Thứ Tư, 02/10/2024 21:28 CH
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 9)
Thứ Sáu, 27/06/2008 07:40 SA

(Tiếp theo kỳ 8)

 

Không biết có phải trời đất muốn thử thách các thành viên của Đoàn công tác đi thăm quần đảo Trường Sa lần này hay không, mà kể từ khi chỉ huy tàu thông báo  tàu nhổ neo vào lúc 12h10’ ngày 8/5/2008, tạm biệt An Bang để hướng tới Quế Đường thì gió mỗi lúc một to, sóng mỗi lúc một lớn. 

 

queduong1-080627.jpg

Nhà giàn Quế Đường ĐK1

 

Tới lúc này thì cả chị Tô Hà,  Kiều Hưng, Nguyên Lưu, Trình Kế, cũng không còn cách nào chống chọi được nữa. Nhiều thành viên trên tàu cũng thế, một hai ngày đầu thì còn cơm nước tưng bừng, nhưng sau đó cơm chẳng được mà cháo cũng không xong… Mình thì nhiều lần cứ nôn nao, bắt đầu từ cái thóp ức, vùng giữa ngực và bụng. Những lúc như thế, ngay lập tức mình bước ra lan can thành tàu, bịn đó hoặc nằm ngay xuống giường, ở tư thế nghiêng, chân và tay đều bịn vào thành giường, nhắm mắt lại cho nó qua cơn “sóng gió”…. Và khi thấy trong người hơi đỡ một chút là ngay lập tức nhỏm dậy, làm tiếp cái công việc đang dang dở, đó là viết. Mấy ngày nay mình cứ hối hả viết, vì sợ mất đi cái cảm giác chợt đến, chợt đi, sự kiện chồng lên sự kiện, câu chuyện chồng lên câu chuyện. Vì phía trước nữa là điểm đến. Thế là viết, tranh thủ lúc nào được là viết, say thì dừng, bớt say lại viết. Kể cả ba đêm liền 7, 8 và 9/5/2008, cứ khoảng 2 giờ sáng là mình thức dậy, xoa đầu, xoa cổ một chút, vệ sinh cá nhân xong là viết. Viết cho đến khi loa trên tàu thông báo “toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”  thì cũng là lúc kim đồng hồ  chỉ 5h kém 10’. Dừng viết, bước ra boong tàu, hít thở khí trời, khí biển. Trong lành quá, bao la quá, hùng vĩ quá… Bất giác ngẩn người thầm nghĩ, đất nước mình đẹp  như thế này sao!!! .

 

Con tàu tiếp cận khu vực Nhà giàn khoảng hơn 5h30’ sáng ngày 9/5/2008. Từ xa nhìn nhà giàn giống như cái chòi canh trên đất liền. Và quả thật, nó cũng làm nhiệm vụ như một cái chòi canh như quan sát, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát mọi hoạt động xung quanh nó. Song điều đặc biệt hơn, nó chính là  “chứng nhân” khẳng định chủ quyền của Tổ quốc ta trên biển. Được biết, sau năm 1988, trước sự táo tợn của các thế lực bên ngoài, Đảng và Chính phủ ta đã quyết định xây dựng một loạt nhà có chân trên biển mà ta thường gọi là nhà giàn. Ban đầu chỉ là những cọc sắt, cọc bê tông được mang ra  từ đất liền để đóng xuống nền san hô hoặc bãi đá ngầm, rồi dùng neo sắt chằng chéo.  Vì toàn bộ khu vực thềm lục địa phía Nam, thủy triều dù có xuống thấp đến đâu, các rạng san hô, bãi đá ngầm vẫn không thể trồi lên khỏi mặt nước được. Vì thế giải pháp cuối cùng là  phải xây dựng loại nhà có chân trên biển. Như vậy, cả khu vực biển phía Nam của quần đảo Trường Sa, ở thời điểm đó, ta xây dựng được 20 nhà giàn. Kiểm tra về mức độ bền vững, các cơ quan chức năng khẳng định rằng nhà giàn của chúng ta có khả năng chịu đựng những cơn bão có sức gió mạnh cấp 10 trở lên cấp 12. Mạnh hơn nữa là phải sơ tán. Thế nhưng sau đó khu vực nhà giàn gặp nạn, cơn bão bất ngờ đổ bộ vào với sức gió cấp 10, 11, mặc dù đã phát tín hiệu khẩn cấp và trong bờ cũng đã đưa tàu đến ứng cứu, nhưng vì phạm vi  quá rộng, không xử lý hết, bão đã làm cho 5 nhà giàn bị đánh sập, gần mười chiến sỹ ta hy sinh trong sự kiện thảm khốc này. Rút kinh nghiệm xương máu từ trận bão năm đó, theo chỉ đạo của Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Hải quân đã cho xây dựng các thế hệ nhà giàn tiếp theo trên cơ sở áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới. Nhà giàn mà chúng ta đang sử dụng hiện nay là thế hệ thứ ba. Không những thế, từ sau sự kiện đó, Bộ tư lệnh Hải quân còn bố trí các tàu lớn  túc trực khu vực nhà giàn để trong trường hợp có diễn biến thời tiết xấu thì nhanh chóng sơ tán cán bộ, chiến sỹ trên các nhà giàn, kiên quyết không để bất kỳ tai hoạ nào xảy ra lần nữa.

 

Theo kế hoạch, Đoàn công tác sẽ đến  thăm cán bộ, chiến sỹ đang công tác trên nhà giàn lớn, trong chuỗi nhà giàn của khu vực, nó có cái tên rất lạ là nhà giàn Quế Đường DK1. Sau khi vượt qua nhà giàn nhỏ đầu tiên lúc 5h30’ sáng thì đến gần 8h, tàu  mới thả neo cách nhà giàn Quế Đường hơn một cây số. Gió to, sóng lớn. Anh em phóng viên ùa ra boong tàu để quay phim, chụp hình nhà giàn, một dạng cấu trúc đẹp, tư thế vững. Mình nghĩ, sóng gió thế này thì khó lòng xuồng nhỏ có thể tiếp cận được. Nhớ lại trưa hôm qua, gió chừng ấy, sóng chừng ấy, nhỏ hơn lúc này khoảng một nửa mà khó khăn là thế, nguy hiểm là thế, còn hôm nay thì chắc  là “chịu” rồi. Đang nghĩ quẩn quanh thì đồng chí Nguyễn Cộng Hoà, Trưởng Đoàn công tác bước đến, đồng chí bảo, gió to, sóng lớn như lúc này thì chắc là phải đợi, hy vọng khoảng 12h trưa gió dịu, sóng giảm rồi  sẽ tính. Thế nhưng càng về trưa gió lại càng to, sóng lại càng dữ, vì thế mà ngay cả phương án tối thiểu nhất là chỉ tổ chức một xuồng để Trưởng đoàn cùng vài chiến sỹ Hải quân vào thăm và trao quà cho anh em bên đó cũng không thể nào thực hiện được... Tội thật.  Đến lúc này mình càng suy nghĩ, sao  lại rủi ro như thế. Bởi vì đây với đó chỉ cách nhau hơn 1000 mét, trong khi phải đi hơn 1000 kilômét mà chỉ nhìn nhau, mà không gặp được nhau thì đúng là tiếc thật. “Ông trời” nhiều lúc cũng trở chứng, trở nết, thiếu sự cảm thông, thiếu sự chia sẻ. Đặc biệt, các thùng quà từ đất liền, đâu đó sẵn sàng, chỉ cần một giờ gió yên, biển lặng, mọi việc sẽ êm đẹp biết chừng nào. Đằng này, không như thế. Thế nhưng, dù thế nào cả tàu vẫn gắng đợi. Song càng đợi  thì gió càng to mà kế hoạch chuyến đi còn đang ở phía trước. Vì thế cuối cùng Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hoà, Trưởng Đoàn công tác quyết định, đến khoảng 13h30’, nếu như tình hình vẫn không có gì cải thiện, thời tiết vẫn không cho phép, thì trước khi tàu nhổ neo nửa giờ đồng hồ, ta thực hiện phương án quay loa 500W của tàu về phía nhà giàn để chúc anh em và hát cho anh em nghe. Các đồng chí thông báo để các cô văn công Đoàn nghệ thuật quân chủng Hải quân chuẩn bị. Tôi sẽ nói chuyện bằng bộ đàm với anh em để chúc anh em và rất mong anh em thông cảm.  Nghe thế, bất giác mình lại nhớ cái chi tiết mà Thủ trưởng Hoà nhắc đến khi cả Đoàn lên thăm đảo An Bang, đó là thời tiết ở đảo An Bang khá khắc nghiệt, có khi tàu đến trước đảo thả neo rồi, nhưng đoàn công tác cũng không thể vào được, tàu phải mở loa,  cho anh em nghe chúc, nghe hát rồi chạy tiếp… Cả anh em trên tàu và trên đảo đều khóc… Cái câu chuyện nghe lạ nhưng rất thật ấy, rất may đã không xảy ra ở đảo An Bang trong chuyến đi này và ngay ngày hôm qua thì hôm nay điều ấy lại sắp diễn ra  ngay tại đây, tại nhà giàn Quế Đường DK1.  Và như kế hoạch, đúng 13h30’ loa bắt đầu phát, đầu tiên là những câu hỏi… Alô, các anh ở nhà giàn Quế Đường có nghe rõ không? Các anh ở nhà giàn Quế Đường có nghe rõ không? Câu hỏi ấy cứ được lặp đi, lặp lại… Nếu các anh nghe được thì hãy vẫy tay lên đi, vẫy tay lên đi… và anh em bên nhà dàn Quế Đường nghe được. Đầu tiên là những cái vẫy tay, sau đó là hàng loạt cánh tay giơ lên, nào cờ, nào mũ, nào khăn… Cái gì vẫy được là giơ lên vẫy. Cầm chiếc bộ đàm trên tay,  Trưởng đoàn công tác Nguyễn Cộng Hoà nói: Tôi, Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hoà, Phó chính ủy quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác ra thăm và kiểm tra các đơn vị trên quần đảo Trường Sa xin được thông báo đến các đồng chí đang có mặt trên nhà giàn Quế Đường là Đoàn đại biểu của các tỉnh, thành phố đến đây lúc 8h sáng, rất tiếc là thời tiết hôm nay không được tốt, gió to, sóng lớn, nên tôi quyết định cho thả neo dừng tàu  từ 8h sáng đến bây giờ đã hơn 5 tiếng,  hy vọng gió sẽ dịu lại, sóng sẽ yên hơn để tôi cùng một số cán bộ Hải quân vào thăm và chuyển quà  cho các đồng chí.

 

Thế nhưng như các đồng chí thấy, sóng gió như thế này thì không cách nào xuồng cập vào nhà dàn được. Vì thế, qua bộ đàm tôi xin nói mấy lời với các đồng chí. Trước hết thay mặt Bộ tư lệnh Hải quân và các đồng chí trong Đoàn công tác, chúc các đồng chí sức khoẻ, đoàn kết, thắng lợi.  Như các đồng chí biết, dù đã vượt qua hàng nghìn cây số để đến thăm các đồng chí nhưng rất tiếc là không đến được với các đồng chí, rất mong các đồng chí hết sức thông cảm. Ta hẹn nhau là sẽ quyết tâm gặp vào chuyến kế tiếp. Nhân đây tôi đề nghị với các đồng chí là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các đồng chí cũng phải đặt ý thức cảnh giác lên hàng đầu, đồng thời phải hết sức chú ý đến diễn biến của thời tiết. Nếu phát hiện điều gì bất lợi thì nhanh chóng báo cáo ngay cho Bộ tư lệnh để xử lý. Quà của binh chủng và của các đoàn tặng cho các đồng chí đã mang đầy đủ ra đây, nhưng không đưa đến tay các đồng chí được. Tiếc quá. Với trách nhiệm đối với các đồng chí, tôi sẽ gởi theo tàu C71 ngay sau đây. Vậy nhé, một lần nữa mong các đồng chí thông cảm và xin chào các đồng chí.

 

Phía bên kia bộ đàm là tiếng nói của đồng chí phụ trách nhà giàn Quế Đường DK1, đồng chí nói: “Báo cáo với Thủ trưởng, thay mặt anh em trên nhà giàn Quế Đường,  tôi xin chúc Thủ trưởng và các đại biểu khỏe. Chúng tôi hiểu là do sóng gió quá lớn nên thủ trưởng và các đại biểu mặc dù đã vất vả đi hàng nghìn cây số để đến thăm cán bộ, chiến sỹ chúng tôi nhưng không vào được. Không chỉ Thủ trưởng và đoàn công tác không vui mà chúng tôi cũng quá luyến tiếc. Thế nhưng biết làm sao được, mong Thủ trưởng và các đại biểu đừng phải day dứt, buâng khuâng gì nữa. Hy vọng vào chuyến kế tiếp. Một lần nữa xin thay mặt cán bộ, chiến sỹ trên nhà giàn Quế Đường kính chúc sức khoẻ Thủ trưởng và các đại biểu. Xin hứa với Thủ trưởng và với cấp trên, là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng sẽ quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Xin cảm ơn những phần quà của đất liền dành cho đảo,  dành cho nhà giàn Quế Đường chúng tôi”.

 

Câu chuyện càng lúc càng đạt đến đỉnh điểm. Ban đầu trên khoang lái của con tàu chỉ có Chuẩn đô đốc, Phó chính ủy quân chủng Hải quân Nguyễn Cộng Hòa, anh  Phạm Huy Tú, anh  Đỗ Khắc Phương, tổ lái và một số diễn viên của đoàn Văn công quân chủng. Thế nhưng khi nghe Thủ trưởng Hòa chúc các cán bộ, chiến sỹ nhà giàn Quế Đường thì cả khoang lái  hầu như không còn chỗ cho người đứng. Anh chị em các đoàn, đặc biệt là phóng viên các báo họ ào lên ghi âm, ghi hình, chụp ảnh tới tấp. Tôi nghĩ rằng đó là những giây phút đáng nhớ, những chi tiết đáng giá của chuyến đi này.  Bây giờ ngồi ghi lại, mình vẫn với tâm trạng trào dâng khó tả.

 

queduong2-080627.jpg
Các đại biểu trên tàu HQ996 vẫy chào nhà giàn Quế Đường ĐK1

 

Đồng chí chỉ huy nhà giàn Quế Đường vừa dứt lời thì các cô gái văn công quân chủng Hải quân bắt đầu hát, xong 1 bài, qua bộ đàm các cô hỏi các anh có nghe các em hát rõ không? Ở đầu bên kia: Xin cảm ơn các em, các anh nghe rất rõ… và các cô lại hát, lại hát với những giai điệu mượt mà, lướt gió, lướt sóng đến với các anh. Thân thương quá, ấn tượng quá. Thì ra gặp gỡ cách này cũng có cái hay, cái độc đáo của nó… Mình nghĩ… mặt thì cách mặt, lòng không xa lòng.

 

Trên buồng lái  của con tàu các cô văn công tiếp tục hát, hát trong nước mắt, đến khi chị Tô Hà xuất hiện, chị Tô Hà cầm trên tay quyển sổ, vừa nói, vừa ngồi sà xuống  sàn tàu. Tôi đề nghị các anh cho tôi được đọc bài thơ tôi vừa viết gởi đến cán bộ, chiến sỹ nhà giàn Quế Đường DK1. Đề nghị của chị ngay lập tức được đáp ứng. Bằng giọng đọc hết sức truyền cảm, tự đáy lòng mình, với bài thơ viết vội nhưng rất sâu, rất thật ấy, đã làm cho không một ai có mặt lúc đó có thể cầm được nước mắt. Anh Huỳnh Ngọc Sanh tâm sự, tôi thuộc loại cứng cỏi dữ lắm, nhưng trước tình cảnh đó tôi cũng không thể kiềm lòng được. Còn tôi khi nghe chị Tô Hà  đọc xong bốn câu thơ đầu tiên là nước mắt cứ thế trào ra. Tôi không thể đứng thêm ở đó được nữa, vội bước ra boong tàu nhìn sang các anh bên đó. Vừa nhìn, vừa  nghe chị Hà đọc hết bài thơ trong niềm xúc động khó tả. Một đồng chí trong tổ lái chắc cảm động lắm nên  lập tức dùng bộ đàm gọi ngay các anh bên nhà giàn để hỏi là các anh có nghe bài thơ của một nhà văn nữ vừa sáng tác  và tự trình bày đó không? Phía bên kia trả lời  ngay là chúng tôi nghe rất rõ, bài thơ rất hay, rất xúc động. Ngay sau thời khắc ấy, tôi nhờ Trương Đức Thuận gặp  chị Tô Hà  để xin ghi lại bài thơ thấm đẫm tình người này”.

 

“Sừng sững giữa trùng khơi sóng gió/ Quế Đường vươn mình trong bão táp mưa sa/ Mang vóc dáng Tổ quốc mình nơi đó/ Chí kiên trung vượt mọi phong ba/ Chúng tôi biết ngày lại ngày trên biển/ Anh không nguôi nỗi nhớ quê nhà/ Khát một câu dân ca, một dáng hình con gái/ Một lá thư nhà ấm mong ước đoàn viên/ Không đến được với anh dù đã kề giàn nổi/ Chúng tôi lại đi như những cánh chim trời/ Xin gởi lại tình đất liền sâu nặng/ Qua những ngọn sóng bạc đầu/ Ơi Quế Đường ơi!”.

 

Và rồi, dù có phải chạnh lòng đến đâu đi nữa thì cũng đã đến lúc phải nói lời chia tay, nói lời tạm biệt. Tất cả những người có mặt trong khoang lái lúc đó, đồng loạt ùa ra thành tàu… Các cánh tay lại vẫy  lên từ hai phía, không dứt, không mỏi, trên nền bài hát đã trở thành nỗi nhớ  của biết bao người, của biết bao chuyến đi ra đảo. Bài hát “Gần lắm Trường Sa”. Thôi nhé!!! Chào các đồng chí nhé…

 

Nhà giàn Quế Đường DK1 cứ xa dần, xa dần rồi mất hút ở phía chân trời… trong nước mắt, trong thổn thức, trong sóng và gió muôn đời trên quần đảo Trường Sa.       

 

 (còn nữa)

 

VŨ VĂN THOẠI 

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy     

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 8)
Thứ Năm, 26/06/2008 14:40 CH
Làng người cao tuổi
Thứ Tư, 25/06/2008 13:27 CH
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 7)
Thứ Tư, 25/06/2008 08:15 SA
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 6)
Thứ Ba, 24/06/2008 14:10 CH
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 5)
Thứ Hai, 23/06/2008 07:40 SA
Tác nghiệp ở Trường Sa
Chủ Nhật, 22/06/2008 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek