“Từ đêm qua đến giờ tôi mới ăn nửa chén cơm” - Bà Nguyễn Thị Sáu, năm nay 60 tuổi ở khóm 4, thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) nói mếu máo. Lúc 17 giờ ngày 3/11, nước lũ lên nhanh, khu dân cư khóm 4 này như một ốc đảo, nước bao vây tứ bề. Lực lượng thanh niên xung kích và dân quân thị trấn La Hai đã dùng loa tay thông báo cho người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Bà Sáu cùng 15 hộ dân ở khóm 4 phải di dời. Người thì “tay xách, nách mang” tài sản, người thì quảy lỉnh kỉnh các vật dụng, tay còn dắt theo bò đi sơ tán vào trụ sở HTX Châu Bình trú ẩn.
Đưa dân vùng lũ ở thị trấn La Hai đến nơi trú tránh Ảnh: H.NAM |
Theo lời bà Sáu, tối 3/11, sau khi đến nơi ở an toàn, đứa cháu nội của bà mang vào gói cơm sớt ra được khoảng một chén, bà ăn một nửa, còn một nủa để dành tối qua mới ăn. Bà Sáu nói: “Chắc gì con trai tôi và hai đứa cháu nội có ăn được hột cơm nào”. Từ tối hôm trước đến cả ngày hôm qua, con trai bà Sáu vận chuyển lúa thóc, khiêng vật dụng kê cao vì sợ lũ cuốn trôi. Đợt lũ vừa rồi, nước chỉ mấp mé ngoài sân, còn đợt lũ này nước đã dâng lên ngập nhà. Trong khi đó, trời liên tục mưa to, cho nên công việc di dời tài sản mới hối hả cả làng.
Ông Võ Văn Minh, 70 tuổi, người dân khóm 4 nói: “Khổ quá mới tuần trước, dắt heo, bò chạy lụt, chưa đầy một tuần phải lùa bò, khiêng heo vào trong này nữa”.
Xóm Giữa (nay gọi khóm 4), thị trấn La Hai là vùng trũng thấp. Khi có lũ, người dân xóm này phải di chuyển trước.
Tại hành lang của hai nhà kho và hành lang trụ sở HTX Châu Bình, bò heo buộc dây đứng chật như nêm. Chỗ ăn chỗ ngủ của hơn 20 người gói trọn trong gian phòng vài chục mét vuông của HTX, quần áo và các vật dụng ước nhẹp (vì vận chuyển đường xa lại đi dưới mưa to).
Ông Hồ Chi, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban PCLB-TKCN thị trấn La Hai, cho biết: “Chỗ tránh lũ ở hai khu vực Nhà văn hóa huyện và HTX Châu Bình hơi chật chội, nhưng là nơi ở an toàn của bà con vùng lũ. Phải di dời kịp thời như vậy mới bảo vệ được an toàn tính mạng của người dân. Được một điều là bà con vùng này biết rõ sự nguy hiểm của lũ lụt nên khi yêu cầu di dời tránh lũ là tinh thần tự giác rất cao”.
Theo một chiếc sõng câu, tôi vượt qua sông Cạn ra xóm Gò Cốc, xã Xuân Quang 2. Vùng này nước ngập lênh láng. Cả xóm nhà người dân đã di chuyển, vắng lặng. Chỉ còn vài nhà trên đồi cao có người cầm cự. Những người đàn ông cuối cùng của xóm này cố vác những bao lúa di chuyển, phụ nũ gồng gánh chạy lụt. Trong những căn nhà ở Gò Cốc, bà con phải dùng dây treo bàn ghế và những vật dụng khác lên đà nhà để chúng không bị nước cuốn đi.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, đứng bên này sông Cạn, đưa tay vuốt nước mưa trên mặt, nói: “Vợ con tôi đi vào xóm Gò đêm qua rồi, tôi còn phải ở lại chống đỡ ngôi nhà dưới. Nhưng vì xã thông báo liên tục, và thấy nước lớn nhanh quá nên tôi phải bơi sõng đi tránh lũ cho rồi”.
Nhiều người dự đoán lũ còn “đưng” vài ba ngày nữa mới có thể rút hết nước, những người dân đi tránh lũ ở Đồng Xuân không giấu được vẻ lo lắng cho những ngôi nhà của họ chìm sâu dưới dòng nước đục ngầu. Nhưng ai trong số họ cũng an tâm bởi gia đình nào cũng đông đủ mặt trong những nơi trú tạm hơi chật chội, nhưng lại an toàn này…
MẠNH HOÀI