Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) có hiệu lực gần 3 năm nay, các văn bản quy phạm pháp luật về PCBLGĐ cũng đã được ban hành... Tuy nhiên, tình trạng BLGĐ vẫn diễn ra khá phổ biến. Để Luật PCBLGĐ đi vào cuộc sống là cả một chặng đường dài.
Chị Oanh bàn bạc cùng lãnh đạo địa phương tổ chức các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ - Ảnh: T.HIẾU |
TÍN HIỆU VUI
Thôn Hội Tín (xã An Thạch, huyện Tuy An) có trên 2/3 dân số theo Thiên Chúa giáo và Phật giáo. Để vận động phụ nữ đứng vào tổ chức, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã luôn quan tâm đến quyền tự do tín ngưỡng của chị em, vận động họ sống “tốt đời, đẹp đạo”, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các nội dung có liên quan đến công tác phụ nữ, đến bình đẳng giới và PCBLGĐ.
Cuối năm 2008, Hội Phụ nữ xã An Thạch chọn thôn Hội Tín làm điểm xây dựng mô hình câu lạc bộ PCBLGĐ với 30 thành viên là 15 cặp vợ chồng sống hạnh phúc, mẫu mực và có uy tín trong thôn. Điều đặc biệt là không chỉ có phụ nữ mà còn có cả nam giới tham gia câu lạc bộ. Chị Trần Thị Ngọc Oanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Thạch chia sẻ: “PCBLGĐ không thể chỉ có phụ nữ, mà cả nam giới cũng phải vào cuộc để công tác này đạt hiệu quả và có tính thuyết phục”. Khi gia đình nào xảy ra xích mích thì những thành viên câu lạc bộ tuyên truyền, phân tích thuyết phục để mọi chuyện trở nên êm thấm. Cũng theo chị Oanh: “Nhờ sự tuyên truyền, hòa giải của vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng và chị Trần Thị Hạ, anh Nhang Đạo Tuấn và chị Nguyễn Thị Yến cùng nhiều cặp vợ chồng khác mà tình trạng bạo lực gia đình ở tại khu dân cư giảm đáng kể”. Chị Nguyễn Thị Lan, một phụ nữ trong thôn thổ lộ: “Nếu anh Hùng, chị Hạ không can thiệp, không phân tích điều hơn lẽ thiệt, thì vợ chồng tôi đã “đường ai nấy đi”. Bây giờ, tôi hiểu, vợ chồng sống với nhau cần phải biết thông cảm, chia sẻ và cùng nhau nỗ lực để xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình”.
Chị Oanh cho biết, từ khi câu lạc bộ thành lập đến nay, câu lạc bộ đã can thiệp 5-10 trường hợp BLGĐ, góp phần giảm đáng kể tình trạng bạo hành gây thương tích và ly hôn. Không dừng lại ở đó, hội Phụ nữ xã, chi hội Phụ nữ thôn phối hợp với câu lạc bộ triển khai cho người dân trong thôn nắm được những nội dung cơ bản của các luật PCBLGĐ, Bình đẳng giới, Hôn nhân và Gia đình; vận động các gia đình có nhiều thế hệ chung sống cùng thực hiện theo phương châm ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, xây dựng gia đình bền vững hạnh phúc. Nhờ vậy, số hộ gia đình văn hóa ở địa phương tăng lên đáng kể.
CÒN ĐÓ NHỮNG TRỞ NGẠI
Luật PCBLGĐ ra đời được gần 3 năm, tiếp theo là một loạt văn bản quy phạm pháp luật về PCBLGĐ như các chỉ thị, nghị định của Chính phủ... Nhưng điều đáng nói là đến nay, giữa luật và cuộc sống vẫn còn khá xa. BLGĐ là vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Ở nông thôn, nơi có trình độ dân trí thấp, tình trạng BLGĐ thường xảy ra nhiều hơn. BLGĐ thường xảy ra chủ yếu dưới hình thức bạo lực về thể xác (dùng tay chân đánh đập) và bạo lực tinh thần. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ bất bình đẳng giới. Phụ nữ, trẻ em và người già thường là nạn nhân của BLGĐ. Trong đó, người vợ là đối tượng có nguy cơ bị chồng bạo hành nhiều nhất. Cũng có một số ít trường hợp người chồng bị vợ hoặc con đánh đập...
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên Phạm Thị Tương Lai nói: “Vì đây là chuyện xảy ra trong phạm vi gia đình, nên các ngành chức năng rất khó phát hiện và tiếp cận. Có những sự vụ xảy ra, chị em lại cố tình che giấu. Chính sự che giấu này khiến cho tình trạng BLGĐ không có chiều hướng giảm. Ngoài ra, nhiều người xem chuyện BLGĐ là chuyện riêng của người khác. Họ không can thiệp hoặc không thông báo cho chính quyền địa phương khi thấy hành vi bạo lực xảy ra. Sự phối kết hợp của các cơ quan ban ngành về vấn đề này lại thiếu nhịp nhàng”. Bà Nguyễn Thị Minh Thùy, quyền Trưởng Ban Chính sách luật pháp Hội LHPN tỉnh chia sẻ: “Hiện nhiều cơ quan, ban ngành vẫn cho đây là nhiệm vụ của Hội Phụ nữ. Nhưng chỉ riêng phụ nữ thì không thể thực hiện, cần phải có sự phối hợp của các cấp, ngành, đoàn thể”.
Lâu nay, chúng ta nói nhiều đến nhận thức của phụ nữ trong vấn đề tự bảo vệ mình trước BLGĐ nhưng ít khi nhắc đến nhận thức, hiểu biết về pháp luật của nam giới (người chồng, người cha, người anh trong mỗi gia đình), trong khi bản thân họ là nhân tố hết sức quan trọng quyết định cuộc sống gia đình có bình đẳng hay không, có bạo lực hay không. Theo ông Nguyễn Đức Thành, cán bộ chuyên trách công tác gia đình ở Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch: “Để Luật PCBLGĐ đi vào cuộc sống, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là tuyên truyền, giáo dục. Phải làm cho người dân, chính quyền nhận thức đúng đắn về vấn đề thì mới thực hiện đúng được”. Thời gian qua, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã tổ chức truyền thông trực tiếp cho 51/112 xã, phường, thị trấn và thành lập 119 CLB gia đình phát triển bền vững ở 9 huyện, thị, thành phố. Nếu gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững thì sẽ không xảy ra tình trạng BLGĐ”.
NGỌC DUNG