Sau khi đạt đỉnh lũ, trưa qua (5/11), mực nước các sông ở Phú Yên đã xuống. Tuy nhiên, do lũ xuống quá chậm nên đến tối qua, nhiều địa phương vẫn còn bị ngập lụt. Các địa phương và ban ngành đã khẩn trương tiến hành khắc phục hậu quả lũ lụt gây ra.
Huyện Đông Hòa đưa phương tiện đi giúp dân trong lũ - Ảnh: LY KHA |
NỖ LỰC TỪ CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Đến trưa qua, trên địa bàn huyện Sông Hinh không còn vùng dân cư nào bị ngập lụt. 334 hộ dân đi sơ tán đã trở về nhà. Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng BCH PCLB-TKCN huyện Đặng Đình Toại cho biết: Toàn bộ các thành viên của Ban đã được phân công về các địa phương để nắm tình hình và chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt. Huyện đã chỉ đạo các lực lượng phối hợp cùng người dân địa phương đắp lại các con đường nối các buôn bị sạt lở nghiêm trọng như đường từ buôn Ly đi buôn Chư Sai (xã Ea Trol), buôn Thứ (Ea Ba) đi buôn Ken (Ea Bá)… Đồng thời, huyện chỉ đạo ngành Y tế kiểm tra những vùng bị ngập, chuẩn bị thuốc men để khử trùng và phòng chống dịch bệnh.
Tại Sông Cầu, hôm qua, BCH PCLB-TKCN huyện yêu cầu các BCH PCLB-TKCN xã, thị trấn tiếp tục tổ chức trực 24/24 giờ để tham gia khắc phục hậu quả lũ lụt khi nước rút. Theo Báo cáo nhanh của BCH PCLB-TKCN huyện Sông Cầu: Toàn huyện đã vận động di dời 323 hộ dân với1.151 nhân khẩu trong vùng ngập lụt ra khỏi nơi nguy hiểm. Đây là những người dân ở trong vùng trũng thấp, bị ngập nặng như: Long Thạnh, Thạch Khê (xã Xuân Lộc); Bình Thạnh Nam (xã Xuân Bình); thôn 2 (xã Xuân Hải); xóm Nam, Long Bình, Long Hải Bắc, Long Bình, cồn Ông Chỉ (thị trấn Sông Cầu).
Tại huyện Tây Hòa, chiều qua, lũ đã rút dần, một số vùng bị ngập đã đi lại được. Tuy nhiên, lũ vẫn chia cắt nhiều vùng của các xã Hòa Đồng, Hòa Mỹ Tây và Hòa Thịnh nên hiện có gần 1.200 hộ dân với trên 3.264 nhân khẩu đang bị thiếu đói cần được hỗ trợ. Trong chiều qua, xã Hòa Đồng đã trích ngân sách cấp phát tạm thời trên 1.000 gói mì ăn liền và nước uống cho trên 100 hộ dân còn đang bị ở trong vùng ngập nước ở các thôn Phú Phong, Phú Mỹ. UBND huyện chỉ đạo chủ tịch UBND các xã phân công cán bộ đến vùng bị ngập lụt nắm tình hình thiệt hại cụ thể về nhà ở, tài sản, hoa màu, dự kiến số hộ bị thiếu ăn cần hỗ trợ để thực hiện các giải pháp cứu trợ cho nhân dân, báo cáo về UBND huyện để có giải pháp đề xuất cấp trên hỗ trợ; dứt khoát không để hộ đói do lũ lụt gây ra. Huyện cũng chỉ đạo tập trung các phương án phòng ngừa các loại dịch bệnh sau lũ lụt; tổ chức động viên thăm hỏi, chia buồn các gia đình bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản; đề xuất xây dựng nhà tạm cho những hộ có nhà bị sập hoàn toàn. Do nhiều vùng còn bị ngập trong lũ nên Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Tây Hòa đã đề xuất và được Sở GD-ĐT đồng ý cho học sinh các trường trên địa bàn huyện tiếp tục được nghỉ học.
Hôm qua, Phó Chủ tịch kiêm trưởng BCH PCLB-TKCN huyện Đồng Xuân Hồ Thanh Sơn cho biết: “Huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn chỉ đạo lực lượng hiện có của địa phương giúp nhân dân khắc phục hậu quả, đặc biệt không để một trường hợp nào bà con nhân dân bị đói và thiếu lương thực”. Trên địa bàn huyện, nước lũ đã rút nhưng rấât chậm. Tranh thủ lũ rút đến đâu bà con về dọp dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả. Thị trấn La Hai 108 người đi sơ tán đã được về nơi ở cũ, xã Xuân Sơn Bắc 246 người đã về dọp dẹp nhà cửa, 216 người dân xã Xuân Sơn Nam ổn định nơi ăn chốn ở và 186 người dân thôn Gò Cà, xã Xuân Long cũng đã về nhà. Sáng qua, Trung tâm Y tế huyện Đồng Xuân đã cấp 32,5 kg Chloramin và 500 viên Chloramin cho bà con 11 xã, thị trấn khử trùng nước giếng.
Ở Phú Hòa, hôm qua vẫn còn 3 vùng bị ngập lụt là xóm Bến (Hòa Hội), xóm Bún (Hòa Định Tây) và xóm Soi (Hòa An). Lực lượng thanh niên xung kích và dân quân các địa phương này vẫn bố trí, duy trì lực lượng để sẵn sàng giúp đỡ, ứng cứu khi có trường hợp khẩn cấp.
Ở huyện Tuy An, xã An Hải đã huy động hơn 300 người mở rộng cửa biển và đến chiều qua, cửa An Hải đã được mở rộng 120m, góp phần tiêu thoát lũ nhanh hơn. Công an huyện đã dùng canô để nỗ lực tìm kiếm thi thể hai nạn nhân chết do lũ cuốn trước đó; chính quyền địa phương cũng đã đến thăm hỏi, chia buồn với gia đình các nạn nhân. Các đơn vị ứng cứu cũng đã dùng thuyền chuyển 4 sản phụ ở vùng trũng xã An Ninh Tây đến Bệnh viện huyện Tuy An an toàn.
CÁC LỰC LƯỢNG CHỨC NĂNG TIẾP TỤC GIÚP DÂN
Đến 16g chiều qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng Phú Yên đã cử 90 cán bộ, chiến sĩ, 2 xe ô tô, 1 tàu và 1 ca nô trực tiếp giúp các địa phương. Sáng qua, bộ đội biên phòng đồn 348 đã cứu nạn 2 chiếc tàu đánh cá và 7 ngư dân bị sóng biển đánh chìm ở vùng vịnh Xuân Đài (huyện Sông Cầu). Lực lượng đã giúp di dời 917 người dân ở những vùng bị ngập lụt thuộc TP Tuy Hòa và hai huyện Đông Hòa, Sông Cầu; giúp dân đắp đoạn đê dài 500m tại thôn Bình Thạnh, xã Xuân Thọ 2.
Theo Đại tá Nguyễn Như Trí, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thì hiện nay, lực lượng dân quân tự vệ tại các địa phương được huy động trực 24/24 giờ để ứng cứu và giúp đỡ người dân. Ngoài ra, lực lượng còn tăng cường ca nô trực tại các vùng xung yếu, vùng nước ngập bị cô lập hoàn toàn để giúp dân. Sau khi đi kiểm tra và khảo sát thực tế thiệt hại của bà con, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ có phương án huy động quân và nhờ sự tăng cường quân từ Quân khu 5 để giúp đỡ người dân tại các vùng bị thiệt hại do lũ lụt.
Tại các vùng ngập sâu, Công an tỉnh và công an các địa phương đã tổ chức bảo vệ tài sản của nhân dân, triển khai kịp thời công tác cứu hộ. Trong đợt lũ này, lực lượng công an tỉnh và các huyện đã tổ chức sơ tán và cứu hộ hơn 2.000 người dân, 20 công nhân.
Hôm qua (5/11), Ban giám đốc Sở Y tế phối hợp lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thành lập 4 đoàn kiểm tra trực tiếp về tình hình thiệt hại các cơ sở y tế và công tác thực hiện cấp cứu, điều trị bệnh tại 9 huyện, thành phố. Ngoài kiểm tra cơ sở vật chất, cơ số thuốc phục vụ, lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện đa khoa và Trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện, TP sẵn sàng ứng phó trong cấp cứu với các xã bị lũ lụt chia cắt; thực hiện “Nước rút tới đâu, có mặt tới đó” để vận động nhân dân ăn chín uống sôi, tập trung chôn cất súc vật chết, để hạn chế không xảy ra dịch bệnh.
Cũng trong ngày 5/11, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Phú Yên Nguyễn Khoa Huân đã đi nắm tình hình lũ lụt ở huyện Tây Hoà, Đông Hoà và đến thăm người dân ở các xã bị thiệt hại nặng như: Hoà Mỹ Tây, Hoà Phú (Tây Hoà) và Hoà Vinh (huyện Đông Hoà). Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh đã chỉ đạo Hội CTĐ huyện, xã mở cuộc vận động người dân địa phương, các nhà hảo tâm quyên góp tiền, gạo giúp đỡ khẩn cấp các hộ dân bị thiếu đói, những gia đình có người chết, nhà sập, mất tài sản do lũ lụt; yêu cầu hội viên CTĐ, thanh niên CTĐ xung kích ứng trực 24/24 để sẵn sàng di dời dân khi có tình huống xấu xảy ra và tham gia khắc phục hậu quả lũ lụt để nhanh chóng ổn định đời sống người dân sau khi nước rút.
Sáng 5/11, Sở Thương mại và Du lịch đã khẩn trương triển khai chuẩn bị các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ đồng bào vùng bị bão lũ. Theo đó, ngành đã huy động các công ty: TNHH một thành viên Vật tư tổng hợp, Cổ phần thương mại miền núi, TNHH Thương mại và vận tải Thuận Thảo cùng một số doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng cung ứng 4,5 triệu lít xăng, 4,8 triệu lít dầu diesel, 30.000 lít dầu lửa, 60 tấn muối iốt, 10 tấn bột ngọt, 50.000 lít dầu ăn cùng 76.000 thùng mì ăn liền, 25.000 thùng nước uống tinh khiết. Số hàng này sẽ được đưa đến những nơi có nhu cầu ngay khi có lệnh của UBND tỉnh. Đối với các huyện miền núi, các doanh nghiệp nói trên cũng đã dự trữ đủ số hàng hóa thiết yếu để khi cần có thể cung ứng ngay cho đồng bào.
Về giao thông. Đến 15g30 chiều qua, đường sắt Bắc – Nam qua Phú Yên đã được thông tuyến sau khi 100 công nhân tích cực khắc phục. Trước đó, đoạn đường sắt tại lý trình Km1134+510 thuộc khu gian Vân Canh - Phước Lãnh, đi qua tỉnh Phú Yên đã bị nước lớn gây xói lở, bị hư hỏng khoảng 10m nền đường, khiến 8 đoàn tàu, 1.620 hành khách phải nằm lại các ga Tuy Hòa, Hòa Đa, Chí Thạnh và La Hai.
Lúc 11g trưa qua, tuyến giao thông huyết mạch ĐT645 nối huyện Sông Hinh với TP Tuy Hòa đã thông tuyến.
Nhóm PV, CTV
14 người chết, 79 ngôi nhà sập và hư hỏng Đến chiều 5/11, toàn tỉnh đã có 14 người bị chết do lũ lụt. Trong đó, Đông Hoà 8 người, Tuy An 3, Tây Hoà 1, Phú Hòa 1 và TP Tuy Hoà 1. Toàn tỉnh đã có 20 căn nhà bị sập hoàn toàn và 59 căn nhà bị hư hỏng 50%, chủ yếu tập trung tại 2 huyện Sông Cầu và Tuy An. Hàng ngàn ngôi nhà vẫn còn bị ngập trong nước lũ. Hôm qua (5/11), đã có thêm 3 chiếc tàu bị chìm, nâng tổng số phương tiện tàu thuyền bị chìm toàn tỉnh lên con số 27; lực lượng chức năng mới chỉ trục vớt được 2 chiếc. Theo thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương, hiện thiệt hại về sản xuất nông - ngư nghiệp do mưa lũ gây ra rất nặng nề. Toàn tỉnh bị ngập, hư hại gần 2.000 ha sắn, hơn 900 ha bắp, gần 300 ha đậu các loại, hàng ngàn ha lúa vụ 10 và vụ 12; hàng ngàn con gia súc bị chết hoặc trôi mất... LY KHA – ĐỨC THÔNG