Thứ Ba, 26/11/2024 13:59 CH
Cảm nhận Trường Sa (Kỳ 1)
Thứ Ba, 17/06/2008 07:00 SA

Trường Sa - vùng lãnh thổ thiêng liêng của đất nước ta, nơi có những người con thân yêu của Tổ quốc đêm ngày chắc tay súng canh giữ biển trời Tổ quốc giữa ngàn khơi sóng gió. Đến với Trường Sa, trong những ngày tháng năm vừa qua, Đoàn công tác của tỉnh Phú Yên đã mang đến những tình cảm đặc biệt thân thương cho quân dân huyện đảo. Đồng chí Vũ Văn Thoại - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn công tác đã có những ghi nhận chi tiết, giàu hình ảnh và xúc động về chuyến đi này. Kể từ số báo hôm nay, Báo Phú Yên xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc ghi chép nhiều kỳ “Cảm nhận Trường Sa” của tác giả Vũ Văn Thoại.  

 

Chuyến đi Trường Sa lần này đối với tôi như thực hiện một ước nguyện, vì từ lâu tôi đã thầm mong có một dịp nào đó, được một lần đi thăm quần đảo Trường Sa. Ước nguyện đó giờ đã thành hiện thực.

 

ts1-080617.jpg
Đồng chí Vũ Văn Thoại viết cảm tưởng ở đảo Tiên Nữ   - Ảnh: N.LƯU
Tôi nghĩ rằng chuyến đi rồi cũng sẽ kết thúc, những ngày lênh đênh trên biển, lênh đênh trên sóng rồi cũng sẽ kết thúc, nhưng trong trái tim mình, trong suy nghĩ của mình về một Trường Sa thân yêu, chắc sẽ không bao giờ kết thúc, nó sẽ theo tôi và cùng tôi đi suốt cuộc đời.

Tôi bắt đầu viết những dòng nhật ký này khi con tàu vừa rời cảng Ba Son lúc 10h5’ ngày 2/5/2008. Kỳ thực, khi được các đồng chí lãnh đạo Bộ tư lệnh Hải quân thông báo vào chiều ngày 1/5/2008 là sáng mai các đoàn  lên tàu  HQ 996 vào lúc 8h00, các Trưởng đoàn lên tàu lúc 9h kém 15’ và tàu nhổ neo rời cảng lúc 10h5’. Nghĩ thầm trong bụng là giờ giấc sao mà kỹ đến thế! Sao lại phải 10h5’ nhổ neo mà không phải là 10h hoặc 10h10’, kinh thật. Nhưng sự việc không như tôi hình dung, 10h5’ đó là lúc thủy triều dâng lên đủ mức nước để tàu có thể nhổ neo, rời bến! Thì ra thế!

 

Thực tình, tôi cũng không nghĩ gì nhiều ở cái thời khắc nhổ neo ấy, vì trên cảng nào lính trai, lính gái trong sắc phục Hải quân nhân dân Việt Nam nghiêm trang đứng chào, còn trên boong tàu và dọc lan can thành tàu, bao nhiêu máy quay phim, máy chụp hình, máy điện thoại, chuyển sang chế độ quay phim, chụp hình hoạt động hết công suất… Thế là, trong người tôi nó cứ phơi phới…Thế nhưng khi nhìn tấm ảnh của Trình Kế – phóng viên Đài Phát thanh Phú Yên - ghi lại cái khoảnh khắc tàu chuẩn bị nhổ neo, rời cảng, đồng chí chỉ huy tàu HQ 996 thắp hương trước bàn thờ ngay trên khoang lái, cầu nguyện cho chuyến đi bình an, làm cho tôi thật sự xúc động. Tôi nghĩ ngay đến những rủi ro nào ai có thể lượng định được nơi trùng khơi biển cả mà sức vóc con người thì có giới hạn. Tôi lại bỗng nhớ đến hàng ngàn đồng bào mình, những ngư dân suốt đời phải vật lộn với gió giông, bão tố…cũng vì miếng cơm, manh áo đã không may rơi vào vùng gió bão…mãi mãi không về…

 

Tàu liên tục kéo còi trên đoạn sông dập dìu thuyền bè, xuôi, ngược. Tàu lướt rất êm. Lạ quá, cái gì cũng lạ. Đúng là đã 33 năm rồi, biết bao nhiêu lần, vào ra Sài Gòn, vào ra Thành phố Hồ Chí Minh nhưng chưa lần nào tôi có dịp được đắm mình trong cái không khí rộn ràng, tấp nập, hơn 6 giờ đồng hồ dọc sông Sài Gòn như lần này. Thật sự đối với tôi cái gì cũng lạ lẫm, cũng hùng vĩ, cũng hối hả, khẩn trương, bao nhiêu cảng, bao nhiêu cẩu, đủ loại, bao nhiêu tàu lớn, tàu bé nối đuôi nhau đợi hàng. Hàng trăm Container được chuyển lên, chuyển xuống rầm rập…

 

Qua hết đoạn sông “công nghiệp hóa” là cả một vùng cây ăn trái, xanh đến tận cùng và thanh bình  cũng đến tận cùng. Thế mới biết đất nước mình đẹp và đáng yêu đến như thế nào!

 

ts-080617.jpg
Đảo Đá Tây

 

Gần đến đoạn phải chia tay giữa sông với biển là cả một vùng tràm đước mênh mông. Anh Huỳnh Ngọc Sanh, Đại tá, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, thành viên của đoàn, chỉ tay về phía rất xa và nói:  “Đó là chiến khu Rừng Sác - Một thời là căn cứ của vùng Sài Gòn- Chợ Lớn - Gia Định. Một thời đã từng làm cho Mỹ - ngụy thất điên bát đảo”. Lại thế mới biết, con người Việt Nam, con người Nam Bộ yêu nước và kiên trung biết chừng nào! Chính bây giờ, nhiều đồng chí còn sống qua chiến tranh, trở lại nơi mà họ đã từng trải qua những năm tháng rắn rết, muỗi mòng, nước ngập, khói lửa, đạn bom… Họ cũng không ngờ rằng, họ có thể làm được cái điều gan dạ ấy, lạ lùng ấy.

 

Chào Sài Gòn xưa, chào TP Hồ Chí Minh nay, con tàu HQ 996 lách mõm núi  phía Nam của TP Vũng Tàu xinh đẹp để tiến ra biển lớn. Lạ lắm! Đối với mình không ít lần đi biển, thế nhưng lần này đúng là cùng với tàu ta ra biển lớn. Mênh mông quá, hùng vĩ quá! Gió nồm đẩy mạnh vào mũi tàu, sóng rẽ từ hai phía, nắng nhẹ, bầu trời hơi mờ càng làm cho con tàu thêm lãng mạn…

 

Mình gọi điện về nhà gặp bà ngoại, bà ngoại nói mẹ Đô Em đi đón Út, còn Đô Em thì đi học tiếp! Lúc đó mình cũng gọi nhiều người trong tâm trạng phấn khích khó tả. Một trong những người mình gọi đó là anh Trần Văn Lộc, Phó Giám đốc Đài phát thanh Phú Yên, người mà  rất không may không cùng đi trong chuyến thăm Trường Sa lần này…

 

Mặt trời dần xuống thấp, khi chỉ còn le lói vài vệt ánh sáng cuối cùng, thì TP Vũng Tàu cũng lùi dần và khuất khỏi tầm mắt. Màn đêm  buông xuống, lần đầu tiên nhìn thấy trời đêm trên đại dương, lòng càng dào dạt… Gió nồm vẫn thổi, phía xa đèn của các thuyền đánh cá như rõ dần, lắc lư, chập chờn trên sóng. Lúc này, cả đại dương là một màu đen thẩm, xa xăm quá, huyền bí quá!.

 

Mình nghĩ ai có thể đoán biết được bên dưới đại dương kia đang ẩn chứa điều gì…

 

Vừa lúc ấy, loa trên tàu thông báo: “Toàn tàu chú ý, toàn tàu chú ý!  Đã đến giờ ăn cơm chiều, xin mời thủ trưởng và các đại biểu đến đúng các khu vực đã được bố trí dùng bữa. Các Trưởng đoàn xin mời ăn tại phòng sinh hoạt câu lạc bộ sĩ quan. Chiều nay, Thủ trưởng Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hoà, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác mời cơm các đồng chí. Các đại biểu khác được bố trí như sau: Từ phòng P17 đến P 23 ăn đợt 1”, vì gió và sóng đang to mình nghe không rõ nên cứ tưởng ăn cơm hộp. Lát sau nghe thông báo tiếp, “từ phòng P24 đến P35… mời ăn đợt 2… Rất mong các đồng chí đại biểu thông cảm, vì phòng ốc trên tàu chỉ có thế!”  Bây giờ mình mới hiểu ra là ăn đợt 1, chứ không phải là ăn cơm hộp.

 

Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác tiếp cơm các Trưởng đoàn tại phòng sinh hoạt CLB sĩ quan trong “bộ cánh” vừa đẹp, vừa gần gũi. Ông tướng bây giờ khác với ông tướng lúc sáng, lúc dẫn đầu đoàn các đồng chí lãnh đạo chuẩn bị lên tàu trong không khí tràn đầy quân lệnh. “Tôi! Đại tá… Chỉ huy Tàu HQ 996, báo cáo Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân, công tác chuẩn bị xuất phát đã hoàn tất, mọi việc đã sẵn sàng, chờ lệnh đồng chí. Báo cáo xong!” Chào! “Đồng ý, đề nghị các đồng chí triển khai như kế hoạch!” “Báo cáo! Rõ!” Chào!… Còn bây giờ thì gần gũi quá, thân thiết quá. Kỳ thực từ rất lâu mình rất thích nhìn các vị tướng. Coi ra đã lên đến tướng thì tướng nào cũng đẹp, cũng cân đối, cũng hấp dẫn. Từ khuôn mặt, vóc dáng đến phong cách… Cái gì cũng đã, cũng sướng trong người, bây giờ đang đối diện với vị tướng vừa đẹp, vừa vui, càng thích. Anh Hòa chúc mừng chuyến đi, chúc mừng và cảm ơn đảng bộ và nhân dân các tỉnh đã hết lòng vì Trường Sa thân yêu và lần này, sự có mặt của gần 150 đại biểu của 8 tỉnh, thành phố, cả Bắc, Trung, Nam một lần nữa  biểu thị rõ ràng của tình yêu thương đó đối với lực lượng Hải quân nói riêng và các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nói chung!

 

Truong-Sa-080617.jpg
Đoàn Phú Yên đang hát tập thể “Bài ca Phú Yên” của cố nhạc sỹ Văn Chừng đêm 02/5/2008

 

“Thay mặt quân chủng, thay mặt Bộ Tư lệnh Hải quân, tôi xin cảm ơn và xin mời chúng ta nâng cốc…” Câu chuyện cứ thế mà rộn rã dần. Qua hỏi han và bộc bạch, được biết anh Hoà sinh 1954, năm nay tròn 54 tuổi. Anh sinh đúng cái năm nhân dân ta, quân đội anh hùng của chúng ta kết thúc vẻ vang chiến dịch Điện Biên Phủ. Kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ, đập tan tham vọng hão huyền của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc với ý đồ nô dịch lâu dài các dân tộc thuộc địa. Chiến thắng vẻ vang đó của dân tộc Việt Nam tại chiến trường Điện Biên Phủ là một trong những sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, mở đầu cho sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Mở ra thời kỳ mới, thời kỳ các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giành độc lập. Hay thật, đáng nhớ thật.

 

Anh Hòa còn nói, trên đất liền, mọi việc yên ổn, hòa bình, nhưng trên biển điều gì cũng có thể xảy ra, khó lường trước được. Thoáng một cái, trước đó một giờ, tình hình hoàn toàn yên ả, sau một giờ, điều bất ngờ lại đến. Đang thấy tàu họ xuất hiện, là đối tác… nhưng đùng một cái, tàu họ phát pháo tín hiệu, thì ngay lập tức trở thành đối tượng. Đối tác, đối tượng chỉ là chân tơ, kẽ tóc. Vì thế đường lối bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 (khoá IX) là cực kỳ sáng suốt, cực kỳ sáng tạo… Ta không bao giờ muốn gây hấn với ai, nhưng cũng không bao giờ lơi lỏng dù một phút, một giây, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc… Tôi nghĩ rằng, ngoài sự gian khổ ra, chính được sống trong cái không khí lúc nào cũng khẩn trương, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, cuộc sống càng trở nên thi vị…

 

Khi rời phòng ăn vào khoảng hơn 19h30’ một chút, cả anh Hòa và các Trưởng đoàn bước lên boong tàu thì anh em các đoàn đã có mặt đông đủ. Đêm nay 2/5, đêm đầu tiên giao lưu giữa các đoàn thông qua một chương trình văn nghệ tổng hợp mà đoàn Nghệ thuật binh chủng Hải quân làm nòng cốt để mọi người biết nhau, mọi người hiểu nhau. Ai ở Hải Dương, ai người Hà Tĩnh, ai Bạc Liêu, Tiền Giang, Phú Yên, Quảng Ngãi… tất cả hoà trong không khí tràn ngập tiếng đàn, tiếng hát, tiếng nói, tiếng cười. Các đoàn lần lượt “ra mắt”, các “diễn viên bất đắc dĩ” trổ tài văn nghệ, yếu thì hát tập thể một bài nào đó về quê hương mình, tốt nhất là như vậy, theo nhịp 2/4, dễ hát, dễ nhớ. Ai khá hơn thì đơn ca, song ca, còn các nam nữ văn công Hải quân thì khỏi phải nói. Hát cũng hay mà múa cũng dẻo, tuyệt thật. Anh em Đoàn Phú Yên quyết định hát tập thể và chọn bài hát: “Bài ca Phú Yên” của cố nhạc sĩ Văn Chừng. Bài hát mà kể từ khi chia tỉnh, Đài phát thanh Phú Yên lấy giai điệu của nó làm nhạc hiệu của đài. Đoàn Phú Yên còn tham gia một tiết mục nữa đó là đọc bài thơ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây của cố thi sĩ Phạm Tiến Duật, người đọc là chị Tô Hà, Phó giám đốc Trung tâm truyền hình Việt Nam  tại Phú Yên.

 

(Còn nữa) 

 

VŨ VĂN THOẠI  

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

     

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ở miền cực Bắc tổ quốc
Thứ Sáu, 13/06/2008 14:32 CH
“Lưới” cá trên sông Đà Rằng
Thứ Tư, 11/06/2008 15:06 CH
Ông Bùi Dinh làm theo lời Bác
Thứ Tư, 11/06/2008 11:29 SA
Thư giãn với... rùa
Thứ Tư, 04/06/2008 15:01 CH
KỲ II: Để tang, hương khói cho “Ông”
Thứ Ba, 03/06/2008 12:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek