Những vỏ ốc tưởng như vô dụng, dưới bàn tay của người thợ đã trở thành những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo. Với họ, đây là món quà đầy ý nghĩa gửi đến những người bạn phương xa nặng tình với biển.
THỔI HỒN VÀO VỎ ỐC
Cơ sở ốc mỹ nghệ Đồng Nghiệp do hai anh em Nguyễn Minh Nghiệp và Nguyễn Hoàng Đồng thành lập từ năm 2003 tại phường 9, TP Tuy Hòa. Ngày cắp sách đến trường, cậu học sinh Nguyễn Hoàng Đồng thường xuyên đi dọc bờ biển Tuy Hòa, lượm những vỏ ốc sau giờ học. Với niềm say mê sáng tạo, Hoàng Đồng biến những vỏ ốc bình thường đó thành những món quà ý nghĩa tặng bạn bè, người thân. Được sự động viên của gia đình, bè bạn, anh ngày càng say mê sáng tạo, sưu tầm nhiều vỏ ốc. Năm 2002, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh phải nghỉ học giữa chừng. Những chuyến theo cha đi biển, anh có điều kiện sưu tầm thêm các loại vỏ ốc đẹp, độc đáo. Hoàng Đồng tâm sự: “Khi đó, một ý nghĩ kinh doanh chợt lóe lên, tôi rủ anh ruột cùng đi kiếm thêm thật nhiều vỏ ốc đẹp, làm ra nhiều tác phẩm, phần tặng bạn bè để giới thiệu, phần gửi bán tại các cửa hàng trong chợ Tuy Hòa, phần đi bán dạo. Ban đầu tác phẩm còn thô sơ, sau nhờ có kỹ thuật, kinh nghiệm tích lũy, các sản phẩm của hai anh em ngày càng được nhiều người biết đến”. Năm 2008, cơ sở ốc mỹ nghệ Đồng Nghiệp chuyển về thị trấn Chí Thạnh để mở rộng sản xuất. Đến nay, sản phẩm mỹ nghệ của Đồng Nghiệp đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trong nước, đặc biệt là các điểm du lịch ở Đà Nẵng, Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn… Đây là những thành phố biển, tại địa phương cũng có nhiều sản phẩm mỹ nghệ được làm từ vỏ ốc, nhưng ốc mỹ nghệ của cơ sở Đồng Nghiệp vẫn có nét đẹp riêng nên được khách du lịch ưa thích.
Anh Đồng cho biết, để có nguồn nguyên liệu thường xuyên, cơ sở tổ chức nhiều điểm mua vỏ ốc ở Vũng Rô (huyện Đông Hòa), Long Thủy (TP Tuy Hòa), An Hải (huyện Tuy An), TX Sông Cầu… Đặc biệt, khu vực biển Long Thủy có nhiều loại ốc đẹp như ốc bàn tay, ốc chà và bông… Tại đây có những người chuyên đi gom vỏ ốc ở các bãi biển, nhà hàng, khu vui chơi ăn uống hải sản ven biển cung cấp lại cho cơ sở. Thông thường, vỏ sò, vỏ các loại ốc nhỏ giá chỉ khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg; còn các loại vỏ ốc đẹp, lớn, độc đáo thì từ 5.000 - 6.000 đồng/con, thậm chí vài ba trăm nghìn đồng/con. Tuy nhiên, để tạo được sự mới lạ, hấp dẫn người mua, anh Đồng phải lặn lội đi đến các vùng biển khác như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc… để sưu tầm. Anh tâm sự: “Cầm một vỏ ốc đẹp, tôi phải suy nghĩ, trăn trở rất nhiều, làm sao vừa giữ được vẻ đẹp tự nhiên của vỏ ốc, vừa truyền tải được tâm tư, tình cảm của mình vào đó”.
TÌM HƯỚNG ĐI MỚI
Đã cuối giờ chiều mà cơ sở ốc mỹ nghệ Đồng Nghiệp vẫn tấp nập người làm. Tại xưởng thường xuyên có từ 25 - 30 lao động làm việc, có thời điểm lên đến 40 lao động. Anh Thiên Ngọc Vũ, một công nhân ở khâu cắt vỏ, cho biết: “Tôi vào làm ở đây được gần một năm nay. Ban đầu chưa quen việc, còn nhiều bỡ ngỡ, nay đã thạo nghề, tôi thấy công việc này cũng dễ làm, lương bổng ổn định”. Lương của công nhân ở đây dao động từ 1- 3 triệu đồng/tháng tùy theo thời gian làm việc và tay nghề.
Để có một sản phẩm hoàn chỉnh, phải qua nhiều khâu: làm sạch, đánh bóng, cắt, lắp ráp theo mẫu, phun keo thành phẩm và đóng gói. Mỗi khâu đều cần sự chăm chút tỉ mỉ, cẩn thận của từng người thợ. Anh Đồng cho biết: “Làm ra một sản phẩm mỹ nghệ, điều quan trọng nhất là ý tưởng. Nếu không có những ý tưởng độc đáo, mới lạ thì không thể tạo ra những tác phẩm được khách hàng đón nhận. Để làm được điều đó, tôi thường xuyên trăn trở, sáng tạo ra những mẫu mã mới, đồng thời tìm hiểu thêm trên mạng internet, sách báo… rồi tạo ra những mẫu mã của riêng mình”.
Thời gian tới, cơ sở ốc mỹ nghệ Đồng Nghiệp sẽ phát triển theo hướng kết hợp với các sản phẩm trang trí nội thất như đèn ngủ, đèn chùm, rèm cửa, tranh gỗ, tranh ốc, tượng thiếu nữ… vừa sang trọng lại vừa độc đáo, rất được khách hàng ưa chuộng. Cơ sở đang làm thủ tục xin UBND huyện Tuy An cho mở lớp đào tạo nghề, tạo thêm việc làm cho người lao động địa phương. “Để mở rộng sản xuất kinh doanh, chúng tôi có dự định chuyển thành công ty tư nhân, chuyên sản xuất, kinh doanh mặt hàng ốc mỹ nghệ, qua đó xúc tiến việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm sang một số nước khác để mở rộng thị trường” - ông chủ trẻ tâm sự. Tuy nhiên, hiện cơ sở còn gặp nhiều khó khăn về vốn, thiết bị, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Hướng tới kỷ niệm 400 năm hình thành và phát triển tỉnh Phú Yên, cơ sở ốc mỹ nghệ Đồng Nghiệp có ý tưởng làm ra nhiều sản phẩm mang đặc trưng Phú Yên như tranh khắc gỗ, tranh ốc “vẽ” các thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh. Anh Đồng chia sẻ: “Tôi mong muốn thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên và con người Phú Yên qua những nguyên liệu sẵn có, đặc trưng của vùng đất biển, góp phần giới thiệu vẻ đẹp Phú Yên tới bạn bè trong nước và quốc tế”.
NGÔ XUÂN
Bà Nguyễn Thị Minh Sa, mẹ anh Đồng giới thiệu một số sản phẩm của cơ sở ốc mỹ nghệ Đồng Nghiệp -Ảnh: NGÔ XUÂN