệu pháo sáng bắn lên không trung chính là những thông tin báo bão hữu ích giúp những ngư dân đang hoạt động trên biển biết có bão, áp thấp để di chuyển vào vùng trú tránh an toàn.
Bắn pháo hiệu báo bão trên núi Hòn Bù - Ảnh: P.OANH |
TRỢ GIÚP NGƯ DÂN TRÁNH BÃO
Đài bắn pháo hiệu báo bão do cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng An Ninh đảm trách nằm trên đỉnh núi Hòn Bù thuộc thôn Phú Hội, xã An Ninh Đông (huyện Tuy An). Vị trí này có độ cao 137m so với mực nước biển. Từ đây, đạn pháo báo bão được bắn đi sẽ phóng thẳng lên bầu trời ở độ cao trên 100m và phát sáng. Như vậy, khắp một vùng rộng lớn gần cả trăm cây số, người dân, nhất là tàu thuyền ngoài biển sẽ nhận thấy được ánh sáng của pháo báo bão. Ngoài ra, Hải đội 2 cũng phụ trách một điểm bắn pháo hiệu báo bão tại khu vực bến cá phường 6 (TP Tuy Hòa). Đây cũng là hai đơn vị được giao giữ nhiệm vụ bắn pháo hiệu báo bão ở tỉnh Phú Yên từ năm 2006 đến nay.
Ngư dân Trần Văn Nhạn, một chủ tàu đánh bắt xa bờ ở thôn 2, xã An Ninh Tây cho hay: “Nhiều khi ra biển, chúng tôi thấy gió nhẹ, cứ chủ quan, nghĩ là chuyện bình thường nên không để ý. Bất chợt, đêm xuống, thấy pháo báo bão sáng lên giữa trời thì giật mình lật đật cho tàu chạy đi trú tránh. Nhiều năm qua, phần lớn ngư dân chúng tôi biết được thông tin có bão, phân định được khu vực ảnh hưởng của bão qua nhận diện ánh sáng, sắc màu của pháo báo bão”. Còn ông Lê Văn Công, ngư dân chuyên nghề mành tôm cho biết, làm ăn bấp bênh nên thuyền của ông không sắm được máy đàm, không có rađio. Biển gió càng mạnh thì tôm hùm càng nhiều. Có lúc ham quá, mọi người cứ bám biển. Khi phát hiện có ba loạt pháo đỏ bắn lên không trung, biết có bão là họ lập tức cho thuyền chạy vào bờ. Đã mấy lần ông thoát nạn nhờ pháo hiệu báo bão.
Đại úy Đỗ Trọng Đại, trợ lý tác chiến, người khá dày dạn với nhiệm vụ này, cho biết: “Pháo hiệu báo bão được bắn vào ban đêm. Mỗi đêm bắn làm ba đợt: đợt thứ nhất từ 19g30 đến 20g, đợt hai từ 22g30 đến 23g và đợt ba từ 4g30 đến 5g. Khi có tin bão trên biển Đông, pháo hiệu số 1 sẽ được bắn với chín phát pháo hiệu màu xanh, chia làm ba lần, mỗi lần bắn liền ba phát, lần bắn trước cách lần bắn sau ba phút. Cũng tương tự như vậy, khi có tin bão gần bờ là bắn pháo hiệu số 2. Pháo hiệu này cũng gồm chín phát, chia ba lần, mỗi lần hai phát pháo hiệu màu đỏ, một phát pháo hiệu màu xanh. Khi có tin áp thấp nhiệt đới gần bờ hoặc bão khẩn cấp, bắn pháo hiệu số 3 gồm chín phát pháo hiệu màu đỏ”. “Khi nhận lệnh thực hiện nhiệm vụ, cầm súng và đạn pháo trong tay, anh em chúng tôi luôn cân nhắc, tính toán về vị trí đứng bắn, đường bắn, hướng đạn pháo bay lên để đạt hiệu quả báo bão cao nhất. Để đảm bảo được yêu cầu của nhiệm vụ, phải bảo quản tốt súng, đạn trong môi trường khô ráo; lau chùi cẩn thận để khi đem ra bắn không bị hỏng hóc, trục trặc...”, đại úy Nguyễn Trọng Đại nói.
LÊN ĐỈNH HÒN BÙ
Hôm nghe bản tin dự báo thời tiết có bão số 6 xuất hiện ngoài biển Đông, chúng tôi lập tức về Phú Hội (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An) với tinh thần chuẩn bị leo lên đỉnh Hòn Bù để được “mục sở thị” chuyện bắn pháo hiệu báo bão. Buổi chiều chập choạng, trời mưa, ba chiến sĩ trong đội vũ trang Đồn Biên phòng An Ninh bắt đầu “khăn gói” với súng, đạn pháo đã được bọc mấy lần trong túi bóng nhựa. Họ khoác áo mưa, lên núi. Đi khoảng 300m một đoạn đường đất cát quanh co qua khu dân cư An Vũ, chúng tôi tới chân núi Hòn Bù. Ánh chiều lùi dần giữa một khung cảnh rậm rạp cây rừng trước mặt khiến những người lần đầu đến như tôi cảm thấy ái ngại. Một chiếc đèn pin được bật lên, quét một lượt quanh ngọn núi rồi dừng lại, soi rõ con đường mòn nằm dưới một khe hẹp giữa hai vách núi. Chúng tôi bước theo từng bậc đá chông chênh, đôi chân vừa cố trì, bám vào đá núi, vừa lần dò, tránh những gốc nhọn cây rừng, bụi rậm. Thỉnh thoảng, những thác nước chảy ra từ các kẽ đá khiến ai cũng phải chùn chân, thận trọng hơn. Bởi chỉ sơ sẩy sẽ bị trượt chân tuột dốc bất cứ lúc nào.
Sau hai mươi phút hì hục trườn người theo những con dốc thoai thoải, chúng tôi lên được “tầng thứ nhất”. Đại úy Đàm Văn Thông, người phụ trách tổ bắn pháo hiệu vừa giới thiệu khung cảnh, vừa như trấn an: “Đi thêm hai tầng như vậy nữa là đến đỉnh. Đi ở tầng một chưa có kinh nghiệm nhưng qua được tầng này, lên tầng 2, tầng 3 sẽ thấy dễ dàng hơn”. Chiến sĩ Lương Công Nhất tâm trạng có vẻ thoải mái hơn khi trút bỏ được nỗi ám ảnh, nói: “Sợ nhất là khi trời nổi sấm đùng đùng, sét chớp, nhá liên tục như những luồng điện giật sáng cả núi rừng. Trên đỉnh núi cao này, nếu bị sét đánh biết chạy đâu mà tránh… Nhưng đã là người lính, cho dù biết trước là nguy hiểm đến tính mạng, là có thể phải hy sinh thì nhận lệnh vẫn phải lên đường”… Những câu chuyện, những lời tâm sự của người lính bắn pháo hiệu báo bão nơi này đã giúp tôi nhanh chóng lấy lại sức lực để tiếp tục hành trình, lên tầng 2, rồi tầng 3 của núi Hòn Bù.
Đúng 19g30, những phát đạn pháo báo bão đã được bắn lên không trung.
PHƯƠNG OANH