Hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo” 2009 - 2010 do Ban Dân vận Tỉnh ủy Phú Yên phát động, Hội Nông dân xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) đã thực hiện hiệu quả mô hình “Tuyên truyền, vận động, quán triệt nông dân không tham gia khiếu kiện, không chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy; không tham gia vào những hoạt động do kẻ xấu kích động, lôi kéo”.
Nông dân Đức Bình Đông chăm sóc tiêu - Ảnh: H.CHƯƠNG
Đức Bình Đông là một xã miền núi có sáu thôn, dân số 4.200 người gồm bảy dân tộc khác nhau chung sống. Đời sống người dân nơi đây còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, ngôn ngữ bất đồng… đã ảnh hưởng nhất định đến an ninh, trật tự của địa phương. Sau khi đăng ký thực hiện mô hình “Dân vận khéo”, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã xác định thôn Bình Giang và buôn Thung – nơi có đông bà con đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và có đến 60% hộ nghèo để triển khai thực hiện mô hình. Đầu tiên, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã họp bàn, thống nhất kế hoạch cụ thể, sau đó phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Hội thường xuyên bám cơ sở, tham gia sinh hoạt ở các chi, tổ hội của hai thôn, buôn. Qua đó, tìm hiểu, nắm bắt thông tin, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, nhất là những diễn biến dẫn đến việc phá rừng hay khiếu kiện của bà con nơi đây. Sau khi hiểu được nguyên nhân mà 19 hộ dân khiếu kiện, 13 hộ chặt phá rừng, tranh thủ ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy xã, Hội đã phối hợp với chi bộ và ban nhân dân hai thôn, buôn này họp dân để đối thoại. Qua đối thoại, được giải thích cặn kẽ, thấu lý đạt tình, các hộ đã cam kết không tham gia phá rừng, đồng thời mong mỏi các cấp có thẩm quyền giải quyết các vụ việc theo đúng quy định pháp luật. Một nét đáng chú ý là trong vận động nhân dân thực hiện chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Hội Nông dân Đức Bình Đông rất chú trọng phát huy vai trò của các già làng ở thôn, buôn…
Thời gian qua, trong xã có một số người dân nghe lời xúi giục, kích động của một số phần tử và ký vào đơn xin xây dựng cơ sở tôn giáo trái phép ở địa phương. Trước tình hình này, Hội đã kiên trì giải thích, tuyên truyền vận động hội viên và bà con hiểu rõ thực hiện quyền tự do tín ngưỡng phải đúng với quy định của Nhà nước, đồng thời nhắc nhở hội viên, nhân dân nâng cao cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu xúi giục, gây mất đoàn kết nội bộ nhân dân, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Để góp phần xây dựng Hội, xây dựng địa phương vững mạnh, hằng năm, Hội phát động hội viên, nông dân tham gia tích cực các phong trào do Hội cấp trên và địa phương phát động như phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, bảo vệ an ninh Tổ quốc... Đến nay, hội đã đứng ra tín chấp với số tiền hơn 3,8 tỉ đồng cho 278 hộ vay vốn giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định kinh tế gia đình. Ngoài ra, Hội còn tham gia phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật tiên tiến cho nông dân, vận động quyên góp ủng hộ các hoạt động từ thiện, xóa nhà tạm… Nhờ đó, góp phần phát triển dân sinh, an ninh trật tự được giữ vững. Hội Nông dân xã Đức Bình Đông được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp và mô hình đăng ký được công nhận là một trong những mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu của tỉnh.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Bình Đông Nguyễn Phụng cho biết: Qua kết quả bước đầu thực hiện mô hình, chúng tôi rút ra nhiều bài học quý báu. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là người cán bộ Hội phải kiên trì, nhạy cảm trong công tác, nắm vững hoàn cảnh, nhận thức, tâm tư nguyện vọng của hội viên và nhân dân để phản ánh cho Đảng, chính quyền giải quyết thấu đáo, bảo đảm lợi ích chính đáng của bà con. Có như vậy mới thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” và góp phần xây dựng Hội vững mạnh.
ĐÌNH MAI